Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 69

Trái ngọt độc hại




Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Khi ác chưa chín muồi
Người ngu nghĩ là ngọt
Khi ác nghiệp chín muồi
Người ngu chịu khổ đau

                                    

 

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Madhū’va maññati bālo
Yāva pāpam. na paccati
Yadā ca paccatī pāpam.
Atha bālo dukkham. nigacchati.


Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu: Bài kệ đã được Đức Thế Tôn thuyết khi đề cập đến sự việc xảy ra cho một vị Thánh ni Uppalanan.n.ā. Vị Thánh ni này khi còn là một thiếu nữ tại gia thì chàng thanh niên Nanda đem lòng thương mến, với tâm dục niệm đó cho nên chàng thanh niên này cứ đeo đuổi suốt, dầu rằng bây giờ nàng Uppalanan.n.ā đã xuất gia làm một vị tỳ kheo ni. Cho đến một hôm chờ khi vị Thánh ni Uppalanan.n.ā ôm bát đi khuất thực ra khỏi tịnh thất thì anh ta lẻ vào trong và nấp ở đó cho đến khi Thánh ni Uppalanan.n.ā khuất thực trở về thì chàng thanh niên này đã có hành động súc phạm đến vị Thánh ni vì cái tâm dục nhiễm, lúc bấy giờ Thánh ni Uppalanan.n.ā nhập đại định, chính vì vậy mà hành động ngu si thất trí của chàng thanh niên Nanda càng thêm chồng chất và tạo ác nghiệp rất nặng nề, nên vừa khi chàng ta trở ra vừa đi khuất khỏi tầm mắt của Thánh ni Uppalanan.n.ā thì bị đất rút và chết sanh vào địa ngục a tỳ. Câu chuyện này đã được trình bày lên Đức Phật và Đức Phật Ngài đã thuyết bài kệ trên.

Ở đây thưa qúi vị, thường thường đối với pháp thế gian nó có vị ngọt ngay cả bất thiện pháp đôi khi cũng có vị ngọt bởi thế cho nên Đức Phật Ngài thuyết trong bài kinh Tiểu Khổ Uẩn hay Đại khổ Uẩn trong Trung Bộ Kinh Ngài cũng đề cập đến vấn đề này. "Này các tỳ kheo dục vọng cũng có vị ngọt, có sự nguy hiểm của dục vọng và có sự xuất ly của dục vọng." Ở đây kẻ phàm phu nói chung hay hạng người thiện trí nói riêng, hạng người phàm phu và thiện trí khi họ hưởng các dục thì họ chỉ thấy rằng đó là vị ngọt nhưng không biết được sự nguy hiểm của dục vọng như thế nào và họ càng không biết được sự xuất ly của dục vọng, còn nói gì đến việc họ tạo ác nghiệp, chính do dục vọng sai xử chi phối cho nên họ đã hành động một cách điên cuồng, và họ nghĩ rằng đó là vị ngọt là khi mà ác nghiệp ấy chưa chín mùi tức là chưa tạo ra quả dị thục thì người ngu họ thấy là ngọt, nhưng đến chừng ác nghiệp đã chín mùi rồi thì khi ấy người ngu chịu sự khổ đau.

Ở đây trong câu Madhū’va maññati bālo.

Chữ Madhù có hai nghĩa: một nghĩa là mật, như mật ong, mật mà người ta tạo ra từ đường mía chẳng hạn, mật đó gọi là mật ngọt. Người ngu nghĩ là ngọt
maññati tức là sự hiểu lầm, họ nghĩ tưởng, họ cho là ngọt, bởi vậy cho nên đối với người đời thường chạy theo dục vọng và họ chạy thiếu trí rồi tạo nên ác nghiệp và quả khổ đau đang chờ đón ở phía trước. Cũng vậy đối với người thiểu trí khi họ hành động họ không nghĩ đến hậu quả và họ chỉ biết ngay trong hiện tại là họ hành động hưởng dục, họ nếm được hương vị ngọt, và họ chỉ thấy là ngọt. Thực ra khi ác nghiệp chưa chín mùi thì họ thấy như vậy, nhưng đến khi ác nghiệp chín mùi rồi thì lúc bấy giờ quả khổ đau sẽ đến với họ, đến chừng đó đối với chúng sanh phàm phu mới cảm thấy khổ đau nhưng đã quá muộn. Bởi vậy cho nên người ta thường nói rằng "Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả". Đối với kẻ phàm phu không có tâm nguyện giải thoát và không có hạnh Bồ Tát, không có sự tu tập theo hạnh của bậc Bồ Tát, những chúng sanh đó giống như những con thiêu thân lao mình vào lửa đỏ, ánh sáng hồng của ngọn đèn để rồi nó phải chết. Nghiệp ác mà chúng sanh đã tạo sẽ đưa đến cho chúng sanh đó những quả khổ đau trong cảnh giới tái sanh như là cảnh giới địa ngục, ngã qủi, a tu la, bàng sanh và nếu có sanh trở lại làm người thì trong khi làm thân người như vậy quả ác nghiệp này vẫn theo đuổi và dày vò cuộc sống của họ khiến cho họ phải chịu nhiều sự bất hạnh khổ đau.



Người Phật tử có trí tuệ chúng ta nghe xong bài kệ này và hiểu được bài kệ này chúng ta phải ngừa trước, khi mà chúng ta làm việc gì thì phải phản tỉnh hành động đó, khi nói điều gì thì phải phản tỉnh lại lời nói đó, khi suy tư điều gì chúng ta phải phản tỉnh tư duy điều đó, để chúng ta tránh được ác quả về sau như vậy mới đáng gọi là một vị đệ tử có trí. Nếu như chúng ta chạy theo dục vọng của mình, chúng ta mong cầu hưởng vị ngọt và chúng ta chỉ thấy là ngọt mà quên rằng trong trái cây ngọt ở rừng cũng có những trái cây mang độc tính độc tố. Khi người Phật tử chúng ta tu tập cũng vậy, chúng ta có thể đè nén kềm chế tư tưởng không cho rơi vào tình trạng ác bất thiện pháp thì như vậy chúng ta sẽ tránh được hậu quả về sau. Nếu như bây giờ đời sống của chúng ta, chúng ta chỉ thấy vị ngọt ở trong dục vọng, chúng ta có những hành động đem lại đau khổ cho người khác nhưng mà chúng ta vẫn thấy thỏa mãn vẫn thấy đó là hạnh phúc cho mình, thì khi chúng ta hành động như vậy thì quả thật đây là điều tai hại vô cùng cho chúng ta ở tương lai. Bởi vì ác nghiệp đã làm cho dù chúng ta có chạy ở đâu đi nữa, cho dù chúng có trốn ở nơi nào đi nữa cũng không tránh khỏi ác nghiệp một khi ác nghiệp đó đã chín muồi.

Như trường hợp đức vua Thiện Giác (Suppabuddha) nguyên là nhạc phụ của thái tử Sĩ Đạt Đa, vì thái tử Sĩ Đạt Đa đã từ bỏ Yasodhara và Rahula là con của Ngài và từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi xuất gia để tầm cầu chân lý, và sau khi đã đắc quả thánh, đã đắc Chánh Đẳng Chánh Giác thì vua Thiện Giác nghĩ lấy làm tức tối và oan trái với Đức Phật, căm ghét Đức Phật đã bỏ con gái ông ta, cho nên một hôm khi Đức Thế Tôn đi về xứ của vua Thiện Giác cai trị xứ Koliya thì lúc bấy giờ thì vua Thiện Giác đã ra lệnh chận những con đường khuất thực cấm không cho ai cúng dường để bát Đức Phật và Chư Tỳ Kheo, và chính do hành động này mà ông ta đã gây ác nghiệp hết sức to lớn. Khi Đức Thế Tôn Ngài trở về nơi cư ngụ Ngài đã thuyết pháp cho những vị Tỳ Kheo nghe, Ngài tiên tri rằng vua Thiện Giác trong bảy ngày nữa sẽ bị đất rút. Đức vua được thám tử trở về báo thì đức vua đã cho xây dựng nhanh chóng toà lâu đài bảy tầng và đức vua đã trốn lên trên đó nghĩ rằng sẽ ở luôn trong suốt bảy ngày làm như vậy thì sẽ làm cho Đức Phật nói sai. Nhưng đến ngày thứ bảy có một sự kiện xảy ra là con ngựa ô hung dữ mà con ngựa ô này chỉ có ba nhân vật tức là vua Thiện Giác, Đề Bà Đạt Đa, và thái tử Sĩ Đạt Đa là có thể kềm chế khắc phục nó được, mà bây giờ thái tử Sĩ Đạt Đa đã thành Phật tức là Đức Phật Bổn Sư của chúng ta, còn Đề Bà Đạt Đa thì cũng đã xuất gia làm một vị tỳ kheo, bây giờ con ngựa ô đó chỉ có mình đức vua Thiện Giác mới có thể nhiếp phục được nó vì vậy cho nên đức vua đã quên hẳn sự kiện là mình đang ẩn trốn lời tiên tri của Đức Phật, đức vua từ tầng lầu thứ bảy lao mình xuống và những người canh gác ở các cầu thang những người đó họ đang bị chi phối bởi cái sự kiện hỗn loạn xảy ra ở trên đường phố nên quên hẳn phận sự của mình cứ để cho đức vua đi xuống tới tầng trệt, khi mà đức vua vừa bước khỏi lâu đài liền bị đất rút sanh xuống địa ngục a tỳ.

Trong bài kệ này chúng ta cũng đã được nghe và hiểu rằng một lúc nào mà chúng ta tạo ác nghiệp do tâm tham, tâm sân, hay tâm si chi phối chắc chắn là chúng ta không thoát khỏi những hậu quả đắng cay về sau này. Mặc dầu hiện tại có những người họ lầm tưởng là ngọt nhưng thực ra thì không phải, ngọt ngay trong hiện tại là bởi vì chúng sanh thoả mãn thị hiếu thị dục của họ, thoả mãn với cái gì họ ưa thích, cho nên họ thấy là ngọt, nhưng cái ngọt đó không phải là cái ngọt của thiện pháp, không phải là cái ngọt thánh thiện, không phải là cái ngọt thuộc về tinh thần, mà cái ngọt đó thuộc về phiền não dục, nhưng do chúng sanh ngu si thiểu trí vì nhầm lẫn tưởng rằng làm như vậy sẽ có được vị ngọt sẽ có được hạnh phúc, chính do sự lầm tưởng này khiến cho người ngu si thiểu trí luôn luôn phải lao mình vào trong những điều tội lỗi, và cuối cùng họ phải chịu quả đắng cay.

Bây giờ chúng ta có thể sống ngay trong hiện tại, chúng ta chưa thấy được hậu quả về sau này cho nên có một số người vì họ không tin có đời này không tin có đời sau, họ không tin nghiệp ác có quả báo khổ, họ không tin thiện có quả báo vui vì vậy cho nên họ không bao giờ kiên tránh những điều ác. Chúng ta phải biết rằng mặc dầu trong đời sống tu tập của có đôi lúc chúng ta thấy những người làm ác nhưng họ vẫn vui vẻ vẫn hạnh phúc lạc quan, và trong thái độ của họ, họ rất thoả mãn với hành động của họ, chúng ta thấy như vậy, chúng ta đừng bao giờ lại hoang mang với hành động nghiệp ác cho quả khổ và nghiệp thiện cho quả vui mà chúng ta cần phải dùng trí tuệ để suy xét. Trong bài kệ này Đức Thế Tôn đã khẳng định cho chúng ta điều đó, Ngài đã xác định cho chúng ta là ác nghiệp một khi chưa chín mùi kẻ ngu có thể họ nghĩ là ngọt vì họ chưa thấy hậu quả đắng cay, nhưng đến khi hậu quả đã xảy ra rồi ác nghiệp đã chín mùi rồi thì lúc bấy giờ họ mới thấy sự nguy hiểm, lúc bấy giờ họ mới khóc lóc than thở sầu muộn. Và có những người còn tệ hơn nữa, là khi họ đã tạo ra ác nghiệp một cách bừa bãi như vậy họ không ý thức được rằng ác nghiệp sẽ đưa đến hậu quả đắng cay cho nên họ hành động theo dục vọng thị hiếu của họ, theo sở thích của họ, theo cảm nghĩ của họ thấy là ngọt mà họ hành động đến khi họ chịu quả đắng cay rồi thì lúc bấy giờ họ mới dốc tâm cầu nguyện, nếu cầu nguyện họ cảm thấy không an tâm nữa thì họ mời họ thỉnh các vị samôn bàlamôn các vị sư các vị thầy đến nhà để cầu an. Điều này sư nói có lẽ là qúi vị Phật tử sẽ có một vài người không hoan hỷ lắm, nhưng ở đây Sư cũng xin thành thật nói với qúi vị là một khi chúng ta đã tạo ác quả cũng giống như là chúng ta tạo cái cây của chúng ta, một cây mà nó đã không còn sức sống không còn nhựa sống cho dù chúng ta có tưới nước nó cũng không thể nào tươi tốt được. Cũng vậy với một người không làm thiện nghiệp mà người đó tạo ác nghiệp và khi nghiệp ác đã trổ thì cho dù rằng người đó có tụng niệm đi nữa cũng không thể nào mà cho vơi hết được khổ đau.

Một lần có vị Balamôn đi đến bạch với Đức Phật rằng: "Thưa Samon Gotama, vì sao ở trong giáo pháp của Ngài không có những câu kinh tụng niệm cho người đã chết để cầu siêu cho họ."

Thì Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh: "Thí dụ nếu như một tảng đá có trọng lượng nặng đem ném ở trong một hồ nước khi nó chìm xuống đáy nước thì có thể nào hội chúng Balamôn đứng quanh bờ hồ tụng kinh cầu nguyện như thế nào cho tảng đá nổi lên hay không?"

"Thưa Samon Gotama không thể được như vậy."

Thì Đức Thế Tôn dạy: "Cũng như thế, nếu một người sống hành động thuần ác, chỉ chuyên làm ác, chuyên tâm làm khổ mình làm khổ người thì người ấy sau khi mệnh chung do ác nghiệp này sẽ sanh xuống địa ngục, lúc bấy giờ không thể nào tụng kinh, không thể nào cầu nguyện cho người đó siêu thoát được. Cũng như thế khi một người làm việc lành, một người thuần thiện và họ chỉ làm những điều công đức những điều phước báu sau khi mệnh chung chính do phước báu này họ sanh về cõi trời. Thì trường hợp này cho dù không được tụng niệm không được cầu siêu họ cũng vẫn sanh về cõi an vui do nơi thiện nghiệp của họ."

Ở đây người Phật tử chúng ta phải hiểu rằng trong đời sống tu tập chúng ta phải biết rằng đau khổ cũng chính do mình mà hạnh phúc cũng chính do mình, sự trong sạch hay không trong sạch cũng đều do chính mình, không ai trong sạch cho ai và ở đây chính vì lẽ đó mà người Phật tử chúng ta hãy cố gắng tu tập cho dù rằng có những hành động có được vị ngọt nhưng sau khi chúng ta dùng trí tuệ suy xét thấy rằng hành động đó là bất thiện, hành động đó là ác xấu, hành động đó là đáng bị bậc trí thức khiển trách, hành động đó là nhân đưa đến quả khổ đau, khi chúng ta đã hiểu được như vậy thì chúng ta hãy cố gắng làm như thế nào để từ bỏ ác nghiệp mà chúng ta đã làm, những ác nghiệp mà chúng ta chưa làm thì đừng làm, những ác nghiệp mà chúng ta đang hành động thì nên dừng lại, còn những điều ác nào mà chúng ta đã làm rồi thì nên phát lộ nên trình bày với các bậc thầy có trí, các bạn đồng phạm hạnh, như là một sự sám hối một sự tỏ lộ, để sau khi giải toả được tâm lý búc xúc của mình về tội ác đó, sau đó chúng ta sẽ tự nguyện khắc phục hối cải để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Nói như thế ở đây chúng tôi cũng xin nói thêm rằng ở trong Phật Giáo không có tình trạng sám hối là hết nghiệp, không có tình trạng sám hối mà chúng ta làm xóa tan ác nghiệp, ác nghiệp ở đây khi đã tạo rồi chỉ có hai trường hợp có thể xóa sạch ác nghiệp:

Một là ác nghiệp đã làm nó có một công xuất nhẹ hơn là thiện nghiệp thì chúng ta tạo thiện nghiệp lớn lao, chính cái thiện nghiệp lớn lao đó nó sẽ xóa mờ ác nghiệp.

Trường hợp thứ hai là một ác nghiệp mà đã làm nếu như do sự cố gắng sự nỗ lực sau đó chúng ta thành tựu được đạo quả cứu cánh của vị A La Hán viên tịch Niết-bàn thì khi vị ấy hữu dư y vô dư y Niết-bàn thì quả vị không theo đuổi được, chứ còn nếu như hữu dư y Niết-bàn tức là vị A La Hán vẫn còn thân ngũ uẩn này tồn tại ở thế gian thì ác nghiệp đó nếu có cơ hội thì nó vẫn trổ quả như thường, như trường hợp Angulimala: tức là tướng cướp Vô Não chúng ta đã biết như vậy. Thì ở đây thưa qúi vị trong bài kệ ngôn số 69 này chúng tôi nghĩ rằng điều nào cần phải giải thích để cho chúng ta hiểu thì chúng tôi cũng đã nói xong. /.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Download KN 69


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu