Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 68

Tính Chất Hành Vi Tốt

Thap Nhi Nhan Duyen

Một việc làm tốt đẹp
Làm rồi không ray rứt
Thọ cảm quả dị thục
Tâm hân hoan vui vẻ.

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Giới)

Chánh Hạnh chuyển biên

 

 

 

TT Giác Đẳng: Bài kệ kinh Pháp cú chúng ta vừa được nghe
Hạnh nghiệp làm chánh thiện
Làm rồi không ăn năn  
Hoan hỷ ý đẹp lòng
Hưởng thọ quả dị thục

Chúng ta đã được nghe TT Trí Siêu giảng rất nhiều về ý nghĩa về thiện, về thái độ của một người làm thiện . Chúng tôi xin chia xẻ tiếp theo với ý nghĩa liên quan đến câu chuyện duyên sự này. Quý vị thấy rằng Sumana là một người nông dân sống bằng nghề trồng hoa và đặc biệt nguồn thu nhập của ông đến từ một giao kèo với hoàng cung. Ông sống tại Vương xá thành, ông là người cung cấp hoa cho cung đình của vua Bình-Sa-Vương. Mang hoa vào hoàng cung dọc đường gặp Đức Phật và với tất cả niềm hoan hỷ ông phát tâm đem hoa đó cúng dường lên Đức Phật. Làm như vậy ông cũng hiểu một điều rằng Đức Phật là một vị có thể nói trong đời này không mấy lần ông có cơ duyên gặp được một vị đại giác như vậy và ông cũng hiểu rằng nếu là người có phận sự cung cấp hoa trong cung  mà không đem hoa vào có thể mang tội mất đầu. Trong tích truyện chúng ta thấy rằng sau khi cúng dường hoa cho Đức Phật ông trở về đem chuyện đó nói với người vợ, người vợ rất lo sợ. Sợ đến nỗi bà nghĩ rằng thế nào cũng bị mang họa và đích thân vào trong cung gặp nhà vua Bình-Sa-Vương tố cáo rằng chồng của mình đã làm một việc đại nghịch bất đạo là thay vì đem hoa vào trong hoàng cung cho nhà vua thì đã đem hoa đó cúng dường cho Đức Phật. Vua Bình Sa Vương là một đệ tử Phật, chẳng những vậy là một Thánh đệ tử Phật. Theo bản sớ giải, khi vua Bình-Sa-Vương nghe nói như vậy nhà vua giả giọng của một người giận dữ nói rằng đây là một việc làm không hiểu biết. Sau khi giả cơn thịnh nộ, nhà vua cho người phụ nữ trở về và nhà vua đích thân đến gặp Đức Phật.

Điều chúng tôi muốn chia xẻ với quý vị, đó là một ý nghĩa rất quan trọng trong câu chuyện này liên quan đến Sumana là người nông dân trồng hoa. Đó là một sự lựa chọn. Có những người làm thiện có thể hy sinh đến thân mạng của mình, đến sự an nguy của mình. Đây là sự quyết định hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Hiểu được điều này chúng ta mới hiểu được tại sao trên quan điểm làm thiện của người Phật tử không ai có thể bắt buộc ai hết, không ai có thể cố vấn cho ai mà chỉ có thể trình bày mà thôi. Trường hợp Sumana đem hoa đến cúng dường Đức Phật và trong sớ giải nói rằng khi ông quyết định như vậy có nghĩa rằng ông quyết định dâng cả tánh mạng cho Đức Phật. Ý muốn nói rằng vì việc đó ông có thể chết  nhưng ông không ngại, không sợ và ông đã cúng dường lên Đức Phật hoa này.

Đây là một ý nghĩa rất quan trọng, một người làm thiện nhiều khi phải hy sinh và sự hy sinh này thậm chí có thể hy sinh đến tánh mạng của mình như các vị Bồ tát hành Ba-la-mật hạnh chẳng hạn. Khi nói như vậy đây là một quyết định hoàn toàn cá nhân, không ai có thể nói người khác phải hy sinh  chính mình để làm thiện hết. Chúng tôi lấy ví dụ người đó có thể là Thầy của mình hay cả Đức Phật hay bất cứ ai khác mà nói rằng, “ Con hãy hy sinh mạng sống để con làm việc lành này hay con làm việc lành kia”. Như một người giữ bát quan trai, trong lúc giữ bát quan trai họ không ăn buổi chiều, có đói bụng và có chết đi thì họ cũng không ăn. Điều đó không phải là một thứ giới luật do Đức Phật Ngài bắt buộc đặt ra mà điều đó là một sự lựa chọn, một sự lựa chọn hoàn toàn cá nhân. Trong kinh Đức Phật cho phép một người giữ giới nếu bệnh có thể thay đổi nhưng nếu người đó quyết định không thay đổi sự gìn giữ giới luật của mình, thà chết chứ không thay đổi thì thái độ đó hoàn toàn cá nhân không ai áp đặt cho ai hết. Đây là tinh thần hết sức quan trọng của người Phật tử.

Qua điểm này chúng ta nhận thấy một điểm nữa là khi chúng ta đã làm thiện rồi, thì đó là một quyết định riêng tư của chúng ta. Đọc câu chuyện về Sumana chúng ta mới thấy rằng ở  một trình độ nào đó khi người ta đã tu tập thiện pháp, kể cả chuyện từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình, kể cả chuyện bố thí hết tài sản, hy sinh thân mạng thì không một ai có thể dạy cho ai được, không ai có thể bắt buộc ai được mà việc làm đó hoàn toàn cá nhân. Cá nhân quyết định mà thôi, nên có nhiều lần quý Phật tử hỏi chúng tôi, “Có những người hy sinh mạng sống của mình cho một lý tưởng cao cả thì việc hy sinh mạng sống đó có hợp theo đạo Phật, có được Đức Phật dạy như vậy không?” Xin thưa bất cứ ai làm việc với tâm thiện và với tâm rất trong sạch thì điều đó được ghi nhận là người tạo thiện nghiệp, nhưng gọi là dạy có nghĩa là khuyến khích thì trong kinh không có dạy, không khuyến khích một người làm mất cả mạng sống của mình. Nói như vậy không có nghĩa rằng những người hy sinh mạng sống của mình mà người đó bị chỉ trích, không phải như vậy. Có một ý nghĩa rất đặc biệt, là ở đây Đức Phật Ngài đã thọ ký cho Sumana trong nhiều kiếp tới do nghiệp thù thắng cúng hoa đến Đức Phật sẽ trở thành một vị Phật độc giác.

Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông tức là trong Hán Tạng thường người ta nói Phật Độc giác, Toàn giác và Thinh Văn giác là do sự tu tập tứ đế mà thành Thinh văn, tu thập nhị nhân duyên  thành Phật độc giác và tu Bồ tát hạnh thì thành Toàn giác. Nhưng trong kinh tạng Pali nói rằng sự tu tập thành các quả vị Phật, các Ngài tu giống nhau nhưng trình độ khác biệt là do khả năng có thể hy sinh những gì thuộc về mình (tự ngã ) để thành tựu ba-la-mật hạnh. Lấy ví dụ một người muốn chứng quả, muốn trở thành một Thánh đệ tử của Đức Phật thì người đó phải có khả năng trong lúc thực hành Ba-la-mật hạnh phải bỏ hết tất cả những gì thuộc về ngoại thân, có khả năng như vậy mới đạt được. Một người muốn tu tự mình đạt đến trình độ tự mình giác ngộ mặc dầu không có quãng diễn giáo pháp nhưng khả năng tự mình giác ngộ mà không cần đến khai thị, chúng ta thường gọi là Độc giác thì vị đó phải có khả năng hy sinh đến tứ chi tức là liên quan đến thân mạng nhưng không phải mạng sống và vị nào có khả năng hy sinh cả mạng sống của mình vì mục đích Ba-la-mật hạnh thì vị đó tự mình giác ngộ và có khả năng đem giáo pháp đó quảng diễn cho người khác. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt,  bởi vì cho chúng ta thấy rằng trình độ tu tập của chúng ta không dựa trên khuynh hướng, trên pháp môn mà nó dựa trên khả năng xả kỷ và khả năng xả kỷ này là một đề tài rất lớn cho bất cứ người học Phật nào. Bởi vì sự xả kỷ càng nhiều càng cao sẽ dẫn chúng ta đến sự vượt thoát.

Có một câu rất hay trong văn học Việt Nam cũng liên quan đến ý nghĩa vừa rồi, đó là câu
“Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”
Có lẽ trong văn chương, một câu gần đạo lý nhất thì phải nói rằng đó là câu chúng tôi thích nhất. Cái mạng sống của mình nặng như núi Thái sơn nhưng một người có thể
 “ Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao” không phải dễ dàng để lãnh hội. Bởi vì trên đời này có hai hạng người, có hạng người xam mạng sống nặng như Thái Sơn và có một hạng người khác xem mạng nhẹ như lông hồng. Người xem mạng sống nặng như Thái Sơn không dám làm gì hết. Có người khác xem mạng sống tựa lông hồng tức là họ liều lĩnh bất chấp và họ không hiểu được làm thế nào để chăm sóc sự an nguy của họ. Nhưng một người “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, tức là biết trọng cái mạng của mình nhưng điều đó không có nghĩa là họ không dám làm. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống tựa  Thái sơn đó cho một mục đích cao cả và hy sinh mà không hề phân vân lưỡng lự, thậm chí là một chút hối tiếc về sau. Đúng là “Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”. Mặc dầu trong “Chinh phụ ngâm “ nói về tâm trạng của một trượng phu ở đời sanh trong thời loạn,
“ Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”
Nói trong tinh thần của người tu tập không phải là xem nhẹ mạng sống của mình. Chúng ta biết kiếp người là quý, thân mạng là quý và khi quyết định để nhập cuộc để dấn thân thì cho dù hiểm nguy, cho dù đe dọa vẫn xem thường. “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” có ý nghĩa rất lớn. Trong ý nghĩa này đạo Phật dạy rằng trình độ tu chứng là do khả năng của chúng ta khi hành ba-la-mật hạnh, chúng ta có khả năng xả kỷ đến đâu. Có những người có khả năng xả kỷ đến mức độ người đó có thể bỏ được tất cả những gì liên quan đến ngoại thân của mình. Trình độ đó đạo Phật gọi là Thường độ, rồi có trình độ khác là bỏ đến tứ chi hay bỏ những vật thuộc về nội thân nhưng không hy sinh mạng sống ví dụ như mắt, trái thận, tay chân của chúng ta chẳng hạn và có những người có thể hy sinh tất cả kể cả sinh mạng của mình.

Chúng ta thấy một người nông dân gặp Phật trên đường. Hình ảnh của Đức Phật và sự trong sạch trong lòng của mình, mình cảm nhận rất trực tiếp không phải qua ý lý dài dòng, không phải do thiên kinh vạn điển, không phải qua những giờ này qua giờ khác nói chuyện như chúng ta đang nói ở đây. Sự trực nhận đó là intutition, qua trực giác của chúng ta và cái đạo trong lúc cảm nhận. Trong sự cảm nhận đó có thể làm một việc hết sức quan trọng. Đó là phát tâm làm một việc quên đi cả sự an nguy của bản thân để có thể thành tựu một thiện hạnh. Có rât nhiều việc thiện trên thế gian này được thực hiện ở tấm lòng, ở sự cảm nhận trực tiếp chứ không phải qua lý sự dong dài. Đây là bài kệ rất có ý nghĩa. Một người làm như vậy bởi vì hoan hỷ mà làm, bởi vì biết rõ những gì mình làm và bởi vì thấy được cơ hội lớn lao để làm, do vậy người đó không thể hối hận được. Một lần nữa chúng tôi nhắc quý vị đây là sự lựa chọn hoàn toàn cá nhân. Khi nói đến thiện nghiệp không ai có thể áp đặt cho người khác là phải hy sinh chừng này chứng này để làm. Ông Cấp-Cô-Độc bỏ ra tất cả tài sản của mình cúng dường Tam Bảo, để làm việc thiện. Điều đó là một quyết định hoàn toàn cá nhân của ông chứ không thể nói rằng đạo Phật bắt buộc người Phật tử phải hy sinh bao nhiêu phần trăm lợi tức để lo cho đạo, chuyện đó không có. Đó là sự khác biệt giữa đạo lý về thiện trong đạo Phật và các tôn giáo khác.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya. 




Download KN 01


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu