Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 82

Lòng rộng thênh nhờ nghe diệu pháp




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Trong sáng và tỉnh lặng
Như hồ nước thẳm sâu
Bậc trí nghe pháp mầu
Tâm an bình tịnh lạc
                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Yathā’pi rahado gambhīro
Vippasanno anāvilo
evam. dhammāni sutvāna
vippasīdanti pan.d.itā
.
Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu: Câu kệ ngôn Pháp Cú số 82 được Đức Thế Tôn thuyết tại Kỳ Viên đề cập đến câu chuyện của người mẹ và cô con gái là nàng Kànà. Nguyên văn câu kệ ngôn kinh Pháp Cú đó được Đức Phật thuyết như sau

Yathā’pi rahado gambhīro
Vippasanno anāvilo
evam. dhammāni sutvāna
vippasīdanti pan.d.itā
Như hồ nước sâu thẳm
Trong sáng không khuấy đục
Cũng vậy lo chánh pháp
Người trí hưởng tịnh lạc

Và bài kệ này đã được TT Giác Đẳng dịch lại trong bản Việt văn.

Trong sáng và tỉnh lặng
Như hồ nước thẳm sâu
Bậc trí nghe pháp màu
Tâm an bình tịnh lạc

Bài kệ được Đức Thế Tôn thuyết đề cập đến bậc trí vì thấy rõ sự lợi ích trong việc nghe pháp, nên bậc trí luôn luôn nghe pháp, vị đó đạt được hiệu quả của việc nghe pháp.

Ở đây lợi ích của sự nghe pháp mà bậc trí thấy rõ là. Việc nghe chánh pháp có năm điều lợi ích: thứ nhất là được nghe chánh pháp chưa từng nghe. Lợi ích thứ hai là những pháp đã nghe rồi nghe lại được sáng tỏ thêm. Thứ ba là khi nghe pháp tâm sẽ dứt trừ nghi hoặc sự nghi vấn. Thứ tư trong khi nghe pháp tâm được an tịnh. Và thứ năm là sau khi mệnh chung người do nhờ phước của sự nghe pháp mà được sanh về cõi trời. Nhưng có chỗ lại nói rằng điều thứ năm là làm cho kiến thức được chân chánh., ở đây thưa qúi vị đó là năm điều quả báu của việc nghe pháp.

Người trí qúi trọng chánh pháp khi nghe pháp luôn luôn với tâm thanh tịnh trong sáng, vì vậy người trí lúc nghe pháp tâm an bình tịnh lạc. Ở đây tâm của người trí trong lúc nghe pháp tại sao lại được an bình tịnh lạc, là thưa quí vị, như Đức Phật Ngài đã minh hoạ bằng hình ảnh một hồ nước sâu thẳm trong sáng tịnh lặng. Chữ "rahado" ở đây chúng ta phải hiểu rằng đó là "tịnh lặng", theo trong chú giải thì chữ "rahado" chỉ cho biển cả sâu thẳm, chỗ sâu nhất của biển cả chỗ đó được gọi là "rahado". Biển cả mặc dầu ở bên trên mặt bị xao động và ở phía dưới đáy biển cả do các loài thủy tộc sinh hoạt cho nên luôn luôn lúc nào trên và ở dưới cũng động, nhưng ở khoảng giữa thì luôn luôn được yên tĩnh, luôn luôn được trong sạch và tâm của người trí cũng như chỗ nước tịnh lặng sâu thẳm. Vì rằng biển cả càng sâu chừng nào thì càng tịnh lặng trong chừng đó. Tâm của bậc trí càng tịnh lặng để nghe pháp thì tâm của người trí càng trong sáng và tịnh lạc.

Điều này người Phật tử chúng ta phải hiểu rằng muốn thành tựu được sự lợi ích kết quả trong việc nghe pháp, chúng ta phải với thái độ nghe pháp của bậc trí, nghĩa là tâm của mình cần phải được sâu thẳm và trong sáng không khuấy đục. Như thế nào gọi là tâm nghe pháp được trong sáng không khuấy đục? Ở đây thưa qúi vị, người trí khi nghe pháp tâm của họ không bị phóng dật, có sự trú tâm, có chánh niệm trong lúc nghe pháp, lắng tai để nghe từng lời từng câu vì vậy bậc trí dễ lãnh hội giáo pháp. Thứ hai nữa là bậc trí khi nghe pháp vị đó luôn luôn giữ tâm hoan hỉ với pháp, không phải để nghe pháp tìm lỗi của các vị giảng sư hay của vị pháp sư, thành tựu được điểm này người trí khi nghe pháp luôn luôn tâm được an vui được mát mẻ. Vì thưa qúi vị, khi chúng ta ngồi nghe pháp mà mình cố tìm lỗi của người thuyết giảng, cố tìm khuyết điểm để chỉ trích như vậy thì trí tuệ lúc đó sẽ không phát sanh, nên gọi là tâm bị khuấy đục. Do tâm bị khuấy đục nên không được trong sáng, và nếu tâm của người nghe pháp như vậy thì cũng giống như một vũng nước cạn dễ bị khuấy đục và nước không trong. Cũng như thế đó người nghe pháp với tâm tư định tỉnh và không tìm lỗi của người khác, không tìm khuyết điểm của người khác, mà chỉ lắng tâm nghe pháp như vậy thì được an tịnh lạc.

Và trong bài kệ này có những điều chúng ta cần phải chú ý là, khi người Phật tử tu tập trong giáo pháp, chúng ta cần phải biết rằng đối với người cư sĩ có ba trách nhiệm: một là học pháp, hai là hành pháp, ba là hộ pháp.

Học pháp có nghĩ là người Phật tử luôn luôn lúc nào cũng hoan hỉ để lắng nghe những lời thuyết giảng của Chư Tăng của các vị Giảng Sư các vị Pháp Sư trình bày về nghĩa lý Phật ngôn, khi người Phật tử cư sĩ có tâm hoan hỉ trong việc nghe pháp như vậy thì trí thức người cư sĩ về lý thuyết tu hành đã nắm một cách rõ ràng và thành tựu được chánh tri kiến, nên người cư sĩ này khi thực hành pháp sẽ không bị sai lệch.

Phận sự thứ hai của người cư sĩ đó là việc hành pháp, khi nghe pháp chúng ta hoan hỉ với pháp không cũng chưa đủ, vì nếu chúng ta nghe nhiều học rộng nhưng không có sự thực hành, thì chúng ta cũng sẽ không thành tựu được lợi ích hay không thành tựu được vị ngọt của chánh pháp. Và chúng ta nghe pháp mà không thực hành theo pháp chúng ta sẽ không nhận thức được điểm đặc thù của chánh pháp, và nếu là như vậy thì chúng ta đã biến giáo pháp này trở thành một loài hoa có sắc mà không có hương. Do vậy người Phật tử nếu chúng ta chỉ ngồi đó nhìn và lơ đễnh bỏ qua, chúng ta không tự mình ăn cỗ bàn đó, thì sẽ không nếm được hương vị ngọt ngon của những vật thực thượng vị loại cứng loại mềm này. Cũng như thế đó nếu như chúng ta đi vào trong giáo pháp này mà không thực hành theo giáo pháp thì chúng ta sẽ không thành tựu được lợi ích. Cũng như đối với bậc xuất gia cho dù nói nhiều kinh điển thuộc nhiều kinh điển nhưng vị đó phóng dật không hành trì thì không hưởng được phần samôn hạnh, tức là không hưởng được trạng thái thiền định và giải thoát. Người cư sĩ chúng ta cần phải biết rằng trong đời sống của chúng ta có những loại phiền não mà chúng ta phải do tu tập đoạn trừ, có những pháp lậu hoặc cần phải do tu tập đoạn trừ, có những loại phiền não mà chúng ta cần phải tránh né đoạn trừ, hay cần phải tri kiến đoạn trừ v.v... được Đức Phật Ngài thuyết trong bài kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc - Trung Bộ Kinh.

Trong đời sống của chúng ta có rất nhiều sự phiền lụy, và trong bước đường đi nếu chúng ta chỉ dừng chân lại, khi nghe pháp với tâm nghe để mà nghe, hoặc là chúng ta vui chút đó thôi rồi sau đó không chịu thực hành thì như vậy trong đời sống phiền não vẫn là phiền não, khổ đau vẫn là khổ đau. Vì giáo pháp này không phải là những tín điều mà Đức Phật Ngài dạy chúng ta để đọc tụng để tin theo để được cầu tha lực cứu rỗi, là bởi vì khi chúng ta đọc tụng mà không thực hành theo những kinh điển thì sự đọc tụng đó không có lợi ích gì cho chúng ta cả. Cho nên đối với người cư sĩ nghe pháp nghĩa là chúng ta học pháp rồi phải thực hành theo giáo pháp, sự thực hành này đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin thật vững chắc đối với Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng. Khi chúng ta đã đạt được niềm tin đó thì lúc bấy giờ việc nghe pháp của chúng ta mới có sự hoan hỉ được, và khi nghe pháp với tâm hoan hỉ như vậy chúng ta hiểu được pháp thì phải có sự tinh tấn nỗ lực để thực hành theo, như vậy thì mới có kết qủa.

Và khi có niềm tin có sự tinh tấn trong việc thực hành pháp thì đi song song với niềm tin, đi song song với sự tinh tấn chúng ta phải có trí tuệ, ba yếu tố này là pháp nền tảng hay gọi là pháp cơ bản, khi mà chúng ta thực hành theo pháp mà chúng ta có đầy đủ những yếu tố như vậy mới có lợi ích. Và có một điều khác Đức Phật khi Ngài sắp viên tịch Niết-bàn để nhắc nhở những vị tỳ kheo: "Này chư tỳ kheo, một vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam tín nữ, ưu bà tắc ưu bà di những người nào mà an trú trong pháp, thực hành theo giáo pháp, thì người đó được gọi là đã cúng dường, đã tôn trọng Như Lai." Cho nên người cư sĩ chúng ta có phận sự thứ hai là thực hành theo pháp những gì đã được nghe, đã được học hỏi.

Trách nhiệm phận sự vai trò thứ ba của người cư sĩ là vai trò hộ pháp. Giáo pháp của Đức Phật được duy trì ở thế gian này không phải chỉ do tăng chúng mà còn ảnh hưởng đến người cư sĩ nữa. Trong một quốc độ nào nếu như các vị vua các vị quan, các vị cai trị ở trong quốc độ đó họ có sự ủng hộ, hộ trì Phật pháp thì xứ đó Phật giáo sẽ được hưng thịnh và trong đời sống của tăng chúng sở dĩ chư tăng duy trì được thọ mạng này để hoằng truyền chánh pháp, kế thừa chánh pháp thì sự sống còn đó của chư tăng phải do nhờ hàng tại gia cư sĩ. Khi người tại gia cư sĩ dốc lòng hộ độ tăng chúng cũng có nghĩa là chúng ta hộ trì chánh pháp, và khi chúng ta hộ trì chánh pháp đó là một công đức vô lượng, vì sao, vì nếu như chúng ta làm việc bố thí bằng vật chất mà bố thí thông thường đến những người nghèo khổ hay chúng ta cúng dường đến chư tăng mà có sự tác ý chung chung, chỉ là sự cúng dường để tạo phước vật chất, thì trong tương lai chúng ta sanh ra ở đời sẽ được tài sản đầy đủ. Nhưng điều này không có nghĩa là khi chúng ta bố thí vật thực mà chúng ta phát sanh lên được trí tuệ. Còn nếu như người Phật tử trong khi cúng dường hộ độ chư tăng chúng ta lại tác ý nghĩ rằng "chư tăng những vị xuất gia này là những vị thừa hành theo giáo pháp là những vị duy trì chánh pháp trong tương lai, từ đời này sang đời khác, kế thừa liên tục lẫn nhau." Thì khi tác ý như vậy chúng ta cúng dường hộ độ chư tăng với tác ý hộ trì chánh pháp, chẳng những chúng ta phát sanh lên phước vật chấp về tài sản trong tương lai mà ngay trong kiếp sống hiện tại này chúng ta cũng được đầy đủ về trí tuệ, và ở kiếp tương lai chúng ta cũng được phước trí tức là phước phát sanh do bằng sự thông minh sáng suốt, tất cả đều là do sự hộ trì Phật pháp mà ra cả.

Ở đây thưa qúi vị, chính Đức Thế Tôn Ngài cũng tôn trọng giáo pháp, khi Đức Thế Tôn Ngài đắc đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác rồi thì lúc bấy giờ Ngài thụ hưởng lạc giải thoát trong suốt bảy tuần lễ. Trong tuần lễ đầu khi Đức Thế Tôn Ngài ngự ở cọi cây Bồ Đề Ngài suy tưởng đến cọi cây này cũng có công đức cũng có ân là đã che mưa che nắng cho Ngài trong thời gian Ngài hành pháp để thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên Ngài xoay mặt vào cọi cây Bồ Đề ngắm nhìn cọi cây với tâm hoan hỉ để tỏ lòng tri ân với cọi cây đó. Rồi tiếp tục Đức Thế Tôn Ngài suy nghĩ rằng thật không phải lẽ nếu sống ở trong đời này mà không có sự tôn kính, nên Ngài tìm xem thế gian này có những vị chư thiên phạm thiên có những vị samôn bàlamôn nào thực hành có trí tuệ đáng để cho Như Lai lễ bái tôn kính không, thì khi đó Đức Thế Tôn nhận thấy rằng ở trong đời này không có một vị samôn bàlamôn phạm thiên chư thiên nào đáng để Như Lai đảnh lễ tôn kính, duy chỉ có pháp mà Như Lai đã giác ngộ chứng pháp đó là đáng để Như Lai có sự tôn kính.

Ở đây thưa qúi vị chính ý nghĩa này người Phật tử phải hiểu rằng giáo pháp hết sức quan trọng, cho nên việc mà chúng ta hộ trì chánh pháp thì cũng là vai trò lớn đối với người cư sĩ, tùy theo khả năng và tuỳ theo phương tiện mà chúng ta hộ trì chánh pháp. Thí dụ như chúng ta có thể nghiêm trang nghe pháp hay chúng ta cẩn trọng thực hành theo pháp đó cũng là một cách mà chúng ta hộ trì chánh pháp cho chánh pháp được tồn tại. Thứ hai nữa là người cư sĩ chúng ta có thể hùn phước để in ấn kinh sách chẳng hạn, đó cũng là việc hộ trì chánh pháp, hay là chúng ta cấp dưỡng, nuôi dưỡng tăng chúng nhất là những vị đa văn những vị rường cột của chánh pháp thì chúng ta giúp đỡ cho các vị đó về vật chất để cho các vị này thân được thiểu bịnh khinh an, tâm được tự tại an nhiên không phải bận phiền lo lắng về vật thực nuôi mạng để các vị đó có thể rảnh rỗi tâm trí và dốc lòng dịch kinh sách, soạn kinh sách, hay thuyết pháp giảng đạo, hoặc là để hành pháp, thì như vậy chúng ta làm công việc cúng dường hộ độ chư tăng đó cũng là một cách để chúng ta duy trì để chúng ta hộ pháp.

Và thưa qúi vị, khi người trí thực hành theo pháp và hộ độ chư tăng để duy trì chánh pháp như vậy đây cũng là một cách làm để chúng ta có sự an lạc hoan hỉ. Người trí bao giờ cũng vậy luôn luôn với tâm hoan hỉ, luôn luôn với tâm trong sáng không bị khuấy đục nên các vị đó nghe pháp là các vị đó hưởng được tịnh lạc của sự nghe pháp. Bởi thế cho nên trong bài kệ ngày hôm nay chúng tôi nhận thấy rằng bài kệ này ý nghĩa rất đơn giản không có gì khó khăn cho chúng ta cả, chúng tôi muốn trình bày thêm một vài chi tiết nhỏ xen vào trong thời pháp để cho Phật tử chúng ta sau khi nghe rồi hiểu rõ tánh cách quan trọng của chánh pháp đối với người trí như thế nào, và người Phật tử là người trí thì sẽ thực hành theo nguyên tắc như vậy. Và khi chúng ta là người trí thực hành theo những nguyên tắc đối với chánh pháp, chúng ta sẽ thành tựu được những điều lợi ích những điều thật sự an lạc, và chính những điều an lạc đem lại do pháp đây cũng có thể gọi là pháp hỉ, mà trước đây chúng ta đã nghe qua trong bài kệ số 79 cũng tương tợ như vậy.

"Khi tâm trong sáng,
không bị khuấy đục,
như hồ nước sâu thẳm,
người trí nghe chánh pháp,
sẽ hưởng được tịnh lạc."

Cũng như câu nói rằng

"pháp hỉ đem lại an lạc,
với tâm tư thuần tịnh,
người trí thường hoan hỉ,
với pháp bậc thánh khiết,"

cũng tương đương với câu số 79 đó. Ở đây hôm nay chúng tôi mạo muội nói thêm một vài điểm có liên quan đến đời sống của người cư sĩ với giáo pháp, mong rằng những điều này sẽ đem lại cho chúng ta một sự hiểu biết và một sự hoan hỉ ./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 82


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu