Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 70

GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Tháng tháng với đầu cỏ
Người ngu có ăn uống
Cũng không bằng phần nhỏ
Người liễu ngộ chân pháp


                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Maase maase kusaggena baalo bhu~njetha bhojana.m
Na so sa'nkhatadhammaana.m kala.m agghati so.lasi.m.



Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu:

Trong câu Pháp Cú này có danh từ kusaggena baalo bhu~njetha bhojana.m nghĩa là người ngu có ăn uống bằng đầu cọng cỏ hết tháng này qua tháng khác. Cũng không bằng một phần mười sáu nó đúng hơn là ở trong câu này
so.lasi.m. nghĩa là 1/16
agghati nghĩa là giá trị
agghati so.lasi.m. nghĩa là không bằng 1/16
sa'nkhatadhammaana.m nghĩa là của vị liễu ngộ chân pháp.

Ở đây là một sự so sánh hạnh tu tập, trước hết chúng ta cũng nên hiểu qua về thí dụ mà Đức Phật dùng trong câu này, tại sao nói rằng "tháng tháng với đầu cỏ, người ngu có ăn uống" do nguyên nhân nào mà Đức Thế Tôn thuyết lên như vậy. Bài kệ này Đức Thế Tôn thuyết cho du sĩ tà mạn ngoại đạo Jampuka. Tương truyền rằng du sĩ ngoại đaọ Jampuka là con của một nhà phú hào giàu có nhưng vì do mang ác nghiệp chửi mắng một vị Thánh Tăng vào thời Đức Chánh Đẳng Chánh Giác Ca Diếp tức là Đức Phật Kasapa trong quá khứ, nên ông Jampuka phải bị mang một hậu quả là hiện tại ông ta không thích ăn uống gì ngoài ăn phẩn, không thích mặc y phục, chỉ thích loả thể, không thích nằm ngồi ở trên giường trên ghế, chỉ nằm ngồi ở dưới đất mà thôi, từ khi còn nhỏ cha mẹ luôn cả những người chăm sóc đã cố gắng hướng ông ta trở về một đời sống của vị trưởng giả giàu có, nhưng cậu bé Jampuka vẫn không bỏ được thói quen của mình và khi lớn lên trưởng thành cũng có một nếp sống như vậy, người nhà mới suy nghĩ rằng chắc có lẽ là cậu thanh niên này đời trước là một đạo sĩ khổ hạnh nên bây giờ có tái sanh trở lại con nhà triệu phú vẫn quen sở hành trong quá khứ, vì vậy họ đem đến gửi cho nhóm du sĩ Ajivakas là tà mạn ngoại đạo, những vị du sĩ này chỉ là du hí du thực họ sống với sự khổ hạnh nào đó, một hình thức nào đó rồi nhờ vào niềm tin của người khác đem đến cúng dường cho những thứ này thứ kia, những vật thực để dùng qua ngày, khi Jampuka đã tu trong đạo này thì các vị tu sĩ cũng thường xuyên vẫn đề nghị với ông ta đi khuất thực đi thọ thực ở những nhà tín chủ, nhưng ông Jampuka luôn luôn tìm cách để khước từ, ông ta bảo rằng ông ta đã có vật thực ăn rồi cho nên không cần đi nữa, các vị du sĩ nghe như vậy mới đem tâm rình và thấy trong lúc các người đi cả thì Jampuka đi xuống hầm cầu công cộng của các vị du sĩ rồi móc phẩn ăn, các vị du sĩ cảm thấy hổ thẹn và sợ tiếng đồn lan ra nói rằng các du sĩ Ajivakas chỉ ăn phẩn, vì thế cho nên họ đã đuổi Jampuka ra khỏi sơn môn, Jampuka đến bãi vệ sinh công cộng ở một nơi xa thành phố và nơi đó người ta phóng uế hàng ngày, nếu như có người khác đi đến thì Jampuka chỉ một tay dựa vào tảng đá và đứng một chân thôi còn chân kia rút lên và há miệng ngước lên trên hư không hướng về gió, khi có người hỏi tại sao ông ta lại có một thái độ kỳ quặc như vậy, ông ta tu như thế nào? thì Jampuka mới bảo rằng:

 

"Ta tu cái hạnh này cũng đã lâu đây là một khổ hạnh có nhiều kết quả và có nhiều quy lực lớn, do vậy nếu ta đứng hai chân thì sợ quả đấy này sẽ nghiêng, còn vấn đề vật thực thì ta không xem vật thực là thức ăn bởi vì đó là một sự cấu uế nên ta chỉ ăn gió mà thôi."

Cũng nên biết rằng bối cảnh xã hội Ấn Độ thời bấy giờ tín ngưỡng của họ đối với tôn giáo rất đặc biệt, nhất là đối với những người có lối tu ép xác, càng khổ hạnh nhiều chừng nào thì họ càng tín ngưỡng nhiều, họ cho rằng sự tu khổ hạnh, tu ép xác mới thật sự là một vị chân tu dẫn đến thánh quả Alahan cho nên họ rất hoan hỷ sùng bái và hàng ngày đem thức ăn đến cúng dường cho Jampuka, nhưng vì nghiệp ác trong quá khứ cho nên Jampuka không thể dùng được vật thực đó và dầu cho người ta nài ép như thế nào ông ta cũng giả bộ như là mình không thèm dùng những món này vì đã dùng gió quen rồi, người ta năn nỉ nhiều lần ông ta mới bức lấy cọng cỏ tranh và lấy đầu cọng cỏ tranh nhỏ và nhọn chỉ chấm một ít ở trong tộ mật ong rồi đưa lên lưỡi nếm mà thôi, xem như là đã thọ dụng của tín thí và ban phước cho tín thí đó rồi, cứ theo phương cách này mà ông ta qua mặt được mọi người. Cho đến một ngày khi Đức Thế Tôn quán xét duyên lành của chúng sanh Ngài nhận thấy Jampuka có duyên lành có thể tỏ ngộ được đạo quả thành bậc vô lậu giải thoát, Ngài đã đi đến gần đó vào xế chiều, và Ngài sau khi nói lên lời chào hỏi thân tình với Jampuka, Jampuka cũng chào hỏi Ngài, sau đó Đức Thế Tôn Ngài đã ngỏ lời với Jampuka xin cho Ngài được tá túc qua đêm ở đây, ông Jampuka lấy làm e ngại nghĩ rằng nếu như Samon Gotama ngụ ở đây thì việc ăn phẩn của ta không thể thực hiện được như vậy ta sẽ đói, do vậy Jampuka đã tìm cách từ chối nói như thế này như thế kia để Đức Phật Ngài ra đi ở nơi khác, nhưng Đức Phật đã quyết định ở nơi đó thì ông ta nói rằng ông ta tu tập ở đây cũng đã lâu rồi cho nên chỉ muốn sự yên tịnh và chỉ ăn sương uống gió mà thôi do vậy nếu như có người ở lại thì sẽ làm cho bị phân tâm v.v... Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Ngài mới bảo rằng:

"này Jampuka ngươi có thể dối gạt được ai thế nhưng đối với Như Lai ngươi không thể dối gạt được."

Thế rồi Đức Thế Tôn Ngài đã thuyết về tiền nghiệp của Jampuka trong đời quá khứ ông ta đã xúc phạm đến một vị Thánh Tăng khi ông ta là một vị trụ trì một ngôi chùa, khi có vị Thánh Tăng Alahán đi ngang qua thì người trưởng làng thấy cung cách của vị Alahan nên phát tâm hoan hỉ cung thỉnh Ngài đến trú ngụ tại ngôi chùa của ông ta, thì vị trụ trì thấy như vậy sợ e rằng vị khách tăng này sẽ cướp mất đi đàn tín thí chủ của mình cho nên vị trụ trì đã buôn lời thoá mạ vị Thánh Tăng. Ông ta bảo rằng : "ngươi đừng ăn vật thực của thí chủ, ngươi hãy ăn phẩn còn tốt hơn, ngươi hãy loả thân lỏa thể còn tốt hơn là mặc y phục y càsa của thí chủ dâng cúng, ngươi hãy nằm trên đất còn tốt hơn là nằm ở trên giường của thí chủ dâng cúng, hãy cạo tóc bằng lá thốt nốt, đừng cạo tóc dao còn tốt hơn". Chính vì lời thoá mạ đó mà Jampuka sau khi mệnh chung rơi vào địa ngục, từ địa ngục trở lại làm người không có kiếp nào mà Jampuka được ăn vật thực của lòai người ngon lành hay được mặc y phục, mà ông ta chỉ ăn phẩn và loả thể và nằm ở trên đất cho dù do phước quá khứ khiến cho ông ta sanh vào gia đình triệu phú nhưng ông ta vẫn không thể hưởng được những vật thực ngon ngọt của nhà trưởng giả, mặc y phục đẹp của nhà trưởng giả, hoặc là nằm ngồi chỗ sang trọng của nhà trưởng giả mà chỉ nằm ở dưới đất chỉ lỏa thể trần truồng chỉ ăn phẩn mà thôi. Sau khi Jampuka nghe Đức Thế Tôn Ngài thuyết lại tiền nghiệp của mình như vậy thì Jampuka bị rúng động và với tâm kinh cảm hốt hoảng với cuộc sống sanh tử luân hồi với ác nghiệp của mình đã gieo cho nên Jampuka đã qùi xuống khấu đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin được xuất gia, Đức Thế Tôn đã cho phép Jampuka xuất gia vào hàng tỳ kheo tăng và do sự nỗ lực tu tập bởi do phước báu giữ giới ở trong quá khứ cho nên Jampuka chẳng bao lâu đã chứng được đạo quả Alahan đạt được mục đích cứu cánh bất tử mà các vị thiện nam tử đã xuất gia trong giáo pháp này thành tựu được.

Ở đây thưa quí vị khi Đức Thế Tôn Ngài kể trong câu chuyện đó thì Ngài có đọc lên bài kệ để cảnh tỉnh Jampuka.

Tháng tháng với đầu cỏ,
Người ngu có ăn uống
không bằng một phần nhỏ
Người liễu ngộ chân pháp

Sau khi Jampuka nghe xong bài kệ này xuất gia và chứng quả Alahan rồi thì chẳng bao lâu Jampuka do duyên nghiệp như vậy cho nên Jampuka đã viên tịch Niết-bàn. Chính vì ý nghĩa mà Jampuka đã dối gạt người khác bằng sự khổ hạnh của mình để tỏ cho người khác biết là sự tu tập của mình hết sức cao thượng, khác thường hơn người và dầu cho tín thí có nài ép ăn uống Jampuka cũng chỉ dùng đầu ngọn cỏ tranh quết để mà chấm mật ong trên đĩa mà người ta dâng cúng và nếm vào miệng xem như đó là sự thọ thực cho thí chủ được phước báu, với ý nghĩa này thành thử ra trong bài kệ Đức Thế Tôn Ngài mới nhắc lại

Maase maase kusaggena baalo bhu~njetha bhojana.m
Tháng tháng với đầu cỏ, người ngu có ăn uống

Na so sa'nkhatadhammaana.m kala.m agghati so.lasi.m. Ở đây Đức Phật Ngài khẳng định cho Jampuka biết rằng cho dù rằng có thật sự khổ hạnh đi nữa và sự khổ hạnh đó chỉ thọ thực bằng cách là dùng đầu ngọn cỏ chấm chút ít vật thực mật ong để nếm vào lưỡi mà sống qua ngày dù thường xuyên làm như vậy, tháng tháng ngày ngày sống bằng khổ hạnh tuyệt thực, sự khổ hạnh này giá trị không bằng 1/16 của người liễu ngộ được chân pháp.

sa'nkhatadhammaana.m là chỉ cho pháp chân đế, người thấu được pháp chân đế tức là tỏ ngộ được danh và sắc, thấy rõ được chân tướng: vô thường, khổ não, vô ngã của các pháp, chân tướng của các pháp, chân đế của các pháp hữu vi, vị mà tỏ ngộ như vậy thì trong khi thực hành tuệ quán để phản chiếu thân ngũ uẩn hay là pháp hữu vi, cho dù vị đó có những lúc phải nhịn ăn nhịn uống, có những lúc vị đó cũng phải sống đời sống kham khổ cực kỳ, nhưng đối với vị tỏ ngộ pháp như bậc Tu Đà Hườn, bậc Tư Đà Hàm, Bậc A Na Hàm, bậc ALaHan bốn bậc thánh tỏ ngộ pháp thì sự khổ hạnh đặc biệt hơn là sự khổ hạnh của những kẻ ngu si thiểu trí.

Trong giáo pháp của Đức Phật Ngài không hoàn toàn phủ nhận về hạnh sống khắc khổ của các vị tỳ kheo đệ tử của Ngài, Ngài vẫn cho phép các vị tỳ kheo thực hành 13 hạnh đầu đà hay gọi là Dhutanga-niddesa tức là 13 lối sống khổ hạnh khắc kỷ để đem đến trạng thái thiểu dục tri túc, 13 hạnh đầu đà đó nghe qua chúng ta cảm thấy như là một sự khổ hạnh ép xác nhưng thực tế thì 13 sự khổ hạnh này là để thiêu đốt phiền não, bởi vì lẽ thường kẻ phàm phu của chúng ta hay có sự ham muốn có sự đòi hỏi, nhất là khi xuất gia tu tập có đôi khi chúng ta bị tình trạng gọi là lợi dưỡng có thể làm cho cuộc sống tinh thần của mình bị suy sụp. Cho nên ở đây nếu vị nào tu tập với hạnh khổ hạnh Đức Phật Ngài cũng khen ngợi, nhưng Ngài khen ngợi ở một khiá cạnh khác.

Trước khi nói về điều này chúng tôi cũng xin nói sơ qua về những hạnh đầu đà ở trong Phật pháp mà Đức Phật Ngài đã có dạy chúng ta. Thường thường các vị tỳ kheo thời Đức Phật các vị đó giữ ba hạnh đầu đà:

Một là chỉ sống ở rừng chớ không sống ở trong làng mạc phố thị.

Thứ hai là những vị đó chỉ mặc phấn tảo y tức là mặc y phục bằng vải lượm từ nơi đống rác nơi bãi tha ma mộ địa rồi giặc sạch, nhuộm, đo, cắt may thành y càsa mà mặc.

Và những vị đó chấp nhận một hạnh đầu đà nữa là chỉ ôm bát đi khuất thực, một bát cơm ngàn nhà độc hành muôn dặm xa trì bình noi gương Phật vui sống hạnh đầu đà, vị đó chỉ theo phương pháp này để sống, ai cho gì thì ăn, cho ít cũng được cho nhiều cũng được và cho những vật dầu cho thượng vị hay là loại thô cứng, các vị đó chỉ bỏ chung vào trong bát trộn lại rồi ăn từ trên xuống dưới không kén chọn đây là món ngon đây là món dở v.v...

Giữ hạnh đầu đà như thế rồi có những hạnh đầu đà khác nữa như mặc tam y chứ không giữ nhiều y phục để thay đổi, hay là vị đó đi khuất thực chỉ đi thứ lớp từng nhà chứ không lựa chọn nhà này là của Phật tử, nhà này có niềm tin mới đứng lại, còn nhà khác không có thì bỏ qua, Ngài không có lựa chọn.

Hoặc là vị đó chỉ sống ở dưới gốc cây không sống ở nơi có mái che lợp như là tịnh thất chùa chiền v.v....

Hoặc là chỉ ăn một ngày một buổi, chỉ ăn một ngày một bát khi đã đứng dậy khỏi chỗ ngồi rồi thì không được ăn nữa, ăn một ngày một buổi thì cho dù rằng người khác có mời ăn thêm cho dù đó là thời gian buổi sáng v.v... các Ngài cũng không ăn.

Hoặc các Ngài chỉ thọ ba oai nghi là đi đứng ngồi chứ không nằm v.v...

Thì những trường hợp này nếu kể cho đủ 13 chi pháp đầu đà thì chúng ta thấy đó là Đức Phật vẫn cho phép thực hành như vậy, Đức Phật vẫn tán thán điển hình như tôn giả Mahakasapa là một vị đệ tử ưu tú mà Đức Phật Ngài tuyên dương trước tăng chúng: "Này Chư Tỳ Kheo, tối thắng về hạnh đầu đà trong hàng tỳ kheo đệ tử của ta là tỳ khưu Mahakasapa." Ngài giữ trọn cả 13 pháp đầu đà chứ không phải chỉ ba hoặc bốn hoặc năm như là các vị tỳ kheo khác, mặc dù vị đó là một vị Alahan việc nên làm đã làm sau đời sống này không còn đời sống khác nữa, không cần phải có sự thiêu đốt phiền não nhưng đối với Ngài Mahakasapa Ngài cũng vẫn giữ hạnh đầu đà.

Ở đây thưa qúi vị, về sự giữ hạnh đầu đà trong Phật giáo có ba mục đích: thứ nhất là đối với vị tu tập vị tỳ kheo phàm tăng vị đó thọ đầu đà với mục đích là để gieo duyên lành cho sự tu tập thành thường cận y duyên trong tương lai ở kiếp sau , có những vị phàm tăng tu hạnh đầu đà là để ngăn trừ những phiền não nhất là để rèn luyện cho mình một hạnh thiểu dục tri túc tức là sống biết đủ sống ít có sự ham muốn. Còn đối với vị Alahan tại sao Ngài cũng hành động đầu đà vì các Ngài nghĩ rằng sẽ làm gương cho đoàn hậu tấn để cho giáo pháp không bị mai một, để cho người đời sau nhìn thấy rằng đến nỗi vị đã được giải thoát rồi mà Ngài cũng tôn trọng pháp môn tu tập như vậy huống hồ chi ta còn là kẻ phàm phu việc cần phải làm chưa làm xong, Ngài với mục đích là để noi gương cho những chúng sanh khác cho những vị tỳ kheo phàm nhân khác thành thử ra chúng ta đừng lấy làm lạ tại sao Tôn Giả Đại Ca Diếp Mahakasapa là một vị Alahan vẫn tu trì hạnh đầu đà như thế.

Trở lại vấn đề khi chúng ta đề cập đến khổ hạnh ở trong Phật pháp, Đức Phật Ngài cũng tán thán những vị tỳ kheo sống thiểu dục tri túc, những vị ít ăn ít ngủ không đam mê trong việc ăn uống việc lợi dưỡng. Mặc dù ngày xưa chẳng hạn như có những vị tỳ kheo ni như là Kisa Gotami vị Thánh ni này vì do ít ăn cho nên gầy ốm sanh sao yếu đuối, một hôm sau khi nhường đường đứng một bên cho một vị tỳ kheo đi khuất thực rồi đứng không vững bị té ngã, thì trong trường hợp đó chúng ta đừng thấy rằng đối với những vị tu khổ hạnh đệ tử của Đức Phật như thế chúng ta đem suy nghĩ rằng so với các vị khổ hạnh khác thì cũng đâu có hơn kém gì mà lại chỉ trích, vì chúng ta nghe trong bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana) Đức Phật Ngài tuyên bố có hai pháp cực đoan tức là khổ hạnh và lợi dưỡng là hai đường lối bậc xuất gia chân chính không nên đi mà phải đi theo con đường trung đạo (Majjhima Patipada)

Ở đây thưa qúi vị mặc dầu thuyết như vậy nhưng tâm tánh của chúng sanh có sự khác nhau, có những chúng sanh ngay trong hiện tại vì do tuệ quán của họ trong quá khứ đã tạo thuần thục cho nên hiện tại họ "hành dị mà đắc cấp" tức là sự thực hành pháp rất dễ thoải mái và họ tu chứng cũng nhanh. Còn có những hạng chúng sanh họ "hành nan mà đắc trì" tức là thực hành khó khăn phải kham khổ mà đắc cũng chậm trễ. Còn có những vị thực hành thì khổ hạnh khó khăn nhưng mà đắc thì nhanh gọi là "hành nan đắc cấp". Và có những vị "hành dị đắc trì" như những vị tu tập mà lợi dưỡng dầu vị đó có cố gắng như thế nào thì do sự lợi dưỡng của vị đó dễ dãi trong đời sống cho nên cũng khó có thể đắc được đạo quả. Đây có bốn hạng chúng sanh, bốn hạng hành giả như vậy cho nên chúng ta phải biết rằng Đức Phật Ngài rất thoải mái vị nào có duyên lành tu tập được nghe pháp và tu một cách thoải mái miễn sao chứng được đạo quả thì là được rồi, còn những chúng sanh mà cần phải rèn luyện thêm nữa thì vị đó tu hạnh đầu đà thì Đức Phật Ngài tán dương khen ngợi.

Nhưng ở đây chúng ta kết thúc lại trong vấn đề là có hai sự khổ hạnh: Một sự khổ hạnh liên hệ đến mục đích giải thoát, và một sự khổ hạnh của người ngu si thiểu trí không liên hệ đến mục đích giải thoát. Thì ở đây giữa hai sự khổ hạnh ép xác này so sánh ra chúng ta thấy, nếu như một vị Tỳ Kheo sống với hạnh đầu đà với đời sống kham khổ với những bữa ăn thiếu thốn có thể ít hơn đời sống bình thường, nhưng khi vị đó thọ thực vị đó không nghĩ rằng mong với khổ hạnh này ta sẽ được sanh thiên, hay mong với khổ hạnh này ta sẽ được người khác cung kính, hay là ta đã được sự lợi đắc, vị đó không nghĩ như vậy, mà khi vị đó có sự thu thúc, thúc liễm thân tâm, vị đó với hạnh thiểu dục tri túc ít có sự ham muốn, vị đó nhàm chán đời sống này chỉ mong diệt trừ được tham sân si phiền não, và bằng cách nào để đọan trừ được phiền não thì vị đó sẽ tuân thủ theo phương pháp đó, cho nên có đôi lúc cần phải khổ hạnh để diệt trừ thiêu đốt phiền não thì vị đó cũng chấp nhận hình thức khổ hạnh để mà thiêu đốt phiền não, và nhờ mục đích chơn chánh như vậy phối hợp trí tuệ trong lúc vị đó làm thấy hình thức là như vậy nhưng tâm hướng của vị đó phát triển về tuệ quán để thông thấu được các pháp hữu vi là vô thường là khổ là vô ngã, thì đối với vị này sự khổ hạnh đó quả thật là sự khổ hạnh cao thượng.

Còn đối với kẻ ngu si thiểu trí nhất là những chúng sanh thời Đức Phật những người này vì không có trí tuệ do vô minh chi phối, cho nên họ nghĩ rằng hễ tu là phải khổ hạnh phải ép xác, hễ càng khổ chừng nào, càng vất vả chừng nào, càng khắc khe chừng nào, thân càng đau đớn chừng nào thì càng mau giải thoát chừng đó. Họ đã ngộ nhận trong đường lối tu tập này. Cho nên ở đây khi Thế Tôn thuyết bài kệ này Ngài đã xác định rằng nếu một người ngu si thiểu trí thực hành phương pháp khổ hạnh, cho dù sự khổ hạnh cực kỳ khe khắc như tháng tháng họ dùng vật thực chỉ với đầu ngọn cỏ tranh chấm với chút ít mật ong đưa vào lưỡi để nuôi sống, hàng tháng họ chỉ ăn bao nhiêu đó thì sự khổ hạnh đó là sự khổ hạnh ép xác mà không có mục đích, với sự ngộ nhận một sự hiểu lầm lừa đảo dối trá tự dối mình và dối người khác như Jampuka chẳng hạn, thì sự khổ hạnh đó nếu đem so sánh với sự khổ hạnh của một vị đệ tử của Đức Phật có chánh hướng đến sự yểm ly giải thoát và tỏ ngộ chân pháp là vô thường là khổ và vô ngã đối với thân ngũ uẩn này, thì đem so sánh sự khổ hạnh của kẻ ngu và sự khổ hạnh của vị liễu ngộ chân pháp, Đức Thế Tôn Ngài tuyên bố sự khổ hạnh của kẻ ngu si không bằng 1/16 nếu mà đem phân tích chia chẻ ra.

Nhưng ở đây thưa qúi vị cái giá trị không bằng 1/16, danh từ 1/16 ở đây cũng chỉ là một danh từ khái niệm mà thôi, khi đọc trong kinh điển thỉnh thoảng chúng ta gặp những con số khái niệm này tùy theo ở quốc độ mà xử dụng, thí dụ như bây giờ bên Ấn Độ chúng ta nghe nói rằng cái gì nhiều thì người ta gọi là 84,000 hoặc tám muôn bốn ngàn, với thời gian thì người ta nói bảy ngày, con số bảy đó hoặc bảy tuần hoặc bảy tháng bảy năm người ta xử dụng con số bảy cũng thường xuyên, rồi khi mà chia ra thì nói 1/16. Thì ở đây chúng ta phải hiểu rằng không phải là so sánh, không phải là con số thập phân nhất định là một phần 1/16, mà ở đây chúng ta nói trên phương diện đem tỷ dụ để so sánh cái nhiều và cái ít hơn thôi. Như ở Việt Nam cũng vậy khi nói nhiều quá thì chúng ta nói hằng hà sa số tức là nhiều quá nhiều như số cát của sông hằng. Hoặc chúng ta nói những con số có sự khái niệm gần như là mặc định những con số không thể nói chẳng hạn như chúng ta quen nói bảy bảy bốn chín ngày, cái gì cũng là bốn chín ngày, một số người họ quen như vậy. Hay chúng ta gọi một thiên là một ngàn, dầu cho 100 dạ lúa cũng gọi là một thiên. Người ta buôn bán cái gì đi nữa, buôn bán 12 củ, 12 trái, hay là 14 trái (một chục có đầu) người ta cũng gọi là một chục, quen cách xử dụng danh từ thông thường hễ nói một chục thì người ta đem đếm ra thì chúng ta thấy là 12 hoặc 14 trái, rồi nói một thiên chứ thật sự ra nếu tính theo lúa mà người nhà nông họ cân đo đong vào bồ thì chỉ có 100 dạ lúa thôi chứ không phải là 1.000 dạ lúa. Và có những con số được gọi như ước lượng và trong sự ước lượng đó chỉ là sự mặc định để cho hiểu nhau là một sự so sánh số nhiều và ít chứ thực sự đây không phải là sự chính xác. Bởi thế cho nên trong bài kệ này khi chúng ta nói rằng không bằng 1/16 người liễu ngộ chân pháp, hay là người hiểu pháp hữu vi thì 16 phần, chúng ta phải hiểu rằng đây chỉ là một cách tỷ giảo theo ướt lượng và danh từ được dùng một cách ước định theo thời điểm bối cảnh văn hoá của Ấn Độ thời đó là như vậy.

Nói tóm lại chúng ta hiểu một điều là sự tu tập cách nào cũng được nhưng cần nhất là phải là nhắm vào mục tiêu giải thoát nhắm vào mục đích chánh hướng thì như vậy sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp. Còn khi chúng ta không có mục đích chơn chánh, không có chánh hướng thì lúc bấy giờ cho dù có sự nỗ lực có sự cố gắng thì sự nỗ lực hay sự cố gắng đó cũng không đưa đến sự thành công không đưa đến sự thành tựu tốt đẹp. Cũng như thế tu tập trong giáo pháp này tùy theo hạnh nghiệp và tùy theo duyên nghiệp của mỗi người, có những vị xuất gia trong giáo pháp này thích cái gì cũng trung đạo cái gì cũng thoải mái dễ dàng để cho trí tuệ phát sanh thì vị đó cứ theo đó nhưng vẫn giữ chánh hướng tu tập của mình là hướng về mục đích giải thoát hay là phụng sự cho chánh pháp và đem lại lợi lạc cho Chư Thiên và nhân loại.

Rồi có những vị thích sống độc cư sống một đời sống khắc khổ khổ hạnh như thọ trì hạnh đầu đà để rèn luyện tâm trí của họ, bằng cách đó cũng được nhưng miễn sao giữ được chánh hướng và luôn luôn không rời xa mục đích. Ở đây thưa qúi vị chính điểm này mà đối với Phật giáo khi chúng ta bước chân vào tu tập trong giáo pháp này chúng ta đã hiểu được thì cảm thấy có một đời sống mà Đức Phật Ngài vạch ra cho chúng ta con đường đi rất thoải mái rất thoáng. Nó thoáng ở chỗ là chúng ta muốn tu tập dễ dãi cũng được, mà chúng ta muốn khắc khổ cũng được, nhưng trong sự dễ dãi đó có nguyên tắc, trong cái khắc khổ đó cũng phải có chánh hướng thì như thế tất cả đều đưa đến lợi ích giải thoát đồng nhau cả thảy. Cho nên ở đây chúng ta không thể nào đứng ở góc độ chủ quan mà có thể chỉ trích người khác khi thấy người khác tu khổ hạnh khắc khổ ốm o gầy mòn hay là ăn mặc y phục một cách sơ sài rách cũ, chúng ta không thể chỉ trích người đó khi chúng ta chưa biết được đạo hạnh và tính hướng của người đó.

Cũng vậy khi người Phật tử chúng ta vào chùa có đôi lúc gặp Chư Tăng tùy theo quốc độ tùy theo môi trường sống, ngày xưa trong bối cảnh Ấn Độ thời bấy giờ nếu Chư Tỳ Kheo mà sống một cách thoải mái và có đầy đủ tiện nghi thì như vậy chắc có lẽ là sự hoàng pháp của Đức Phật và của Chư Tăng không thể đạt được hiệu quả to lớn từng ấy. Thưa qúi vị bởi vì bối cảnh của Ấn Độ thời bấy giờ người dân Ấn Độ đời sống của họ chỉ thiên nặng về đời sống tâm linh và nói về vật chất thì thời bây giờ chúng ta gọi danh từ lạc hậu, là họ không cần phải phát triển về mặt vật chất, và nếu nói trên phương diện tu tập tâm linh thì họ chỉ nghĩ đến con đường khổ hạnh mà thôi, vị đạo sĩ, du sĩ, samon balamon nào mà càng khắc khổ, càng khổ hạnh nhiều chừng nào thì họ càng tín ngưỡng nhiều chừng đó họ mới có nhiều niềm tin để đi theo vị đó đi theo con đường của vị đó dẫn dắt, chính vì vậy cho nên ngay cả Đức Phật và chư vị Thánh Tăng khi các Ngài đã giác ngộ được pháp hiểu được pháp rồi thì các Ngài vẫn biết rằng con đường để đạt đến mục đích giải thoát các Ngài đã đi qua rồi, thế nhưng vì để đem lại niềm tin cho những người khác, đem lại lợi lạc phước báu cho những người có niềm tin tăng trưởng, những người đã có niềm tin vì vậy cho nên các Ngài mới đi theo cách sống nghiêm khắc khổ hạnh. Còn như trong thời kỳ hiện tại nó có một vấn đề cũng hết sức là khó khăn cho chư tăng, chẳng hạn như bây giờ tùy theo quốc độ, ở những quốc độ văn minh tiến bộ nếu mà ra đường người ta đi xe mình đi bộ thì biết chừng nào tới. Rồi lại nữa bây giờ ở xứ văn minh chúng ta đi vào những nơi người ta mời thỉnh đến những ngôi nhà sang trọng, những chỗ sạch sẽ mà bây giờ nếu chư tăng đi chân đất đi vào trong đó bụi bặm dơ bẩn sàn nhà hay là tấm thảm sang trọng của người ta, thì làm sao người ta có thể dễ chịu khi thỉnh chư tăng đến nhà hay để cầu nghe pháp, nhất là đối với chúng sanh họ có đời sống sang trọng tiện nghi quen rồi bây giờ nếu như đối với chư tăng mà họ thấy những vị đó rách rưới những vị đó có vẻ như là dơ bẩn đen đúa bụi bặm thì lúc bấy giờ họ không thể phát niềm tin được.

Có bốn vấn đề phát sanh lên niềm tin gọi là ước lượng niềm tin đó gọi là pamànika:

Thứ nhất gọi là rupa pamànika tức là ước lượng theo sắc tướng, có những người phát khởi lên niềm tin là do họ nhìn vào sắc tướng thí dụ họ thấy một vị xuất gia tăng sĩ có vẻ như trí thức hồng hào thoải mái các căn trong sáng họ phát khởi niềm tin, chứ còn nếu như đen tối và giống như một người cùng đinh nghèo khổ, họ khó phát sanh lên niềm tin đối với hạng người này.

Người ước lượng niềm tin thứ hai gọi là ghosha pamànika tức là lượng xét trên phương diện âm thinh nghe tiếng nói, có những người họ nghe Đức Phật thuyếp pháp là họ đã phát khởi niềm tin bởi vị Phạm âm của Ngài phát ra trầm ấm du dương rất hoan hỉ nghe xong tâm được mát mẻ, cũng như bây giờ chúng ta có nghe pháp có nhiều vị pháp sư lên thuyết pháp chúng ta nghe giọng nói âm thanh vị đó chưa chi chúng ta đã có thể có niềm tin với vị đó rồi, còn nếu như nghe một giọng nói khàn khàn hoặc là giọng nói nhão nhẹt hoặc là những giọng nói không có sự cương quyết thì chúng ta lại không có niềm tin, đó là hạng người thứ hai lượng xét về niềm tin.

Người lượng ước về niềm tin thứ ba gọi là lùkha pamànika tức là không nhìn vào sắc tướng âm thinh mà họ nhìn vào sự bần cùng khổ hạnh, họ thấy vị nào mà có sự khổ hạnh hễ càng ép xác càng tu khắc khổ, càng ốm yếu gầy mòn càng dơ bẩn nhiều thì họ lại cho rằng vị đó là những bậc tu cao là những vị tu thành chánh quả do vậy họ phát khởi niềm tin dựa vào cái đó.

Hạng người thứ tư gọi là dhamma pamànika, người này không quan trọng đến sắc tướng, không quan trọng âm thinh, không quan trọng đến việc vị đó khổ hạnh hay ép xác như thế nào, mà họ chỉ quan trọng đến pháp của vị đó thuyết, pháp này có đúng chân lý hay không, pháp này có sự thuyết phục hay không, có logic hay không, nếu mà có logic tức là có sự lập luận trình tự khoa học và có thể thuyết phục được họ thì họ sẽ nghe theo. Thì đối với hạng người đó lúc bấy giờ chư tăng phải xử dụng pháp.

Vì vậy phải tùy theo quốc độ, tùy theo những hạng người mà chúng ta thân cận nữa, thí dụ như khi chúng tôi lên Sàigòn hoằng pháp, đi thuyết pháp giữa những người dân Sàigon họ sống đời sống sang trọng như vậy thì bản thân của chúng tôi phải làm như thế nào, phải tỏ ra là người lịch lãm là người sống cũng biết xử dụng những tiện nghi, nhưng khi chúng tôi trở về một tỉnh lỵ hẻo lánh ở chùa của chúng tôi thì với những người dân chân lấm tay bùn thì lúc bấy giờ bản thân chúng tôi phải làm như thế nào đó để hoà mình với họ, thì như vậy trong trường hợp này không phải là chúng ta tự dối mình nhưng chúng ta phải thích nghi.

Cũng như ở đây nếu như chúng ta khổ hạnh thì chúng ta nên nhớ rằng khổ hạnh cũng vẫn tốt nhưng sự khổ hạnh đó là sự khắc kỷ khắc khổ, sự thúc liễm thân tâm của một vị đã liễu ngộ được chân pháp thì sự khổ hạnh khắc khổ của vị này có giá trị gấp 16 lần, gấp trăm lần đối với sự khổ hạnh của kẻ ngu si thiểu trí hàng tháng chỉ xử dụng chút ít vật thực để sống cho rằng sự khổ hạnh đó là cao cả. Đức Thế Tôn Ngài thuyết cho Jampuka nghe rằng cái khổ hạnh như vậy không hiểu được pháp không tỏ ngộ được chân pháp thì dầu cho khổ hạnh cực kỳ khắc khổ như thế nào cũng không có giá trị. Và bài kệ mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho Jampuka nghe tức là bài kệ Pháp Cú số 70 chúng tôi hôm nay xin được san sẻ với đại chúng, mong rằng những điều mà qúi vị nghe đã giúp cho qúi vị có sự hoan hỉ và có sự phát tín tâm tu tập trong giáo pháp mỗi ngày mỗi tiến hoá./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 70


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu