Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 76

Hãy vui được chỉ dạy




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Khi gặp bậc hiền trí
Chê trách và chỉ lỗi
Xem như chỉ kho tàng
Nên thân bậc trí ấy.
Sự thân cận như vậy
Là tốt, không phải xấu.
                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Nidhīnam.’va pavattāram.
yam. passe vajjadassinam.
niggayha vādim. medhāvim.
tādisam. pan.d.itam. bhaje
tādisam. bhajamānassa
seyyo hoti na pāpiyo.
.
Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng : Như thế nào là những bậc được Đức Phật ca ngợi , không phải tất cả những ai có kiến thức rộng có học vị cao đều được Đức Phật tán thán, nhưng chữ trí ở đây Đức Phật có một định nghĩa hết sức khác biệt với người bình thường. Nếu là một người học đạo Nho và chưa bao giờ dành thì giờ để tìm hiểu thế nào là chữ quân tử trong đạo Nho thì người đó khó có thể hiểu đạo lý căn bản của Nho giáo. Và có thể nói rằng với một người Phật tử học Phật nhưng chưa bao giờ có thì giờ để định nghĩa thế nào là một bậc thiện trí ở trong kinh Phật thì người đó đã để một khoảng trống rất lớn trong sự nghiên cứu của mình. Chính vì thế trong phẩm kinh này là phẩm thứ sáu của kinh Pháp Cú chúng ta lại có dịp để đọc những lời xưa Đức Phật dạy thế nào là một người đáng để quy ngưỡng đáng để thân cận và đáng học hỏi.

Trong bài kệ số 76 này có lẽ về phương diện văn tự thì có một vài chữ quan trọng nhưng đọc bản dịch việt văn thì hầu như chúng ta không có nhiều vấn đề, do vậy trước khi đi vào ý nghĩa của từng câu kệ thì xin phép được kể duyên sự trước. Ngày hôm qua kệ ngôn 75 chúng ta nghe duyên sự liên quan đến sa-di Tissa và hôm nay qua kệ ngôn 76 chúng ta nghe duyên sự liên quan đến một vị lão tăng tên là Radhà. Một trẻ một già và hai bên sống hai thái cực hoàn toàn khác nhau nhưng họ lại có chung một điểm rất giống đó là cùng là đệ tử của Tôn Giả Xá Lợi Phất. Phải đọc kỹ ở trong kinh tạng và phải đọc kỹ nhiều câu chuyện thì chúng ta mới thấy công hạnh của bậc đại đệ tử này của Đức Phật, Ngài được tôn xưng là vị thưởng thủ thinh văn, bởi vì sao Tôn Giả Xá Lợi Phất là một người nhận lấy trọng nhiệm lớn lao là giáo dục Tăng chúng, và phải ngồi hình dung được hình ảnh của một vị trưởng lão nhận một đệ tử 7 tuổi, 8 tuổi vào trong hội chúng của mình để chăm sóc và giáo dục, không những là làm thế nào cho một sa-di nhỏ tuổi như vậy có thể sống ở dưới mái chùa trong cuộc sống của một vị samôn, đi khuất thực mỗi ngày, tự lo vấn đề vệ sinh cá nhân, tự lo vấn đề y áo mà còn phải hướng dẫn đời sống tinh thần nữa thì chúng ta mới thấy được cái công khó của Tôn Giả Xá Lợi Phất. Không phải chỉ có dạy cho tuổi trẻ mà ngay cả những vị lão niên xuất gia những người mà đôi lúc khiến cho các vị tỳ kheo khác lấy làm ái ngại không dám nhận vào thì Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng giang bàn tay rộng mở của mình để hướng dẫn những vị đó

Và khi nãy khi đề cập đến sự ra đi của Ngài Bửu Hạnh chúng tôi có nhắc lại một câu do chính Đức Tôn Sư đã nói, đúng ra ngài được tin Tôn Giả Xá Lợi Phát vừa viên tịch ở tại chính nơi sanh quán của mình, Đức Phật Ngài nhìn Chư Tỳ Kheo và Ngài nói một câu rằng:

"Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên đã viên tịch rồi Như Lai thấy hội chúng có một chỗ trống vắng lớn."

Thì thưa qúi vị sự trống vắng đó là một điều rất dễ hiểu bởi vì vai trò xứ mệnh cùng với tư cách của Tôn Giả Xá Lợi Phất có thể nói chúng ta không thể không chắp tay cúi đầu tán thán. Anh hưởng của Ngài đối với nền Phật học về sau này ra sao, thì là một việc mà chúng ta phải dày công để nghiên cứu, nhưng hôm nay trước khi nhắc về hình ảnh của vị tỳ kheo tên là Radhà chúng tôi lại muốn dành một ít thì giờ để nhắc lại hình ảnh của Tôn Giả Xá Lợi Phất và một vài giai thoại hết sứccảm động ở trong đời sống của Ngài. Mặc dù là một vị rất bận rộn với trách vụ giáo dục chư tăng kể cả những vị sa-di mới vào đạo, kể cả những người đệ tử ở tuổi còn niên thiếu nhưng Tôn Giả Xá Lợi Phất với tâm từ bi vô lượng của Ngài, luôn luôn Ngài tìm tất cả cơ hội có thể làm được, có thể có được, để mang ánh sáng của chánh pháp cho những người hữu tâm hữu trí. Ở trong trường hợp này chúng ta lại nghe một hình ảnh rất cảm động về một vị Balamon lớn tuổi rất ưa thích đời sống trong chùa, rất ưa thích thân cận với Chư Tăng và đồng thời cũng rất tha thiết với đời sống xuất gia, nhưng vì quá nghèo và tuổi đã cao đồng thời cuộc sống tương đối hẩm hiu, vị Balamon này có lẽ vì lý do tuổi tác đã quá lớn tuổi nên Chư Tỳ kheo không ai dám nhận vào để hướng dẫn cuộc sống xuất gia. Bởi vì thời Đức Phật còn tại thế cũng giống như hôm nay ở dưới mái chùa có rất ít phương tiện để chăm sóc cho những vị Tỳ Kheo lớn tuổi, đa số những vị Hoà Thượng, những vị lão Tăng, những vị trưởng lão lớn tuổi được chăm sóc là bởi vì những vị đó có một quá trình dài ở trong đạo và trong quá trình dài trong đạo đó đã đào tạo nhiều đệ tử xuất gia và tại gia, do vậy khi các vị này lớn tuổi những người đệ tử này nhận lấy trách nhiệm để chăm sóc như là một nghĩa cử báo ân. Tuy nhiên với một người bán thế xuất gia đi vào đạo trong tuổi quá cao thì ở trong chùa lại không có phương tiện để chăm sóc cho những vị này, lúc bệnh, lúc đau, lúc thân thể không đủ sức khỏe để mặc y mang bát và tự chăm sóc lấy mình. Ở trong chùa không phải là một viện dưỡng lão. Mặc dù những vị trưởng lão, mặc dù những vị cao tăng được chăm sóc bởi tất cả lòng lo lắng kính mến của những đệ tử, nhưng một người lớn tuổi mà mới vào trong đạo thì chắc chắn không có được những thứ đó. Nên chi có lẽ vì điểm này các vị Tỳ Kheo rất ngại để cho ông Bàlamôn Radhà xuất gia ở trong chiếc y càsa và sống bằng bình bát khuất thực.

Thế rồi Đức Từ Phụ một lần Ngài quán sát nhân duyên thấy Radhà có đầy đủ chủng tử để giác ngộ nhưng lại không có nhân duyên để xuất gia, nên vì lòng từ bi Đức Phật đã đi đến gần nơi của Radhà, Radhà thấy hình ảnh của Đức Phật đã vội vàng chạy ra qùy lạy dưới chân của Ngài và Đức Phật ân cần nói rằng:

"Con làm gì ở đây"

Thì Radhà bạch với Đức Phật: "Con đến đây vì lòng ngưỡng mộ kính mến đối với Chư Tăng, đối với những bậc tu tập, do đó con đến đây để làm công quả."

Thì thưa qúi vị, Đức Phật có hỏi thêm Radhà:

"Tại sao con không nghĩ đến đời sống xuất gia? Bởi vì cuộc sống của con bây giờ cũng giống như đi xuất gia vậy."

Radhà không cầm được sự mủi lòng của mình, nhưng mà đã trình bày được tất cả những gì mình tha thiết và những gì mà mình gọi là trở ngại không thể thành tựu được ý nguyện xuất gia của mình. Thưa qúi vị Đức Phật Ngài thay vì nhận Radhà vào xuất gia thì Ngài họp tất cả Chư Tăng lại và Ngài hỏi Chư Tăng rằng:

"Không biết Chư Tăng ở đây có vị nào đã từng thọ nhận một cái gì của ông cụ này chưa?"
Và trong giờ phút đó vị thượng thủ thinh văn của Ngài là Tôn Giả Xá Lợi Phất đã đứng lên chắp tay hướng về Đức Phật:

"Bạch Đức Thế Tôn, thưa có, có một lần con đi khuất thực trong thành Vương Xá, chính ông cụ này đã cho con một vá cơm"

Một vá cơm thôi, thưa qúi vị, đã không phai nhoà và cũng không quên đi trong lòng của Ngài Xá Lợi Phất, và khi nghe Đức Phật Ngài đề cập đến tâm nguyện muốn được đi xuất gia của Bàlamôn Radhà, Tôn Giả Xá Lợi Phất đã cúi đầu trước Phật và xin nhận Balamôn Radhà thành đệ tử của mình. Những tháng ngày sau đó là những ngày thử thách lớn cho vị Bàlamôn cho vị tân tỳ kheo Radhà, mới xuất gia mà lại lớn tuổi có nhiều phận sự phải làm, ngày xưa khi đến với chùa làm công quả và ở gần Chư Tăng thì Bàlamôn Radhà có thể đi ra bên ngoài lựa chọn thực phẩm thích hợp với mình để mà ăn. Bây giờ thì không còn như vậy nữa, vị Tỳ Kheo Radhà phải sống với bất cứ vật gì được cúng vào trong bình bát cho mình trong lúc đi khuất thực. Có khi thực phẩm không đủ là bởi vì Chư Tăng thì đông mà không có mấy ai thực sự là để tâm đến Tỳ Kheo Radhà, những lúc đó Tôn Giả Xá Lợi Phất lại biết và dẫn Radhà đi cùng với Ngài bởi vì ở trong thành Vương Xá khi người ta thấy Tôn Giả Xá Lợi Phất thì những người đàn tín rất là trong sạch luôn luôn phát tâm để cúng dường. Nhưng điều quan trọng nhất là bởi vì Tôn Giả nhận thấy Tỳ Kheo Radhà tuổi đã lớn không có nhiều thì giờ để học, không có nhiều thì giờ để theo đuổi những pháp tu mang tánh cách lâu dài trường kỳ, vì vậy Tôn Giả đã đặc biệt dành những lời dạy trực tiếp nhất cụ thể nhất để hướng dẫn cho tỳ kheo Radhà. Tuổi đã cao tay chân không phải lúc nào cũng nhặm lẹ làm theo ý của mình, thế mà Tỳ Kheo Radhà miên mật lúc nào cũng một dạ tuân thủ theo lời dạy của Thầy của mình, tức là Tôn Giả Xá Lợi Phất, cho dù đó là một việc tương đối khó, tương đối là khổ nhập nhưng mà vẫn làm. Một người thì có thiện trí và một bên là một bậc chân sư thì không bao lâu sự cố gắng của đôi bên đã dẫn đến một sự thành tựu, đó là tỳ kheo Radhà chứng được đạo quả giác ngộ vô sanh giải thoát. Đức Phật biết như vậy và trong một lần hội họp của tăng chúng Ngài đã nhắc về hình ảnh, nhắc về sự thành tựu của tỳ kheo Radhà, và ở trong sau lời nhắc nhở đó Đức Phật cũng đã lưu ý Chư Tỳ Kheo rằng; Radhà đã thành tựu đạo quả không phải dễ dàng, mà bằng một thiện trí, thiện trí đó là ngay cả trong lúc mà đời sống tuổi cao của mình có những khó khăn, có những thứ cơ hồ như không làm được, thế nhưng gặp Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy rằng đừng làm như vậy, không nên làm thế kia, thì Radhà một dạ tuân thủ không hề có một lời than phiền mà nhận thấy rằng mình được chỉ bảo được nhắc nhở là một điều diễm phúc, và thái độ khiêm nhu đó là một thái độ mà Đức Phật tán thán", và Ngài đã kết thúc lời nói của Ngài bằng câu kệ.

Nếu thấy bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí.
Sự thân cận như vậy
Là tốt, không phải xấu.

Thưa qúi vị, có lẽ một hình ảnh xác thực nhất, gần nhất để chúng ta nghĩ về Đức Phật đó là Ngài là một nhà giáo dục, Đức Phật là một người mà trong số của bao nhiêu vị giáo chủ tôn giáo trên thế gian này, Ngài đã nhắc đi nhắc lại rằng chỉ có sự giáo dục và giáo dục một cách thứ lớp một cách có phương pháp mới làm cho con người tốt hơn, chứ không phải vì sự cuồng tín, không phải chỉ có một niềm tin thần linh đơn thuần làm cho con người tốt hơn. Ở đây một lần nữa chúng ta lại tìm thấy một giai thoại nói lên hình ảnh đó và trong lời dạy này của Đức Phật, có thể nói rằng chúng ta đọc những lời dạy đó vừa ân cần vừa cụ thể như lời dạy một ông cha dành cho những đứa con của mình.

Nếu thấy bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí
Thân cận người như vậy
Chỉ tốt hơn, không xấu.

Khi nào chúng ta rảnh rỗi ngồi một mình đọc những bài kệ đó chúng ta sẽ thấy Đức Phật là ai đối với chúng ta, Đức Phật Ngài không xa chúng ta như là chúng ta nghĩ, mà trái lại Đức Phật giống như một ông cha một bà mẹ, những người mà lúc nào cũng dành tình thương sự quan tâm và có những lời dạy hết sức là gần gủi cho sự lớn mạnh trưởng thành của con mình. Ở đây khi chúng ta đọc bài kệ này thì lại nhìn thấy một giai thoại và qua đó có hai hình ảnh rất đẹp của một vị Thầy và một học trò. Một vị Thầy là Tôn Giả Xá Lợi Phất chỉ vì nhớ đến một vá cơm của một người lớn tuổi đã cúng dường cho mình và bây giờ bày tỏ sự biết ân đó bằng nhận người đó vào để hướng dẫn và phải khổ công để làm sao cho người đó được trưởng thành trong giáo pháp của Phật. Chúng ta lại nhìn thấy được hình ảnh rất đẹp khác của một người tuy lớn tuổi, tuy rằng khó khăn để thích nghi nhưng lại không hề thấy đó là vấn đề mà chỉ thấy được rằng mình may mắn mình hữu phước, trong sự may mắn này mình đã có người chỉ cho mình điều nào nên làm và điều không nên làm. Quả thật Radhà rất là may mắn, may mắn bởi vì đã gặp được Đức Phật, may mắn là tại vì đã gặp được Ngài Xá Lợi Phất, nếu Đức Phật đã không đến với Radhà thì có lẽ Radhà sẽ chết đi ở trong một đời sống rất là hèn mọn của một người lớn tuổi bị quên lãng ở trong cuộc đời này. Nhưng Đức Phật không nhìn Radhà như vậy, mà Đức Phật nhìn thấy ở đó là một con người có tiềm năng giác ngộ. Thay vì nhận Radhà vào trong tăng chúng với một sự thâu nhận bình thường thì Đức Phật đã đem vấn đề của Radhà hỏi trước tăng chúng, ngay giờ phút đó vị thượng thủ thinh văn của Ngài đã ban bố cho tất cả chúng ta một hình ảnh rất đẹp.

Và cái thiện trí sau này của Radhà quả thật là may mắn cho vị này khi được sống gần Tôn Giả Xá Lợi Phất. Đúng ra đời sống xuất gia không phải dễ thưa qúi vị, đời sống trong chùa có một nếp riêng và trong cái nếp đó nếu một người biết tuân thủ, nếu một người biết nhìn cái lợi ích lớn hơn là khổ cực của mình thì người đó mới có thể theo được, bởi vì đa số mọi người nghĩ rằng đi xuất gia là tự tại là thoải mái, đi xuất gia nghĩa mình là trở về sống với mình không bị ràng buộc bởi cái này bởi cái kia. Nhưng nghĩ như vậy thì thực sự chưa thấy được hình ảnh trọn vẹn của đời sống xuất gia. Có những người lại than rằng đi xuất gia là bỏ một ngôi nhà nhỏ đi vào trong ngôi nhà lớn, trong ngôi nhà lớn sống thì ở trên là có Thầy Tổ rồi chung quanh là Tăng Chúng, rồi đàn na tín thí đủ người đủ việc, đôi lúc còn cảm thấy khổ nhọc hơn. Vì vậy ngày nay có một số người đã không thể sống được như vậy, cũng muốn đi xuất gia, cũng có hoài bảo được mặc trên mình chiếc y, nhưng mà chỉ muốn đi xuất gia sau khi đã chuẩn bị cho mình một cơ ngơi riêng biệt, và xuất gia rồi cũng chỉ muốn sống ở nơi riêng biệt không thể hoà hợp vào tăng chúng được. Ở trong hình ảnh này vị Tỳ Kheo Radhà tuy là lớn tuổi nhưng vị này cũng ý thức rõ ràng rằng để xứng đáng trở thành một vị xuất gia mình phải có thiện trí và phải có khả năng để hoà hợp trở thành một thành viên của cộng đồng tăng lữ, mà thành viên xứng đáng chứ không phải chỉ là thành viên sống nương đục dưới bóng mát mà lại không biết làm gì hết, thật sự phải nói rằng Radhà đã rất là may mắn gặp được Tôn Giả Sarìputta.

Thì thưa qúi vị, đối với chúng ta những người tu tập phải nói một điều là con đường tu tập là một con đường có rất nhiều trở ngại, trở ngại lớn nhất phải nói là bản thân của mình, càng lớn tuổi, hoặc giả là càng tiếp xúc ở bên ngoài nhiều thì vào trong đạo chúng ta mang vào nhiều tập khí, cái tập khí đó là cái chủ kiến của mình; điều này là mình nghĩ rằng mình đúng, điều kia mình nghĩ rằng sai, hơn như vậy nữa là mình nghĩ cái này mình thích cái kia mình không thích, cái này mình thoải mái cái kia mình không thoải mái và rốt cuộc rồi đời sống xuất gia của mình chỉ là đi tìm một thứ mà mình nghĩ rằng hài lòng những thứ mà mình thích. Nhưng ở trên thực tế một cuộc sống xuất gia rất cần thiết để trải qua một thời kỳ gọi là thụ huấn và thời kỳ thụ huấn này là một thời kỳ quyết định cho quãng đời còn lại của mình, ở trong thời kỳ thụ huấn đó mình có chứng tỏ được rằng mình có khả năng tiếp nhận sự hướng dẫn, mình có khả năng để thích nghi và có khả năng để thay đổi hay không.

Ở trong kinh Đức Phật thường dạy một hình ảnh là một tấm vải mà muốn được nhuộm và nhuộm một cách tốt đẹp một cách đều màu thì tấm vải trước nhất phải được giặt sạch, giặt sạch ở trong điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận màu mới và thấm nhuần màu mới đó là hình ảnh của một tấm vải ở trong kinh Bố Dụ (Trung Bộ Kinh) mà Đức Phật đã giảng. Thì thưa qúi vị cuộc sống của chúng ta khi đi xuất gia hay đi cầu học là một trong những thái độ tiên khởi mà chúng ta phải có, đó là làm sao cho mình có được khả năng lãnh hội, cái khả năng có thể thích nghi và đây là một điểm rất tế nhị ít có người làm được như vậy, và cái văn hoá trào lưu của thời đại hôm nay người ta nói càng lúc càng nặng về chủ nghĩa cá nhân, về sự tự do cá nhân, về chủ kiến cá nhân, và cá nhân càng lúc càng được đề cao, cá nhân càng lúc càng được cổ võ tuyên dương, thì chúng ta lại đánh mất đi rất nhiều thứ hết sức quan trọng, một trong những điểm quan trọng đó là cái khả năng mà Ngài Ajahn Chah Ngài thường gọi là "surrender" tức là vong thân. Khi nghe tới chữ vong thân ai cũng sợ hết, mình sợ đánh mất chính mình, mình sợ mình không còn là mình nữa, mình sợ rằng qua một thời kỳ nào đó thì mình sẽ thay đổi đi. Nhưng nếu cuộc sống tu tập mà mình vẫn giữ lấy cái gọi là mình, và mình không thể chuyển hoá mình được và vẫn khư khư thủ đắc cái mình đã có, không thể thay đổi được thì thưa qúi vị có giá trị gì một đời sống giáo dục như vậy.

Tại sao chúng ta cần đến sự huấn luyện, thế giới này thường rơi vào hai cực đoan: một cực đoan là con người rất dễ bị tha hoá, chúng ta buông mình theo dòng nước mặc giòng cuồng lưu đưa đến đâu thì chúng ta hay đến đó. Một cực đoan khác là chúng ta ôm khư khư lấy tư kiến của mình một thứ tư kiến rất hạn hẹp, và chính mình trở thành nạn nhân cho mình, và như vậy một người thiện trí sống khôn ngoan là phải làm hai quyết định quan trọng. Quyết định thứ nhất là tự mình phải có ý thức rằng cái gì là cái mình muốn làm, cái gì là cái mình muốn học, cái gì là cái mình muốn tu. Nhưng sau cái muốn đó, sau khi đã suy xét rất cẩn thận, sau khi đã xác nhận được những gì thật sự cần thiết cho đời sống của mình thì mình phải chấp nhận một sự thụ huấn mà qua đó chúng ta đặt hết cuộc sống của mình ở dưới uống nắn của vị Thầy. Thế giới hôm nay sợ dĩ không được đào tạo, không đào tạo được những tâm hồn vĩ đại về tinh thần như ngày xưa là bởi vì ngày hôm nay chúng ta thiếu những con người như vậy. Thưa qúi vị trong lịch sử của đạo Phật thì có một vài tông phái ở trong đó có Mật Tông của Tây Tạng mà thường người Trung Hoa gọi là Lạt Ma Giáo, ở trong truyền thống của Mật Tông có một hình thức giáo dục, trong hình thức giáo dục đó họ không quy y Tam Bảo mà họ quy y Tứ Bảo tức là quy y cả với vị Thầy của mình, và họ quan niệm rằng vị Thầy là vị rất quan trọng. Thì thưa qúi vị, đó là cách nói của Mật Tông Tây Tạng. Nhưng không riêng gì Mật Tông mà ở tất cả các truyền thống của đạo Phật đều nói đến một chuyện, đó là người học trò nếu chọn được một vị Thầy và vị Thầy đó là một vị bậc trí thức có thể khai tâm cho mình thì hãy làm như là lời Đức Phật dạy nơi đây: "Đây không phải là một thái độ sùng bái, đây không phải là một thái độ cuồng tín, đây không phải là tinh thần tẩy não, cái công việc tẩy não mà chúng ta thường nghe, một công việc ở đây là một thái độ hiểu biết một thiện trí và cái thiện trí đó đòi hỏi chúng ta phải sống ngoài ngã chấp của mình."

Nếu thấy bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng

Ở trong đời của chúng ta có lẽ đọc ít nhiều những câu truyện cổ tích những người đi tìm kho báu như câu chuyện Alibaba mà chúng ta nghe từ quê hương của "Một nghìn lẻ một đêm", hay câu chuyện của những người tìm được hầm châu báu ở trên những hòn đảo Caribbean do hải tặc đã chôn dấu. Nếu trong cuộc đời này ai đó mà chỉ cho chúng ta một kho báu vô chủ đã bị quên lãng từ lâu, bây giờ mình lại tìm thấy được và mình đã giàu một cách hợp pháp giàu một cách hợp đạo và của hoặch tài đó nó đến với chúng ta bất chợt, thì thật sự chúng ta rất vui. Nhưng trong cái nhìn của Đức Phật thì những vàng bạc châu báu đó cũng chưa qúi bằng nếu cuộc sống của chúng ta mà làm những lầm lỗi, làm những điều sai quấy, làm những điều làm cho chúng ta trì trệ rồi một người có thể chỉ cho chúng ta biết rằng đừng làm như vậy cái đó sẽ dẫn đến thối đoạ, điều đó sẽ dẫn đến sự suy giảm trong thiện pháp của mình, đối với Đức Phật thì người đó đang chỉ kho tàng châu báu cho chúng ta vậy. Phải nói rằng lòng người ngày hôm nay rất ít khi chúng ta có được thiện trí về phương diện này, chúng ta chỉ thích sự vuốt ve, chúng ta chỉ thích những lời ngon ngọt, chúng ta chỉ thích người khác nói rằng mình tốt mình giỏi, nhưng ít khi chúng ta chịu ngồi nghe và nghe một cách chân thành, có những lời dạy hết sức quan trọng cho mình, nói một cách rõ ràng thì cuộc tu là một hành trình mà qua đó chúng ta phải trực diện rất nhiều với những thói hư tật xấu của bản thân mình, và những thói hư tật xấu đó nó được che đậy bởi rất nhiều thứ, nào là tuổi tác, nào là địa vị, nào là lợi khẩu, nào là những lý luận, và nào là những người thân của mình, có bao nhiêu sự che đậy để rồi chúng ta không làm gì được đối với nó hết, để rồi chúng ta hoàn toàn bất lực trước những cái gúc mắc phiền lụy, trước những lầm lỗi mà do chính tự thân mình tạo nên. Nếu có cơ may nào đó giúp cho chúng ta vượt thoát những điều này thì đó là cần đến hình ảnh khách quan ở bên ngoài, đó là bậc thiện trí. Bậc thiện trí là bậc có thể thấy điều gì lợi và bất lợi cho chúng ta và người đó đã chỉ cho chúng ta hoàn toàn bằng thiện trí bằng lòng từ và bằng ý nghĩ lợi ích cho chúng ta, chứ không phải là vì muốn chỉ lỗi trỉ trích chúng ta hay hoặc giả là muốn chứng tỏ sự cao qúy của vị đó hay là với hậu ý gì khác.

Có cái gì mà Tôn Giả Xá Lợi Phất cần ở Radhà? Radhà là vị lão tăng xuất gia lúc tuổi đã về chiều bao nhiêu sự khó khăn tự mình đã quá đủ, chúng ta thấy Tôn Giả Xá Lợi Phất vì lòng đại bi, vì sự biết ơn của một người đã từng cho mình một vá cơm, và vì trọng trách mà Đức Phật đã giao phó trong việc hướng dẫn tăng chúng, thì với tất cả sứ mạng đó Tôn Giả Xá Lợi Phất đã chỉ cho Radhà từng bước một rất khó khăn làm sao để thay đổi, làm sao để thích nghi, và cảm động nhất là hình ảnh của Ngài Xá Lợi Phất có những khi gọi Radhà lên "ngày mai hãy đi khuất thực chung với ta", tại sao phải đi khuất thực chung với Ngài Xá Lợi Phất, bởi vì có khi Radhà đi một mình không có đủ cơm ăn và những thức ăn mà người ta cúng dường là những thức ăn rất là tồi tệ, nhưng đi chung với Tôn Giả thì những người đàn tín có thể cúng những thực phẩm tốt hơn, đó là những hình ảnh mà chúng ta không thể nhớ không, thể không nghĩ khi mà chúng ta đề cập đến một bậc thống soái của chánh pháp ở trên là Đức Phật dưới là Tôn Giả Xá Lợi Phất là một người vô cùng kiên trì là một bậc vô cùng từ mẫn đối với những người mới vào đạo. Và trong trường hợp này Đức Phật đã nhân hình ảnh của hai con người; một con người làm công việc giáo dục như là một nghĩa vụ hết sức thiêng liêng, và một con người khác đầy thiện tâm thiện trí, và cả hai con người này đã cùng nhau xây dựng một thành quả rất lớn là hoán chuyển một con người, một tâm hồn từ chỗ cằn cõi của cuộc sống đã có những thành tựu vượt bậc, thành tựu đó là trở thành một bậc thánh, trở thành một con người mà có thể nói rằng chưa bao giờ Radhà ước mơ được như vậy, chỉ ước mơ là sẽ được hoà mình vào trong cộng đồng của Chư Tăng trở thành một thành viên của tăng lữ, mà không bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể chắp cánh bay xa hơn trở thành một bậc thánh đệ tử Phật.

Nhưng mà rồi ở đây Đức Phật khi nhắc lại và đề cập đến Ngài đã không nói đến rằng Tôn Giả Radhà có những thành tựu vì, may mắn vì thế này thế khác, mà ở đây Ngài muốn lưu ý tất cả chư tỳ kheo hình ảnh một người bằng thiện trí của mình bằng ý thức của mình đã nhận ra rằng đó là kho báu. Thì thưa qúi vị cuộc sống của chúng ta trong thời đại này là cuộc sống càng lúc càng nặng về cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân đó, sự sùng bái cá nhân nó cho con người độc lập hơn, nó khiến cho chúng ta bớt rụt rè rung sợ, nhưng mà ngược lại nó lại có một điểm rất tệ hại, ngay cả những đứa trẻ còn nhỏ nó cũng rất là khó dạy đừng nói chi là người lớn, và hầu hết những người lớn chúng ta trong thời đại này, chỉ đến với đạo khi cái đạo đó làm hài lòng mình, cái đạo đó làm cho mình bằng lòng vừa ý, đến chùa thì chùa đó phải cung cấp cái gì mình thích, ở trong chùa phải có tiện nghi, ở trong chùa phải được tiếp đón nồng hậu, mình cúng một số tiền nào đó người ta phải ca ngợi công đức của mình, và đến một vị Thầy nào đó thì vị Thầy đó phải có những lời nói làm cho mình vừa tai, làm cho mình đẹp ý, làm cho mình cảm thấy rằng mình quan trọng, và chúng ta đánh mất hoàn toàn cái lợi lạc của chánh pháp, chúng ta quên rằng mỗi chúng ta đều có một hành trình và trên cuộc hành trình tâm linh đó mình phải tự mình đối diện rất nhiều với những phiền não, với những nội kết, với những cái phiền lụy ở trong lòng mình, và chỉ có những bậc trí có thể chỉ cho chúng ta những thứ đó để chúng ta vượt qua thì mới có hi vọng, nếu không thì thưa qúi vị chúng ta tưởng tượng rằng tất cả những phiền não sẽ được đem giữ vào trong một cái tủ và cái tủ đó sơn son thếp vàng ở bên ngoài, chúng ta hoàn toàn không có cơ may để mặt đối mặt với những phiền não nội tại, thì đó là một điều không may trong đời sống của mình.

Khi đọc lại câu Phật ngôn này chúng ta có thể nhìn thấy được Đức Phật không phải là một vị thần linh để nói rằng Ngài sẽ cho chúng ta những gì cao qúi nhất của đời sống chỉ bằng sự kính ngưỡng vinh danh Ngài. Đức Phật cũng không phải là một nhà triết học, thuần triết học, thuần tư duy, để mà ngồi đó gợi cho chúng ta những điểm suy tư. Mà Ngài đúng là một nhà giáo dục, Ngài thấy được một niềm hy vọng lớn ở con người là nếu con người biết chuyển hoá, nếu con người biết áp dụng đúng phương pháp thì con người có thể thay đổi và thái độ đó phải đi song song với thiện trí. Thiện trí ở đây đến từ ý thức và ý thức ở đây là thấy được giá trị, khi mình thấy được giá trị của sự giáo dục rồi thì cho dù phải nên non xuống biển, cho dù phải cúi mình, cho dù phải chịu đựng sự khó khăn chúng ta vẫn làm được.

Trong cuộc sống của chúng tôi có một điều chúng tôi nhận là rất may mắn, đó là đã tự mình chứng kiến rất nhiều người bởi vì một mục đích nào đó mà họ tha thiết có thể dám đánh đổi lấy sanh mạng của mình, có những người làm một cuộc hành trình vô cùng nguy hiểm mà cuối cùng họ đạt được phần thưởng là tại vì họ mang một cái hoài bảo tha thiết, họ thấy được gía trị gì đó. Thì ở đây một lần nữa Đức Phật Ngài nhắc cho chúng ta thấy một việc là vấn đề chúng ta có thấy được giá trị của nó hay không, nếu chúng ta thấy được giá trị của nó thì thật sự những thứ đó không thành vấn đề, nếu chúng ta không thấy được giá trị thì chúng ta sẽ cực lực chống đối lại và có thể là chúng ta sẽ bỏ cuộc bởi vì chúng ta không chấp nhận được. Tại sao nền giáo dục của Tây Phương thất bại, Tây Phương trải qua 1000 năm của thời kỳ tối tăm của thời đại lịch sử mà người ta gọi là Trung Cổ họ thường gọi là Dark age, cái thời đại mà tôn giáo đóng vai trò như là những xiềng xích cột xã hội, cột con người lại theo những giáo điều nặng nề, và rồi người ta nói đến giải phóng, người ta nói đến tự do, người ta nói đến một chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa cá nhân đó mang lại rất nhiều thảm hại, họ đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Đó là lý do tại sao nền đạo học Đông Phương vẫn có những cống hiến to lớn, nền đạo học đó người ta kêu gọi một thái độ phải chăng, một thái độ trung đạo.

Chúng tôi nhớ cách đây vài năm người ta đã bắt đầu tại Hoa Kỳ nói lại về một sự việc là thập niên 60 ở tại Hoa Kỳ họ cho rằng dạy con dùng tới roi là dã man, bây giờ họ lại nghĩ đến chuyện là cha mẹ ở trong một chừng mực nào đó cũng nên dùng biện pháp mạnh đối với con của mình ở trong sự hướng dẫn. Thì thưa qúi vị có lẽ là dần dà rồi người ta cũng phải tự tìm cách điều chỉnh và người ta ý thức được rằng sống ở trong cuộc đời này cái khó nhất không phải là chuyện tranh để hơn người khác, tranh để được một cái gì, mà cái khó nhất là làm sao bản thân của mình được tiến hoá hơn, bản thân của mình được tốt đẹp hơn, và để có được sự tiến bộ như vậy thì chúng ta phải hiểu lấy chính mình rằng mỗi con người chúng ta cái chủ nghĩa cá nhân cái ngã tính mới là chướng ngại lớn hơn cái gì hết. Và nói đến những chướng ngại đó thì nó đòi hỏi một sự ý thức về cái gì thật sự là quan trọng với mình, cái gì thật sự có giá trị với mình, và ý thức về tại sao chúng ta cần thay đổi, tại sao chúng ta cần đôi lúc đặt bản ngã mình xuống hàng thứ yếu để đón nhận ở bên ngoài vào, và cái ý thức đó phải đến từ cái nhìn nhận định rằng một ai đó mà là bậc thiện trí có thể chỉ cho mình điều hay lẽ phải, cho mình thấy điều nào là đúng điều nào là sai, thì người đó đang chỉ kho vàng hầm châu báu cho mình. Cái nhìn của Đức Phật lạ lắm, đôi lúc phải đọc Phật ngôn chúng ta mới nhìn thấy một vài thước đo giá trị mà Đức Phật Ngài nêu ra, trong những thước đo giá trị đó có những cái chúng ta không ngờ được.

Có một lần ông Cấp Cô Độc khuyến khích một người con trai của mình tên là Kàla đến nghe Đức Phật thuyết pháp và làm sao để nhớ được lời dạy của Đức Phật, nhớ thuộc lòng thôi chứ không cần biết ý nghĩa, chỉ thuộc chánh văn mà Đức Phật dạy thôi thì ông sẽ thưởng tiền. Kàla đến nghe pháp và ban đầu thì không thiện trí nhưng về sau này để hết tâm nên đã hiểu được lời Đức Phật dạy và anh còn chứng được đạo quả nhập lưu. Nhân trong buổi trai tăng ông Cấp Cô Độc trước mặt Đức Thế Tôn muốn đứa con của mình nói lên được những gì mà đã nghe từ kim khẩu của Phật, nhưng Kàla lúc đó im lặng, mặc dầu Kàla chẳng những nghe mà còn hiểu chính lời dạy của Đức Phật, nhưng thanh niên Kàla không màng tới số tiền thưởng của cha mình cho mình nữa, và ngay lúc đó Đức Phật Ngài đã dạy một câu rằng:

"với một người có trí thì người đó sẽ hiểu cái quả vị của một Tu Đà Hườn, một vị gọi là Nhập Lưu còn cao qúi hơn là quả vị của Chuyển Luân Thánh Vương."

Cái thước đo giá trị đó không phải dễ dàng để chúng ta hiểu, chúng ta thường mong được làm vua mong được làm giàu, nhưng mà chúng ta ít có tha thiết để được quả Nhập Lưu. Qúi vị Phật tử trong rơom sẽ hỏi chúng tôi rằng nếu chứng quả Nhập Lưu thì được cái gì, chúng tôi chỉ muốn thưa quí vị một vài điểm thôi. Thứ nhất một người chứng quả Nhập Lưu thì người đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ làm những ác nghiệp để sa vào khổ cảnh, người đó chắc chắn sẽ đạt đến quả vị giải thoát giác ngộ, người đó đã thành tựu niềm tin bất thối Phật Pháp Tăng, nếu chúng ta được chứng quả đó thì đó là những thứ mà chúng ta có thể bảo rằng chắc chắn 100% là như vậy. Thì thưa qúi vị một vị chuyển luân đại đế có thể có quyền, có thể có tài sản, có thể có phước báu hơn người, nhưng những thứ đó không bảo đảm rằng vị đó sẽ vĩnh viễn không rơi vào ác đạo, cũng không có gì bảo đảm rằng vị đó sẽ thành tựu được niềm tin bất thối đối với Tam Bảo, cũng không có gì bảo đảm rằng vị đó sẽ đạt đến bến bờ giác ngộ giải thoát. Thì như vậy điều này cho chúng ta thấy một điều rằng đôi khi có những cái mà mình thấy nó qúi ở trong đời sống của mình, nhưng mà trong cái thước đo về giá trị của Đức Phật nó không qúi chút nào hết. Nên chi một người mà có thể họ là một người rất tầm thường, nhưng hãy nhìn thái độ đánh giá của họ đối với đời sống thì chúng ta có thể hiểu được hướng đi của họ. Trong trường hợp này Đức Phật đã dạy rất rõ là một người nào mà khi được người khác chỉ lỗi cho mình, người đó là bậc thiện trí, mà mình biết người đó là bậc thiện trí mà chỉ cho mình những điều hay lẽ phải thì hãy đón nhận. Ở đây Đức Phật Ngài nói chỉ nói về lỗi lầm thôi, mình sống có lỗi lầm mà người thiện trí chỉ cho mình thì hãy hoan hỉ mà nghĩ rằng vị đó đang chỉ kho châu báu cho mình. Đặc biệt là Đức Phật Ngài đã nhắc lại như là chúng ta đã được đọc.

Hãy thân cận người trí
Thân cận người như vậy
Chỉ tốt hơn không xấu

Trong văn phong của bài kệ này nếu chúng ta đọc vào tiếng Phạn nó có một cái gì hết sức là ân cần, ân cần như là một bà mẹ như là một ông cha những bậc hiền phụ hiền mẫu dạy con vậy
tādisam. pan.d.itam. bhaje
tādisam. bhajamānassa
seyyo hoti na pāpiyo.
Hãy thân cận người như vậy chỉ tốt hơn không xấu.

Câu đó ở trong tiếng Việt của chúng ta nghe đã ân cần rồi nhưng trong tiếng Phạn đã nói lên một cái tâm tình rất lạ lùng, đó là một thái độ, một phản ứng trong đời sống mà một lúc nào đó cho phép chúng ta quên đi bản ngã của mình. Ở đây Đức Phật Ngài dùng chữ medhāvim. hay là medhàvi chúng ta thường nghe tức là những bậc thiện trí, nhưng những bậc thiện trí ở đây được dùng để hiểu như là một người có khả năng lãnh đạo. Ở trong kinh Phật thì dùng rất nhiều chữ chỉ cho bậc thiện trí như chữ pan.d.itam chúng ta dùng cho phẩm này.

Ở đây chúng ta thường nghe chữ medhāvim hay medhāvi tùy theo giới tính chúng ta nói, thì chữ này đề cập đến những vị có khả năng lãnh đạo thấy được nhân quả thấy được lúc nào là hợp thời lúc nào là phi thời gọi là medhāvi , và ở trong này Đức Phật Ngài cũng dùng chữ pan.d.itam. hoặc pan.d.ita gần như là đồng nghĩa với nhau

seyyo hoti na pāpiyo. - Tốt hơn chứ không xấu

Thân làm được như vậy thì chỉ có tốt chứ không xấu, cho dù lời trỉ trích đó có làm cho chúng ta bối rối, cho dù lời chỉ lỗi đó có làm cho chúng ta xấu hổ đi nữa thì chúng ta cũng nhớ rằng "seyyo hoti na pāpiyo" chuyện đó chỉ làm cho khá hơn chứ không tệ hơn đâu và chúng ta phải cố gắng và phải nỗ lực.

Ngày hôm nay chúng ta lại có một buổi lễ tưởng niệm nhân sự ra đi của Hoà Thượng Bửu Hạnh, khi nãy chúng ta đặc biệt có được lời chia sẻ trong đạo từ của Sư Trưởng khi nhắc đến hình ảnh của Ngài Bửu Hạnh, khi còn là một cư sĩ thì là một cư sĩ đầy đạo tâm, đi xuất gia rồi mặc dầu là một vị bán thế xuất gia nhưng trong đức khiêm cung, trong tinh thần cầu học. Chúng tôi nhớ hồi chúng tôi còn là sa-di ở tại Việt Nam những lúc Ngài ở Long Thành, mặc dù Ngài là một vị Tỳ Kheo lại là một người đã từng thấm nhuần trong đạo cả thời còn là cư sĩ, nhưng những lúc Ngài ở Long Thành chúng tôi vẫn nhớ một kỷ niệm là Ngài thường bảo chúng tôi thuyết pháp để Ngài ngồi nghe, không phải là tại vì chúng tôi hiểu biết Phật Pháp hơn Ngài, nhưng những vị mến pháp qúi trọng Phật Pháp thì vẫn hoan hỉ để được nghe pháp, và có nhiều khi dù vị đó là vị sa-di còn nhỏ nhưng lập lại những lời dạy của Đức Phật thì những vị khác cũng cảm thấy hoan hỉ. Chúng tôi nhắc lại để nhớ về hình ảnh của một con người mà chẳng những niềm tin với Đức Phật đã hết sức là kiên định, lại là một người hoan hỉ ở trong chánh pháp. Và thưa qúi vị, những vị nào được biết đến Ngài Bửu Hạnh trong quãng đời sinh tiền của Ngài thì đều nhận thấy rằng những gì Ngài tin, những gì Ngài sống đều là những gì hết sức cao khiết. Và nhân bài kinh Pháp Cú hôm nay một lần nữa chúng ta lại được nhắc đến những con người được diễm phúc sống gần Đức Phật dù đó là Tôn Giả Xá Lợi Phật hay dù đó là tỳ kheo Radhà, cả hai con người đó lại một lần nữa nhắc cho chúng ta rất nhiều về vai trò của đạo học ở trong đời sống của mình, và những ai có thể nhìn thấy được cái đẹp, những ai nhìn thấy được giá trị của đạo học thì chắc chắn những người đó có thể tìm thấy được lợi lạc. Và xin được thay mặt cho tất cả Chư Tăng và qúi Phật tử đang có mặt ở trong rơom hôm nay xin kính dâng tất cả những công đức mà chúng ta đã thể hiện ở trong đời sống này, từ sự tu tập cho đến sự dấn thân, và đặc biệt là thuyết pháp thính pháp trong pháp hội hôm nay xin cho tất cả những phước báu này hồi hướng cho giác linh của HT Bửu Hạnh, nguyện cầu Ngài sẽ được thành tựu đạo quả vô thượng làm chí nguyện mà suốt cuộc đời theo đuổi. Chúng ta một lần nữa xin hãy cầu nguyện rằng Phật giáo tiếp tục có những bậc chân tu thạc đức để nêu cao gương lành và là bóng mát cho đàn hậu học. Chúng tôi xin nhất tâm cầu nguyện cho tất cả qúi Phật tử một ngày an lạc và sống ở trong tưởng nghĩ chân thành về một bậc tiền bối vừa nằm xuống.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 70


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu