Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 80

Người trí biết tự rèn mình





Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm cung chuốt tên,
Thợ
làm mộc uốn gỗ
Bậc trí
biết tự rèn




                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Udaka.m hi nayanti nettikaa usukaaraa namayanti tejana.m
Daaru.m namayanti tacchakaa attaana.m damayanti pa.n.ditaa.

.
Như Trúc chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Sadi Pandita Daraka tuổi còn nhỏ sớm có duyên lành xuất gia. Một hôm, theo thầy là tôn giả Xá Lợi Phất vào làng khất thực. Trên đường thấy một nông dân dẫn nước vào ruộng, một người làm cung đang chuốt tên, và một thợ mộc đang gọt đẽo bánh xe bò. Những cảnh tượng này khiến vị sa di tò mò muốn biết họ đang làm gì. Sau khi nghe lời giải thích, chú sadi bất chợt nghĩ rằng những thứ vô tri mà có thể thay đổi cho tốt hơn được, sao mình không tự chuyển hoá tự thân. Nghĩ vậy vị này xin phép về chùa gia công thiền định và giác ngộ đạo quả không lâu sau đó. Đức Phật dạy kệ ngôn trên để tán thán sự khéo nhận thức của một người hữu duyên, hữu trí.

Bài kệ này đề cập đến câu chuyện 1 vị sadi. Sadi đó gọi là Pandita Daraka. Vị này còn rất nhỏ, đi theo tôn giả Xá Lợi Phất, vị thầy của mình vào trong làng khất thực. Thưa quí vị, được đi xuất gia sớm, đó là một phước duyên rất đặc biệt của vị sadi này, mà lại có 1 vị thầy như tôn giả Xá Lợi Phất, lại là 1 phúc duyên lớn khác nữa. Chúng ta cứ hình dung 1 vị trưởng lão vào làng khất thực, dẫn theo 1 vi sadi nhỏ. Vi sadi này đi theo Ngài với bình bát trên tay. Thông thường thì trong lúc đi khất thực, đôi mắt ngó xuống nhìn phía trước và tiếp tục lẳng lặng đi như vậy. Nhưng trong tâm tư của một chú sadi còn rất nhỏ, thì sự thu thúc này hết sức khó khăn. Vị sadi đi vào trong làng thấy cái gì cũng tò mò, thấy cái gì cũng muốn hỏi, với đôi mắt ngó dáo dác chung quanh. Rồi vị Sadi lại thấy những cảnh tượng, một bác nông dân đang đào một cái rãnh nước để dẫn nước từ ở ngoài kênh rạch vào ruộng của mình. Vị Sadi níu y Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi rằng: “Thưa sư phụ không biết người ta đang làm cái gì”. Thưa quí vị, Ngài Xá Lợi Phất rất là kiên nhẫn. Nhìn ở đây chúng ta mới thấy được cái hình ảnh của một vị trưởng lão có trách nhiệm dạy dỗ tăng chúng. Trong trường hợp này là một vị sadi rất nhỏ. Ngài không lấy đó làm phiền, mà đứng lại chậm rãi nói với vị Sadi Pandita rằng: “Này con, người ta đang dẫn nước vào ruộng. Nếu nước chảy ở kênh rạch ngoài thì không có lợi cho ruộng, muốn đem nước vào ruộng thì người ta phải làm như vậy. Lát sau, vị Sadi nhìn thấy một người thợ làm cung đang chuốt mũi tên cho thẳng. Một lần nữa vị Sadi cũng hỏi thầy: “Sư phụ ơi, người ta đang làm cái gì?” Tôn giả Xá Lợi Phất cũng ngừng lại nói với vị Sadi rằng những người đó họ đang chuốt mũi tên. Mỗi lần họ bắn tên thì họ cần mũi tên rất là thẳng. Do vậy họ chuốt mũi tên rất là công phu.
̉

Thưa quí vị, một đỗi sau nữa, vị sadi thấy một người thợ mộc đang đẽo bánh xe bò. Bánh xe bò ngày xưa mà hôm nay vẫn còn dùng tại Ấn Độ, là một loại bánh xe bằng gỗ. Để đẽo bánh xe này người thợ phải làm sao cho nó tròn đều theo mực thước của mình. Vị Sadi này một lần nữa cũng hỏi Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Xá Lợi Phất cũng trả lời cho vị Sadi biết họ đang làm gì. Câu chuyện đến đây cho ta thấy vị Sadi chỉ là tò mò. Nhưng sau ba lần hỏi sư phụ của mình và sau ba lần được giải thích, thì vị Sadi này chợt nghĩ ra một điều. Cái tuổi lúc đó mà suy nghĩ như vậy thì đúng là phi thường. Vị Sadi nghĩ trong lòng là nước, mũi tên, gỗ là những vật vô tri. Vật vô tri như vậy mà biết khéo dẫn, biết khéo chuốt, khéo đẽo gọt thì trở thành một vật hữu ích. Không biết tâm của mình, mình có thể rèn luyện được như vậy không. Khi nghĩ đến đó vị Sadi nghĩ rằng mình phải biết dạy tâm mình. Vị Sadi thưa với tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Bạch sư phụ, con không muốn đi khất thực nữa. Con muốn trở về chùa để thiền định. Nếu lát nữa sư phụ về có ít thực phẩm dư sư phụ cho con”. Thưa quí vị, cũng không có mấy khi mà chúng ta biết rằng một người học trò đang đi khất thực, rồi không chịu đi khất thực mà đòi trở về chùa. Nhưng Ngài Xá Lợi Phất, Ngài hiểu được vị sadi đang nghĩ gì nên Ngài nói: “Con hãy về đi, lát nữa sư phụ sẽ mang cơm về cho con ăn.” Đó là lòng từ của một vị trưởng lão, một vị thầy dành cho người học trò của mình. Vị Sadi bỏ chuyện đi khất thực nửa chừng để về tịnh xá và ngồi trong cốc của mình, yên lặng nhiếp tâm thiền định. Kể cả Đức Phật khi Ngài đi khất thực về sớm, Ngài biết Sadi Pandita đang ngồi thiền. Quí vị có tưởng tượng Đức Phật đã làm gì không? Ngài đã đi tới lui ở trước cổng chùa để Ngài canh chừng cho Sadi Pandita. Ngài biết rằng Sadi Pandita đang “hạ thủ công phu” và trong giây phút quan trọng đó, nếu có sự quấy rầy nào sẽ là sự trở ngại cho sự tu tập của vị Sadi, nên Đức Phật đã đứng đó. Và quả thực, một lát sau khi Ngài Xá Lợi Phất đi khất thực về, Đức Thế Tôn thăm hỏi và Ngài đã hỏi 1 số câu hỏi khiến Ngài Xá Lợi Phất phải đứng lại trả lời. Trong lúc đó thì Sadi Pandita thành tựu được đạo quả.

Chúng ta không cần để ý đến câu chuyện ly kỳ đó, mà ở đây bài kinh pháp cú này nhân câu chuyện của Sadi Pandita, Đức Phật nhắc đến một điểm là mỗi một người sống trong thế gian này, vì nghề nghiệp, vì theo đuổi mục đích của mình, mình có thể gia công để rèn luyện một cái gì đó, thì một người có trí, một người hiểu được cuộc sống thì người đó sẽ tự nhiếp phục, tự thuần hoá nội tâm của mình. Thật ra khi nói đến văn minh, văn minh của loài người tức là một xã hội có những con người được giáo dục và một con người giáo dục là một con người đuợc rèn luyện uốn nắn. Đây là một điểm đôi lúc khó nhận thấy trong Đạo Phật. Đặc biệt là Đạo Phật về Thiền Tông. Ở Việt Nam, có nhiều người khi đọc sách thiền của Nhật Bản, họ quan niệm rằng thiền có nghĩa là phá tất cả những luật mà người xuất gia phải tuân thủ. Thiền có nghĩa là phóng khoáng, có nghĩa là không cố chấp. Nhưng mà thưa quí vị, nếu quí vị nào sang Nhật Bản, đã đến thăm các trường thiền thì quí vị thấy rằng ngay cả thiền Zen của Nhật Bản thì công phu đào luyện vẫn là một điểm mà tất cả thiền viện nhắm vào. Nói một cách khác là không có một trường hợp nào ở trong những pháp môn tu tập của Đạo Phật, mà pháp môn đó chủ trương rằng buông thả, không tự rèn luyện lấy bản thân. Bởi vì trong rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật đưa ra ví dụ, một con ngựa không đựơc huấn luyện thì chỉ là một con ngựa hoang, mà một con ngựa hoang thì không có giá trị gì. Một người sống trong cuộc đời này, gọi là một người văn minh, là một người có trình độ tâm linh, thì người đó ít nhất phải có khả năng tự rèn luyện chính mình và sự rèn luyện này nói trong Đạo Phật chính là sự tu dưỡng nội tâm. Sự tu dưỡng nội tâm cho phép tâm tư của chúng ta được thuần hoá. Được thuần hoá ở đây tức là chúng ta có thể đến, đi, có thể suy tư, có thể hướng tâm ở trong một thế hợp tình hợp lý, tương đối có một khả năng tự chủ chứ không sống thuần với bản năng.

Có những loài vật, sanh ra đời đã rất là khéo như loài ong, loài kiến và vô số các sinh vật khác. Nhưng mà những cái thuần đó chỉ là thuần của bản năng chứ không phải do sự hiểu biết. Con người của chúng ta hoàn toàn khác hẳn những điều đó. Nếu chúng ta muốn sử dụng vi tính hay Paltalk, chúng ta cũng phải học hỏi, hoặc làm quen với một số kiến thức tối thiểu nào đó của computer. Hoặc giả là chúng ta muốn đọc sách, chúng ta muốn cảm nhận những lời nói có giá trị trong cuộc đời này thì tự mình phải rèn mình bằng cách là mình phải đặt mình ở trong sự quen thuộc nào đó với cái đề tài, với những gì mà mình muốn hấp thụ, mình muốn thấm nhuần. Nếu chúng ta đọc tất cả những điều trong kinh Phật đề cập thì Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh một điểm là con người cần hấp thụ một nền giáo dục. Nói một cách gần gũi nhất đó là con người cần có chủ tâm rèn luyện chính mình. Như vị Sadi Pandita thấy một người thợ dẫn nước vào ruộng. Đó là cái khéo. Làm thế nào để khai thông một cái rãnh nước. Qua rãnh nước đó, nước có thể đi vào nơi mà mình mong muốn. Đạo Phật quan niệm rằng đời sống nội tâm của con người là một kho báu, một sức sống và sức sống này rất kỳ diệu. Kỳ diệu đến nỗi qua đó chúng ta có thể có được nhiều lợi lạc nếu chúng ta biết chỗ để hướng tâm tư của mình. Có một buổi sáng, như buổi sáng hôm nay là buổi sáng thứ bảy ở tại Hoa Kỳ và là một chiều thứ bảy ở một nơi nào khác như ở tại Việt Nam, ở trong giờ phút này chúng ta đang hướng tâm, đang suy nghĩ một việc gì đó, thì thưa quí vị, sự hướng tâm này định đoạt rất nhiều về trạng thái tâm ở trong ngày về cuộc sống của mình sẽ sống ra sao. Nếu chúng ta đọc một bài kinh gọi là kinh “Đế Thích Sở Vấn” , ở trong bài kinh này, Đức Phật có đề cập đến một trạng thái gọi là tâm hành. Tâm hành ở đây chính là tầm và tứ. Tầm tứ tức là khuynh hướng hướng tâm, một lúc nào đó, tâm của chúng ta chỉ ưa chuộng âm nhạc, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích chuyện thế sự, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích Phật Pháp. Cái khuynh hướng đến của nội tâm, cái hướng đó Đạo Phật gọi là tâm hành.

Tại sao gọi là tâm hành, tại sao gọi là tầm tứ? Thưa quí vị, khi Đức Phật đề cập đến hơi thở thì Ngài gọi hơi thở là thân hành. Bởi vì qua hơi thở con người có những hoạt động cụ thể của thân. Vị nào mà quen tập yoga hay quen tập thiền hơi thở thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, những con vật hay người nào mà hơi thở ngắn, chúng ta sinh hoạt một cách khác, mà hơi thở dài thì sinh hoạt một cách khác. Cho dù hơi thở chỉ là một làn hơi đi ra đi vào, nhưng mà qua hơi thở đó nó cho chúng ta một cách sinh hoạt đặc biệt của thân. Do đó hơi thở gọi là thân hành. Và qua hơi thở, chúng ta cũng biết nhiều về thân của mình. Nhưng đối với tâm thì sự tầm tứ, tức sự hướng tâm, sự dán tâm của chúng ta vào một cái gì đó, nó gọi là tâm hành, tức là một phần chủ đạo của đời sống. Cái tầm và tứ của tâm hay tâm hành rất khó để nhận thức trong đời sống. Nó chỉ được nhận thức khi nào chúng ta tự hỏi rằng hiện tại bây giờ trong giờ phút này cái gì là cái ưu tiên số một của mình. Cái ưu tiên đó phải chăng là chúng ta đang hướng tâm để tìm một cái gì mình muốn. Chúng ta hướng tâm đến làm sao trả đũa một người họ đã gây ra những phiền hà cho mình. Chúng ta đang hướng tâm để làm sao tìm vào một cảnh giới nào đó cho chúng ta vừa ý thoả thích. Sự hướng tâm này nói lên chí hướng, nói lên nguyện vọng, nói lên hoài bão, nói lên ưu tiên của đời sống mà qua đó cuộc sống được thể hiện. Khi vị Sadi nhìn thấy người nông dân đang dẫn nước và hỏi Ngài Xá Lợi Phất thì Sadi Pandita đã dùng chuyện đó để suy tư về cuộc sống của mình. Nội tâm của chúng ta sẽ trở nên hoang dại, nếu chúng ta không có một lập tâm là mình sẽ đặt để, sẽ rèn luyện tâm trí mình ra sao. Nếu có một buổi sáng mà chúng ta thức dậy không có một việc gì khả dĩ để làm, cho dù việc đó là dọn dẹp nhà cửa, thắp nhang bàn Phật hay bất cứ việc gì mà chúng ta thấy rằng lợi ích thì chúng ta thấy tâm hoang vu. Tâm hoang vu trôi dạt về nhiều phương hướng khác nhau. Chúng ta không biết là nó sẽ trở thành ra thứ gì. Do vậy, Đức Phật dạy rằng bậc trí biết tự rèn mình.

Ngài Hộ Tông khi còn là cư sĩ, Ngài có viết một bài viết là “Thường tự hoá” Thường tự hoá tức là một người trí là người biết thường tự giáo hoá lấy bản thân của mình. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu không ngừng. ở trong cuộc phiêu lưu đó, thưa quí vị, chỉ có hai thái độ, một là thái độ mình biết chuẩn bị hành trang hợp tình hợp lý cho mình. Thứ hai là chúng ta cứ buông tay để đi theo dòng đời, cuộc đời đưa chúng ta đến đâu thì chúng ta sẽ đi về đó. Chúng tôi nhớ ngày xưa có đọc một bài thơ của Xuân Diệu. Bài thơ này có thể là diễn tả trong một cái thế khác hơn là chúng ta nói tại đây. Nhưng nó gợi cho chúng ta một ý rất là quan trọng, liên quan đến bài kệ này. “ Thượng Đế hỡi con cuối đầu trả lại. Linh hồn con là một kiếp đi hoang. Sầu đã chín xin Ngài thôi hãy hái. Con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng.” Khi chúng ta nói, “con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng” cái đó nói lên, khi tâm của chúng ta đã buông rồi thì nó có thể trôi dạt vào bất cứ bến bờ nào. Và khi đã gọi là trôi dạt thì chúng ta không còn một cách gì tự chủ ở đời sống. Và điều này là điều Đạo Phật dạy rằng, có những người bước đi mà bước đi để trôi dạt, bước đi để đi vào trong cuộc vô định. Bởi tự họ không tìm ra một hướng khả dĩ nào cho cuộc hành trình của họ. Vì vậy, thưa quí vị, người ta cố gắng hiểu một cách khác đi tinh thần của Đạo Phật, ở một cách giải nào đó để cho thấy rằng, cái cao diệu của Đạo Phật là nói đến một sự tự tại, không có uốn nắn, không có tôi luyện, không có rèn mình. Nhưng trên thực tế, tất cả các Pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta đều có mục đích rất rõ ràng, đó là cải thiện đời sống tâm linh của mình, rèn luyện tự thân của mình. Và kết quả của sự rèn luyện đó là chúng ta đạt được sự tự chủ. Không những thế mà chúng ta còn có thể làm những gì mà mình mong mỏi.

Nhìn vào xã hội loài người hôm nay, ở trên thế giới này, quốc gia nào phát triển thì quốc gia đó có một ngân sách giáo dục rất lớn, quốc gia nào chậm phát triển thì quốc gia đó thường có ngân sách giáo dục kém hơn so với quốc phòng hoặc so với những lãnh vực khác. Giáo dục là một điều hết sức quan trọng. Có giáo dục thì xã hội mới tiến bộ, mới đi lên. Và chính vì vậy, một số quốc gia mà tài nguyên thiên nhiên rất là ít, như Nhật Bản, thì thưa quí vị, họ trông cậy rất nhiều vào sự phát triển của tri thức, sự đào tạo ra con người. Và chính con người có tài, có được sự giáo dục đầy đủ mới là nguồn tài nguyên của đất nước. Về điểm này, một lần nữa lại nói lên một sự việc khác mà chúng ta phải nhìn thấy ở tại đây. Ngày hôm nay có một hiện tượng trong Đạo Phật, mà phải nói rằng hết sức là đáng lo ngại. Đó là việc thiếu đào tạo các vị tăng ni. Một số người Phật tử đã nghĩ rằng, đời sống xuất gia, có nghĩa là bỏ tất cả mọi thứ kể cả trường học, sách vở, kể cả những sự rèn luyện chính mình. Điều đó là một điểm rất là sai lầm. Phật Giáo giới thiệu một môi trường tự giáo dục bản thân, và môi trường tự giáo dục bản thân này, nếu chúng ta may mắn thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều. Chúng tôi vào sinh hoạt trong các room, thỉnh thoảng nghe các Phật tử than phiền có những điểm cho thấy rằng Phật Giáo Việt Nam đang suy đi. Chúng tôi cũng đồng ý với quí vị một việc đó là sự đào tạo của chúng ta rất là hạn chế. Nếu tăng ni không được đào tạo đàng hoàng, và những người xuất gia chỉ là có cơ hội thọ cái giới đàng, càng lúc chuyện thọ giới càng trở nên hết sức đơn giản: quen với một vị thầy nào đó, đến thọ giới rồi trở về, rồi năm tháng chúng ta chỉ ôm một vài quyển kinh quyển sách hoặc chỉ lo việc tụng niệm mà không lo đào tạo thì thiếu sự đào tào, Phật Giáo càng lúc càng đi xuống. Đây là việc chúng ta phải nhìn nhận, chúng ta không thể chối cãi được điều này. Sự hưng thạnh của Phật Giáo không phải là Phật Giáo được người ta trọng vọng, hay đạt đến điều này, đạt đến điều khác mà chính là sự tu học, rèn luyện tự thân của Tăng Ni, của Phật tử mới là điều quan trọng. Nó giống như một công dân ở một quốc gia, mà ở đó người ta chú trọng vào nền giáo dục.

Ở đây, một lần nữa, Đức Phật nhân câu chuyện của Sadi Pandita, Ngài đã nhắc lại rằng chính sự điều phục bản thân là một thái độ của người trí và không những thế, ở đó nói lên một tinh thần hết sức rõ ràng, rất dứt khoát. Tu là một nỗ lực, nỗ lực đó nhằm vào việc uốn nắn, thay đổi tự thân. Trong rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật đã dạy rằng tâm tư của chúng ta khi không được tu dưỡng sẽ giống như một con thú hoang. Con thú hoang có nghĩa là nó đi cũng vô định, nó ở cũng vô định. Và trong cái đến đi vô định đó thưa quí vị, xem ra thì rất là thư thái, rất là nhẹ nhàng. Nhưng những con thú hoang đó như loài ngựa hoang, không thành đạt được mục đích gì của đời sống, và cuối cùng là cả một chuyến đi vô định.

Có một lần Đức Phật đã dạy rằng, nếu cuộc sống này tất cả đều đã được an bài, tất cả do định mệnh, không có gì phải cố gắng nữa, thì đời sống quả thực không có giá trị gì để cho sự tu tập. Đời sống tu tập vì chúng ta tin rằng chúng ta có thể hoán chuyển, có thể thay đổi, có thể làm cho tốt hơn. Trong những đạo giáo, trong những chủ thuyết chủ trương về định mệnh, về sự an bài, về một thái độ gọi là “nhất ảnh”, “nhất cát giai do tiền định” hay là “giai do thiên định”. Từ cái chân răng kẻ tóc của mình đều được quyết định bởi số phận đã an bài hay bởi một vị thượng đế. Ở trong đó không có chỗ đứng của thiện pháp, không có chỗ đứng của sự tu tập. Đức Phật luôn nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng lý tưởng tu tập của một người có trí, một người có ý thức, đó là thấy rằng mình còn có những điểm, những việc phải tự thay đổi và tự chuyển hoá lấy chính mình, nếu mình muốn trở thành một con người tốt hơn.

Có rất nhiều lần và nhiều đoạn kinh mà chúng ta được đọc, ở đây là một ví dụ điển hình, kể cả cái duyên sự cho thấy rằng con đường đi của Đạo Phật là một con đường giáo dục. Sự giáo dục của thế gian thì nhắm vào đào tạo nhân tài, đào tạo tài năng của con người hơn là hun đúc chính đời sống nội tâm. Còn con đường giáo dục của Đạo Phật là làm sao con người chẳng những thuần về tâm tính mà còn có thể có cơ may thành tựu tuệ giác. Sự thành tựu tuệ giác đó sẽ hoán chuyển hoàn toàn triệt để. Nhưng hiện tại vẫn có nhiều việc mà mình có thể làm được. Người Phật Tử cũng như tất cả con người sống trên trái đất này vẫn thường rất dễ dàng rơi vào một thái độ của “autopilot”, của sự đưa đẩy của đời sống. Ví như chuyện tu, mình cũng quan niệm rằng người tu cũng phải có căn tu mới tu được. Người tu có căn tu mới tu được có nghĩa là những gì mà mình tu tập bây giờ, đều là do cái nhân duyên của quá khứ đưa đẩy, và bây giờ nó đưa đẩy đến đâu thì chúng ta nhận đến đó. Và thưa quí vị, chúng ta cũng nghĩ đến một chuyện khác là một người mà có được một cái gì như là Đức Phật, sanh ra đời là một vị Hoàng tử, đi xuất gia trong một phong cách khác hơn là bất cứ ai khác và Ngài thành đạo vô thượng cội bồ đề đều là do túc nghiệp ba la mật đã tạo trong vô lượng kiếp. Chúng ta nghĩ như vậy thì chúng ta lại có một cái kết luận rất là thầm lén ở trong con người của mình là mình tu được hay không tu được, làm được hay không làm được nhất nhất đều là do cái gì đó đã quyết định trước đây chứ không phải là nỗ lực của bây giờ.

Đức Phật đã nhắc rất nhiều lần rằng: Bởi chính cái quan niệm quá nhiều về quá khứ, quyết định bởi thiên định hay quyết định bởi một số phận nào đó đã an bài, chúng ta không còn thấy giá trị của sự nỗ lực. Đức Phật dạy đời sống là một hỗn hợp, hỗn hợp giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại chúng ta vẫn làm được rất nhiều việc và Đạo Phật cho rằng chính vì điều đó cho thấy sự tu có giá trị, và cũng chính điểm này mới cho thấy cuộc sống có niềm hy vọng.

Thưa quí vị, nếu cuộc sống của chúng ta đã được hay đã bị quyết định hoàn toàn bởi một đấng thiêng liêng nào đó như là Thượng Đế thì quan niệm đó là quan niệm không có hy vọng. Tại sao vậy? Vì tất cả đều đã được sắp xếp, đều đã được an bài. Và bởi vì cái khả tính mà có thể chuyển hoá đời sống này, bởi vì chúng ta nhận định được rằng cuộc sống có thể thay đổi, có thể được cải thiện và có thể làm tốt hơn. Đó mới là niềm hy vọng chân thật. Người ta thường rêu rao rằng, đây thật sự là hy vọng, đây thật sự là chân lý. Nhưng cái niềm hy vọng đến được chỉ khi nào người ta xác nhận rằng nỗ lực của con người có giá trị. Có giá trị không phải làm hài lòng Thượng Đế mà cái nỗ lực đó có khả năng để chuyển hoá, để thay đổi cuộc sống này. Khi chúng ta đọc những câu kinh, những câu kinh đó nhắc chúng ta về sự xác nhận của Đức Phật là không có một nỗ lực nào ở trong đời sống của bản thân mình mà phí phạm, không có cố gắng nào về sự tu tập của bản thân lâu dài mà lại không có giá trị. Nó không có giá trị liền, thay đổi lập tức, nghĩa là chúng ta không thể một sớm một chiều, trong một vài giây phút ngắn ngủi thay đổi lấy chính mình. Đừng quên rằng có một cái thay đổi mà chúng ta không bao giờ ngờ được.

Ở trong chùa có một đạo hữu rất là thân thiết với chùa. Vị này chuyên làm bonsai. Thỉnh thoảng vị này đem một số bonsai triển lãm lên chùa, và đến chùa để uốn những cây kiểng ở trong chùa. Chúng tôi nhìn những người đó uốn cây kiểng, thì rõ ràng rằng ở đó đòi hỏi yếu tố thời gian. Người đó dùng những thanh kim loại rất là mềm, dễ uốn nắn như dây kẽm của chúng ta vậy. Nhưng mà rồi để họ uốn nhánh cây về một hướng nào đó, sau một thời gian nhánh cây đó sẽ cong theo độ cong mà mình muốn. Nhưng nếu uốn xong buổi sáng, buổi chiều buông ra thì cây đó không bao giờ theo đường nét mà mình mong muốn. Có lẽ cuộc sống này nó không thay đổi nhanh như chúng ta nghĩ. Chúng ta thường cố gắng tìm một pháp thiền, mà hễ mình ngồi xuống là có thể thấy được cái này, cảm được cái kia và thành được cái nọ. Nhưng cái thành tựu sớm quá như vậy phải coi chừng, nó nguy hiểm như một loại thuốc mạnh, một loại thuốc trụ sinh mà người Việt Nam chúng ta thường lạm dụng. Nó nguy hiểm như những loại thuốc uống vào giúp người ta mau lên cân hay mau sụt cân. Những thứ đó dễ tạo ra những biến chứng. Cũng có nhiều trường hợp, ở đây là một ví dụ điển hình, là Sadi Pandita thành tựu đạo quả rất là sớm, sau khi hướng tâm về sự tu tập. Đa số chúng ta cần mất thời gian, và thời gian đó làm cho chúng ta mòn mỏi. Chẳng những mòn mỏi mà chúng ta thấy hầu như những nỗ lực của chúng ta không có lợi ích gì. Có một Phật tử tâm sự với chúng tôi như vầy, vị Phật tử đó nói rằng, hồi mới đầu vào các room Paltalk để nghe quí thầy thuyết pháp thì không thấy cuộc sống thay đổi gì. Nhưng sau nhiều ngày nghe pháp trong các room trên Paltalk, nghe Phật Pháp thì dần dà quen thuộc nhiều hơn với danh từ Phật Pháp và còn cảm nhận được một cái gì khác. Bây giờ thấy Đạo Phật không giống như những gì mình nghĩ. Thưa quí vị, sự thấm nhuần mà vị đạo hữu đó kể cho chúng tôi nghe thì phải nói rằng đó là một điều mất thời gian chứ không phải đơn thuần là một ngày một buổi nghe mà có thể thay đổi. Tất nhiên điều này cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm khi. Mỗi người chúng ta cần có thời gian để cảm nhận giá trị của sự uốn nắn, cũng như người trồng cây bonsai phải mất nhiều thời gian tháo những sợi dây uốn cây ra khỏi nhánh cây vì nó cần thời gian để được uốn nắn.

Đức Phật dạy trong bài kệ này nhân câu chuyện của Sadi Pandita lại một lần nữa xác nhận ba điều.

Điều thứ nhất, đạo Phật nhấn mạnh giá trị của sự rèn luyện bản thân, cho dù người ta lý luận cách nào đi nữa thì sự rèn luyện bản thân mang một giá trị không thể phủ nhận trong đời sống của chúng ta.

Điều thứ hai, bài kệ này soi sáng cho chúng ta một điểm. Trường hợp của Sadi Pandita, nếu một người có ý thức và làm một so sánh đúng chỗ, áp dụng đúng chỗ thì sẽ tạo ra một tâm lực hết sức dễ sợ, có thể thay đổi cả một đời người, nếu chúng ta khéo nghĩ hoặc là nghĩ đúng.

Và điều sau cùng, ở đây theo cái nhận định chung của chúng ta, liên quan đến bài kệ Pháp cú, một lần nữa nói lên ý nghĩa sự giáo dục, vai trò của giáo dục trong Đạo Phật. Đạo Phật tin rằng, con người muốn tốt hơn, muốn an lạc hơn, muốn đi vào con đường trong sáng hơn thì người đó phải làm một việc đó là tự rèn luyện với chính mình, mà ở trong danh từ chúng ta thường gọi là “tu” hay “sự tu tập”. Không có một ý thức gì được nhắc đến trong Đạo Phật, không có một pháp môn nào được nhắc lên trong Đạo Phật chánh truyền mà ở đó nói rằng, chúng ta sống phải tự do hoàn toàn, không cần phải rèn luyện, không cần uốn nắn bản thân của mình. Điều đó không có trong Đạo Phật. Ngày nay, ngay cả những quốc gia mà họ gọi là tự do nhất, gọi là văn minh nhất, một quốc gia tương đối thoải mái về nhiều phương diện ví dụ như Pháp, nước Pháp cũng có một nền tự do lớn, sau cuộc Cách Mạng, một con người có nội hàm, có thực chất mà sự rèn luyện mình không có thì điều đó không thể có, trừ khi người đó có nhiều túc duyên trong quá khứ. Túc duyên trong quá khứ cũng nói lên một điểm là cho dù tu đời này hay tu đời trước đều là sự rèn luyện chính mình.

Chúng tôi xin được tạm ngưng buổi pháp thoại tại đây để nhường thì giờ cho tất cả quí vị nêu lên những câu hỏi liên quan đến bài kệ này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 80

Pháp Am Lưu Trữ Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu