Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 97

Giá Trị Vượt Ngoài Giá Trị



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Vô vọng và mạt vận
Không tin không cảm kích
Phá vỡ mọi mắt xích
Chính thị bậc thượng nhân






.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Assaddho akatannu ca
Sandhicchedo ca yo naro
Hatavakaso vantaso
Sa ve uttamaporiso

Như Trúc chuyển biên:

Duyên sự:
Một lần tại chùa Kỳ Viên, trước mặt 30 vị tỳ kheo từ rừng mới về, Đức Phật hỏi tôn giả Xá Lợi Phất có tin rằng niềm tin khi được phát triển đưa đến bất tử không. Tôn giả xá Lới Phất trả lời rằng Ngài không thành tựu tuệ giác dựa trên niềm tin dù niềm tin ở bậc đạo sư. Nhóm tỳ kheo kia nghe vậy cho rằng tôn giả Xá Lợi Phất đã nói những lời không thích đáng. Đức Phật nhân đó đã giải thích tại sao với một bậc giải thoát thì không y cứ trên đức tin để hiểu biết lẽ thật và Ngài dạy kệ ngôn trên.

TT Trí Siêu: Hôm nay chúng ta sẽ nghe và thảo luận câu Pháp Cú số 97. Bài kệ nầy đã được Thế Tôn thuyết về câu chuyện của Tôn giả Xá Lợi Phất. Bài kệ có điểm đặc thù là nói lên pháp tánh của một vị A La Hán tức là vị đã được giải thóat. Chính một vị đã được giải thoát, tự mình giác ngộ, tự mình hiểu Pháp, tự mình chứng đạt cứu cánh bất tử cho nên sở hành của vị nầy hết sức đặc biệt, khi chúng ta nghe qua, chúng ta có cảm giác dường như là một vị giải thoát Ngài phủ nhận tất cả những gì mà kẻ phàm phu chúng ta khi bước chân vào trong sự tu tập, bước chân vào đạo, chúng ta đã tuân thủ một cách hết sức là nghiêm túc. Chính điểm đó mà chúng ta có thể hiểu được như thật như chân về giá trị của một vị đã đắc quả, đã chứng ngộ giải thoát. Giá trị của một vị chứng quả giải thoát phải có một cái gì đó đặc biệt hơn, phi thường hơn chứ không phải như kẻ phàm phu của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng hễ chúng ta đi vào trong đạo, chúng ta phải có lòng tin nơi bậc đạo sư. Ở đây, trong bài kệ chúng ta thấy rõ là một vị A La Hán như Tôn giả Xá Lợi Phất được Đức Phật dạy rằng ‘Sa ve uttamaporiso’ ‘Chính thị bậc thượng nhân’, một vị như vậy mới là một con người tối thượng.

Một vị A La Hán, như thế nào được gọi là một con người tối thượng? Một vị A La Hán sau khi đã tự mình chứng biết được chân lý thì vị ấy sẽ không còn tin tưởng tha nhân, không còn tin tưởng ở người khác, dù người đó là Đức Phật. Vì những gì mà người ấy chứng đạt là do trí tuệ thực chứng, dựa trên kinh nghiệm thực chứng của mình, đây là một điểm đặc thù của một vị A La Hán. Bởi vậy cho nên đôi lúc nếu chúng ta không suy niệm, chúng ta không thẩm xét về pháp tánh của một vị chứng ngộ chân lý như một vị A La Hán, một vị giải thoát, thì sẽ xảy ra hai trường hợp:

- Một, chúng ta nghĩ rằng một vị A La Hán không có gì đặc biệt, chỉ là một người tu hành được Đức Thế Tôn xác nhận là một vị đã giải thóat, chỉ là như vậy thôi.
- Trường hợp thứ hai là nếu chúng ta không suy xét khi chúng ta nghe một vị A La Hán bày tỏ trước mặt bậc đạo sư về thái độ không dựa vào tín quyền, không dựa vào đức tin, không còn tin tưởng một ai khác.

Thì lúc đó chúng ta sẽ vội phê phán và chúng ta cho rằng như vậy vị đệ tử nầy hết sức ngỗ ngáo trước mặt bậc đạo sư. Nhưng ở đây không phải là như thế. Khi chúng ta còn dựa vào tha nhân, dựa vào người khác mà chúng ta tin, thì niềm tin của chúng ta sẽ không được kiên cố, sẽ không được vững chắc vì niềm tin không dựa trên cơ sở trí tuệ thực chứng giác ngộ, mà niềm tin đó thường thường kẻ phàm phu của chúng ta chỉ dựa vào sắc tướng, âm thanh, dựa vào phong cách khổ hạnh hay là chúng ta dựa vào lời thuyết cúa các vị đó, ý nghĩa thuyết pháp của người khác mà chúng ta có niềm tin. Hạng thường nhân của chúng ta có niềm tin là như vậy.

Ở đây chúng ta không thể phủ nhận niềm tin trong việc tu tập, vì có niềm tin thì chúng ta mới có thể thành tựu được những thiện sự khác, nhưng đó là với thái độ của hạng thường nhân, hạng phàm phu thì cần thiết phải có niềm tin. Đối với một vị đã thực chứng, đã hiểu được các pháp do tự mình chứng ngộ, thì đối với vị đó, niềm tin vào người khác không cần thiết nữa. Chúng ta cũng bíết sở dĩ chúng ta đặt niềm tin nơi Đức Phật vì chúng ta phải nương tựa vào dấu chân của Ngài đã đi mà chúng ta có được một sự dũng cảm, một sự nhiệt huyết, cũng giống như khi chúng ta đi đến trước một dòng suối nước chảy, chúng ta là người chưa am tường và chưa từng đi qua lại trên dòng suối nầy, chúng ta chưa biết được dòng suối nầy có nguy hiểm hay không, sâu hay cạn thì bấy giờ nếu muốn có sự can đảm để bước qua thì chúng ta phải có niềm tin nơi người đi phía trước. Nếu như một người nào đó đã lội qua dòng suối một cách an toàn thì tự nhiên chúng ta dựa vào niềm tin nơi người đó, bắt chước người đó mà chúng ta lội qua, chúng ta không cảm thấy sợ hãi. Còn khi một người đã tự mình lội qua được rồi thì lúc bấy giờ cho dù sau đó nhìn thấy người khác lội qua thì cũng không cần thiết phải đặt niềm tin nơi người đó bởi vì chính mình đã kinh nghiệm qua rồi.

Cũng vậy, khi nào mà chúng ta chưa vượt khỏi bể khổ trầm luân, chưa chấm dứt đựợc sự sanh tử luân hồi, lúc bấy giờ chúng ta thấy cuộc đời nầy rất nguy hiểm, con đường nầy rất nguy hiểm, chưa được an toàn. Do đó khi chúng ta hướng đến bờ bên kia để tìm sự an tòan, mà chúng ta chưa có kinh nghiệm thực chứng do chính bản thân mình, lúc bấy giờ chúng ta phải dựa vào các niềm tin, như tin nơi Đức Phật, tin nơi Giáo Pháp, tin nơi Tăng Chúng, hay là tin vào tha nhân, một vị nào đó, một đối tượng nào đó để chúng ta có thể an lòng dấn bước trên con đường tu tập. Nhưng khi trở thành một vị A La Hán, đã tự mình chứng ngộ được pháp giải thoát thì vị nầy không cần thiết phải có niềm tin. Vì vậy ở đây, khi Tôn giả Xá Lợi Phất được Đức Phật hỏi thì Ngài đã trả lời Đức Phật rằng Ngài không còn tin ai cả. Ngài tin chỉ dựa trên sự thực chứng.

Một ý nghĩa khác nữa trong bài kệ, từ ngữ akatannu tức là hiểu vô vi. Chữ vô vi ở đây là chỉ cho Niết Bàn, một trạng thái không bị tạo tác bởi duyên, tức là không có duyên tạo ra, một vị đã giải thoát tức là vị ấy đã thấu triệt được tánh chất của pháp đoạn diệt, là trạng thái tịch tịnh, vắng lặng đối với ngũ uẩn, đối với hiện hữu của danh và sắc. Vị A La Hán hiểu thấu điều đó. Giống như vị A La Hán biết rằng sở dĩ ngọn đèn tắt là vì ngọn đèn đó không còn dầu hay không còn tim, vì vậy cho nên lửa không cháy, mà lửa không cháy tức là tắt, vị ấy biết rõ như vậy. Chứ không phải sự cháy và sự tắt của ngọn đèn do một người nào đó làm ra, vị nầy thực chứng rõ ràng như vậy. Danh từ akatannu trong bài kệ là như vậy.

Ở đây chú giải của Pháp Cú cũng có nói thêm như thế nầy để chúng ta đừng hiểu lầm, chữ katannu là tri ân, chữ akatannu là người vô ân tức là không biết được cái ân của ngưới khác, không tri ân người khác.

Nhưng thưa quý vị, ở trong bài kệ khẳng định rằng người akatannu tức là người hiểu pháp vô vi tức là người đã thấu triệt liễu tri được Niết Bàn.

Một vấn đề khác nữa là người santhicchedo là người cắt đứt mọi hệ lụy hay gọi là mạt vận. Tại sao gọi là cắt đứt mọi hệ lụy? Chữ sandhi có nghĩa là sự nối tiếp, mà sự nối tiếp nầy như chúng ta thấy ở trong Duyên Sinh có những sự nối tiếp giữa nhân quá khứ với quả hiện tại, giữa nhân hiện tại với quả hiện tại, giữa nhân hiện tại với quả vị lai. Đối với đời sống sanh tử luân hồi, trải qua vòng lẩn quẩn gọi là thập nhị nhân duyên, cứ cái nầy duyên cho cái kia, pháp kia duyên cho pháp nọ. Chính nhân ở quá khứ cho phát sanh quả hiện tại, và chính quả hiện tại làm môi giới cho nhân hiện tại, và nhân hiện tại làm mối nối cho quả vị lai, cứ tiếp tục như vậy. Ở đây một vị A La Hán là người cắt đứt mọi sự tương tục tức là cắt đứt mọi mối nối, đã phá vỡ những mối nối nầy, do vậy cho nên chúng ta phải hiểu rằng đối với một vị A La Hán, tại sao được gọi là một vị chấm dứt sanh tử luân hồi. Giống như sợi dây xích khi còn nối những vòng tròn với nhau thì sợi dây xích đó còn kéo dài mãi. Khi nào cắt đứt một mắt xích, mối nối giữa hai đầu dây thì lúc bấy giờ sợi dây đó sẽ bị đứt. Cuộc sống sanh tử luân hồi ngày nào mà chúng ta chưa cắt đứt mối nối giữa hành và thức hay là mối nối giữa thọ và ái, hoặc là mối nối giữa hữu và sanh thì lúc đó vẫn tiếp tục sanh tử luân hồi. Một vị A La Hán đã phá vỡ mối nối đó nên được gọi là santikhedo.

Một ý nghĩa nữa ở trong bài kệ nói rằng hatavakaso có nghĩa là cơ hội đoạn tận hay là mạt vận. Cơ hội ở đây ám chỉ cho cái gì? Cơ hội ở đây ám chỉ cho những nguyên nhân tác thành quả luân hồi trong tương lai, nguyên nhân đó chính là nghiệp, nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Hễ khi nào chúng ta còn tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác thì còn cơ hội để tái sanh, bởi vì chính nghiệp thiện hoặc nghiệp ác trở thành hành hoặc nghiệp hữu trong duyên sinh, và chính hành hoặc nghiệp hữu trong duyên sinh được xem như cơ hội để tạo ra quả hiện tại hoặc quả vị lai. Một vị A La Hán đã đoạn trừ mọi phiền não, do đó đối với pháp thiện và pháp ác là hai cơ hội để tạo quả trong tương lai, Ngài không còn chú ý đến, nghĩa là không còn xảy ra nữa. Ở đây mới nghe qua chúng ta thấy có một vấn đề cũng lạ, vì sao một vị A La Hán lại không làm thiện? nếu không làm thiện thì như vậy có phải còn làm ác hay không? Không phải như vậy. Khi còn là một kẻ phàm phu, chúng ta tu tập thì chúng ta phải làm nhiều thiện sự bởi vì những thiện sự đó sẽ thay thế cho những việc bất thiện. Chúng ta tạo việc lành để xóa mờ đi những ác nghiệp, vì vậy chúng ta cần thiết phải có những việc thiện. Như Đức Phật đã dạy rằng:

Người nào dùng hạnh lành
Để xóa mờ ác nghiệp
Sẽ sáng chói đời nầy
Như trăng thoát khỏi mây

Ở đây chúng ta phải hiểu rằng thiện sự, hay thiện nghiệp cũng giống như chiếc bè, chúng ta chỉ sử dụng chiếc bè để qua sông, khi chúng ta đã qua bờ bên kia, đã đi lên bờ một cách an toàn thì lúc bấy giờ không có một lý do nào để chúng ta mang vác theo chiếc bè đó, chúng ta phải bỏ lại. Cũng như thế ấy, đối với việc ác, chúng ta phải ngăn chận, phải dứt bỏ thì đã đành rồi nhưng khi chúng ta còn sanh tử luân hồi, chúng ta còn lặn hụp trong bể khổ trầm luân thì chúng ta còn phải nhờ đến thiện sự, mặc dù những thiện sự đó là cơ hội, là nguồn cội, nguồn gốc để vẫn còn đưa tái sanh, tái sanh về những cảnh giới mặc dù là an lạc ở cõi người, cõi trời hay cõi phạm thiên, nhưng vẫn còn cơ hội đưa đi tái sanh. Tuy nhiên nếu chúng ta khéo tác ý thì chính những thiện nghiệp nầy một ngày kia cuối cùng sẽ giúp kết thúc vòng sanh tử luân hồi, chấm dứt tất cả những cơ hội tái sanh. Lúc bấy giờ đối với một vị A La Hán, gánh nặng đã đặt xuống, việc nên làm đã làm, phiền não đã đoạn tận, phạm hạnh đã thành, sau đời sống nầy không còn đời sống khác. Đối với một vị A La Hán là như vậy, Ngài đã đọan tận mọi cơ hội bởi vì gánh nặng đã đặt xuống.

Khi chúng ta còn tạo những thiện nghiệp hay ác nghiệp trong đời sống hàng ngày của chúng ta, đó cũng là một gánh nặng. Ác nghiệp là một gánh nặng, cái đó chúng ta đã hiểu, nhưng thiện nghiệp cũng là một gánh nặng. Những khi chúng ta làm thiện, đôi lúc chúng ta cũng gặp những chông gai, chúng ta phải tranh đấu với những tư tưởng của mình, chúng ta phải phấn đấu với những nghịch duyên, nghịch cảnh ở bên ngoài, để vượt qua những chướng ngại nghịch duyên đó để làm thiện sự. Trong lúc chúng ta làm thiện sự đôi lúc chúng ta cảm nhận và thấy rằng đó là một gánh nặng, là phiền toái nhưng tại sao chúng ta vẫn phải làm? Vì nếu chúng ta không tạo những thiện sự, không tạo việc lành, không mang gánh nặng nầy thì kẻ phàm phu của chúng ta sẽ khởi sanh lên những ác bất thiện pháp, ngay khi đó chúng ta bỏ rơi gánh nặng thiện pháp thì sẽ khoác lên vai những gánh nặng ác bất thiện pháp thì càng nguy hiểm hơn cho chúng ta. Nhưng đối với vị A La Hán thì Ngài không cần phải mang gánh nặng thiện pháp nữa vì gánh nặng ác pháp Ngài đã bỏ xuống rồi, Ngài tự do tự tại, đã được giải thoát, vì thế ở đây chúng ta phải hiểu một vị A La Hán tại sao diệt tận mọi cơ hội, chấm dứt mọi cơ hội thiện và ác bởi vì thiện và ác xem như là cơ hội, điều kiện dẫn đi tái sanh.

Một vần đề khác nữa trong bài kệ gọi là vantaso, ở đây gọi là vô vọng tức là không có sự hy vọng. Tại sao gọi là không có sự hy vọng? Bởi vì khi chúng ta làm, chúng ta còn là kẻ phàm phu thì chúng ta còn hy vọng điều nầy, hy vọng điều kia, chúng ta còn mong mỏi những hành động thiện sẽ đưa đến một kết quả như vầy như vầy, cho dù rằng khi chúng ta làm thiện chúng ta còn mong mỏi còn mơ ước đạt đến trạng thái cứu cánh, chúng ta còn có sự hy vọng thì đừng nói chi sự hy vọng mơ ước tái sanh về những cảnh giới nhân thiên, sự hy vọng đó vẫn còn là mầm mống chấp nối chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi, cho đến khi đã là một vị A La Hán thì sự hy vọng nầy được cắt đứt. Hy vọng nầy không còn xảy ra đối với một vị A La Hán bởi vị đó đã thấu triệt được Niết Bàn, thấy rõ được pháp vô vi, tức là đối với pháp hữu vi có tánh sanh và diệt và chúng sanh diệt, sanh diệt tiếp nối cho nên vẫn còn chứa chấp nhiều sự khổ đau phiền lụy, cho dù rằng làm việc thiện cũng là một sự phiền toái, một sự hy vọng sẽ mang đến cho chúng sanh đó một niềm thất vọng.

Nhưng khi chúng ta đã giác ngộ được Niết Bàn, đã chứng ngộ, đã liễu tri được Niết Bàn, lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy rõ các pháp hữu vi đều có tánh sanh diệt nên có sự khổ đau. Khi nào dứt được tánh sanh diệt của pháp hữu vi thì không có sự khổ đau, và khi đạt được mục đích đó thì vị nầy không còn hy vọng. Cũng giống như bây giờ khi chúng ta còn ngồi ở trường lớp, còn là một học sinh, sinh viên thì lúc bấy giờ còn sự hy vọng trong những kỳ khảo thí và còn hy vọng được thành đạt, tốt nghiệp sau khi ra trường; nhưng khi một người đã tốt nghiệp đã có được bằng cấp rồi, đã thành đạt rồi thì lúc bấy giờ đối với họ sẽ không có sự hy vọng trong việc thi cử. Vì vậy chúng ta sẽ không thấy lạ khi đọc bài kệ nầy. Chúng ta thấy vị A La Hán là một vị vô vọng, là một vị không có sự hy vọng, chúng ta phải biết rằng tất cả những gì mà trước đây vị A La Hán khi còn là bậc hữu học hay là kẻ phàm nhân mà vị đó đầu tư trong thiện pháp để có được niềm tin, để tạo được niềm hy vọng, tạo được cơ hội thì lúc bấy giờ khi vị đó đã chấm dứt sanh tử luân hồi, đã đạt được cứu cánh giải thoát, lúc bấy giờ đối với vị đó không còn tin ai nữa, không còn hệ lụy gì nữa, không còn cơ hội nào nữa và vị đó không còn có sư hy vọng gì nữa. Ở đây không phải đạt đến trạng thái của vị A La Hán như vậy là một người sống trong tình trạng bế tắc. Chúng ta phải hiểu rằng đó là một sự tự nhiên, pháp tánh tự nhiên của một vị A La Hán.

Cũng như bây giờ khi chúng ta còn đau bệnh thì chúng ta còn phải thường xuyên đi bác sĩ và chúng ta còn có sự hy vọng để được điều trị và còn có sự hy vọng để hết bệnh, nhưng một khi chúng ta đã dứt bệnh rồi, đã bình phục, đã trở thành con người khỏe mạnh rồi thì lúc bấy giờ những gì trước đây khi còn là bệnh nhân chúng ta còn phải dính mắc, chúng ta còn phải bị chi phối sự hy vọng để lành bệnh thì lúc bấy giờ đối với người hồi phục không còn những vấn đề dính mắc đó, cũng như một vị A La Hán. Cho nên khi mà tôn giả Xá Lợi Phất trình bày thái độ của mình đối với Pháp, Đức Phật muốn hỏi vấn đề nầy để cho tôn giả Xá Lợi Phất là bậc đại trí tuệ, Ngài giải thích trình bày. Sau khi trình bày xong, 30 vị tỳ kheo ẩn lâm nầy có thái độ không được hài lòng với câu trả lời của Tôn Giả Xá Lợi Phất và có sự bàn tán về thái độ của Ngài Xá Lợi Phất thì nhân cơ hội đó, Đức Phật thuyết lên bài kệ nầy để giải tỏa những nghi vấn trong tâm của 30 vị tỳ kheo. Một điều hết sức đặc biệt là 30 vị tỳ kheo nầy mặc dù trước đó có sự ngộ nhận hiểu lầm tôn giả Xá Lợi Phất, nhưng vừa khi nghe Đức Phật thuyết lên bài kệ thì các vị đó hiểu được và thấy được Pháp, ngay trong lúc đó, tại chỗ ngồi, 30 vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán với đầy đủ tuệ phân tích. Đó là điểm mà chúng ta thấy vô cùng hoan hỷ. Thật sự khi đề cập đến quả vị A La Hán, có đôi lúc người phật tử chúng ta nghe danh từ đó, chúng ta hiểu một cách mơ hồ và chúng ta chỉ biết một cách chung chung, đó là một vị đã đắc quả Niết Bàn và đã chấm dứt sanh tử luân hồi, nhưng khi chúng ta đọc lại trong phẩm A La Hán của kinh Pháp Cú, trong suốt nhiều câu trình bày pháp tánh của vị A La Hán thì lúc đó chúng ta cảm nhận được một điều thực là vô cùng vĩ đại cho một con người giải thoát. Và một con người đã thành tựu các pháp tánh như vậy, được Đức Thế Tôn xác nhận là bậc thượng nhân ‘uttamaporiso’, ’Đích thị bậc thượng nhân’. Trong bài kệ nầy có ý nghĩa là như thế.

Tóm lại chúng tôi xin đọc nguyên bài kệ mà Đức thế Tôn đã dạy:

Assaddho akatannu ca
Sandhicchedo ca yo naro
Hatavakaso vantaso
Sa ve uttamaporiso

“Không tin”, hiểu Vô vi,
Người cắt mọi hệ lụy,
Cơ hội tận, xả ly,
Vị ấy thật tối thượng.

Ý nghĩa bài kệ nầy đã được TT Giác Đẳng dịch tóm gọn lại:

Vô vọng và mạt vận
Không tin không cảm kích
Phá vỡ mọi mắt xích
Chính thị bậc thượng nhân

Với công đức giảng pháp nầy, xin nguyện cho quý chư tôn đức và các phật tử hiện có mặt đang thành tâm nghe pháp, mong cho tất cả được an vui, tiến hóa.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 97


Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu