Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 81

Bậc TríKhông Giao Động Trước Khen Chê

Bấm vào để nghe thuyết pháp kinh Pháp Cú 


Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Như núi đá bất động
Dù bốn hướng cuồng phong
Trước khen chê vinh nhục
Bậc trí chẳng bận lòng,


                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Seto yatha` ekaghano
Va`tena na samirati
Eva.m ninda`pasa.msa`su
Na samin~janti pa.n.dita`ti
.
Tiểu Tiên Nữ (Ái nữ của Như Trúc) chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta dành thì giờ để thảo luận bài kệ số 81, thuộc phẩm Hiền Trí trong Kinh Pháp Cú. Bài kệ nầy gợi nhắc cho chúng tôi một kỷ niệm.
Hồi còn nhỏ thỉnh thoảng có những lúc sống trong chư tăng nói chuyện vui buồn thì cũng được nhắc nhở để đọc bài kệ nầy.

Ví như tảng đá kiên trì
Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay
Tiếng đời chê dở khen hay
Không làm chao động đôi mày trí nhân

Câu kệ nầy được Đức Phật giảng cũng như trong rất nhiều trường hợp chúng ta được nghe ở trong kinh. Thời Đức Phật còn tại thế, khi Đức Phật ra đời, Ngài không dùng quyền, không dùng thế Ngài chỉ dùng Pháp để dạy chúng sinh. Nói đến chuyện Chánh Pháp thì cũng có người khen cũng có kẻ chê, không phải ai cũng tán đồng. Có lẽ chỉ có một người mà thường người ta không dám chê trước mặt, đó là những vị vua vì họ sợ mất đầu, nên họ không dám chê trước mặt, nhưng ở sau lưng thì chưa chắc họ đã khen hoàn toàn. Nhưng với đời sống của những vị sa môn thời Đức Phật còn tại thế, ngay cả chính Đức Phật, thì khen chê vốn là chuyện thường xảy ra, và chính vì vậy chúng ta nghe rất nhiều lời dạy của Đức Phật về hai điều nầy. Tuy nhiên, những lời dạy nầy ở phía dưới đó lại ẩn tàng nhiều ý nghĩa rất thâm thúy và sẽ rất lợi ích nếu chúng ta đọc lại những câu chuyện khi chúng ta là những người làm việc đạo. Người ta không phải chỉ chê khen đối với Đức Phật mà họ còn phỉ báng mạ lỵ vị tôn sư. Nhưng điều thú vị ở đây là Đức Phật xem tám pháp thế gian, bát phong hay còn được gọi là tám ngọn gió đời là khen, chê, vui, khổ, đặng danh, mất danh, đặng lợi, mất lợi, thường chúng ta nói là khen chê vui khổ vinh nhục đặng thất, Ngài xem những chuyện đó là những chuyện rất bình thường của thế gian nầy. Nó bình thường như gíó, bình thường giống như mây, tụ rồi tán, bình thường như ngày và đêm, hết ngày tới đêm, hết đêm tới ngày. Thậm chí có một lần Đức Phật dạy “Ở trên thế gian nầy không thể tìm một người không bị chê , cho dù người đó là một người đẹp nhất, cho dù đó là một người thanh tịnh nhất, cho dù đó là một người hiền quý nhất.” Cái gì thì cũng có cái để cho thiên hạ biếm nhẽ chê bai được và thông thường chúng ta lại có một thói quen là chúng ta rất nhạy cảm với lời khen và tiếng chê. Chính ra ở trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất xem trọng việc đó. Mình thường nghĩ rằng cái khen, cái chê của người khác là thước để đo cái hay, cái dở của mình. Nhưng thực ra khen và chê rất dễ đưa chúng ta đến cái nhìn sai lầm và đưa chúng ta đến chỗ cảm xúc quá nhiều hoặc là tốt, hoặc là xấu.

Nhưng nói chung thì câu hỏi ở đây được đặt ra ở trong Kinh Phật là chúng ta làm sao để giữ được sự bình tâm trước lời khen tiếng chê. Trong câu kệ ngôn nầy:

Như núi đá bất động
Dù bốn hướng cuồng phong
Trước khen chê vinh nhục
Bậc trí chẳng bận lòng,

Ở trong vị thế của nội tâm thì giống như trái núi bất động trước cuồng phong, cho dù thế nào đi nữa thì cũng bất động. Ở đây nói lên cái nội hàm, cái khả năng nội tại của chúng ta. Khả năng nội tại đó cho phép chúng ta được an nhiên trước những cái vui cái buồn. Chúng tôi nhớ có một học giả nói rằng: “Khi bạn biết rằng hai cộng với hai là bốn, là một chân lý rồi, thì nếu ai nói rằng hai với hai là năm thì bạn có giận dữ không?” Chắc chắn là không. Tại vì không cần giận dữ chi cho mệt, người ta nói sai vì sự ngu si của người ta, người ta nói sai là bởi vì người ta cố ý nói sai thì có sá gì chuyện đó mà mình giận? Bởi vì quan trọng là mình có chịu tin rằng hai với hai là bốn hay không. Khi chúng ta đã thấy hai với hai là bốn rồi thì chúng ta không giận như vậy. Cái thời đại mà người ta nói đến dân chủ, người ta nói đến tự do báo chí, người ta nói đến tự do ngôn luận là thời đại mà con người phát biểu ý kiến tự do nhất nhưng cũng bừa bãi nhất, trong sự bừa bãi, cái tốt chỉ được một phần nhưng cái xấu thì lại nhiều phần. Nhiều phần ở đây là người ta không có trách nhiệm, người ta có thể nói một cách vô tội vạ. Có khi chúng ta nhìn thấy rất dễ dàng là ở trong một quốc gia, 50% là người ta ca ngợi ủng hộ cho vị nguyên thủ quốc gia, 50% là chỉ trích, thậm chí họ còn miệt thị nữa. Những con số thống kê đó cho chúng ta thấy rằng vấn đề đôi lúc không nằm ở khen chê mà vấn đề là chúng ta phải có một phản ứng vừa phải thích hợp với chuyện đó. Nếu chúng ta sống mà cái vui cái buồn của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi lời nói của người khác thì chứng tỏ rằng chúng ta không có nội lực, không có nội hàm, không có bản lãnh nội tại để có thể hóa giải những thứ đó, để nó không làm ảnh hưởng tai hại đến đời sống của mình.

Về điểm nầy phải nhận rằng có những người rất là mẫn cảm, họ hết sức nhạy cảm đối với lời khen tiếng chê của cuộc đời. Sở dĩ chúng ta có nhiều cảm xúc vui buồn đối với lời khen tiếng chê, phần lớn đến từ một lý do là chúng ta thiếu tự tin. Tự tin là cái gì rất quan trọng, tự tin ở đây không phải là một thái độ mà chúng ta cho rằng mình hay mình giỏi, hoặc giả tự tin là một thái độ tự thị khi mình nghe người khác phê bình mình thì mình xem thiên hạ không ra gì. Đó không phải là tự tin. Tự tin là đời sống sung mãn của tinh thần. Nếu cuộc sống của chúng ta có đủ sung mãn tinh thần, có dũng mảnh thì chúng ta ít bị chi phối bởi ngoại cảnh và thông thường sự chi phối của chúng ta đối với ngoại cảnh đặc biệt là khen chê, nó đến từ một đời sống nghèo nàn về tâm linh. Chúng ta không có chỗ đứng thật sự, lấy một ví dụ là nếu quý vị có rất nhiều tiền để ở trong nhà băng hay một nơi nào đó, khi quý vị đi ngoài đường và mặc một cái áo tương đối không sang trọng thậm chí là áo tầm thường nữa, quý vị không mặc cảm. Nhưng nếu trong túi của chúng ta không có tiền, chúng ta đi vào chỗ nầy chỗ khác mà mình sợ người khác chỉ trích mình, nên mình phải có cái gì đó để chứng tỏ sự cao sang của mình, thì cái chứng tỏ đó chỉ là dấu hiệu cho chúng ta thấy chúng ta không tự tin. Có rất nhiều hình ảnh về thế giới hôm nay, thỉnh thoảng chúng tôi đi một vài nơi, một vài quốc gia mà chúng tôi gặp người da trắng, họ có đầy đủ phương tiện vật chất nhưng mà đến một xứ nào đó thì họ ăn mặc rất giản dị, họ không ăn mặc theo thời trang, mà họ chỉ ăn mặc sao cho thoải mái, quảy ở trên vai một cái túi nhỏ và chúng tôi nghe nói rằng sau nầy người Việt Nam thường gọi là tây ba lô. Họ đi đó đi đây như một du khách lang thang nhưng chưa bao giờ chúng tôi tìm thấy ở khuôn mặt của họ một chút mặc cảm gì là một người sống lang thang, xách ba lô đi chỗ nầy chỗ khác. Nhưng trái lại, để ý thấy rằng những người đến từ những quốc gia nghèo mà đi du lịch sang một nước khác thì không bao giờ muốn làm chuyện đó. Mình chỉ muốn ăn mặc rất lịch sự sang trọng như là một du khách tầm cỡ đang đi dạo phố.

Có lúc chúng tôi nghe những quý thầy đi chung phái đoàn than phiền rằng bây giờ những thanh niên thiếu nữ Nhật Bản đi du lịch qua nước khác họ ăn mặc rất là bê bối. Quý vị nào có sang Nhật Bản thì quý vị sẽ thấy rằng buổi sáng và buổi chiều khi họ đi làm, họ ăn mặc rất tươm tất, dù là đàn ông, đàn bà, thanh niên thiếu nữ gì cũng ăn mặc rất là tươm tất, nhưng khi một số thanh niên thiếu nữ người Nhật ra nước ngoài thì họ ăn mặc rất trẻ trung, không cần chăm sóc nhiều, rất giản dị, làm sao gọn nhẹ và tiện lợi, và đó là niềm tự tin của người Nhật. Khi người ta nói rằng họ là người Nhật Bản thì họ không nhất thiết phải phô trương cho thấy rằng họ là người giàu có bởi vì ai cũng biết người Nhật Bản là giàu có.

Thái độ đó một lần nữa cũng nói cho chúng ta thấy một chuyện là bản thân của chúng ta nếu chúng ta thật sự có lòng tự tin, chúng ta có thực chất, chúng ta có chất sống và đời sống nội tại phong phú thì ở bên ngoài có chăng là một vài sự dao động mảy may giống như hồ thu bị một cơn gió thoảng làm gợn lên một chút sóng lăn tăn rồi hồ thu sẽ trở về với một trạng thái bình lặng. Tuy nhiên nếu chúng ta không có niềm tin về những gì mình đang làm, đời sống nội tại chúng ta rất nghèo nàn thì chúng ta không thể đứng giữa cuộc đời như một trái núi và chúng ta giống như cục bột thì đúng hơn. Cục bột hay cục đất sét, người ta muốn nắn nó tròn thì nó tròn, người ta muốn nắn nó vuông thì nó vuông, người ta tâng bốc mình thì làm cho thấy mình giống như lên tận mây xanh và khi người ta xúc phạm đến mình, người ta chà đạp mình thì giống như là người ta nhận mình xuống bùn, người ta muốn mình vuông thì mình vuông, người ta muốn mình tròn thì mình tròn. Điều đó chỉ đến từ tinh thần mặc cảm tự ti, một tinh thần nghèo nàn, và vì vậy khi đề cập đến một thái độ của bậc trí trước những ngọn gió của thế gian thì ở đây Đức Phật nhắc nhở là những bậc đó giống như một ngọn núi, tức là có một sự vững chải, nhất là đối với cuộc sống nầy. Một người đã tìm cho mình niềm vui tự tại rồi thì tất cả phong ba bão tố ở bên ngòai, tất cả những cuồng phong đến từ đâu không còn có ý nghĩa, không làm cho vị nầy bi xao động nhiều nữa.

Ở đây câu chuyện nầy Đức Phật giảng nhân đề cập đến một vị tỳ kheo tên là Lakuntaka. Lakuntaka trong phạn ngữ chúng ta dịch cũng như là dwarf hay là chú lùn, tức là một người tương đối là thấp, bẩm sinh ra thì con người có thân tướng hơi thấp, ngoại hình nhỏ bé và bởi vì vậy nên có một số vị tỳ kheo sa di sống trong tăng chúng mà không có ý thức, thỉnh thoảng đến vỗ vai, thỉnh thoảng trong lúc cao hứng thì nói chơi, và có những lời nói chơi quá đáng, giễu cợt vị nầy. Nhưng đặc biệt, khuôn mặt của Ngài Bhaddiya, tức là vị tỳ kheo nầy thì không bao giờ gợn một chút gì bực dọc hay hận thù, các căn rất là trong sáng, với một khuôn mặt rất điềm đạm. Các vị tỳ kheo khác thấy như vậy, một hôm có mặt Đức Phật, đã hết lời tán thán tỳ kheo Bhaddiya: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con thấy ở trong tăng chúng có tỳ kheo Bhaddiya, tuy rằng ngoại hình có khi trở thành một đề tài giễu cợt của những người khác nhưng chưa bao giờ chúng con nhìn thấy tỳ kheo Bhaddiya có một thái độ phản ứng bất bình, phiền muộn hay mặc cảm. Thật là một người có nội tâm hết sức định tĩnh”. Nhân dịp đó. Đức Phật giải thích với các tỳ kheo rằng: “Thật ra Bhaddiya không còn phiền não nữa, Bhaddiya đã trở thành một bậc thánh vô lậu giải thóat” và Ngài đã dạy bài kệ trên.

Như núi đá bất động
Dù bốn hướng cuồng phong
Trước khen chê vinh nhục
Bậc trí chẳng bận lòng.

Ở đây chúng tôi cũng phải nói thêm rằng con đường vào trong đạo là một con đường đầy cảm xúc. Có rất ít người trong chúng ta đến với đạo bằng khối óc, mà chúng ta thường đến bằng trái tim. Tức là chúng ta đến một phần bằng lý trí, một phần bằng cảm xúc của chúng ta. Một người có nhiều lòng sùng tín thường có nhiều cảm xúc và đồng thời trong cảm xúc đó có một số vị có viễn tưởng về cửa chùa trong đạo, ở đó chúng ta gặp những bạn đồng hành, những người nầy sống với tinh thần bi, với tinh thần trí, với sự hiểu biết, với sự thương yêu. Những người đó có chứ không phải là không có. Chúng ta có thể tìm những hạt ngọc nhưng không phải hạt ngọc ở trong viện bảo tàng mà chúng ta tìm hạt ngọc ở trong núi đá. Có nghĩa là ở dưới mái chùa cũng giống như ở bất cứ nơi nào trong thế gian thì cũng có người nầy kẻ khác, cũng có những người rất là dễ thương và cũng có những người gây cho chúng ta rất nhiều phiền toái.

Ngài Ajahn Chah có một lần ví dụ người đi tu, đặc biệt trong giai đọan đầu, giống như một con cua lột vỏ. Quý vị nào sống dưới miền quê thì sẽ biết con cua lột vỏ, thường gọi là cua sữa, khi nó lột vỏ thì nó rất mềm, cái vỏ cũ bỏ đi, vỏ mới chưa có rắn chắc, người ta gọi đó là con cua sữa. Khi quý vị sống ở thế giới bên ngòai thì mình có nhiều sức mạnh, sức mạnh của địa vị, sức mạnh của lời nói, sức mạnh của tiền bạc, thậm chí sức mạnh của luật pháp để bảo vệ chính mình. Người ta nói mình một câu mình có thể hăm kiện ra tòa vì tội lăng mạ, hoặc giả người ta làm một điều trái ý, mình có thể nổi cơn thịnh nộ. dùng lời lẽ của mình để làm khí giới bảo vệ tự thân và thậm chí một thái độ, một áp lực từ quyền thế của mình cũng có thể trấn áp người khác. Nhưng khi vào đạo thì những thứ đó không dùng được. Chẳng những những thứ đó không dùng được mà đôi lúc biểu lộ sự giận dữ chỉ làm cho mình từ chỗ tệ đến tệ hơn chứ không cải thiện được tình thế. Cũng giống như một vị nào đó đã nói như vầy: “Nổi cơn thịnh nộ, nổi cơn giận dữ trước mặt đám đông thì chỉ tự sỉ nhục mình thôi”. Quả thật, có đôi khi ở trong chùa, ở trong một hội chúng tu tập, một con người tỏ ra thiếu tự chủ chẳng những không cải thiện được tình thế mà còn làm cho tình thế tệ thêm. Nhưng không may là rất dễ dàng để cho quý phật tử bị chi phối bởi cái vui cái buồn.

Thưa quý phật tử, chúng tôi làm trụ trì trong một ngôi chùa, một điều mà chúng tôi thường gặp nhất và thường xảy ra nhất, đó là những phật tử có lòng với chùa, có lòng với đạo, đi chùa nghe một vài thời pháp rồi gặp chư tăng rồi bỗng nhiên phát tâm tha thiết với chùa. Trong chùa cũng có tình trạng là có người mới có người cũ, có những người gần chư tăng và có những người bàng quan, và dĩ nhiên cũng có ganh tỵ, đố kỵ và có một vài tranh chấp, ở mức độ nầy hay mức độ khác, không dễ sử xự như bên ngoài, rồi lại có lời ra tiếng vào. Hình ảnh mà chúng tôi thường gặp là những người phật tử đến chùa với cả tâm tư của mình, bằng tất cả lòng thành của mình. Khi mình làm được một thiện sự nào đó, dù đó là một buổi trai tăng, dù đó là một sự cống hiến công quả, hay cúng dường tiền bạc, rất thường là những người nầy đón nhận những lời tán thán, đón nhận những lời khen chê, có người khen là hay, là phát tâm mạnh mẽ, có người chê là làm không đúng cách, không đúng luật, không hiểu biết v.v… Khi những vị nầy được khen thì trong lòng có khi hoan hỷ và có khi không hoan hỷ, nhưng thường bị chê thì chắc chắn bị xao động. Mình đang làm việc bằng thiện chí, tấm lòng của mình mà người khác chẳng những không cảm kích mà còn chê bai thì thật sự trường hợp đó dễ tạo ra sự bức xúc, dễ tạo ra sự phẫn nộ, và mình có thể bỏ đi tất cả. Nếu trong cuộc sống nầy, mình lăn lộn vào chốn quan trường, lăn lộn vào trong cuộc đời để tranh danh đoạt lợi, người ta khen người ta chê mình thì mình không bận lòng; nhưng khi mình làm một công việc gì đó bằng thiện chí, bằng tất cả tấm lòng của mình, một cách hết sức chân thành, thế mà có những kẻ dẻ bỉu, những kẻ chê bai thì chúng ta rất dễ đánh mất niềm tin, đánh mất niềm hoan hỷ và sự lợi ích của chính mình. Và đó là tất yếu xảy ra.

Có những khi người ta làm phước nhưng người ta làm rất vụng về, vụng về ở bên ngoài nhưng trong tâm của họ rất chân thành, và nếu trong trường hợp đó chúng ta có những lời nói ra nói vào thì có thể chúng ta tạo một nghiệp rất bất thiện. Những người đang tu tập, những người đang làm chuyện phước sự mà chúng ta có những lời nói dè bỉu, có những lời nói khiến người đó bỏ cuộc, không tiếp tục tu được nữa, không làm chuyện phước thiện nữa đó là một ác nghiệp rất lớn, nếu chúng ta có chủ tâm làm như vậy.

Nhưng ngược lại đối với bản thân của chúng ta, khi chúng ta đang làm việc gì mà bằng thiện chí của mình thì chúng ta cũng phải tự nhắc rằng, cũng có thể trong những giờ phút đó, chúng ta giống con cua lột, chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng lợi khí của miệng lưỡi, chúng ta không còn có khả năng bảo vệ chính mình bằng sức mạnh của thường tình, đó là của thế lực của tiền bạc, lúc đó chúng ta hoàn toàn đem tâm tư của mình ra trải rộng cho cuộc đời. Khi đó người ta có thể sơn son thép vàng và người ta có thể quăng trên đó đủ tất cả những thứ dơ bẩn của cuộc đời và chúng ta phải chấp nhận.

Câu kệ mà quý vị nghe đây

Ví như tảng đá kiên trì
Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay
Tiếng đời chê dở khen hay
Không làm chao động đôi mày trí nhân

Không phải là một câu Phật ngôn hiếm có trong kinh Phật, chúng tôi phải nói rằng có rất nhiều như vậy. và thậm chí cũng trong một câu kinh Pháp Cú khác mà chúng ta sẽ học tới trong tương lai, câu kinh đó Đức Phật dạy rằng vị sa môn giống như voi giữa trận, khi đi vào trong cuộc đời thì chịu nhiều sự phỉ báng như con voi ra trận phải chịu nhiều làn tên mũi đạn. Có rất nhiều lần Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng một người làm việc tốt, một người đang theo đuổi con đường thánh thiện mà mình lựa chọn thì ở trên đó chúng ta phải cẩn thận về cả hai phía, ngoại giới lẫn nội giới. Ở trong cuộc đời nầy họ rất dễ phỉ báng đối với những người chọn lựa sự tu tập, đừng nói chi những người ngoại đạo, đừng nói chi những người xa lạ, thật ra những lời khen tiếng chê đến nhiều từ những người đồng đạo, những người cùng niềm tin với mình.

Quý Phật tử hãy điểm qua những vị danh tăng đang hoằng pháp ở trong Phật giáo Việt Nam, tất cả những vị nào nổi tiếng, tất cả những vị nào có địa vị thì có một số người rất sùng kính và một số khác cực lực chỉ trích. Chúng tôi không cần nêu danh của những vị đó ra thì quý vị cũng biết. Ở trên đời không có ai không bị chê và không có ai mà không có lời khen, có những người rất hung hiểm ác độc như Pôn Pốt chẳng hạn, nhưng cũng có người khen, cũng có người ủng hộ, và có những người khác suốt cuộc đời chỉ làm một công việc là dạy thiền thôi thì thỉnh thỏang chúng tôi lại nghe những người khi đề cập đến pháp thiền của Ngài chẳng những mỉa mai pháp thiền mà còn có những lời xúc phạm đến Ngài. Một người có hiểu biết, có ý thức, người đó nhận ra rằng khen chê của cuộc đời nầy vốn dĩ là như vậy, bản chất của cuộc sống là như vậy.

Trong một bài kinh rất nổi tiếng của đạo Phật, kinh Phạm Võng ở Trường Bộ Kinh, mở đầu bằng câu chuyện Đức Phật và chư tăng đang đi kinh hành. Đức Phật đi phía trước, chư tăng đi phía sau, trên đường đi có hai thầy trò Bà La Môn đi ở phía sau, họ nói chuyện với nhau đủ để cho các vị tỳ kheo đi ở phía sau cùng nghe được. Một người thì ca ngợi Đức Phật, ca ngợi chư tăng, ca ngợi rằng sa môn Gotama đúng là một bậc thượng nhân, một vị giải thoát, một vị giác ngộ, hiện tại không có ai bằng. Người học trò thì khen Phật, Pháp, Tăng còn người thầy thì dùng đủ thứ lời để chê bai. Vào buổi tối, khi mọi người đến một thôn làng, chư tỳ kheo trong lúc tụ họp đã đem câu chuyện đó để bàn thảo. Thật là lạ lùng, cũng hai thầy trò đi trên một đoạn đường, mà một người thì dùng đủ thứ ngôn ngữ để tán thán Phật, Pháp, Tăng còn một người thì ngược lại dùng đủ danh từ để chê bai. Đức Phật khi nghe các vị tỳ kheo thuật lại, Ngài ân cần nhắc các vị tỳ kheo một điều rằng không nên để tâm vào điều đó bởi vì nếu chúng ta chỉ để tâm đến những lời khen hay tiếng chê của người khác thì chúng ta sẽ không thấy được sự thật như thế nào, mà chúng ta phải bình tĩnh, hết sức khoan dung. Một trong những điểm đáng ngại là chúng ta phản ứng quá sớm, quá vội, quá nồng nhiệt hay phản ứng quá bất bình đối với lời khen tiếng chê mà chúng ta quên một điều hết sức quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta là chúng ta không thể như cục bột để cuộc đời nặn tròn thì ra tròn, còn nặn vuông thì ra vuông. Nếu chúng ta để cuộc đời nặn chúng ta như vậy thì trong cuộc đời nầy chúng ta sẽ thành một con người thiên hình vạn trạng. Vì sao vậy? Vì trong cuộc đời nầy có lắm chuyện, có bao nhiêu lời khen tiếng chê và chúng ta cứ biến dạng theo từng lời khen tiếng chê thì đúng là chúng ta sẽ trở thành một con người thiên hình vạn trạng, đủ thứ ngoại hình.

Khi Đức Phật dạy bài kệ nầy, Ngài nhắc cho chúng ta thấy một điều, khen chê là thường tình, việc đó vốn dĩ là như vậy, vấn đề căn bản là chúng ta có đủ nội hàm, giàu có trong cuộc sống tinh thần, giàu có trong đời sống tâm linh nội tại để chúng ta ung dung, tiếp tục lên đường hay không. Điều nầy là một bài học lớn, nó không phải là bài học luân lý. Người ta thường nghĩ rằng, có những lời nói, có những câu Phật ngôn mang tính cách luân lý giáo khoa. Ở đây những lời nầy là lời dạy của Đức Phật, rất trực tiếp cho những kinh nghiệm của mình. Chúng ta nhiều khi phải đặt lại những vấn đề của đời sống, và thái độ đối với khen chê cũng là một vấn đề phải đặt lại. Tuổi thơ của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều trước phản ứng, trước thái độ của cha mẹ. Hồi mình còn nhỏ, nếu những người lớn tuổi cho mình những tình thương, chăm sóc thì mình cảm thấy ấm lòng. Và nếu những người lớn tuổi, hoặc cha mẹ của mình mà đối với mình có vẻ khắt khe thì những cảm xúc đó chẳng những chỉ ảnh hưởng đứa bé vào thời niên thiếu mà ảnh hưởng mãi mãi về sau nầy. Và rồi có những người họ đã từng nói rằng một đứa bé lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ ly dị, hoặc cha mẹ cãi vả với nhau thì cảm xúc không lành mạnh của thời niên thiếu đó sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời còn lại. Phần lớn những người gặp trường hợp như vậy về sau nầy rất khó để họ có được một niềm tin để họ xây dựng quan hệ lâu dài với bất cứ ai, kể cả vợ, chồng, bạn bè vì cảm giác bất an đó vẫn tồn đọng trong lòng.

Nói về điểm nầy để cho thấy rằng chúng ta mang nhiều cá tính mà ta hấp thụ. Hồi ta còn trẻ, ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi phê phán của người đời, bởi khen, chê. Khi người lớn khen chúng ta thì chúng ta sẽ sẵn sàng để hát một bản nhạc mặc dù hát rất dở nhưng chúng ta vẫn hát, nhưng nếu người lớn chê thì chúng ta cảm thấy không còn có bất cứ niềm cao hứng nào để làm bất cứ việc gì. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có đọc một tác phẩm của Nhật Tiến, tác phẩm đó là quyển Chim Hót Trong Lồng, nói về một bé gái ở trong cô nhi viện và mẹ của cô bé nầy là một phụ nữ sống bằng nghề bán thân và thỉnh thoảng đến cô nhi viện để thăm đứa con gái của mình vì nghề nghiệp của mình không cho phép mình nuôi con ở nhà. Đứa bé gái nầy trong cô nhi viện trông đợi từng ngày mẹ mình sẽ đến thăm mình. Và những gì ở chung quanh từ những người bạn của mẹ cho đến sự đối xử của những dì phước ở trong cô nhi viện đều ảnh hưởng lớn lao đến đứa nhỏ nầy. Chỉ một điều mà chúng ta thấy rằng tuổi thơ có lẽ là một trong những tuổi nhạy cảm hơn bao giờ hết về cái nhìn, sự phê phán của người khác dành cho mình. Không may là tất cả chúng ta đều trải qua tuổi đó và không may là chúng ta đã đi vào cuộc đời với tâm tư ảnh hưởng rất nhiều bởi thời niên thiếu của mình. Ở đây chúng tôi không muốn nói rằng chúng tôi có một niềm tin hoàn toàn vào quan điểm tâm lý học của Freud, có những điều ông nói chúng tôi nghĩ có lý, có những điều ông nói chúng tôi tin rằng có cơ sở, tuy vậy có một điều mà ở đây chúng ta phải nhìn nhận rằng những gì chúng ta cảm nhận sẽ ảnh hưởng đến chúng ta về sau rất nhiều và đặc biệt đối với sự khen chê.

Vì thế người ta nói rằng một người trưởng thành ở trong cuộc đời nầy là người đủ sự bình tĩnh để đặt lại vần đề là tại sao tôi vui, tại sao tôi buồn. Ở trong trường hợp nào mình nên phản ứng và ở trong trường hợp nào mình nên im lặng. Chỉ có một sự trưởng thành già dặn đầy đủ trong tâm hồn thì có một cái nhìn nghiêm túc đủ để cho chúng ta bình an trong cuộc đời đầy phong ba bão tố nầy. Ở trong sớ giải có nhắc rằng, có một từ ngữ là ninda`pasa.msa`su, ở đây chỉ nói là khen tặng và chê bai nhưng thật ra nó đề cập đến tám ngọn gió đời: khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục, những thứ đó xảy ra rất thường, hầu như ngày nào cũng có trong đời sống của mình. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ đọc một câu ca dao người ta thường nói rằng tâm trạng của một thiều nữ nào đó:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Nhưng nếu tâm tư của chúng ta không được tu tập, tâm tư của chúng ta không được hàm dưỡng thì cũng giống như tấm lụa đào, có khi còn tệ hơn. Dĩ nhiên câu ca dao nói trên dùng trong một mạch văn khác, ở đây chúng ta chỉ nói đến hình ảnh của một sự phiêu dạt, sự trôi dạt như một chiếc lá giữa cuồng lưu, giữa dòng nước cuồng xoáy, và cuộc đời đưa chúng ta lên thì chúng ta lên, cuộc đời nhận chìm chúng ta xuống thì chúng ta xuống và những cái lên cái xuống cái thăng cái trầm đó làm cho chúng ta điên đảo cả một kiếp người. Đã có bao nhiêu lần chúng ta bỏ dỡ những ý tưởng rất cao quý, chí hướng hết sức đẹp chỉ vì cái khen chê của người khác. Thiền sư Vạn Hạnh khi nhắc đến thế gian nầy

Sá chi suy thạnh việc đời
Thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành

Nếu chúng ta nghiệm lại thì quả thật câu nói đó thấm thía lắm. Thiền sư đã sống trong một thời đại lịch sử và bản thân của Ngài cũng là một con người đi vào lịch sử. Đất nước thời đó có những điểm cực thịnh của đạo giáo, của dân tộc nhưng có những giai đoạn hết sức là suy vi. Trong dòng lịch sử của dân tộc và của đạo giáo có nhiều người than phiền rằng bây giờ là thời mạt pháp nhưng vì chúng ta không chịu đọc lịch sử. Nói đến lịch sử, sự suy vong không chỉ có đời bây giờ mà ở tại Trung Hoa vào thời thịnh Đường, đời đầu nhà Đường thì Phật Giáo cực thịnh nhưng đến cuối nhà Đường thì Phật Giáo bị đàn áp rất khốc liệt. Ở tại Ấn Độ cũng vậy, đã có những thời kỳ vàng son rực rỡ của chánh pháp nhưng cũng có những thời kỳ mà Phật Giáo rất suy sụp. Thịnh suy cũng đến đi với cuộc đời nầy như hạt sương đầu cành, những hạt sương long lanh lấp lánh vào buổi sáng ban mai nhưng khi nắng lên thì chúng tan biến đi. Đúng là một giọt sương, đúng là một sự vô thường. Bởi vì chúng ta không sống gần với sự thật, không nhận ra sự thật mà chúng ta thường đắm mình vào trong cái khen cái chê do vậy chúng ta làm cho tâm hồn mình bị chao đảo.

Trước khi dứt lời bài pháp hôm nay, chúng tôi cũng muốn nhắc đến một ý nghĩa hết sức quan trọng là trên phương diện tâm lý và tinh thần của Phật Pháp, một người nào mà càng sung sướng với lời khen thì người đó càng sầu não, càng bị chi phối bởi lời chê. Một người nào bình tĩnh đối với lời khen thì cũng có khả năng bình tĩnh với tiếng chê. Nếu chúng ta tự chủ giữ lòng mình để không bị ảnh hưởng chi phối nhiều bởi lời khen của người khác thì dễ hơn là chúng ta gìn giữ những cảm xúc của mình, không bị mất tinh thần vì lời chê. Và như vậy chúng ta hãy thực tập. Nếu có một ngày nào đó một người nào đó họ xưng tán khen tụng mình một cách nồng nhiệt thì chúng ta cũng nhớ rằng người ta khen mình được thì người ta chê mình được.

Nếu mình sung sướng với lời khen nầy thì mai mốt tiếng chê của người khác cũng có thể làm mình chao đảo không kém.

Nếu mai nầy có ai gặp mình mà họ miệt thị, họ chê việc làm của chúng ta, chúng ta cũng nhớ rằng ở trên đời nầy không có ai không bị chê, kể cả Đức Phật, kể cả những vị vua, kể cả các bậc hiền thánh, tất cả mọi người đều bị phê phán hết. Sá gì cái thân hèn mọn của chúng ta, và với tất cả những ý nghĩ đó, chúng ta sẽ đặt lại giá trị của cuộc sống hoàn toàn ở trong cuộc đời nầy, cái giá trị không nằm ở ý kiến của người khác. Đức Phật đã ân cần nhắc chúng ta rằng chúng ta chỉ nên lắng nghe bậc hiền trí và nếu có bậc hiền trí nào họ cho chúng ta biết điều hay điều dở mà hoàn toàn không có hậu ý, với một thái độ khách quan thì chúng ta cố gắng lắng nghe.

Nhưng mà thị phi của cuộc đời nầy không có nghĩa gì hết. Ở trong chữ hán, chữ thị phi là một chữ rất đẹp, phi chính là cái nầy hay không phải là cái kia, cũng giống chữ dị đoan, chúng ta nghĩ rằng dị đoan là mê tín, nhưng thực sự thì dị đoan là một đầu mối mà không thể lần ra, thì thị phi tức là có người nói thế nầy là đúng, có người nói thế kia là đúng, nếu chúng ta để ý đến thị phi thì cuộc đời của chúng ta cũng lên xuống như thị phi vậy, bản chất của thị phi vốn dĩ nó không có một giá trị nào hết, bản chất của thị phi vốn là kẻ nói vầy, người nói khác, trông đánh xuôi kèn thổi ngược, vậy thì có sá gì mà chúng ta phải lăng xăng chạy tới chạy lui theo nhịp độ chóng mặt của cuộc đời. Nên chăng đôi lúc chúng ta dành cho mình một chút thì giờ ngồi lại lắng đọng tâm tư. Những lời dạy của Đức Phật từ ngàn xưa cho đến hôm nay vẫn có giá trị, chúng tôi chưa bao giờ thấy những lời lẽ của bài kinh đó lại xa lạ với mình, chưa bao giờ cảm thấy những lời dạy đó là kinh điển, thứ kinh điển khuôn sáo mà người ta thường áp đặt cho một chủ nghĩa, một tôn giáo.

Lời của Đức Phật dạy có khác gì lời của người cha, người thầy đang nhìn chúng ta và nói với chúng ta làm thế nào để đời sống được an vui, được tiến bộ, những lời dạy đó giống như cơm, bánh, đường, sữa mà chúng ta ăn uống mỗi ngày. Chúng tôi mong rằng những lời dạy nầy của Đức Phật sẽ được chúng ta đem vào tâm tư của mình, để chúng ta không uổng phí kiếp người của mình để phải trôi dạt như một chiếc lá và để chúng ta không phải cảm thấy rằng cuộc sống của mình chỉ phí thì giờ cho những khen chê hơn thiệt của cuộc đời. Có thể những giờ phút đó chúng ta mới thấy giá trị hết sức thâm sâu vi diệu của Chánh Pháp.
Chúng tôi cầu chúc quý vị có một ngày an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu