Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 96

Hành Xử Của Bậc Giải Thoát





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Vị ấy bậc thành tựu
Giải thoát nhờ chánh trí
Tịnh thanh từ tâm ý
Ðến hành động, ngôn từ







.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Santa.m tassa mana.m hoti
santaa vaacaa ca kamma ca
Sammada~n~naa vimuttassa
upasantassa taadino

Minh Hạnh chuyển biên:

DUYÊN SỰ

Trưởng lão Tissa vô ý gây thương tích cho một con mắt của vị sa di đệ tử. Ðến khi biết sự tình thì vô cùng hối hận nhất là trước thái độ hết sức nhẹ nhàng, điềm đạm của sa di trẻ tuổi. Vị trưởng lão đã quỳ xuống xin được tha thứ, người đệ tử ôn tồn trả lời: thưa thầy đây không phải là lỗi tại thầy cũng chẳng phải lỗi tại con mà là lỗi của sự luân hồi. Ngài Tissa xúc động mãnh liệt trước thái độ cư xử và ngôn từ của người đệ tử liền tìm đến Ðức Phật để thỉnh giáo. Ðức Phật cho biết vị Sa Di ấy đã là bậc giác ngộ hoàn toàn giải thoát nên thân khẩu ý trong sáng và tịnh lạc

TT Giác Đẳng: Chúng ta lại đọc một bài kệ khác ở trong phẩm Ứng Cúng nói về hành trạng của chư vị thánh nhân. Cũng giống những bài kệ trước ở đây chúng ta lại nhìn thấy một khía cạnh và trong khía cạnh đó cho chúng ta nhiều bài học, nhưng phải nhận rằng cũng là một cảnh giới mà vượt ngoài cái tư nghì thông thường của tất cả chúng ta, những người phàm nhân sống trong thế gian này.

Trong bài kệ này đề cập đến cách cư xử của một vị thánh nhân giải thoát dù vị đó là vị sadi còn rất nhỏ tuổi, cũng như một số các truyện tích chúng ta được nghe trong kinh Pháp Cú có những vị thành tựu chánh trí giải thoát lúc 7 tuổi, còn rất nhỏ. Có thể tri kiến về thế gian không có như trường hợp sadi Tissa đệ tử của Ngài Xá Lợi Phất, nhưng khi Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi vị sadi này về con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ thì vị này trả lời một cách hết sức trôi chảy, trả lời không phải từ việc học pháp giống như một con mọt sách, trả lời không phải là vì kiến văn được nghe lại mà trả lời là do chính ở sự thực chứng của mình. Trong trường hợp này cũng vậy, một vị sadi nhỏ tuổi lúc xuất gia thì theo truyền thống chư tăng khi trao truyền quy giới cho vị sadi thường nhắc đến đề mục thiền quán, và vị này khi nghe đến đề mục thiền quán do túc duyên đã chính mùi nên khai triển tuệ giác và ngộ đạo. Chúng ta cũng biết rằng cho dù vậy vị sadi vẫn sống với vị Thầy của mình là Ngài trưởng lão Tissa, Ngài trưởng lão Tissa thì trong bản kinh Pháp Cú chú giải cho biết rằng Ngài vẫn là một vị phàm tăng. Nó lại là một sự kiện rất thú vị khác là một người có thể hiểu được chánh pháp, nghe pháp và thấy được pháp nhưng không nhất thiết vị đó phải được khai thị từ một vị Thầy đã đắc đạo chứng quả. Đây là một câu chuyện hết sức có giá trị cho chúng ta suy ngẫm về một điểm là giá trị của chánh pháp là một giá trị như thật, không phải vì lời dạy đó đến từ một vị cao hay thấp và nếu lời dạy đó là lời dạy đủ tác động đời sống tâm linh của người nghe thì điều đó có khả năng khai mở tuệ giác. Trong trường hợp này Ngài Tissa là một vị phàm tăng nhưng khi dạy đề mục thiền định như là đã thường làm trong tất cả các giới đàn trong những buổi trao truyền qui giới cho người xuất gia thì ở đây sadi Tissa được thừa hưởng gia tài chánh pháp mà Đức Phật Ngài đã để lại do trưởng lão Tissa là người đã chuyên chở và đã trao gửi cho sadi.

Câu chuyện chúng ta được biết đến là trong một buổi tối khi vị sadi ngồi trong phòng để hầu Thầy, thì vị này ngồi kiết già lưng thẳng, và thời xưa không có đèn như chúng ta hôm nay, vào buổi sáng sớm Ngài Tissa gọi vị sadi thức dạy sớm chỉ nghĩ rằng mình lấy cái quạt để đánh thức vị sadi này nhưng không biết là vị sadi đang ngồi do đó trong lúc vô ý làm cái cán quạt va vào con mắt vị sadi và tạo vết thương chảy máu. Sự vô ý như vậy thỉnh thoảng cũng xảy ra, có thể là do nghiệp và do nhiều nguyên nhân khác, nhưng trong trường hợp này vị sadi không một tiếng kêu la chỉ lẳng lặng bụm mắt lại để cho vết thương đừng chảy máu, và chạy đi làm những công việc của mình là buổi sáng sớm vị này mang nước vào cho vị Thầy và khi dâng nước cho vị Thầy thì mọi khi thì đưa hai tay hôm nay vì một tay bụm con mắt bị thương nên vị này chỉ đưa một tay thôi, trưởng lão Tissa lấy làm lạ và hỏi thì mới biết được sự tình và khi biết được sự tình và thấy rằng mình đã vô ý gây thương tích cho người học trò mà người học trò chẳng những không một lời kêu ca mà vẫn trở lại làm phận sự của mình hằng ngày một cách hết sức bình thản, một niềm hối hận dâng lên trong lòng vị trưởng lão và vị này không biết phải làm gì, vị này đã xin người học trò của mình tha thứ cho sự bất cẩn đó. Sadi Tissa không phải là một người thành niên ở bên ngoài và cũng không phải là một người được đào tạo trong trường lớp gì, nhưng bằng tất cả sự hiểu biết kiến văn của một vị giải thoát, cái kiến văn này không đến từ sự học hỏi mà kiến văn này đến từ sự thành tựu giải thoát và giải thoát này có được là do chánh trí mà lát nữa chúng ta sẽ bàn thêm.

Do vậy lời nói hành động ngôn từ của vị này hoàn toàn được lắng đọng không vẩn đục phiền não và lời nói hành động ngôn từ của vị này hoàn toàn chẳng những trong sáng mà còn hết sức an bình một sự an bình như mặt nước phẳng lặng. Thì vị sadi nói với Thầy của mình một câu:

"Bạch Thầy, đây không phải là lỗi của Thầy và cũng không phải lỗi của con, mà là lỗi của sự luân hồi."

Nghe nói như vậy một niềm xúc động dâng cao trong lòng của Ngài Tissa, không phải vì Ngài Tissa cảm nhận được lời nói đó nhưng Ngài Tissa cảm nhận được phong thái hết sức phi phàm, một phong thái của một con người hoàn toàn giải thoát từ vị sadi toát ra khi vị này có thể nói với mình trong lúc vết thương chảy máu như vậy, và rồi không biết phải làm gì Ngài Tissa nhanh chóng rời khỏi trú xứ của mình tìm đến gặp Phật để thỉnh giáo. Thì Đức Phật giống như một bóng mát như một cội tùng lớn khi nào các vị tỳ kheo có những vấn đề gì và nhất là trên phương diện tu tập trong đời sống thì đều tìm đến Đức Phật như là con tìm tới cha, và khi tìm đến Đức Phật thì được Đức Phật cho biết rằng vị sadi đó không phải là một phàm nhân mà là vị thánh đã đạt quả vị vô sanh chánh trí nên phong thái và đặc biệt ở đây là lời nói hành động ngôn từ không thể giống như phàm nhân được, và Đức Thế Tôn nhân vậy đã dạy bài kệ này

Vị ấy bậc thành tựu
Giải thoát nhờ chánh trí
Tịnh thanh từ tâm ý
Ðến hành động, ngôn từ

Có một vài bản dịch là vị ấy là vị thành tựu chánh trí rồi thành tựu giải thoát, nhưng mà thưa qúi vị ở trong văn của bài kệ này thì chúng ta có thể dịch cả hai phương diện, chúng tôi có đối chiếu với một bản dịch, trong bản dịch của Ngài Narada và một bản dịch khác của Ngài Buddharakkhita thì các Ngài đều dịch là thành tựu giải thoát nhờ chánh trí.

Trong bài kệ này đề cập đến hành trạng của một vị đã giải thoát, có rất nhiều ý nghĩa hết sức quen thuộc với người Phật tử, tuy vậy khi chúng ta lắng đọng tâm tư thì sẽ thấy rằng những ý nghĩa đó rất quan trọng, đặc biệt trong con đường tu tập. Khi chúng tôi còn nhỏ có đọc một vài tác phẩm nói về đức điềm tỉnh, đức điềm tỉnh là một đức được xem như nói lên phong thái của người trượng phu của một người trưởng thành của một người có giáo dục, nhưng sau này chúng tôi nhớ lại khi đọc các bản kinh và so sánh quan niệm giữa đạo và đời thì chúng ta thấy rằng sự điềm tỉnh không đơn giản là một điều mà chúng ta có thể thực tập chỉ vì nhờ trí tuệ, mà ở đó cũng cần đến một sự thật là sự trưởng thành thấy biết cái gì nên làm, nên ở trong trường hợp chúng ta phải đối diện bất ngờ với những tai họa của đời sống, đời sống này thì có trăm ngàn thứ bất ngờ. TT Viên Minh trong một bài viết đó là quyển "Thư thầy trò" TT nói rằng cuộc sống của chúng ta giống như một người đánh tennis, chúng ta phải chuẩn bị cho những cú đánh bất ngờ và cũng đòi hỏi rằng ở trong cuộc đời này đến với chúng ta một cách lớp lang tuần tự, phải nói rằng với những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống con người của chúng ta dễ rơi vào trong một phản ứng hết sức là bản năng, không có chuẩn bị và không thể đối phó hợp tình hợp lý được, chúng ta thường hay hụt hẫn vì nhất thời không biết phải làm gì hơn.

Câu chuyện ở đây là một câu chuyện rất quan trọng, không phải chỉ về thái độ mà lời nói của vị sadi trẻ tuổi học trò của Ngài Tissa cũng là bài học rất lớn: "Thưa Thầy, không phải là lỗi tại Thầy, không phải là lỗi tại con, mà là lỗi của sự luân hồi." Khi nói như vậy tức là một vị giải thoát có thể nhìn vấn đề như cái nhìn toàn diện chứ không phải là cái nhìn nhân ngã, ai đúng ai sai, người này đúng người kia sai, mà thấy rằng đã sống trong cõi hồng trần này thì những chuyện đó vốn không tránh khỏi. Một lời nói đẹp về phương diện ý nghĩa và cũng là lời nói đáng được tâm đắc cho mỗi chúng ta, chúng ta cần phải tâm niệm bởi vì điều này là một therapy là một phương pháp trị liệu tâm lý rất tốt.
Nếu chúng ta đi trên một con đường lầy lộ, hôm nay thì chúng tôi không biết có vị nào sống ở xứ người mà còn nhớ đến những con đường lầy lội của quê hương, chúng tôi xa quê hương đã lâu không biết những con đường đó còn lại hôm nay hay không, nhưng nhớ rằng lúc còn ở Việt Nam những khi trời mưa thì đường lầy lội, mang dép Nhật, dép đó đi đến đâu thì bùn văng lên ở phía sau và lúc nào y áo phía sau cũng dính bùn, đi ở trên con đường lầy lội nếu giả xử như một người trợt té và làm văng nước trúng người kia thì chúng ta có thể ngồi đó trách tại sao người kia vô ý làm sình vấy bẩn vào người của mình, nhưng mà rồi chúng ta lại quên đi một điều rằng bởi vì đi trên con đường lầy lội thì chuyện đó vốn rất thường xảy ra, đó không phải là lỗi tại mình không phải lỗi tại người mà là lỗi của sự luân hồi. Có ai sống trong biển trầm luân này mà có thể thoát khỏi được những hệ lụy của kiếp người, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này ở trong rất nhiều trường hợp từ hôn nhân cho đến xã hội cho đến những bối cảnh mà chúng ta gọi là cuộc sống hợp quần của đông đảo người như trong một tổ chức hay trong một cộng đồng hoặc giả là trong một chợ đời cũng vậy, chúng ta đi vào trong một buổi chợ thì ở đó có những điều được điều không được, và đó là bản chất thật sự của đời sống. Khi mà vị sadi thánh nhân trẻ tuổi này nói lên ý nghĩa là lỗi tại luân hồi, thì thưa qúi vị nó không phải là một lời nói đãi bôi, không phải là lời nói để cho qua việc, mà vị này đã soi sáng một việc rất quan trọng là đã sống trong cõi trầm luân này thì nghiệp quả của nghiệp, và tất cả những tuế toái, tất cả những phiền lụy là điều không thể tránh khỏi. Và ở đây không may đó là một vết thương va vào mắt một trường hợp khiến cho vị thầy hết sức ăn năn, nhưng thật sự thì việc này là một việc vốn tự nhiên vậy.

Thì thưa qúi vị có một khuynh hướng cố hữu trong mỗi chúng ta là đối diện với rất nhiều trường hợp, trong những trường hợp chúng ta không hài lòng, hay gặp phải một việc gì bực bội thì thường hay tìm một người để qui trách để đổ lỗi tại vì sự đổ lỗi đó có khi làm chúng ta hả dạ nguôi ngoai cơn giận. Như lúc còn nhỏ mà nếu chúng ta chạy lỡ vấp phải ghế rồi té và người lớn thường lấy roi đánh vào cái ghế đó để làm hả dạ chúng ta. Chúng ta thường tìm một đối tượng một người nào đó để làm vật thế thân và trút cơn giận lên người đó. Nhưng với Đức Phật và với chư vị thánh nhân giải thoát thì thái độ đó là một thái độ rất là trẻ con, làm sao có thể sống ở trong kiếp trầm luân như là một người nhuộm vải, làm sao mà tay không dính màu được, chuyện đó là chuyện chắc chắn phải có, đã lăn lộn ở trong cõi hồng trần này thì cái vui cái buồn cái phiền não là một việc chắc chắn không thể nào không có được. Điều này nó cũng soi sáng cho chúng ta một ý nghĩa rất quan trọng là cái thấy chân chánh nó dẫn đến giải thoát và sự giải thoát đó vượt xa tất cả những giá trị khác về đạo đức về luân lý về quả chứng, cho dù mình ở địa vị nào, cho dù chúng ta là ai và cho dù chúng ta học thức đến đâu đi nữa mà cái thấy của chúng ta không được toàn diện, cái biết của chúng ta không được tinh xác, thì chúng ta rất khó tiêu hoá và rất khó để có thể đón nhận điều trái ý nghịch lòng, mà có thể chúng ta lại là một người tự mình là nạn nhân và làm cho người khác cũng trở thành nạn nhân của cái nhìn hết sức lệch lạc của cuộc sống.

Câu chuyện này tuy rất đơn giản nhưng mang một ý nghĩa lớn, ý nghĩa lớn không phải chỉ nói đến hành trạng của vị thánh nhân giải thoát mà ngay cả đời sống hàng ngày của chúng ta những người phàm nhân nếu có ý thức thật sự trong sáng, thật sự rõ ràng thì chúng ta cũng sẽ hoá giải được rất nhiều phiền muộn nhất thời. Có thể là chúng ta phiền muộn nhưng mà sau đó nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não bực bội bởi vì chúng ta nhìn vấn đề một cách thông suốt. Trong câu chuyện này nói lên cái lỗi của sự luân hồi, cái lỗi của luân hồi ở đây không phải là câu nói đơn giản bởi vì ở trong cuộc sống luân hồi này nói đến nghiệp quả phiền não, không những chỉ nói đến nghiệp quả phiền não mà nói đến bao nhiêu cái ràng buột chi chít của vòng sinh hoá mà trong vòng sinh hoá đó hoàn toàn mờ mịt với chúng ta, nói một cách mang máng thì chúng ta là người tạo rất nhiều nghiệp ở trong quá khứ mà trong số nghiệp đó có cả nghiệp thiện lẫn bất thiện, và dĩ nhiên là nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện, nghiệp thiện thì thỉnh thoảng chúng ta mới có nhân duyên làm và việc bất thiện thì vô số. Chúng ta có cả một kho tàng vừa tài sản vừa là thuốc nổ tai họa, chúng ta thừa tự cái nghiệp của mình tức là chúng ta kê vai gánh cả quá khứ một cái quá khứ mà không thể giải thoát dễ dàng được, và cái gì mà chúng ta đã tài bồi ở trong quá khứ dù là công đức dù là thiện nghiệp lớn đến đâu thì nó vẫn khó so sánh được với nghiệp bất thiện mà chúng ta đã tạo. Hãy nhìn trong đời sống hàng ngày chúng ta có cả một quá khứ mà mình rất mơ hồ nhưng chúng ta tin chắc biết là có kiếp quá khứ, không phải một kiếp mà vô lượng kiếp quá khứ, với bao nhiêu nghiệp quả và nó sẵn sàng để trổ.

Thì thưa qúi vị một người hiểu như vậy thì người đó sẽ viễn ly thế gian và hướng cầu giải thoát, sự hướng cầu giải thoát nói lên một ý thức rất rõ ràng về tại sao cuộc sống lại có nhiều hệ lụy như vậy, tại sao cuộc sống có nhiều thương đau như vậy, chúng ta trong đời sống này bởi vì cái nhìn rất lạc quan, sống bằng hy vọng, hy vọng có thể là không thật sự tuy nhiên qua cái hy vọng cũng vẽ cho chúng ta một cuộc đời là một bức tranh màu xanh đầy hy vọng. Có một lần chúng tôi có nhắc một câu thơ cũng trong pháp hội giảng kinh Pháp Cú này một vị thi sĩ khi cảm nhận được đời sống của mình nó được đi tới được lớn mạnh và bên cạnh đó thì nó có cái giá phải trả, vị thi sĩ đó đã viết rằng "bầu trời trong mắt con ngày một xanh thêm là tóc mẹ ngày thêm sợi bạc." Thì bầu trời trong mắt chúng ta mỗi lúc một xanh thêm thì nó cũng có giá trả, ở đây người con muốn cảm nhận một điều là mình càng lớn lên mình càng thành công thì mẹ càng già đi, già vì tuổi đời theo năm tháng và già là bởi vì nhọc nhằng nuôi con, chúng ta thấy không biết bao nhiêu bà mẹ vì lo lắng cho con học thành tài mà phải hy sinh cả tuổi xuân và hy sinh nhiều thứ.

Phải có ý thức lắm, cái ý thức đó phải cao vợi và ý thức đó phải lớn mạnh lắm đủ để chúng ta thấy toàn diện vấn đề, đủ để cho chúng ta thấy cả hai phương diện cái đẹp và cái không đẹp, nếu chúng ta không có cái nhìn toàn diện thì chúng ta chỉ có thể ý thức được một mặt, cái mặt đó là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, nhưng chúng ta không thấy cái mà một vị thánh nhân đã nói rằng đó là lỗi của sự luân hồi. Và bên cạnh đó thì một bài học rất quan trọng là tinh thần nhân ngã của chúng ta, tinh thần nhân ngã là tinh thần đối đãi hoặc là trách mình hoặc là trách người, đó là quan niệm chúng ta thường có. Trách mình thì ăn năn hối hận như trường hợp Ngài Tissa ở đây khi biết được rằng mình đã lỡ tay làm tổn thương vị sadi của mình. Nhưng trách người thì không cần phải lấy một ví dụ nào hết, ở đây chúng ta có vô số ví dụ trong đời sống, chúng ta thất bại, chúng ta phiền lụy, chúng ta không vui thì cái lỗi đó có thể đổ cho rất là nhiều người, đổ lỗi cho những người thân của mình và đặc biệt không may là những người rất thân với mình, đó là vợ, đó là chồng, đó là những người gần với mình, mình nghĩ rằng những người đó đã không làm cho mình hạnh phúc an lạc, và chúng ta trách cả thế gian này, chúng trách cả quốc gia, chúng ta trách cả một nguồn máy chính quyền, trách một vị tổng thống, chúng ta thấy mỗi lần kinh tế lên xuống thì người ta thường có một ý kiến rất khác biệt đối vị đang lãnh đạo quốc gia. Có thể nói có vô số đối tượng để chúng ta trách móc, nhưng trong tất cả sự trách móc đó chỉ nói lên một điểm là chúng ta thường quan niệm vấn đề hoàn toàn có một chiều, một nguyên nhân. Và quan niệm đó quả thật là quá đơn giản với thực tế của đời sống, bởi vì có trăm ngàn người đang sống trong trần gian này tại sao chúng ta là một nạn nhân duy nhất. Thì thưa qúi vị điều đó nó liên hệ đến nghiệp trong quá khứ của chúng ta mà không thể trách ai, có thể chúng ta tạo một cái nghiệp bây giờ và một đời hai đời sau chúng ta lại quên mất rồi nhưng mà quả của nghiệp vẫn còn đó có cơ duyên thì nó có thể sinh khởi được.

Nên chi ở trong thái độ và trong lời dạy của vị sadi Ứng Cúng đã giải thoát này cho chúng ta thấy được một cái nhìn hết sức thấu đáo, một cái nhìn hoàn toàn hợp với lẽ đạo với lẽ thật, và lẽ thật này không phải ai trong chúng ta cũng đủ sự bình tỉnh và cũng đủ trí tuệ để quán xét vấn đề. Chúng ta thường có nhân sinh quan hoàn toàn khác chứ không đơn giản như vậy, và trong bài kệ này vị ấy thành tựu giải thoát chánh trí. Nói đến đạo quả chúng tôi lại nhớ rằng xưa nay có nhiều quan điểm về đắc đạo chứng quả hoặc giả là chúng ta lại có quan niệm nhiều về cứu cánh của mình, thông thường bởi vì chúng ta tin vào một quyền năng siêu nhiên, một đấng toàn năng tối thắng sáng tạo chủ như là thượng đế, do vậy chúng ta quan niệm rằng những thành quả dầu là quả vị cao hay quả vị thấp trong việc tu hành vun bồi công đức của mình đều được xem như là phần thưởng.

Thật ra quả vị trong đạo Phật không đề cập như vậy. Trong truyện cổ tích con bìm bịp, truyện cổ tích của một nhà sư đi về Tây Phương để cầu gặp Phật, trên đường đi có một người đàn tín nông dân phát tâm vì nghe vị này đến Tây Phương thì tự mổ bụng mình lấy lục phủ ngũ tạng để nhờ vị tỳ kheo đó mang đến Tây Phương dâng lên Phật như là tất cả tấm lòng, nhưng mang đi một vài ngày thì vị này không chịu nổi sự hôi thúi của những thứ bất tịnh nên đã quăng đi và khi về Tây Phương gặp Phật thì Phật đã trách và không cho vị này thành chánh quả mà sanh làm con bìm bịp. Đó là một câu chuyện cổ tích chứ không phải một câu chuyện trong Phật pháp, nhưng câu chuyện cổ tích ảnh hưởng rất nhiều nói rằng một người tu hành mà xứng đáng thì sẽ được Đức Phật Ngài ban cho một quả vị như chúng ta vẫn thường nghe là quả thấp quả cao, hay trong Tịnh Độ Tông có nói đến Cửu Phẩm Liên Hoa, thì quả vị thấp hay cao mà được ban tặng ban bố xếp đặt an bày với một vị Phật hay một đấng tối cao nào đó không phải là quả vị chúng ta đề cập đến ở đây, quả vị ở đây sở dĩ là giải thoát nhờ chánh trí thì ở đây nói lên một ý nghĩa là sự giải thoát của vị này hoàn toàn ở chỗ tuệ giác bừng khai và giác ngộ là ngưỡng cửa của giải thoát, do giác ngộ vị này giải thoát được tất cả và do giác ngộ giải thoát là cứu cánh của đạo Phật nó khiến cho chúng ta những người Phật tử có quan niệm về quả vị tu tập hoàn toàn khác biệt.

Chúng tôi nhận thấy có một bài viết khi nói về bản dịch này thì đề cập đến ba nghiệp của một vị thánh nhân giải thoát là có ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh. Thường thường chúng ta nói đến thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, nhưng chúng tôi tránh không dùng chữ nghiệp ở tại đây là bởi vì vị thánh nhân thì đã đoạn tận mầm mống không tạo nghiệp nữa và dĩ nhiên khi chúng ta nói đến tam nghiệp chúng ta chỉ nói đến cái sở hành, không nhất thiết là nói đến quả của vị thánh nhân. Nói đến sở hành tức là lời nói hành động ngôn từ thì các vị cũng nói nhưng cái nói đó không nuôi dưỡng chủng tử của luân hồi, chủng tử của quả tốt và xấu về sau này, vị đó làm chỉ là làm, sống chỉ là sống, chứ các vị đó không reo rắt thêm chủng tử luân hồi nên ở đây chúng ta tránh không dùng chữ ba nghiệp, mặc dầu ở trong mạch văn nào đó thì cũng tạm dùng được nhưng ở đây chúng ta không dùng chữ này. Thưa quí vị trong văn pháp của bài kệ có dùng chữ taadino một bậc như vậy thì thân được an, khẩu được an, ý được an, thân khẩu ý đều hết sức phẳng lặng, cái sự phẳng lặng bình tỉnh trong sáng không giao động này đó là kết quả tự nhiên của tuệ giác của ý thức, một con người không còn nhìn vấn đề theo nhân ngã nữa mà chỉ nhìn vào thực tại; "đây không phải là lỗi tại mình không phải lỗi tại người mà lỗi tại luân hồi" và là một vị giải thoát thì sự biểu lộ gì của vị này đều phi phàm, mặc dù sự biểu lộ đó Ngài Tissa vừa mới ăn năn và vừa nhìn thấy được lời nói mà có thể trọng nặng hơn là cả núi thái sơn và vị này cảm thấy xúc động mãnh liệt không thể chịu đựng được nữa đành phải đến gặp Đức Phật để xin Đức Phật có một lời chỉ giáo, trong trường hợp này Đức Phật Ngài dạy rất rõ ràng là bởi vì đó là một vị giải thoát nên thân khẩu ý sở hành không thể được tư nghì bình thường và con người chúng ta chỉ có thể hiểu một cách đơn giản đó là những gì an tịnh do nhờ chánh trí giác ngộ giải thoát.

Chúng tôi không biết rằng người Việt Nam của chúng ta có quen cách nói này không, nhưng mà chúng tôi thấy rằng thỉnh thoảng có được đọc một vài câu chuyện của người Trung Hoa họ hay có một cách biểu đạt là có những người nuôi một niềm hiềm hận nuôi một phiền não trong lòng có thể đến năm năm mườn năm, rồi một ngày nhìn thấy một cái gì đó họ chợt tỉnh ngộ họ thông suốt vấn đề, cái thông suốt vấn đề và cái tỉnh ngộ của vị này không phải đơn giản là bởi vì vị này đã vận dụng được tâm ý của mình để trở nên điềm tỉnh trở nên từ bi, sự vận dụng đó không phải là câu chuyện đề cập tại đây mà vị này đã có thể thấy và biết được sự thật do thấy và biết được sự thật nên tâm hồn nhẹ thêng thang như là một câu kinh Pháp Cú chúng ta được học qua trước đây, trong trường hợp này Đức Phật Ngài dạy rằng sự trong sáng sự phẳng lặng đó nó không những là bản sắc của một vị giải thoát mà điều này nó trở thành một sự thù ứng cho tất cả những cái gì xảy ra ở chung quanh dầu là nó đến một cách rất bất ngờ, sự bất ngờ đó có thể hoàn toàn không chuẩn bị và đối với một người thường thì nó có thể là một sự tổn thương lớn, nhưng đặc biệt ở tại đây thì với một vị thánh nhân thì các Ngài hoàn toàn an trú với tâm bình lặng và không có gì làm thay đổi trạng thái tâm bình lặng của một con người giác ngộ giải thoát và đạo quả giác ngộ giải thoát ở đây là do tuệ giác chứ không phải là do một ai ban bố hay là một cái tặng phẩm một sự ban thưởng nào, và thưa qúi vị chúng tôi xin được kết thúc bài pháp ở tại đây để nói lên một cái ý nghĩa của bài kệ này như là chúng ta vừa đọc

Vị ấy bậc thành tựu
Giải thoát nhờ chánh trí
Tịnh thanh từ tâm ý
Ðến hành động, ngôn từ

Là một câu xác định của Đức Phật để dạy rằng một con người đã giải thoát đã thành tựu được tuệ giác thì tự nhiên thân khẩu ý của vị này được vắng lặng được trong sáng không phải vận dụng qua một sự vận dụng lý trí hay một sự suy tư nào khác mà điều đó là điều tự nhiên, và chúng ta cũng nghe một lời dạy rất quan trọng mà chúng ta có thể đọc đi đọc lại trong đời sống mình như là một câu thần chú đó là "đây không phải lỗi tại mình không phải lỗi tại người mà là lỗi của sự luân hồi." Chúng ta nếu có được cái nhìn toàn diện cho dù không phải là một vị thánh nhưng cái nhìn toàn diện đó giúp cho chúng ta hoá giải nhiều những cái hiềm hận những oan kết và những thấy biết mang tánh cách là cục bộ hạn hẹp và do cái nhìn mở rộng như vậy chúng ta sẽ tìm thấy trước nhất là niềm an lạc thanh thản thật sự trong lòng của mình và không gây phiền lụy cho người khác bởi vì những phiền não của bản thân đó cũng một cống hiến rất lớn cho trần gian nhiều đau khổ này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 96


Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu