Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 79

Người Trí Vui Trong Chánh Pháp

Bấm vào để nghe thuyết pháp kinh Pháp Cú 

Thap Nhi Nhan Duyen

 

Ai thấm nhuần pháp hỷ
Tâm an ngủ bình an
Nên bậc trí hân hoan
Với pháp Thánh nhân dạy

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên

 

 

TT Tuệ Siêu:  

Câu kệ ngôn 79, Đức Phật Ngài thuyết duyên khởi tại Savatthi ( thành Xá Vệ), xứ Kosala, nguyên nhân đề cập đến vị vua Maha Kappina ( Tàu âm gọi là Ma-ha Kiết Ba Na). Trong bài kệ Pháp cú này chúng ta sẽ tìm hiểu một ý nghĩa hết sức đặc biệt, mong rằng sẽ đem lại cho đại chúng một sự hiểu biết về giáo lý của Đức Phật. Không phải chúng ta nghe Phật Pháp cho có nghe hoặc nghe để có thái độ không tốt. Vì khi chúng ta nghe pháp như vậy chắc chắn chúng ta sẽ không lãnh hội được điều gì hết. Giống như một người không có trí tuệ và không có sự hiểu biết, người ấy  thấy một viên kim cương, người đó chẳng biết giá trị của nó và do vậy cho nên họ bỏ qua hoặc đem liệng bỏ ở một hốc xó nào đó. Khi nghe pháp cần nhất chúng ta hiểu được pháp với niềm tin. Khi hiểu được pháp chúng ta nên hoan hỷ trong pháp và thực hành theo thì mới có lợi lạc. Ở đây tự mỗi một người chúng ta  hãy tìm cho mình một hướng đi, hãy tìm cho mình một lối sống với tư tưởng an bình và tốt đẹp. Như vậy tự chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc cho mình trong cuộc đời này.

Kệ ngôn số 79, nguyên văn tiếng Phạn,
Dhamma piti sukha.m seti
vippasannena cetasaa
Ariyappavedite dhamme
sadà ramati pa.n.dito.

Bản việt do TT Giác Đẳng dịch,
Ai thấm nhuần pháp hỷ
Tâm an ngủ bình an
Nên bậc trí hân hoan
Với pháp Thánh nhân dạy

Trong bài kệ này chúng tôi xin triển khai hai ý chính. Thứ nhất là pháp hỷ đem an lạc với tâm tư thuần tịnh. Chữ pháp hỷ ở đây Dhammapiiti sukha.m seti,  người thấm nhuần pháp hỷ sẽ an lạc với tâm tư thuần tịnh. Pháp hỷ tức là sự no vui, sự hân hoan trong Pháp. Có hai loại hỷ, hỷ lịên quan đến vật chất và hỷ liên quan đến tinh thần. Một người khi thụ hưởng dục lạc cũng có sự no vui, thích thú của dục lạc. Như trong A-tỳ-đàm giải thích  piti cetasiska tức là hỷ tâm sở vẫn có mặt trong những tâm tham thọ hỷ, và hỷ đó có liên quan đến vật chất. Ở đây đề cập đến Dhamma piti , tức là pháp hỷ liên quan đến tinh thần. Chữ Pháp trong trường hợp này chúng ta phải hiểu là hương vị giải thoát, hương vị chứng nghiệm được nghĩa lý thâm sâu  hay chứng nghiệm được một chân lý và với tâm tư thuần tịnh không bị câu nhiễm bởi tham, sân, si.

Chữ Pháp có rất nhiều nghĩa nhưng chúng ta cần phải hiểu hai nghĩa:
1/ Dhamma: Pháp ,ở đây là giáo lý, lời dạy của Đức Phật, một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, một vị đã giác ngộ.
2/ Chữ Pháp ở đây chỉ cho những pháp thực chứng gồm có thiền định, tức là thiền hiệp thế, thiền sắc giới hay vô sắc giới. Chữ pháp này ám chỉ cho lokuttaradhamma tức là chỉ cho trạng thái đạo, quả, và niết-bàn. Một trạng thái đoạn trừ và thanh tịnh phiền não.

Pháp hỷ đem lại sự an lạc hay nói một cách khác người thấm nhuần pháp hỷ sẽ ngủ được an tịnh.  Chữ seti trong trường hợp này chú giải nói rằng người thấm nhuần pháp hỷ với tâm tư thanh tịnh, hoan hỷ thoải mái thì người đó trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi cũng đều có sự an lạc, hạnh phúc. Quả thật vậy khi chúng ta sống mà chỉ nếm hương vị do năm món  ngũ dục mang lại tức là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Niềm vui liên quan đến vật chất không phải là niềm an lạc tuyệt đối mà hạnh phúc đó chỉ là tiền đề cho sự đau khổ. Tức là một người chỉ biết vui thú với những gì thuộc về vật chất, thuộc về thế gian, thuộc về cảnh phiền não, thì những thú vui đó, hạnh phúc đó, hỷ lạc đó chỉ là vị đắng.

Trong khi một người  thấm nhuần pháp hỷ, an vui trong pháp, tức là an vui trong sự tu tập, trong sự hiền thiện với một tâm tư thuần tịnh, cởi mở thoải mái không bị phiền luỵ với những phiền não tham, sân, si. Với pháp hỷ này người ấy sống an lạc khi đi, đứng, nằm, ngồi, đều được an lạc, gọi là sukhan seti. Ở đây một người tu tập đạt đến mức độ thuần thục, nhu nhuyến và thành tựu được quả của sự tu tập thì người ấy sẽ khởi lên pháp hỷ.

Hỷ piti này được đề cập đến theo trong ý nghĩa  của A-tỳ-đàm có năm trạng thái,
1/ Tiều hỷ ( Khuddakà piti), một phỉ lạc có cảm giác nhẹ như rởn lông tóc..
2/ Đản hỷ (Khanikà piti), một thứ phỉ lạc có cảm giác thoáng qua nhẹ nhàng
3/ Ba hỷ ( Okkantikà piti), một thứ phỉ lạc có cảm giác dạt dào hưng phấn, cũng giống như sóng nước ập vào người khi tắm ở biển hoặc sông.
4/ Khinh hỷ (Ubbegàs piti), một trạng thái hỷ lạc có cảm giác lân lân như bay bổng
5/ Sẩm hỷ (Pharanà piti), một hỷ lạc có cảm giác tràn ngập, biến mãn toàn thân.
Khi chúng ta tu tập viên mãn trong giáo pháp này hay khi suy niệm một pháp môn nào đó mà chúng ta thấy rõ, liễu tri thực chứng được pháp môn đó. Thường một người có tâm an trú trong một pháp môn mà mình hiểu thấu, như vậy sẽ phát sanh lên một trong năm cảm giác hỷ hay phỉ lạc này. Cảm giác hỷ hay phỉa lạc phát sanh lên do sự thực chứng Pháp, an vui trong Pháp,  gọi là pháp hỷ Dhamma piti. Chỉ khi nào người có trạng thái tâm thuần tịnh không bị uế nhiễm, một trạng thái tâm không bị xao động mới thật sự phát sanh lên pháp hỷ. Đó là phần thứ nhất về ý nghĩa chánh.

Ý nghĩa thứ hai của bài kệ, khía cạnh này được đề cập đến  là đối với người trí  luôn luôn có sự hoan hỷ thích thú trong pháp của bậc Thánh thuyết giảng Ariyappavedite dhamme
sadà ramati pa.n.dito.
Được gọi là Ariyappavedite dhamme, tức là Pháp được bậc Thánh thuyết giảng, ám chỉ cho giáo pháp mà Đức Phật đã trình bày, đã thiện thuyết toàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối bài pháp không bao giờ mâu thuẫn hay sơ thiện trung thiện và hậu thiện được dùng trong nghĩa kinh đểin như vậy. Gọi là pháp của bậc thánh thuyết, Pháp này ai nghe pháp có sự hoan hỷ có sự ưa thích?. Chỉ có bậc trí mới luôn luôn hoan hỷ trong việc nghe pháp của  bậc Thánh thuyết giảng. Vả chăng giáo pháp này chỉ có người trí mới thực chứng tự mình hiểu, giáo pháp này không phải là môn triết học để nhằm thoả mãn kiến thức mà người ta học, người ta đọc qua để biết được lịch sử cũng như tư tưởng, văn hoá  thời đó là như vậy.

Không phải! Bởi vì giáo pháp của Đức Phật Ngài thuyết có liên hệ đến mục đích cứu cánh thoát khỏi tử- sanh, sanh- tử. Vì cuộc đời này có nhiều rối ren nhiều phiền luỵ đau khổ, do đó cho nên Pháp Đức Phật thuyết giảng nếu được người trí thực hành sẽ đem lại sự hạnh phúc an lạc. Bởi vì sự đau khổ của chúng sanh không phải do điều kiện khách quan, ngoại cảnh  bên ngoài mà chính từ nơi điều kiện chủ quan tức là do tâm không thể chịu đựng nổi. Tâm bị bức xúc nên đau khổ phát sanh từ nơi đó. Ví dụ một người phàm phu khi gặp cảnh sanh ly tử biệt người thân của họ mất đi hoặc họ bị những người khác mắng chửi chỉ trích thì lúc bấy giờ họ sẽ đau khổ, bực tức, ray rức.

Còn một người đã giác ngộ đã thoát khỏi phiền luỵ, thoát khỏi tham, sân, si, xem cuộc đời này chỉ là sự vận hành của các pháp hữu vi không đáng gì cả. Các Ngài biết chắc rằng, thấy rõ rằng đối với pháp hữu vi thật là vừa đủ để nhàm chán để xả ly, bởi vì nó có tính chất vô thường, khổ, vô ngã. Hiểu được điều đó các Ngài đoạn tân tham, sân, si, chẳng hạn như Đức Phật và chư vị A-la-hán đệ tử của Đức Phật. Đối với những vị này cũng gặp một trường hợp tương tợ như phàm phu chúng ta vậy nhưng các Ngài không đau khổ, phiền não. Đối với các Ngài cảnh đó không phải là cảnh khổ  là bởi vì sự khổ đó phát xuất từ trạng thái phiền não, nó sanh ở đây đối chiếu với cảnh, khi tiếp xúc với cảnh tâm bị dao động vì pháp thế gian khen, chê, vui, khổ, đặng, mất, vinh, nhục. Khi bị chao động như vậy, kẻ phàm phu khởi lên ý niệm và cảm thấy bức xúc và đau khổ còn như đối với bậc trí đã giác ngộ các pháp, các vị đó đã diệt trừ các phiền não, tâm không bị chao động bởi pháp thế gian cho nên cảnh đến là đến, các Ngài không hề  lay chuyển.

Cũng như những đụn cát người ta đắp trên bãi biển, khi sóng tạt vào cát đó vị rã tan và bị san bằng nhưng tảng đá trên bờ biển không hề xê dịch. Bản chất tạm bợ của đụn cát và bản chất cứng rắn của đá chúng ta ví dụ như là tâm trạng của kẻ phàm phu chưa thực chứng, liễu tri  được pháp, chưa đoạn trừ tham sân si. Khi gặp tám ngọn gió đời, thì tâm của kẻ phàm phu bị trôi dạt, bị chi phối . Còn tâm của các bậc Thánh, đã liễu tri được pháp đã chứng  thực được pháp , cho nên đối với các Ngài đã đoạn trừ được phiền não tham sân si. Tâm của các Ngài vững chắc như đá kiên trì. Dó đó mặc cho sóng ập vào, gió tứ hướng thổi đến nhưng tâm của bậc giải thoát cũng trơ trơ bất động.

Khi đề cập đến chỗ này chúng ta hiểu rằng, khi đến với giáo pháp này chúng ta thực sự có niềm tin và thực sự tu tập nương theo giáo pháp để  đoạn trừ những khổ đau. Đối với người trí khi nghe mỗi một câu pháp, một lời pháp vị ấy thấm nhuần, hiểu được thì vị ấy càng thích thú càng hoan hỷ.

Không phải giáo pháp của Đức Phật tất cả mọi người đều yêu thích. Như chúng ta cũng biết giáo pháp của Đức Phật  như một bông hoa tươi đẹp. Giáo pháp đó sẽ đượm nhuần sắc và hương chỉ khi nào chúng ta nghe pháp, hiểu pháp và thực hành theo pháp thì giáo pháp của Đức Phật mới trở thành bông hoa tươi đẹp có sắc và hương. Nhưng giáo pháp này sẽ không có hương vị gì cả đối với người thiểu trí, một người phàm phu tục tử không có niềm tin và không đặt mục đích chân chính một lý tưởng tu tập theo giáo pháp, thì người đó nghe cũng chẳng hiểu gì cả.

Chẳng hạn như một người nghe bản nhạc, cảm thấy thích thú cảm thấy hân hoan và cảm thấy như là họ đang thưởng thức những lời nhạc có ý nhị. Còn có người không thích nghe nhạc, nên không thưởng thức được gì, nghe chỉ là nghe, đôi khi còn chê. Hoặc giả giống như một bức tranh, chúng ta đừng nói rằng các danh hoạ của các bậc tiền bối được mọi người tán thưởng. Không phải đâu, chỉ có người nào yêu nghệ thuật và biết nghệ thuật người đó nhìn vào bức tranh mới có thể đánh giá được đây là bức tranh tuyệt vời. Nhưng với con mắt phàm tục hay với một người trí cạn hoặc không am tường về nghệ thuật nhìn bức tranh không hiểu gì cả. Họ chỉ thấy những nét sơn, những bột màu nguệch ngoạt vẽ vời, họ cho rằng thật phí nếu phải bỏ tiền ra để mua.

Cũng vậy giáo pháp này chỉ có người trí hoan hỷ, bởi vì người trí sẽ thấm nhuần dễ dàng, mới lãnh hôị, mới cảm nhận  được điều hay của giáo pháp ở chỗ nào. Người trí sau khi nghe pháp  có thể ứng dụng được lời dạy của Đức Phật trong cuộc sống như là những phương tiện để đoạn trừ những tham sân si, những phiền toái, những phiền luỵ, xem như những món ăn tinh thần. Cho nên người trí sau khi nghe pháp họ luôn có sự hoan hỷ. Còn đối với người thiểu trí hoặc người không ưa thích trong việc nghe pháp, họ chỉ nghe là nghe hoặc có đôi khi có những lời biếm nhẽ  hoặc có những tư tưởng quá khích, chống báng.

Trong trường hợp đó chúng ta cũng thông cảm vì họ không có được trí tuệ để chiêm nghiệm về giáo pháp, không có đầu óc minh mẫn để hiểu được những lời dạy sâu sắc. Họ không thấy được chiều sâu của tâm linh cần phải vượt qua khỏi cuộc đời khổ đau phiền luỵ này bằng phương pháp nào. Họ chưa từng có tư tưởng đó, họ chỉ biết rằng sống lớn lên cố gắng tạo dựng một gia đình, làm sao có tiền bạc, mua sắm những tiện nghi trong nhà và thụ hưởng dục lạc. Thụ hưởng sắc đẹp tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Như vậy là họ cảm thấy hạnh phúc, không cần biết đến tương lai là gì. Với những người như vậy, có bao giờ họ ưa thích trong giáo pháp của bậc Thánh đâu, không ưa thích với giáo lý của Đức Phật tuyên thuyết, chúng ta cũng nên thông cảm.

Bởi vì mỗi người có nhân duyên khác nhau, trong vi diệu pháp gọi là  tức là thường cận y duyên. Thế nào gọi là thường cận y duyên  nghĩa là thói quen trong quá khứ.  Nếu một người trong quá khứ có đời sống tâm linh, thẩm nghiệm cuộc đời đau khổ này và họ từng thích thú với một cảm giác pháp hỷ hoặc cảm giác an lạc do sự suy tư trong Pháp, thẩm gnhiệm trong pháp chúng ngộ trong thiền định mang lại. Người đó quen  thường cận y duyên cho nên trong hiện tại, sanh ra ở đâu, nếu như được nghe pháp sẽ hoan hỷ thích thú.   Ngày xưa khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài chỉ thuyết pháp đến những chúng sanh  hữu duyên cần tế độ. Đem đến kết quả cho những chúng sanh đó chứ không thuyết một cách đại trà. Mặc dầu giáo pháp này là công truyền chứ không phải là bí truyền. Ngài không trao riêng cho một ai cả, Đối với Đức Phật Ngài phải tranh thủ thời gian như thế nào để có thể thuyết pháp có hiệu quả. Bởi vậy mới gọi là Purisadammasàrathi Điều Ngự Trượng Phu, tức là đối với những người hữu duyên cần phải tế độ thì Ngài tế độ cho dù chúng sanh đó hiện đang có tâm chống đối, công kích  Ngài, nhưng Ngài nhận thấy duyên lành trong quá khứ của họ có, họ có thể lãnh hội được giáo pháp nếu như khéo thuyết. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sẽ đi đến đó thuyết cho người đó nghe.

Ngày xưa Đức Phật là như vậy, Ngài thuyết pháp là nư vậy. Nhưng thời buổi bây giờ, đối với chư Tăng hiện tại, Chư Tăng chưa chứng đạt được gì và không thể so sánh trí tuệ đối với Đức Phật, không bằng hạt bụi dưới chân của Ngài. Đối với các vị Pháp sư giảng sư trong hiện tại chỉ biết thuyết và nói những gì mình hiểu. đã đọc được trong kinh điển hoặc kinh nghiệm trong quá trình tu tập của mình có được đem thuyết trình bày cho đại chúng nghe. Chỉ có là như vậy, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không có được pháp hỷ, bởi vì giáo pháp này người trí tự mình có thể thực chứng. Bởi vậy cho nên sau khi nghe pháp chúng ta hãy gạn lọc lại những ý nghĩa cao siêu, tốt đẹp, để rồi chúng ta cố gắng thực hành theo đó. Song song chúng ta cần loại bỏ những chướng ngại tinh thần có thể làm trở ngại trí tuệ chúng ta hiểu pháp.

 Những chướng ngại tinh thần để chúng ta không hiểu được pháp là,
1/ Dục tham tràn đầy ( Kàmàchandanìvarana). Khi dục tham sanh khởi chúng ta có sự mong muốn luyến chấp trong những cảnh trần và sống một đời sống truỵ lạc. với tâm hồn đắm nhiễm như thế chúng ta không thể nào liễu tri được pháp, không có sự thanh tịnh. Giống như một hồ nước hay một lu nước có bỏ màu hoặc màu vàng màu xanh hoặc màu đen sẽ không nhìn thấy đáy thau, được ví dụ như pháp triền cái thứ nhất dục dục tham.

2/ Sự sân hận ( Byàpàdanìvarana) nói chung là sự phiền toái bất mãn. Khi tâm của chúng ta bị nóng nảy bị bức xúc và chúng ta bị đau khổ lo âu phiền muộn hoặc giả oán thù oan trái. Những trạng thái tâm bất ổn như vậy, đó là một chướng ngại tinh thần gọi là patikha hay Byàpàdanìvarana sân độc cái, một trạng thái chướng ngại tinh thần được ví dụ giống như nước sôi sùng sục, mặt nước khi nổi bọt do nóng thì không thể nhìn xuống đáy nồi được. Cũng như thế một người có chướng ngại tinh thần thứ hai thì không thể liễu tri được pháp. Khi một người quá sân hận sẽ không có trí tuệ để hiểu thấu giáo pháp.

3/ Hôn thuỵ cái (Thìnamiddhanìvarana) tức là trạng thái dã dượi buồn ngủ hay trạng thái biếng nhác tiêu cực thụ động. ở đây ví dụ như nước ao tù, nước để trong thau trong chậu nhiều ngày đóng rong làm cho không nhìn thấy rõ ràng đáy chậu, thau. Cũng như thế đó tâm của một người có chướng ngại tinh thần là tâm buồn ngủ dã dượi biếng nhác, thụ động tiêu cực sẽ không liễu tri được giáo pháp, không hiểu được chánh pháp.

4/ Trạo hối cái ( Uddhaccakukkuccanìvarana) tức là trạng thái tâm phóng dật, trạo cử, tâm luôn luôn lúc nào cũng bay nhảy ở cảnh này cảnh kia, chụp bắt đối tượng này đối tượng khác. Tâm không lúc nào yên, an trụ một cảnh, nghĩa là không lúc nào bình tỉnh và không lúc nào ghi nhận được, kiểm soát được cái gì đang xảy ra ở trong thân và tâm này. Với một người có tâm phóng dật như thế đó sẽ không bao giờ hiểu được, thấy được pháp. Ví dụ rường hợp chúng ta xem một quyển sách, mắt chúng ta dán chặt vào trang giấy vào hàng chữ viết,  nhưng tâm chúng ta đang có sự lo âu bận rộn suy nghĩ đâu đâu. Như vậy cả một thời gian năm, ba phút đọc trang sách này chúng ta không hiểu trong đó nói gì cả. Điều này cũng nói cho chúng ta biết rằng khi đọc sách mà chúng ta không hiểu cũng có thể do tư tưởng của chúng ta không có điều kiện yếu tố để chúng ta hiểu được chứ không phải là do quyển sách dở, mà do tâm của mình không định tỉnh. Chúng ta chịu khó đọc lại một lần nữa bằng sự tập trung, có thể chúng ta sẽ hiểu được. Cũng như thế giáo pháp này chúng ta có sự tập trung tư tưởng để chiêm nghiệm, chúng ta sẽ hiểu thấu được, còn như tâm tư chúng ta phóng dật ở chỗ này chỗ khác,  tâm chúng ta cứ nôn nóng lo ra, chúng ta bận rộn chuyện này chuyện kia thìsẽ không bao giờ liễu tri được giáo pháp.

5/ Sự hoài nghi ( Vicikicchànìvarana) cũng là một chướng ngại tinh thần. Hoài nghi nói theo ý nghĩa này gồm hai cách. Một là không tin tưởng, hai là có sự nghi vấn. Trong bài kinh  “Tâm hoang vu” Cetokhila Sutta, Đức Phật Ngài dạy một vị tỳ kheo có sự hoài nghi về bậc Đạo sư, hoài nghi về giáo pháp, hoài nghi về Tăng chúng, hoài nghi điều học hay sân hận bất mãn với các bạn đồng phạm hạnh như vậy tâm vị ấy trở nên hoang vu, giống như một khu rừng rậm dày đặc không có lối ra. Tâm của vị đó sẽ thụ động tiêu cực, không hướng đến sự tinh tấn để thành tựu những gì chưa thành tựu, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc. Ngược lại nếu một người có sự tin tưởng tuyệt đối và có lòng tịnh tín nơi Đức Phật, nơi giáo pháp nơi Tăng chúng. Với niềm tin trong sạch như vậy người này khi nghe pháp sẽ dễ dàng lãnh hội được pháp.

Vấn đề thứ hai là sự nghi ngờ hay sự thắc mắc, chúng ta cũng nên hiểu rằng, khi chúng ta có sự thắc mắc những pháp mà mình không hiểu tới quá sâu xa, thì sự hoài nghi thắc mắc đó không gọi là sự hoài nghi tinh thần vì cho dù rằng các vị đệ tử Thinh văn của Đức Phật  như từ bậc Tu-đa-hườn cho đến bậc A-la-hán có những vấn đề vượt ngoài trí tuệ bậc Thinh văn thì các Ngài cũng không hiểu được cần phải đi hỏi đức Phật. Như Tôn Giả Xá-Lợi-Phất Ngài khởi lên tư tưởng nghĩ rằng, “Không biết trong thời quá khứ giáo pháp của chư Phật vị nào lưu truyền lại thế gian sau khi ngài niết bàn”. Việc đó Ngài Xá-Lợi-Phất phải đem bạch hỏi Đức Phật, Đức Phật giải thích cho nghe như vậy như vậy. Trong trường hợp đó chúng ta đừng nghĩ rằng đó là hoài nghi là một chướng ngại tinh thần, đó là những điều chúng ta chưa biết đến, khi được giải toả chúng ta sẽ hiểu.

Nếu nói đến một sự chướng ngại tinh thần tức là chỉ cho năm triền cái là tham dục, sân hận, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối( tức là trạo cử và hối hận) và hoài nghi. Năm điều này mới thực sự là những điều trở ngại cho việc thấu triệt giáo pháp. Do đó có những người tu tập, những vị xuất gia hay Phật tử đến với Phật Pháp có niềm tin trọn vẹn vì thế họ nghe pháp, dù cho vị Tăng thuyết một thời pháp dài hay ngắn, một lời khích lệ hay một lời sách tấn có liên hệ đến Pháp nghe xong họ cũng hoan hỷ. Vì họ sẵn sàng có một trạng thái tâm gọi là visuddham upasantam cittam. tức là trạng thái tâm an tịnh vắng lặng, không bị xao động không bị chướng ngại   bởi năm thứ nước triền cái. Khi người trí nghe pháp của bậc Thánh thuyết giảng tức là nghe giáo pháp của Đức Phật thì người trí nội tâm vượt khỏi năm triền cái, lắng đọng thanh tịnh.

Nếu là người trí trong đời này, là người có được trí tuệ viên mãn hay có sự hiểu biết chu đáo, người này sẵn có niềm tin và nội tâm thoát khỏi những chướng ngại tinh thần, sẽ luôn luôn hoan hỷ khi nghe pháp của bậc Thánh thuyết tức là nghe Pháp của Đức Phật, điều đó không lấy gì làm lạ. Sau khi nghe được Pháp, người trí thực hành theo Pháp với tâm hoan hỷ  thuần tịnh. Vị đó thành tựu pháp hỷ tức là sự hân hoan, no vui trong Pháp. Điều này đọc trong kinh điển  chúng ta thấy thường xảy ra trong thời đức Phật, như người thợ gốm Kathikara.  Đức Phật kể lại rằng  người thợ gốm Kathikara đã hộ độ cúng dường cho Đức Phật Kassapa trong thời quá khứ. Hằng ngày nấu cháo để sẵn, đến khi Đức Phật và chư Tăng đi khất thực ngang qua thì cúng dường. Trong ngày hôm đó Kathikara vì bận công việc phải đi nên nấu sẵn nồi cháo dặn dò cha mẹ của mình, hai ông bà đều bị mù loà, nói rằng, “ Nếu có Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ kheo đi khất thực ngang qua các Ngài có hỏi xin cha mẹ tác bạch rằng chúng ta đã dâng cúng nồi cháo này cho chư Tăng, xin chư Tăng hãy tự tiện múc lấy vào bát và thọ dùng”. Có một ân huệ đối với Kathikara vì rằng đó là một vị Thánh A-na-hàm, một vị thánh cư sĩ với niềm tin chắc thật do vậy đượ sự chiếu cố đặc biệt là đức Phật và chư vị Tỳ kheo hết sức tự nhiên  với sự cúng dường đó. Thành ra khi các Ngài đi khất thực ngang qua, cha mẹ của Kathikara đẽ tác bạch như vậy, chư Tăng đã tự tiện xử dụng cháo này như cháo được nấu trong chùa của mình. Kathikara về nghe cha mẹ thuật lại như vậy, Kathikara hết sức hoan hỷ, với pháp hỷ đem lại sự an vui theo cha mẹ và Kathikara suốt cả một tuần lễ. Chúng ta có cảm giác này sẽ dễ dàng hiểu ra.

Trường hợp khác trong duyên khởi bài kệ chúng ta đã nghe, đề cập đến đức vua Kappina  và Hoàng Hậu Anoja. đức vua và Hòang Hậu cùng với một ngàn  vị quan đại thần và một ngàn vị phu nhân của các quan đại thần, vì tiền nghiệp trong quá khứ đã tạo phước báu cùng nhau có tâm hoan hỷ đối với Phật Pháp Tăng, nên kiếp hiện tại quen thường cận y duyên. Khi vừa nghe các vị thương buôn báo tin tại Savatthi có xuất hiện một điềm lành là Đức Phật, Giáo Pháp, Tăng chúng đã ra đời. Khi nghe danh từ Phật Pháp Tăng Tam bảo xuất hiện ở đời tâm của những người này khởi lên sự hân hoan phỉ lạc đến nổi pháp hỷ dâng tràn. Họ ngơ ngẩn, không nói nên lời bởi vì họ đạt đến tột đỉnh của sự vui mừng. Thế là họ bỏ cả ngai vàng, sự nghiệp. Với sự an vui phỉ lạc đó Vua Kappina với một ngàn quan đại thần đẽ rời bỏ đời sống vương giả của mình để đi tìm Đức Phật xin xuất gia, chẳng bao lâu tất cả đều chứng A-la-hán quả. Hoàng hậu của vua cùng một ngàn vị phu nhân nghe tin này cũng bỏ hoàng cung mà đi theo. Đến nơi nghe Pháp của Đức Phật, họ cũng sống với tâm hoan hỷ tràn đầy xuất gia làm Tỳ kheo ni và chứng quả A-la-hán cả.

Thoạt nghe qua câu chuyện đó chúng ta nghĩ tại sao thời xưa có những câu chuyện như vậy, có phải chăng đây là một huyền thoại hay một câu chuyện nói lên cho có nói giống như một câu chuyện cổ tích. Chúng ta hãy tưởng tượng ra một lúc nào đó mình có sự kiện gì hân hoan vui mừng, chúng ta sẽ có cảm giác như thế nào thì bây giờ nếu chúng ta là người trí hoan hỷ trong Pháp, ưa thích trong Pháp, sống tu tập theo Pháp thì chúng ta cũng được pháp hỷ tràn đầy như vậy, chúng ta sẽ sukhan seti, sẽ trải qua đời sống an lạc như vậy.

Đức Phật dạy rằng, “ Một vị Tỳ kheo mến Pháp, trú Pháp, tâm tư hằng niệm Pháp, không rời chánh Pháp” Một vị xuất gia tu tập trong giáo pháp không tìm được hương vị của Giáo Pháp, không tìm được sự an vui, hân hoan  trong giáo pháp, trong đời sống tu tập thì vị đó sẽ rời xa chánh pháp rất dễ. Nhưng ngược lại nếu vị nào xuất gia tu tập và tìm được một hương vị ngọt ngào trong chánh pháp, hân hoan trong Chánh pháp thì vị đó không rời Chánh pháp. Đối với người cư sĩ tại gia nêu chúng ta có trí tuệ có niềm tin và vượt qua được  những chướng ngại tinh thần như năm triền cái thì khi nghe pháp,hiểu pháp, chúng ta sẽ luôn luôn thoả thích trogn Pháp của Phật đã thuyết giảng. vì rằng chúng ta có sự thoả thích trong pháp Phật, sống với Pháp hỷ tràn đầy, chúng ta sẽ an lạc, an lạc ngay cả trong giấc ngủ.

Chúng tôi hy vọng rằng bài kệ và lời thuyết giảng này sẽ giúp cho quý vị được sự an vui và tìm thấy một trạng thái phỉ lạc khi chúng ta thực hành theo Giáo pháp. Tự mỗi người chúng ta  phải cho mình cơ hội nếm được hương vị ngọt ngào của Chánh Pháp. Chúng ta đi đến với Giáo Pháp không phải chúng ta tầm cầu sự hạnh phúc an lạc ở một tha lực nào khác mà chúng ta phải tìm sự an lạc, sự hạnh phúc tự chính đáy lòng, chính tâm tư của mình hiểu rõ và thấm nhuần trong Pháp, thực hành trọn vẹn trong Pháp, chúng ta sẽ có được hương vị đó.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya. 





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu