Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 73 - 74

Hãy chọn con đường




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Chánh (Sư Trưởng)

 

Ham danh không tương xứng
Chức vị Tỳ khưu trưởng
Quyền hành tại chùa chiền
Lễ vật ngoại nhân chúng

Mỗi việc chính ta làm
Tăng tục cả hai ban
Phải tuỳ ta sắp đặt
Từng chi tiết nhỏ nhặt
Người ngu chỉ bao hàm
Càng ngã mạn tham lam
 


Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Asatam bhavanam iccheyya
Purekkharan ca bhikkhusu
Avasesu ca issariyam
Puja parakulesu ca

Mam eva kata mannantu
Gihi pabbajita ubho
Mameva ativasa assu
Kiccakiccesu kisminci
Iti balassa sankappo
Iccha mano ca vaddhati

.
Nhu Trúc chuyển biên:

Sư Trưởng: Kinh Pháp Cú có những bài kệ, những danh từ, thuật ngữ chuyên môn; nhưng bài kệ này nói lên bối cảnh thời bấy giờ.

Bài kệ số 73 là một bài kệ rất hay, đây là một bài kệ mà bản thân chúng tôi thường hay dùng để nhắc nhở chính mình vì ở một ngôi chùa trong đó có chư tăng, mình là vị trụ trì thường hay có ý nghĩ mình là người có quyền, nếu tăng chúng vãng lai không trình, không bạch, không thưa, khi đến khi đi, có nhiều khi như vậy mình thấy hơi bực bội. Thật tình mà nói, bản thân tôi cũng có những lúc bực bội, ví dụ như vị sư kia đến chùa Bửu Đức này, biết tăng xá phía dưới thì chư tăng cứ nghỉ. Nhưng khi họ đến buổi chiều hay buổi sáng họ cũng không thèm ra chào hỏi, đợi đến bữa ăn cơm thì mới vô, gặp mặt mình thì mới chào luôn thôi. Họ ở chơi hai ba ngày gì đó đến khi về họ cũng không chào, mà đâu phải họ đi luôn đâu, năm bảy ngày nửa tháng, họ đáo lại thì cũng vậy nên mình thấy cũng hơi buồn, nghĩ rằng vị này đến ít ra ổng cũng hỏi thăm mình, chào mình, cho mình biết một tiếng để mình báo nhà bếp nấu cơm nhưng nhờ nhớ bài kệ này nên nghĩ thôi chùa của tăng, tuy mình ở đây có việc phòng hộ săn sóc tăng xá, nếu họ có chào có hỏi thì mình cũng đáp lại. Nhưng có khi vị đến chùa mà mình biết là trưởng lão cao hạ hơn thì không nói đến vấn đề là chào hỏi, bây giờ tôi ra trước đảnh lễ vị đó, rước y bát vị đó. Thực ra khi vị trưởng lão đó đến chào hỏi thì tôi rất lấy làm ái ngại vì theo thứ lớp hạ lạp thì vị đó lớn hạ hơn. Khi vị trụ trì ở chùa lớn hạ hơn thì vị khách tăng khi đến phải hạ dù xuống, khoác y ra mặc y vai trái, tìm đến vị trưởng lão đảnh lễ, chào hỏi. Còn khi vị khách tăng đến mà cao hạ hơn vị trụ trì thì có thể đến chào hỏi một cách lịch sự xã giao. Nhưng nếu vị cao hạ không đến chào vị trụ trì thì xem như là không đẹp thôi chứ vị trụ trì phải đến hầu đảnh lễ vị lớn hạ. Do đó, đối với những vị sư cao hạ hơn tôi, cao hạ hơn trong lúc xuất gia thọ cụ túc giới , lúc đọc cụ túc giới mà đọc trước tôi thì tôi cũng nghĩ là lớn hơn, vì trong hạ lạp ổng đã thọ trước mình rồi, mấy phút cũng là sư huynh cũng là anh thì tôi phải sớt bát. Nhưng ngay cả đệ tử của mình, mình cũng cho tu, mà khi ổng ghé ổng ăn ổng xin gì đó rồi ổng bỏ đi, thí dụ như ổng đi học đóng tiền trường gì đó thì lúc đó ổng mới tìm mình, ổng tìm để xin này kia , ủng hộ rồi thôi. Thậm chí sau này tôi nghĩ rằng vị đó không ưa mình , ghét mình nhưng họ ngại, gặp mình phải dâng cúng hay chào hỏi. Cách đó mấy bữa mình thấy mấy vị mặc y hơi xốc xếch rồi mình quở thì họ buồn, hoặc là hôm nào có gì mình chưa nói, mình chỉ nhìn một cái, hôm nay mấy vị này khi gặp mình, họ ngại họ không dám. Có xảy ra trường hợp tương tự như vậy thì cũng chính nhờ bài kệ này mà mình xả được.

 

Có một vài lần tôi cho biên vào một mảnh giấy nhỏ dán trước phòng sợ quên, vì cái ngã nó dễ quên lắm quý vị, tu lâu gặp ai cũng chào, nhất là đời pháp sư nữa, mình đi giảng người ta ai nghe cũng hoan hỷ, nên gặp đâu thì họ chào rồi cái ngã của mình nó lên, mình có tên tuổi trong nước, đệ tử tăng chúng đông nhất là những khi có những vị sư đệ tử mà mình cho xuất gia nữa, lúc đó mình trở thành sư Ông rồi nên cái ngã nó lên. Mà cái ngã khi đã lên rồi thì có khi xảy ra trường hợp rất là phàm phu. Theo tôi thì phải dùng danh từ rất là phàm phu, lúc đó mới biết cái tâm phiền não ngã mạn của mình là phiền não ngủ ngầm, nhưng khi nghe kinh nghe pháp, mỗi ngày một chút nên đôi khi như vậy thì mình lại nhớ đến nhũng câu Phật ngôn, mình ức chế được rồi lần lần mình quen. Tôi nhớ ông thày ngày xưa tôi hỏi có những vấn đề khó khăn, nan hành nan hành, khó thì phải làm cho thường. Nhờ vậy nên đỡ chứ nếu mình không biết, cứ làm ông cụ non cứ bắt lỗi bắt phải, chê này chê kia rồi mình phiền người này giận người kia, mà giận người ta thì hại mình. Rồi đôi lúc mình lại còn cáu kỉnh, trách phiền nữa. Những bài kệ trong Kinh Pháp Cú Phật Giáo, tôi xem giống nhu bộ sách Minh Tâm của Nho Giáo, tôi đều ưa thích, vì có những châm ngôn thực tiễn rất hay để mình hoàn thành nhân cách, luyện tu tập bản thân. Cuộc sống này mình không thể nhìn đời như uẩn, xứ, giới, đế được, mà mình phải nhìn với cặp mắt chế định, thấy biết rõ đây là có danh xưng, rồi chư tăng, v.v… phải dùng thường thức để đối trị tâm mình. Nên bài kinh này tôi giảng rất nhiều lần trong những khóa hạ hay các chùa chiền mời tôi giảng, thường thường tôi thích bài kệ này. Nhờ vậy mà nhắc nhở, có những trường hợp như vầy là hôm đó mình gặp một hoàn cảnh gì đó nó bực bội , tới giờ giảng giống như bói Kiều vậy đó, tôi cầm một cuốn sách nào đó như Tương Ưng, Tăng Chi hay là Pháp Cú gì đó, tôi giở ra trúng bài nào thì tôi giảng bài đó, nhờ vậy bực bội đó giảm xuống. Mình đọc bài kệ đó thiệt kỹ thì những phiền não tiêu tan, đúng là Pháp Bảo là diệu dược, năng trị lành những căn bệnh phiền não của chúng sanh. Mình mà không có những bài thuốc này, những món Phật dược này thì không trị được những bệnh đó. Tu lâu hạ chừng nào, lớn hạ chừng nào thì cái ngã của mình nó càng lớn chừng ấy, càng nhiều hơn, càng nặng hơn. Trong một ngôi chùa khi mình nói cái gì người ta cũng sợ kể cả nói tầm bậy, vì cá tánh, cố tật của mình mà người ta cũng dạ dạ người ta chạy vô sám hối, không phải mình phải và người ta quấy mà người ta vô sám hối, thành ra nếu thật tâm mà tu học, lấy những bài Phật ngôn này mà xem nhu châm ngôn, học đi học lại giảng tới giảng lui thì thường xuyên nhắc rất hay vì nhắc nhở được tâm mình.



Mong cả hai tăng tục
Nghĩ rằng chính ta làm
Trong mọi việc lớn nhỏ
Phải theo mệnh lệnh ta
Người ngu nghĩ như vậy
Dục và mạn tăng trưởng

Một vị tỳ kheo thích cầm đầu tăng chúng ngồi giữa già lam và nghĩ rằng việc này phải do chính ta làm, mọi chuyện đều phải dưới quyền của ta, bất cứ việc gì làm cũng phải xin phép, người nào không xin phép cho dù một chút xíu thì mình cũng thấy người đó là vô phép, mình bắt lỗi. Nhưng thật sự thưa quý vị, ai thì sao tôi không biết nhưng bản tánh của tôi có lẽ do cái tật làm biếng từ hồi nhỏ lớn lên hay sao mà công việc ở chùa tôi giao hết cho chư tăng, chỉ cần sau khi đi giảng về cho tôi ăn là được rồi, có đôi lúc tôi cần gì thì tôi lên tiếng, thì vị đó tìm dùm, chứ còn bắt tôi coi ngoài bếp trong chánh điện chùa chiền rồi coi tiền tiêu máy móc thì chắc tôi khùng luôn, nên việc trong chuùa tôi giao hết cho các vị khác. Phật tử nói tôi là bất cần đời hay là có vài vị nói không có ông trụ trì nào khỏe như tôi, nhưng tôi cho rằng không phải làm việc bằng cái miệng thì mấy vị ở chùa phải làm bằng cái tay chứ. Tôi đi qua chỗ khác thì mấy vị khác giúp đỡ dùm tôi, còn tôi đi thuyết pháp thì mấy vị ở nhà phải phụ, ở chùa mỗi người một tay. Không biết hay hoặc dở nhưng có thể tật làm biếng của tôi thì đúng hơn. Dù là sư cả nhưng không muốn bận rộn gì hết, do thấm nhuần như vậy nên tôi mới hành thiền được, gặp khách khứa vãng lai hay lo những công việc khác đôi khi cũng bận rộn, nếu mình chấp thủ như vậy càng nhiều thì càng mệt. Trong những bài kệ pháp cú khi tôi biết Phật Pháp mà tôi từng học mấy chục năm trước thì những bài kệ này là một trong những bài kệ mà tôi ưa thích, ghi nhớ để tu tập theo.

Trong phẩm nầy, có danh từ người “ngu” mà hổm nay tôi nghe quý sư thường giảng, Đức Phật thường quở vị tỳ kheo nào đó là Ba`la tức là rỗng không trống không, người vô tích sư, đại ý như vậy, đôi lúc hòa thượng Minh Châu dịch là kẻ ngu si kia, thì mình nghe nặng quá đi, tại hòa thượng dịch văn chân thật như vậy, khi thuyết giảng thì tôi dùng là kẻ khờ dại, kẻ khờ dại nghe như cha mẹ ông bà hay nói như con cái nó khờ dại quá, làm những chuyện nông nổi thì nghe nó nhẹ, nhưng khi mình nghe là đồ ngu thì nghe nặng quá. Ví dụ nếu như khi làm lỗi lầm gì mà Đức Phật nói là “Ông thiệt là khờ dại quá, làm việc không đáng làm” thì tôi sẽ phát sinh phỉ lạc, chứ còn Đức Phật mà quở là “ngu si”, buồn thì chắc là không dám buồn rồi nhưng sẽ không thích bằng danh từ gọi mình là kẻ khờ dại. Giữa hai danh từ khờ dại và ngu si thì tôi sẽ thích chọn danh từ khờ dại hơn.

Chữ mạn từ chữ màno là sự cống cao ngã mạn, nghĩ rằng mình hơn, mình bằng hoặc mình thua. Mình là hơn, bằng, thua về quyền lực hay tuy mình thua về mặt thuyết pháp nhưng mình cũng có địa vị trong xã hội, hay mình cũng là một vị trụ trì, v.v… Dục mạn tăng trưởng muốn người khác phải tuân phục mình, dưới quyền của mình nhưng Đức Phật chính Ngài cũng không có cái mong muốn này. Khi Đức Phật sắp viên tịch, lúc bấy giờ thị giả Ananda hỏi Ngài rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con thấy Đức Thế Tôn bị bịnh như vậy nhưng sao không thấy Đức Thế Tôn tìm người để trao truyền lại người nào để Tăng già”

Khi đó Đức Thế Tôn nói rằng

”Những gì cần giảng dạy cho chúng đệ tử, Như Lai đã giảng dạy. Này Ananda đối với một vị đạo sư vì lòng thương tưởug chúng đệ tử, Như Lai đã làm. Này các tỷ kheo, đây là ngôi nhà trống, đây là gốc cây, đây là khu rừng, hãy tu thiền, chớ có để khổ về sau”.

Ngài đã dùng nhiều phương pháp, phương tiện để dạy dỗ, Ngài nói vị đạo sư vì lòng thương tưởng, chúng đệ tử cần phải làm những gì Như Lai đã dạy thì còn trông đợi gì Như Lai nữa.

“Này Ananda, những giáo pháp của Như Lai đã giảng là giáo pháp công truyền, chứ không phải bí truyền, Như Lai không phải vị đạo sư có bàn tay nắm giũ, chỉ dạy riêng cho một số người, một số người không dạy. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng tăng chúng dưới quyền lãnh đạo của ta, hay ta cũng không nghĩ rằng ta lãnh đạo tăng chúng. Vậy thì làm sao có việc là phải trao truyền lại một vị nào kế vị chưởng môn?”

Câu này rất là thâm thúy, ngay cả Đức Phật Ngài còn không nghĩ rằng Ngài cai quản giáo hội , Ngài chỉ là một vị đạo sư, bậc thầy hướng dẫn tăng chúng những gì Ngài hiểu biết, trí tuệ Ngài thấy rõ thì Ngài dạy các đệ tử mà thôi chứ Ngài không nghĩ rằng Ngài cai quản các đệ tử, truyền lệnh của Ngài. Thậm chí kinh mà chúng ta đọc thấy có nhiều trường hợp nhiều vị tỳ kheo thời Đức Phật họ cũng có một thái độ vô phép, vô lễ đối với Đức Phật như trường hợp Đề Bà Đạt Đa chống đối hoặc phản đồ lại với Ngài. Hoặc trường họp một vị tỳ kheo chấp giữ đồ vật nhiều, Đức Phật kêu lên quở tại sao vị xuất gia giữ chứa đồ đạc quá nhiều, thì vị ấy cởi y, loã thể trước mặt Đức Phật, nói rằng Ngài nói tôi giữ nhiều đồ thì bây giờ tôi cởi hết, không giữ đồ nữa. Quý vị thấy chưa, ngay trước mặt Đức Phật mà còn có vị tỳ kheo làm như vậy, gặp tôi không dám so sánh với Đức Phật, nhưng nếu có một vị sư nào làm như vậy thật tình tôi không biết sẽ nghĩ làm sao. Lúc đó Ngài mới nói lên bài kệ rằng

"trước đây ngươi có tàm có quý, nhờ có tàm quý ấy mới thoát khỏi nạn ách, sao hôm nay lại bỏ pháp tàm quý? "

Rồi Ngài mới nhắc lại câu chuyện, rồi vị ấy xấu hổ mặc y và quỳ xuống sám hối Ngài. Đạo sư thật tuyệt vời, được đức tính như vậy, chứ không phải gặp vị tỳ kheo nói lẫy như vậy rồi Ngài nóng tánh hay hò hét, tăng chúng bắt ông này để đập cho một trận. Rất là đặc biệt Ngài nói sao làm vậy, làm sao nói vậy. Ngài nói rằng Ngài không nghĩ rằng tăng chúng dưới quyền lãnh đạo của Ngài hay Ngài cũng không nghĩ rằng ta lãnh đạo tăng chúng. Còn chúng ta là người thế nào mà nghĩ rằng tăng chúng lãnh đạo mình, làm trụ trì có năm bảy vị sư thì lúc đó thấy cái bản ngã nó nổi lên rồi có nhiều đệ tử thì ngã mạn càng to càng lớn. Do đó muốn người này người kia không bằng mình khiến cho ngã mạn tăng trưởng.

Câu chuyện này nãy giờ tôi chỉ giảng cái ý mà thôi, hai bài kệ này liên quan đến một câu chuyện được kể có một vị đại đức tên là Sudhamma hay là Thiện Pháp. Trong một ngôi chùa có một cộng sự nam tên là Citta (Hữu Tâm) vị này có niềm tịnh tíin đối với chư tăng và vị này một lần được đến nghe pháp đối với vị thượng thủ thinh văn, rồi được chứng quả A Na Hàm khi nghe Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) thuyết giảng. Sau này Ngài Mục Kiền Liên đến thì vị cư sĩ Citta này vẫn cúng dường với tâm hoan hỷ như vậy rồi thỉnh hai vị thượng thủ thinh văn, Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và xin thỉnh luôn vị trụ trì. Vị trụ trì khởi lên tâm trước thì dục mạn bây giờ thì ganh tỵ, bất bình, phẫn nộ, nghĩ rằng mình là vị trụ trì mà không thỉnh mình trước, đi thỉnh mấy vị kia rồi mới nói với mình, làm mình mất mặt. Khi chùa không có ai ở đây thì mời mình đến ở đây, bây giờ chùa có ông sư khác thì có mới nới cũ, thấy mấy vị danh vọng thì quên mình, mời mình sau nên vị này từ chối không đi, vị cư sĩ năn nỉ mấy lần, vị trụ trì cũng từ chối không đi. Như vậy thì thôi nên ông cư sĩ này phải đành vậy. Đã không đi thì thôi, sáng hôm sau khi tăng chúng vô đó, vị trụ trì đến nơi nhà cư sĩ cúng dường, hỏi những vị tỳ kheo khác đâu, coi ông này nấu gì, dâng cái gì, nhìn thấy đầy đủ những món ăn thượng vị loại cứng loại mềm loại ngọt v.v… ông này nhìn nhìn rồi nói:

- “Này gia chủ, ông cúng trọng thể nhiều món nhưng còn thiếu một món.”
- “Bạch Ngài, còn thiếu món chi?”
- “Còn thiếu bánh mè (Tilasankulika).”

Nghe lời châm chích khiếm nhã, ông Citta thuật ngụ ngôn “Con quạ và con gà mái”, có ý khuyên vị trụ trì thốt ra những lời đạo đức như Phật ngôn chẳng hạn, chứ đừng dung những tiếng lóng như tiếng “bánh mè”. nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn để nhắc nhở vị đại đức này. Nhưng mà vị đại đức này chẳng những không biết phục thiện mà cho ông cư sĩ lấy ví dụ mình như con quạ, bèn nổi nóng lên.

- “Được rồi nếu ông nói tôi là quạ thì từ nay ông thỉnh mấy vỉ khác đến ở đi, tôi không ở đây nữa, chùa của ông tôi giao cho ông đó”

Rồi vị này bỏ đi. Khi vị Đại Đức này bỏ đi, về trình lên Đức Phật thì Đức Phật nói rằng:
- “Cận sự nam của ông là người có đức tin trong sạch, ông lại cộc cằn miệt thị người ta như vậy thì không đúng.”

Phán rồi, Đức Bổn Sư triệu tập Tăng chúng, dạy tụng tuyên ngôn khuyến cáo, nhắc nhở Đại đức Sudhamma. Sau khi hành tăng sự sám hối giữa chư tăng, Đaị đức này còn phải vâng lời Đức Bổn Sư trở về chùa để chịu lỗi với ông Citta nữa. Về chỗ cũ, đến giáp mặt ông thiện nam Citta, Đại đức nói:

- “Này gia chủ, ta đã biết lỗi, ngươi hãy miễn lỗi cho ta.”

Nhưng gia chủ Citta từ chối không chịu tha thứ, nói rằng:

- “Con không thể tha thứ”.
Đại Đức này cảm thấy hơi khó chịu vì nghĩ rằng mình đã hạ mình xuống rồi bây giờ ổng còn làm eo làm sách, ổng thấy mình xuống nước ổng làm tới nên bực bội bỏ đi, quay về Savatthi một lần nữa.

Vẫn biết là vị tỳ khưu này cống cao ngã mạn, nhứt định không chịu lỗi với thiện nam, nên Đức Bổn Sư cứ để cho đi mà không chỉ dạy cách thức xin lỗi làm sao cả.

Khi đại đức trở về Jetavana, đức Bổn Sư phái một vị tỳ khưu khác cùng đi với Đại Đức để giúp cho Đại Đức tự thắng được tánh ngã mạn và dạy rằng:

- “Ông hãy đi chung với ông này đi xin lỗi ông thiện nam.”

Đức Bổn Sư còn nhấn mạnh thêm rằng:

- “Hễ là Sa môn thì không nên nghĩ quấy như vầy: Chùa của ta, đạo tràng của ta, thiện nam của ta, tín nữ của ta hoặc lộ vẻ kiêu căng, tật đố. Vì làm như thế thì các thứ phiền não nhất là tật đố và ngã mạn tự nhiên tăng trưởng thêm lên.”

Nhân cơ hội đó Đức Phật mới nói lên hai bài kệ này

Ham danh không xứng đức tài
Chức vị Sư trưởng, quyền oai nhất chùa.
Gồm thâu đệ tử tín đồ
Lễ vật dâng cúng dư thừa cũng cam.
Việc này do chính ta làm,
Việc lớn, việc nhỏ bao hàm tự ta…
Người ngu cứ tưởng sai ngoa,
Muốn cho Tăng tục biết qua việc mình.
Nên lòng ngạo mạn phát sinh,
Lòng tham lam cũng mặc tình gia tăng.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Download KN 73 - 74 (1)
Download KN 73 - 74 (2)


Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu