Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 83

Bậc Trí Biết Giữ Lòng Thanh Thản




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Hiền nhân không chấp thủ
Tịnh giả chẳng hoang ngôn
Ðối ngoại cảnh vui buồn
Lòng an nhiên tự tại


                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Sabbattha ve sappurisaa cajanti
na kaamakaamaa lapayanti santo
Sukhena phu.t.thaa atha vaa dukhena
noccaavaca.m pa.n.ditaa dassayanti.
.
Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Như chúng ta đã được nghe chánh văn của bài kệ hôm nay:

Hiền nhân không chấp thủ
Tịnh giả chẳng hoang ngôn
Ðối ngoại cảnh vui buồn
Lòng an nhiên tự tại

Kệ ngôn Pháp Cú 83 này có một vài điều mà chúng ta phải làm rõ nghĩa trước khi chúng ta đi vào nội dung, bởi vì đây là một cách dịch.

Sabbattha ve sappurisaa cajanti
Sabbattha có nghĩa là tất cả mọi nơi

Cajanti nghĩa là từ bỏ, xả ly không dính mắc, chúng ta có thể dịch một cách nôm na là không dính mắc bất cứ một điểm nào hết. Về điểm này là một điểm rất tế nhị được đề cập đến trong Phật pháp, nhưng đặc biệt đối với những vị hành thiền khi tâm có một dính mắc, một cái gì khiến cho chúng ta không thể buông bỏ được, thì ở tại đó tâm của chúng ta chênh vênh. Nói một cách khác là cái gì đến được thì phải đi được, cái gì nhấc lên thì phải bỏ xuống được.

Thường thường ở trong các bản dịch tiếng Anh, chữ "cajanti" dịch là "let go." Let go là nếu ngày hôm nay chúng ta đi đến một buổi hội chợ, buổi hội chợ rất là vui, rất huyên náo, rồi chúng ta trở về cứ luyến tiếc và mơ ước là làm sao mỗi ngày đều có hội chợ như vậy, khi người ta cho biết là hội chợ không còn tổ chức nữa thì chúng ta cảm thấy rất buồn, điều đó có nghĩa là chúng ta không thể để những thứ đó nó ra đi mà không có một sự dính mắc. Những điều dính mắc này Ngài Ajahn Liem Ngài thường ví dụ như một người đi đường nhìn thấy những tảng đá rồi thích những tảng đá cứ nhặt lên bỏ vào trong túi của mình lâu ngày trĩu nặng trên đôi vai, không phải chỉ có những viên sỏi, những khối đá nhỏ mà có khi cả tảng đá lớn chúng ta cũng vác trên vai nữa, nhưng chúng ta thường làm vậy ở trong cuộc đời này, ít có khi nào chúng ta chịu đặt nó xuống. Một vị thiền sư được mời sang thăm viếng Âu Châu trong lúc đi trên xe lửa thì vị này lại nói một thí dụ, là với một người không có thiền định họ giống như một người lên xe lửa mà tay vẫn còn cầm cái vali nặng không chịu buông xuống, bởi vì nếu chúng ta để vali xuống thì chúng ta và cái vali đó nó cũng sẽ đến nơi đến chốn, còn nếu chúng ta cầm trên tay thì cái vali đó dĩ nhiên nó cũng theo chúng ta đến nơi đến chốn, nhưng chúng phải mệt mỏi phải bận tay và phải vất vả hơn nhiều là vì phải cầm cái vali đó suốt cuộc hành trình. Như vậy chữ mà Ngài muốn nói là chữ "cajanti" có một ý nghĩa rất đặc biệt là "hãy đặt cái vali đó xuống." Ở đây nó không tạo cho chúng ta một cảm giác là nghèo nàn hay một cảm giác là chúng ta rời xa cái mà mình thích, mà nó cho chúng ta một cảm giác thật sự thanh thản là tại vì chúng ta không cố nắm lấy nó.

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có đôi lúc nhìn thấy trẻ em chơi một món đồ chơi gì đó mà khi đi ngủ vẫn còn nắm ở trong tay không chịu buông ra, và ngay cả buổi tối khi đi ngủ thì vẫn cố nắm giữ với tâm tư sợ ai sẽ lấy đi món đồ chơi của mình. Nói tóm lại là khi tâm không chịu xả ly một cái gì đó thì chúng ta gặp một vấn đề là hầu hết tất cả năng lực tâm trí đều hướng về một chỗ, lệ thuộc cho một chỗ, và vì vậy nó không thể còn có năng lực để cho những thứ khác được. Thì trước nhất ở đây trong kinh dùng chữ "sappurisaa" tức là những bậc hiền nhân những người có trí tuệ ở trong cuộc đời này thì biết thế nào là phải buông những vật mà mình đã nhấc lên, và thế nào là bỏ những vật mà mình đã núm níu lại. Hễ cái gì đến được thì cái đó phải đi được thì như vậy gọi là hạnh xả ly "cajanti".

kaamakaamaa lapayanti

Chữ kaamakaamaa tức là muốn cái gì mà có tác động dục, muốn cái gì mà có tác động làm sanh khởi ý muốn mình. Lấy ví dụ là chúng ta đi tìm những âm thanh ngôn ngữ hình ảnh kích thích lòng dục của chúng ta, giống như chúng ta chưa đủ những dục vọng chúng ta còn phải tác động phải kích động nó nhiều hơn. Trong mạch văn này người ta dùng chữ "lapayanti", chữ "lapayanti" ở đây nó phải đi chung với kaamakaamaa lapayanti có nghĩa là những cách nói chuyện mà trong cách nói chuyện đó nó làm gia tăng sự ham muốn dục lạc. HT Minh Châu dịch là "người hiền không màn các dục," nhưng ở đây chúng tôi không dịch như vậy mà chúng tôi dịch là "tịnh giả chẳng hoang ngôn." Chữ "hoang ngôn" ở đây là ý muốn nói rằng có những cuộc nói chuyện có những đề tài của câu chuyện và những đề tài này nó chỉ nhắm vào một mục đích là làm tăng trưởng lòng dục lạc ở trong cuộc đời. Thì thưa qúi vị, có rất nhiều trường hợp mà bản thân chúng ta không thể tự mình đến một nơi nào để ăn một món mà mình thích, không thể tự mình đi chơi được ở một nơi mà mình mong muốn thì những lúc đó chúng ta làm gì, chúng ta hay bàn bạc hay thảo luận về điểm đó. Có thể nói rằng có rất nhiều nhu cầu về đời sống mà khi con người không thể thoả mãn bằng tự thân của mình được, thì qua ngôn ngữ qua sự trò chuyện con người lại đem những câu chuyện đó vào trong các sinh hoạt hàng ngày của mình, và những câu chuyện này làm cho người ta cảm thấy thoả mãn một phần nào đó, nên có đôi khi người ta nói chuyện một cách rất bừa bãi, nói chuyện một cách rất phóng túng, và trong buổi nói chuyện đó sau này khi mình xét lại mình có cảm thấy hổ thẹn được. Đặc biệt là chúng ta cũng tìm thấy có những người ở tuổi nào đó trong cuộc đời khi mà họ chỉ có thể nghĩ tưởng và bàn về các dục lạc của đời sống thì ngôn ngữ của những người này đôi lúc nó không còn tự chủ được nữa, và nó đúng là một thứ hoang ngôn. Hoang ngôn tức là những lời nói hoàn toàn mang tánh cách là thoả mãn cái bản năng của mình.

Sở dĩ có câu chuyện này thì như là chúng ta đã được nghe duyên sự: Một lần Đức Thế Tôn nhận lời đến Veranja để an cư kiết hạ. Veranja đang có nạn đói kém về thực phẩm, dân chúng trong làng ăn những loại thức ăn tương đối rẻ tiền, ví dụ như những thứ bánh được làm bằng cám chẳng hạn. Đức Phật và Chư Tỳ Kheo sống ở bất cứ nơi nào người ta ăn cái gì thì người ta cúng dường cái đó và các Ngài dùng cái đó, bởi vì các Ngài sống bằng hạnh khuất thực. Thì khi người ta cúng dường Đức Phật và Chư Tỳ Kheo bánh này các Ngài vẫn an nhiên để thọ nhận, không đi nơi khác và cũng không làm gì khác hơn, mặc dù đã có một vài đề nghị là một vị thượng thủ thinh văn đệ tử Phật tức là Ngài Mục Kiền Liên sẽ đi khuất thực ở Uttarakuru nhưng Đức Phật không cho phép đi như vậy. Đức Phật và chư tỳ kheo vẫn sống một mùa hạ rất an lạc nhưng vì dân chúng ở bên ngoài tương đối bị đói kém do đó những người ăn xin không có đủ thực phẩm và những người này phải đến tịnh xá để xin bớt phần nào những thức ăn của chư tỳ kheo, vì lòng bi mẫn chư tỳ kheo sau khi ăn chừa lại một phần dành cho những hành khất này, và thưa qúi vị có cả một đám đông hành khất như vậy không đi xin được ở bên ngoài thì họ đến chùa xin các vị tỳ kheo. Sau mùa an cư Đức Phật và chư tăng trở về thành Xá Vệ, Xá vệ chẳng những không mất mùa không bị nạn đói kém mà Xá Vệ lại là một kinh đô hết sức trù phú, qúi Phật tử nào đã hành hương sang Ấn Độ thì qúi vị biết rằng đó là một nơi quanh năm thời tiết điều hoà, mùa nóng nhất và mùa lạnh nhất ở nơi khác khắc nghiệt nhưng đối với Xá Vệ thì không, Xá Vệ thời tiết rất điều hoà và đất đai tại Xá Vệ rất màu mỡ, những bình nguyên mênh mông khiến cho kinh đô của Kosala này rất là phồn thịnh. Đức Phật và chư tỳ kheo trở về Savathi an cư thì người trong thành Xá Vệ vô cùng sung sướng, họ đã cúng dường Đức Phật và chư tăng rất nhiều thực phẩm thượng vị tức là những thực phẩm hết sức thịnh soạn. Khi Đức Phật trở về thành Xá Vệ với chư tỳ kheo thì một số những người ăn xin hành khuất không nhỏ, những người này cũng đi trở về thành Xá Vệ theo chân các tỳ kheo, và chư tỳ kheo đã cho họ những thức ăn còn lại sau bữa ăn của mình, những thức ăn này cũng là những thức ăn thượng vị được chuẩn bị hết sức chu đáo bởi những người Phật tử hữu tâm ở trong thành Xá Vệ. Được ăn một bữa ăn thoả thích no nê và cảm thấy sung sướng như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy, những người hành khuất này ra hồ để tắm, trong lúc họ vừa tắm rất là sảng khoái mà lại sau một bữa ăn ngon nữa cái ngôn ngữ của họ đúng là ngôn ngữ của hí lộng, họ bàn về đủ thứ chuyện và có những chuyện phóng túng, có những chuyện mà hoàn toàn trong ngôn ngữ bình thường chúng ta không bàn đến, nhưng lúc đó họ đã mất tự chủ. Thì các vị tỳ kheo không hài lòng về ngôn ngữ của những vị đó nhất là ở trong bối cảnh ở gần chùa, nên các vị Tỳ Kheo đem chuyện này bạch Đức Phật, Đức Phật đã dạy bài kệ này và trong bài kệ này Đức Phật Ngài chỉ cho chúng ta một vài cái gút mắc của đời sống nội tại.

Tại sao con người khát vọng, con người khát vọng là bởi vì con người không có thoả mãn. Thưa qúi vị khi mà chúng ta đang nói về một cái gì đó và chúng ta nói đến dụng ý là để làm thoả mãn chính mình thì có nghĩa là một phần nào khác của đời sống tinh thần của chúng ta rất là nghèo nàn, nó nghèo nàn đến đỗi mà chúng ta luôn luôn khao khát để đi tìm một thứ khác bù đắp vào và điều này cái sự nghèo nàn về đời sống tinh thần nó khiến cho bản thân của chúng ta luôn luôn hướng vọng tìm một điều là làm sao để thoả mãn. Ở trong ngôn ngữ của thiền định họ gọi là "searching for gratification." Chữ gratification tức là cái gì đó làm cho mình hài lòng, cái gì làm cho mình ưng ý, cái gì làm cho mình dễ chịu thoả mãn được nhu cầu của mình. Bản thân của chúng ta thường ít khi nào nhận rằng chúng ta đang ở trong tình trạng nào. Thường thường người thế gian dùng chữ gọi là "hưởng thụ". Hưởng thụ có nghĩa là chúng ta có một cái bánh ngon và chúng ta ăn cái bánh ngon đó với tất cả sự hoan hỉ thì gọi là hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ thì có rất nhiều trường hợp trong đời sống. Chúng ta uống nước vì chúng ta khát và cái khát đó thật sự nó chỉ là một chứng bịnh của khát ái, chứng bịnh của nó chỉ là sự thiếu thốn, nếu chúng ta không thiếu thốn thì đã không có khát nước và không uống nước. Như vậy uống nước vừa có thể hiểu như là một sự hưởng thụ, nhưng đồng thời nó cũng hiểu như là một sự thiếu thốn, tùy vào cái nhìn của chúng ta. Nhưng mà rồi con người lại đi xa hơn nữa khi bản thân của mình và khi hoàn cảnh không cho phép chúng ta có được những gì mà chúng ta mong muốn, thì chúng ta dành rất là nhiều thì giờ để bàn để nói và có những lời nói rất là quá đáng, có những lời nói đi quá xa và có những lời nói quá nhiều về một dục lạc nào đó. Thì điều đó cũng chứng tỏ rằng một mặt khác của đời sống tinh thần của chúng ta có cái gì đó không có được đầy ắp, không có được quân bình, và nó không có được phong phú vì chính sự nghèo nàn của một phần nào đó đời sống của chúng ta, do vậy chúng ta luôn luôn hướng cầu đến những thứ khác.

Và ở nơi này Đức Phật dạy về hình ảnh của một người thiện trí

Sukhena phu.t.thaa atha vaa dukhena

Là cho dù đối với vui, đối với ngoại cảnh vui buồn. Chữ Sukhena ở đây là với những chuyện vui vẻ hạnh phúc những điều đáng hoan hỉ hay có những điều khổ não, những điều chúng ta không hài lòng thì một người thiện trí vẫn giữ tâm hết sức an tịnh. Có một lần Đức Phật đi vào xóm khuất thực, ma vương ám ảnh tâm tư của những người trong làng khiến họ không ai cúng dường Đức Phật được, Đức Phật vẫn đi và cuối con đường khuất thực Đức Phật vẫn quay trở về thì ma vương hiện ra diễu cợt Đức Phật, và hỏi rằng "hôm nay đi khuất thực không có thực phẩm Ngài có cảm thấy buồn không? thấy đói bụng không?" Thì Đức Phật đã trả lời bằng một bài kệ và trong bài kệ này đã được Sư Trưởng, Pháp Sư Giác Chánh thi hoá:

"Hóa duyên Phật sự phải hành
dù không vật thực tâm lành vẫn vui,
pháp hỉ thiền định có rồi
tâm luôn an lạc như trời Phạm Thiên."

Đức Phật cho biết rằng việc đi khuất thực của Ngài gọi là một việc hóa duyên, tức là tạo điều kiện để cho thế gian này gieo trồng duyên lành, có hay không có vật thực thì tâm của Đức Phật vẫn an lạc bởi vì ngoài vật thực ăn của đời sống thì Ngài còn có một thứ khác đó là những pháp hỉ của thiền định, sự sung mãn của đời sống nội tại thì tâm Ngài lúc nào cũng an lạc giống như trời Phạm Thiên. Ở đây thưa qúi vị đó là một câu kệ khác nhưng mang một ý tưởng tương tự như vậy. Sở dĩ một lúc nào đó mà tâm của chúng ta dễ vui dễ buồn đối với trần cảnh ở bên ngoài là tại vì những lúc đó chúng ta phải coi chừng, hoặc giả sức khỏe của chúng ta không được tốt, khi chúng ta bịnh hay khi chúng ta yếu trong người, tâm của chúng ta dễ bi quan, hoặc giả cuộc sống tinh thần của chúng ta không có sung mãn lắm, nếu chúng ta sung mãn thì chúng ta sẽ có tự tin, và không có để ý gì đến ngoại cảnh nhiều.

Có một lần chúng tôi nói một thí dụ ở trong pháp hội này, là nếu qúi Phật tử biết rõ hai với hai là bốn mà có một người khác họ cãi lại, nói như vậy là sai hai với hai là năm, thì qúi vị sẽ không buồn để tranh cãi và qúi vị sẽ không giận dữ tại vì qúi vị biết rất rõ hai với hai là bốn. Những gì mà chúng ta cãi đến đỏ mặt tía tai, những gì mà chúng ta phải dùng những ngôn ngữ nặng nhẹ để công kích người khác, để tranh cãi với người khác là tại vì nó là dấu hiệu của không có tự tin. Nếu chúng ta tự tin ở cuộc đời này thì chúng ta không cần phải lúc nào cũng bàn luận tranh hơn thua. Đức Phật dạy rằng "thế gian tranh cãi với Như Lai, chứ Như Lai không tranh cãi với thế gian." Tại sao người ta hay nói chuyện hơn thua, cái này cao cái kia thấp, tại vì nó chỉ là dấu hiệu của sự mặc cảm thôi. Khi chúng ta không có mặc cảm nội tại thì chúng ta không nhất thiết là phải nói ai cao ai thấp, pháp này cao pháp kia thấp, người này cao người kia thấp. Chúng ta không thể nói như vậy. Bởi vì tự đời sống tinh thần của chúng ta đã đủ để chúng ta an lạc. Nếu qúi Phật tử có rất nhiều tiền bạc ở trong ngân hàng hay ở một đầu tư nào đó, động sản, bất động sản v.v... và khả năng tài chánh lớn lao này cho phép qúi vị sống đời sống ung dung tự tại, thì dầu mặc một bộ áo sơ sài qúi vị cũng không cảm thấy cái gì đó mà nó khiến cho mình phải lo lắng người ta đánh giá mình. Bởi vì sao? Bởi vì trong lòng mình đã có đầy đủ những gì mà mình cảm thấy tự tin được. Thì tương tựa như vậy sở dĩ chúng ta chao đảo trước đời sống, sở dĩ chúng ta dễ bận lòng với những thị phi với những hơn thiệt của cuộc đời là vì tự tâm của chúng ta không có một niềm vui, một người đã thật sự tìm được một niềm vui rồi thì người đó không có phải bận lòng nhiều với những chuyện khác.

Những nhà tâm lý học Hoà Lan có một cuộc nghiên cứu tại sao có những người phụ nữ rất thích trò chuyện với bạn bè, thì họ thấy rằng đa phần nó là một sự cân bằng giữa hôn nhân và đời sống ở bên ngoài. Nếu một người phụ nữ có một cuộc hôn nhân tương đối hạnh phúc và họ có thể trò chuyện nhiều với chồng của họ thì họ bớt trò chuyện với những bạn bè, và ngược lại. Thật ra ở đây không phải là một thống kê để nhắm vào sự đánh giá người phụ nữ, nhưng điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng cuộc sống của chúng ta nếu không tìm được một sinh lộ, nếu chúng ta không tìm được một bối cảnh nào ở trong lòng mà khả dĩ mang cho chúng ta sự phong phú của đời sống nội tại, thì vấn đề là chúng ta phải tìm đến với những thứ khác đặc biệt là ngoại cảnh ở bên ngoài.

Và ở đây Đức Phật Ngài dùng chữ "kaamakaamaa lapayanti" là hoang ngôn hay là nói năng mà qua cái ngôn ngữ của mình, những ngôn ngữ đó là ngôn ngữ của phóng túng, ngôn ngữ của không có tự chủ, ngôn ngữ của sự quên mình. Thì người hiền nhân đối với cái vui cái khổ không giao động nhiều. Ở đây cũng là một gợi ý rất quan trọng khác, Đức Phật không chỉ nói đến sự khổ mà Ngài nói cả cái vui, hễ đối với cái vui mà chúng ta càng đam mê mãnh liệt chừng nào thì tới khi gặp cái khổ chúng ta lại da diết chừng đó. Nói một cách khác là trước những lời khen mà chúng ta càng cảm thấy sung sướng thì đối với lời chê bai người khác dành cho mình thì càng bị chấn động mãnh liệt về đời sống nội tại. Bởi vì chúng ta đã để cho tâm của chúng ta bị chi phối bởi lời khen thì không có lý do gì đối với tiếng chê của người khác mà chúng ta giữ tâm bình thản được hết. Do vậy người ta tìm một sự quân bình rất đáng kể.

Có một lần một Phật tử trong rơom hỏi về chữ xả và TT Trí Siêu đã bỏ rất nhiều thì giờ để nói về chữ xả này, thật ra chữ xả mà người ta hiểu thông thường đó là sự bỏ ra. Thí dụ như người ta hiểu từ bi hỉ xả, xả ở đây tức là tha thứ, xả ở đây tức là không chấp vào cái lỗi của chúng sanh và có nhiều người hiểu chữ xả có nghĩa là sự thản nhiên. Nhưng chữ xả chữ "upekkha" trong đạo Phật thật sự thì có nghĩa là quân bình, ở trong sớ giải chú giải rằng; giống như một người đánh xe song mã tức là một chiếc xe hai con ngựa, thì nếu con ngựa này chạy trước con ngựa kia, con ngựa này chạy nhanh hơn con ngựa kia thì chiếc xe không thể đi được, mà hai con ngựa phải song hành, kể cả vị trí trước sau và kể cả vận tốc. Thì sự song hành như vậy mới dẫn tới được. Thì tâm hành xả nó có thể không phải là một trạng thái thản nhiên, mà tâm hành xả đó là tâm biết quân bình. Ví dụ như trường hợp khi chúng ta vui thì chúng ta cũng hiểu rằng vui thế nào là vừa phải, không có quá đáng, không có hỉ hả đến độ mà đến khi chuyện khác ngược lại xảy ra thì làm cho chúng ta phản ứng hết sức là sầu khổ. Người ta có thể khen mình một câu và qúi vị có thể cảm thấy vui lòng, cái chuyện đó cũng không làm chết ai hết. Nhưng đừng quá nặng về lời khen của người khác, bởi vì nếu qúi vị xem quá trọng lời khen của người khác thì qúi vị sẽ hết sức là nhạy cảm đối với lời chê của người khác, và như vậy chúng ta không giữ được sự quân bình. Và cái quân bình đó đúng là nghĩa của chữ upekkha.

Ở đây một bài kệ có rất nhiều chữ phải được định nghĩa rõ ràng bởi vì trong bài kệ năm chữ tiếng Việt của chúng ta không lột hết được ý nghĩa, do vậy nếu qúi vị vào trong phần bài học hôm nay những từ ngữ cần lưu ý thì qúi vị sẽ thấy chúng tôi để ba bốn từ vào trong bài học hôm nay.

Ở đây trong câu cuối cùng của bài kệ là:

"noccaavaca.m pa.n.ditaa dassayanti"

Nghĩa là không có để cho tâm tư của mình lên cao hay xuống thấp. Lên cao xuống thấp ở đây là nó tương tự như một chiếc lá ở giữa cơn sóng, sóng có thể đưa mình lên cao hay đưa mình xuống thấp. Con người của chúng ta có những ngày thấy rằng thiên hạ đưa mình lên tận mây xanh, và có những ngày thì họ nhận mình xuống tận dưới bùn. Nhưng nghĩ cho cùng thì lên cao xuống thấp đó là tại vì chúng ta để cho cuộc đời đưa chúng ta lên và cuộc đời nhận chìm chúng ta xuống bằng cách là chúng ta mất đi sự an nhiên tự tại của mình. Nếu chúng ta an nhiên tự tại thì một trong những điều lợi là chúng ta sẽ không có cảnh ba chìm bảy nổi, không có cảnh thăng trầm của đời sống nội tại và chúng ta tiếp tục đi tới, chỉ có những người nào tâm hồn tương đối quân bình không có nhiều chìm nổi thì người đó mới có thể đi tới.

Như vậy ở đây bài kệ này có thể dịch bằng một câu gọi là "liên châu luận" tức là câu này liền lạc với câu kia. Chúng ta có thể nói như vầy là đối với một người mà dính mắc một điều gì thì do sự dính mắc đó họ trở nên không thoả mãn, đó là dấu hiệu của sự không thoả mãn. Nếu họ đã thoả mãn thì họ đã không dính mắc, sự dính mắc là dấu hiệu của một đời sống không có thoả mãn, và bởi vì không thoả mãn nó sẽ dẫn đến một biểu lộ của cái không thoả mãn này, và một trong những biểu lộ thường thấy đó là ngôn ngữ phóng túng mà ở đây chúng ta gọi là hoang ngôn. Với một người thiện trí thì một hình ảnh ngược lại, hình ảnh của người thiện trí là người đó biết an nhiên tại vì họ hiểu được giá trị của sự quân bình, và bởi vì họ hiểu được giá trị quân bình nên đối với cái vui và cái khổ ở trong cuộc đời họ sẽ không để tâm tư của họ bị chi phối thái quá. Không quá vui và không quá khổ. Chúng ta không để tâm của chúng ta cười mà cười đến như điên cười đến mất tự chủ, và khóc đến đỗi không ai có thể dỗ mình được để mà mình nín. Bởi vì chúng ta đánh mất đi cái khả năng quân bình của mình. Điều này nó cũng nhắc cho chúng ta một việc khác nữa là ở đây không có nghĩa là chúng ta phải lãnh đạm với tất cả, nhưng chúng ta không có quá đáng, không đi vào cực đoan, chúng ta có thể vui và có thể không vui vì những chuyện hài lòng và không hài lòng của cuộc sống, nhưng cái vui và cái không vui này cũng nên có chừng mực, nếu chúng ta vui mà quá chừng mực quá mức độ cho phép thì khi chúng ta buồn thì chúng ta cũng không tự chủ được. Đó là ý nghĩa của bài kệ hôm nay và chúng tôi xin kết thúc bài kệ này ở tại đây./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 83


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu