Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 66

Khi mình tự hại chính mình



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.


.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali



Caranti baalaa dummedhaa amitten-eva attanaa
Karontaa paapaka.m kamma.m ya.m hoti ka.tukapphala.m.


Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng : Bài kệ này riêng về chính văn thì có lẽ là một trong những bài kệ mà mạch văn trong sáng nhất, trong sáng đến đỗi mà qúi Phật tử vừa đọc thì qúi vị có thể nhận ra ý nghĩa của lời kệ, tuy nhiên câu chuyện duyên sự Đức Phật giảng bài kinh này là một duyên sự mà chúng tôi rất thích, chúng tôi hết sức đặc biệt thích duyên sự của bài kinh này bởi vì bài kinh đó được Đức Phật Ngài giảng cho một thính chúng nhân một câu chuyện liên quan đến một người cùi. Thưa qúi vị người cùi này đến chùa Kỳ Viên để nghe Pháp nhưng bởi vì mình bị bịnh hủi do đó rất ngại đi vào trong đám đông, chỉ ở xa nhưng vì âm thanh của Đức Thế Tôn là âm thanh vi diệu, người này đã có thể nghe được, chẳng những nghe được lời của Phật dạy mà còn hiểu được lời của Đức Phật và đắc được sơ quả. Thưa quí vị ngồi ở trong rơom Diệu Pháp này để nghe giảng kinh Pháp Cú đề cập đến sơ quả thì chúng ta nghe đó là một quả thấp tại vì đó là quả đầu tiên trong tứ thánh quả, nhưng sơ quả là quả vị hết sự đặc biệt, quả vị đó gọi là nhập lưu, là vị đã đi vào trong giòng suối của bậc thánh và chắc chắn sẽ dẫn đến Niết-Bàn. Một vị đã chứng quả Nhập Lưu thì vị đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ niềm tin đối với Tam Bảo thối chuyển, bởi vì vị này đã đoạn tận thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Vị đi vào Nhập Lưu tức là một vị đã tự mình thay đổi hẳn đời sống của bản thân về tâm linh không phải đời này mà mãi mãi về sau này. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì một người chứng quả Dự Lưu thì người đó sẽ không bao giờ phạm ngũ giới và các tội đại nghịch bất đạo cũng như là người đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ đoạ vào bốn đường ác đạo. Trong ngôn ngữ ngày hôm nay chúng ta nói rằng người đó giống như có một thứ bảo hiểm và bảo hiểm đó sẽ bảo đảm rằng vị này không bị thối đoạ. Thì thưa qúi vị chữ "Thối đọa" có nghĩa là lui sụt và chữ đọa có nghĩa là rơi vào khổ cảnh.


Theo một lần Đức Phật Ngài dạy là quả vị Tu Đà Hườn với một người biết được giá trị thì quả vị đó hơn cả địa vị của vua Chuyển Luân Thánh Vương, nghĩa là một người chứng quả này được xem như là một vị đã chắc chắn dẫn đến giác ngộ giải thoát, do đó ngày xưa thường thường gọi là Tu Đà Hườn hay là Sơ Quả hay là Nhập Lưu hay là Dự Lưu, đó là quả vị hết sức đặc biệt ở trong đạo Phật, (ở một dịp nào đó chúng ta sẽ nói thêm về quả vị Tu Đà Hườn.)

Thì người cùi này đã nghe pháp và chứng Dự Lưu Sơ Quả tại chỗ ngồi của mình, trong niềm hoan hỷ đối với pháp, vị này thật sự muốn đến gần và đảnh lễ Đức Phật nhưng ngại rằng với chứng bệnh của mình vào trong đại chúng không tiện, do vậy người này đi ra ngoài đường ngồi chờ cho đến khi tất cả mọi người đã ra về, và khi vị này nhận thấy rằng người cuối cùng đã rời chùa Kỳ Viên nên đi vào trong chùa để gặp Đức Phật. Khi vị này vào, vị nào đã sang Ấn Độ đi hành hương có lẽ qúi vị biết được là từ ở ngoài cổng chùa vào trong hương thất nơi Đức Phật ở không gần, phải đi bộ một đỗi và trong quảng đường đó từ ở cổng chùa đi vào hương thất để gặp Đức Phật thì người cùi đáng thương này đã gặp Đức Trời Đế Thích, lúc bấy giờ Đức Trời Đế Thích hiểu được tâm của vị này đang muốn vào gặp Phật, nhưng Đức Trời Đế Thích không có khả năng để hiểu được trình độ gọi là sở chứng của vị này nên Đức Trời Đế Thích mới hiện xuống làm một người thường và hỏi rằng:


"Ông đang đi đâu vậy?"

Thì vị này nói rằng đi vào gặp Phật.

Hỏi "Tại sao vào gặp Phật"

Thì vị này nói rằng: "Tôi đã thành tựu niềm tin ở Đức Phật, ở Pháp và ở Tăng." Và vị Trời Đế Thích mới nói rằng:
"Ông là một người ăn xin cùng khổ, thôi ông hãy trở về đi, nếu ông thay đổi được cách nghĩ của ông về Phật về Pháp về Tăng thì tôi sẽ cho ông một số tiền lớn."

Thì thưa qúi Phật tử, khi nghe nói như vậy thì người ăn xin cùi hủi đó đã nhìn vào Đức Trời Đế Thích và hỏi rằng:
"Ông là ai vậy?"
Thì Đức Trời Đế Thích mới nói thật: "Ta là Thiên Chủ Sacka." Và người cùi này mới nói với Thiên Chủ Sacka bằng một lời nói tuy rất ngắn nhưng hết sức rõ ràng rằng:
"Tôi tuy nghèo nhưng có tài sản, tức là bảy tài sản của bậc thánh, không có một thứ gì ở trên đời này có thể làm suy giảm niềm tin của tôi đối với Phật Pháp Tăng hết."
Và thưa qúi vị, Đức Trời Đế Thích nghe nói như vậy thì thốt lời: "Sadhu, lành thay" và để cho ông vào chùa Kỳ Viên gặp Đức Phật.

Cái hình ảnh mà thưa qúi vị rất đặc biệt mà chúng tôi muốn nói ở tại đây là Đức Phật Ngài đã cho đứa con của Ngài vào gặp Ngài, ông cùi đó tuy rằng cùi lở, tuy là mang một chứng bệnh nan y, tuy là một người không được sạch sẽ nhưng Đức Phật đã dành cho ông tất cả tình thương của một người cha đối với con. Khi ông bước vào đảnh lễ Đức Phật và ông không cần nói Đức Phật cũng biết rằng ông đã lãnh hội và đã chứng đạt được giáo pháp, với tất cả những lời dạy của Đức Phật dành cho ông, ông phát tâm hoan hỷ, có thể nói rằng chưa bao giờ trong cuộc đời của ông mà cảm nhận được một tình thương và cảm nhận được ánh sáng màu nhiệm như vậy trong cuộc sống của mình, ông đảnh lễ Đức Phật ra về. Sau đó không lâu thì các vị Tỳ Kheo được biết rằng người cùi đó đã bị tai nạn vì một con bò đã húc vị này. Ở tại Ấn Độ mà bị tai nạn bò húc là chuyện rất bình thường, nhưng những vị Tỳ Kheo hiểu chuyện nghe như vậy không cảm thấy xót xa, là một người có đạo tâm và một người đã được bậc Đạo Sư dành cho một lòng đại bi bao la như vậy mà người đó lại gặp một tai ương, trong cái nhìn thường tình thì các vị Tỳ Kheo cảm thấy hơi thắc mắc và Đức Phật nhân đó Ngài đã giảng câu chuyện tiền thân.

Người cùi tuy đã chứng thánh sơ quả tức là đã có đủ pháp balamật để đạt đến bờ giải thoát giác ngộ, nhưng Đức Phật cho biết rằng trong một kiếp xa xưa vì một tội bất kính mạ lỵ người này đã làm một việc đại ác đó là phun nước bọt vào một vị Phật Độc Giác, và thưa qúi vị cái việc làm đó đã khiến cho người này sanh ra bị bệnh cùi mà suốt cuộc đời sống khổ sở với cái quả của ác nghiệp mà mình đã tạo. Và rồi Đức Phật Ngài cũng kể một câu chuyện khác là trong một kiếp thì người cùi này sanh vào trong một kinh đô của xứ Baranasi rất đẹp, và sanh ra trong một gia đình giàu có cùng với ba người bạn khác của mình, một hôm bốn người thanh niên giàu có này đã có một việc làm hết sức là càng rỡ đó là mướn một cô kỹ nữ về để vui chơi và sau đó vì một cái lý do nào đó mà bốn vị này đã giết cô kỹ nữ này, và do oan trái về sau những người thanh niên này đã nhiều kiếp bị cô kỹ nữ này sanh trở lại và giết chết bằng những tai nạn khiến cho những người này phải mạng chung bất đắc kỳ tử. Sau khi Đức Phật kể hai nhân ở quá khứ và Ngài đã dạy bài kệ này:

Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.

Có thể nói rằng qúi vị hỏi tại sao chúng tôi rất là thích bài kệ này, khi nào qúi vị đọc trong kinh thì qúi vị sẽ thấy một điểm đối với Đức Phật trong lời dạy của Ngài không có quan niệm về nhân ngã. Ở đây chúng tôi muốn nói đến một con người mà người đó đã có những thành tựu hết sức cao qúi tức là chứng quả thánh bằng tấm lòng của mình đã lén đi vào trong chùa để gặp và đảnh lễ Đức Phật sau khi tất cả mọi người đã rời chùa, và Đức Phật đã dành cho vị này một cuộc gặp gỡ bằng tất cả tâm đại bi của Ngài. Hồi nãy chúng tôi dùng một chữ không phải để khách sáo mà chúng tôi muốn dùng một chữ là Đức Phật Ngài đã cho vị này vào gặp giống như cho phép một người con vào thăm cha mẹ với tất cả thân tình. Trong chánh tạng và ở trong bản dịch cũng đều dùng chữ thân ái đều dùng chữ thân tình để chỉ cho sự gặp gỡ này. Tại sao ở trong Phạn văn giống như ở trong các bản dịch dùng chữ này? Bởi vì thưa qúi vị người ta muốn nói hình ảnh của một người cùi mà mọi người đều ghê tởm mà mọi người đều xa lánh hết, nhưng khi người đó đến với Đức Phật thì Đức Phật nhận thấy ở con người này là một chúng sanh, thì luôn luôn Đức Phật Ngài dành cho lòng đại bi, nhưng bên cạnh đó Đức Phật Ngài cũng biết rằng vị này đã có những tiến bộ vượt bực trên con đường tâm linh của mình. Tuy vậy khi Đức Phật Ngài dạy câu kệ trên và đặc biệt khi được dịch sang tiếng Việt của chúng ta, nghe như là một câu truyện Đức Phật đề cập đến một người mà người đó là một xấu xa.

"Người ngu si thiếu trí
Tự ngã thành kẻ thù
Làm các việc không thiện
Phải chịu quả đắng cay."

Thì thưa qúi vị khi Đức Phật Ngài dạy bài kệ này thì Ngài đề cập đến hai con người của quá khứ, hai con người đó là một con người đã từng phun nước bọt lên mình một vị giác ngộ là vị Phật Độc Giác và một con người khác là một con người đã thuê một kỹ nữ về vui chơi rồi giết đi để thoả mãn thú tính của mình. Thì thưa qúi vị, cả hai người đó là hai tiền thân của một con người hiện tại và con người hiện tại là con người hiền thiện là con người đã thành tựu được chứng quả đạo vị cao qúi, thì chúng ta sẽ tìm thấy được một tinh thần trong Anh ngữ có thể là impersonality (Không ám chỉ riêng ai). Đức Phật Ngài khi dạy những điều này thì Ngài dựa hoàn toàn trên những gì đã xảy ra mà ở đó không có quan niệm nhân ngã, ở đó không có quan niệm là thân hay sơ.

Chúng tôi lấy ví dụ có những lần thưa qúi vị, quí Phật tử ở tại chùa gặp tai nạn đụng xe và chiếc xe bị hư hỏng rất nhiều, khi đến chùa gặp Ngài Hòa Thượng ở chùa thì chúng tôi thường nghe Ngài dạy rằng:

"Hãy nghĩ là cũng còn may mắn lắm, nếu mà mình bị tai nạn mà xe không bị hư, hoặc giả nó hư đến mức độ mà mình phải bị mạng vong thì điều đó là điều đáng buồn hơn nhiều, nếu mà nó chỉ hư chiếc xe thôi thì giống như người xưa nói là "tán tài tiêu tai" thì như vậy cũng là điều đáng mừng, kể ra mình còn có phước."

Thì thưa qúi vị một người Phật tử mà gặp một tai nạn gặp một trường hợp đụng xe như vậy nhưng khi gặp Hoà Thượng thì Ngài vẫn nói rằng "Vẫn còn có phước" tức là chỉ mới có bị suy suyển về tài sản nhưng không suy suyển về tánh mạng, không bị thương tích. Cái nhìn đó là cái nhìn của Yoniso manasikara (Như lý tác ý), nhưng chúng ta cũng không phủ nhận một điều là một người tự nhiên bị sự tổn hại về tài sản như vậy nó cũng là do quả của nghiệp quá khứ, nhưng ý chúng tôi muốn nói ở tại đây là cách nói bình thường của chúng ta với một người nào đó mà chúng ta thương mến thì chúng ta chỉ muốn nói tốt thôi nhưng trong bài kệ này Đức Phật Ngài đang đề cập đến một con người hiền thiện một con người rất tốt đẹp một con người đã chứng thánh quả và con người đó dù rằng có những quan hệ hết sức là thân ái đó trở thành một đứa con trưởng thành ở trong đạo tràng của Đức Phật. Nhưng mà rồi khi Đức Phật đề cập đến nghiệp quá khứ thì Đức Phật Ngài dạy điều Ngài dạy ở đây không mang tánh cách chê hay khen mặc dù ở trong mạch văn tiếng Việt chúng ta nghe mạch văn này.

"Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù
Làm các nghiệp không thiện
Phải chịu quả đắng cay"

Nhìn trong văn tiếng Việt thì chúng ta nghe như là một lời chê trách mang tánh cách cá nhân, mang tánh cách là khiển trách một người nào đó, nhưng ở đây Đức Phật Ngài chỉ giảng và Ngài chỉ trình bày đạo lý chân thật đó là sự thật ở trong cuộc đời là như vậy, thì điểm này là điểm thú vị.

Có một lần Ngài Anurauddha là một đệ tử của Phật là một vị được xem là đệ nhất về thiên nhãn, Ngài đi đường xa và trong đêm không có chỗ nào tá túc, Ngài đến ngự ở nơi không thích hợp vì có một thiếu phụ độc thân. Người thiếu phụ đã gặp Ngài có một ít cảm tình và đã có một thái độ quyến rủ Ngài Anurauddha. nhưng là một bậc thánh là một vị có thần thông do đó Ngài dùng thần thông Ngài đã đi khỏi ra đó và khi Ngài trở về gặp Đức Phật thì Đức Phật Ngài vẫn quở và Ngài còn đã đặt một điều luật liên quan đến điểm này. Có một người hỏi chúng tôi rằng tại sao Đức Phật la Ngài Anurauddha, có phải Ngài không nhận ra là Ngài Anurauddha là một người là tốt nên phải la như vậy?

Có nhiều lý do: một lý do làm gương cho phần hậu học. Nhưng những gì Đức Phật để lại cho cuộc đời Ngài không có dạy mang tánh cách cá nhân có nghĩa là nhắm vào một người nào đó, nói theo người Mỹ là: chúng ta không nên nghe Đức Phật mà 'taked to personal'. "Taked to personal" có nghĩa là chúng ta nghe và chúng ta nghĩ rằng Đức Phật thương mình hay không thương mình, Đức Phật nghĩ mình là thế này nghĩ mình là thế khác, chúng ta thường bị mặc cảm như vậy chúng ta thường có phản cảm như vậy. Phản cảm như vậy thật sự không thích hợp cho một người học pháp. Chúng ta rất mẫn cảm về điều này.

Nhưng đối với Đức Phật thì khi Ngài dạy, thì qúi vị nhìn thấy câu kệ này Đức Phật đề cập đến một con người, người đó là một bậc thánh nhân đã đắc đạo chứng quả vì một tai nạn mà chết bất đắc kỳ tử và Đức Phật đề cập đến hai kiếp tiền thân và Ngài đã dạy bài kệ này đó là một trong tinh thần rất là đặc biệt.

Bây giờ chúng tôi trở lại với ý nghĩa chính của bài kệ

Người ngu si thiếu trí
Tự ngã thành kẻ thù
Làm các việc không thiện
Phải chịu quả đắng cay.

Trong cuộc sống của chúng ta đặc biệt là người Việt Nam trải qua một thời gian rất dài của chiến tranh thì chúng ta thường có nhiều nỗi hiềm hận, có nhiều hận thù, nhiều trách móc, nhưng nói theo kinh Phật và nói theo tinh thần của lời dạy mà chúng ta đang học ở tại đây chúng ta có thể hoá giải những hiềm hận đó bằng ý nghĩa của bài kệ này, có nghĩa là ở trên đời này kẻ thù mạnh nhất của mình có lẽ là chính mình, như một câu kinh Pháp Cú khác Đức Phật cũng dạy "

Kẻ thù hại kẻ thù.
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm niệm tà
Gây ác cho tự thân.

Trong những bài kệ Đức Phật Ngài dạy mà chúng ta được nghe được học thì Đức Phật Ngài thường hướng tâm tư của chúng ta, Ngài dạy chúng ta phải suy niệm rằng: nếu ở trong đời này có một kẻ thù nào đáng sợ nhất, gây cho chúng ta nhiều phiền lụy nhất, gây cho chúng ta nhiều tai ương khổ sở nhất thì người đó phải là chính mình. Hồi chúng tôi còn nhỏ thỉnh thoảng chúng tôi có nghe câu nói này từ nhà hàng xóm, nhưng cũng nghe từ trong gia đình, người ta khi bực mình thường nói rằng "Trời hại mới chết chứ người hại mình không chết" Ví dụ như hàng xóm mà họ có ý làm phiền phức mình thì người ta nói như vậy "Trời hại mới chết chứ người hại thì không chết". Ở trên thực tế thì con người của chúng ta hay sợ ma, giống như câu chuyện cách đây vài hôm có một Phật tử nghe câu chuyện về ma vương quấy phá thì qúi vị đó nghĩ rằng ma vương là một thế lực rất là đáng sợ, đặc biệt là đối với người tu hành, và chúng ta sống trong cuộc sống này thì chúng ta sợ trộm cướp, sợ những người cường hào ác bá, và chúng ta có rất nhiều nỗi sợ ở trong cuộc đời, thì thưa qúi vị những nỗi sợ đó đối với Đức Phật thì không có nghĩa là đời sống của chúng ta hoàn toàn bảo đảm 100% an toàn và chúng ta không có sợ, nhưng cái sợ của chúng ta vốn là một cái sợ không có cơ sở, cái sợ của chúng ta vốn là cái sợ không có thấu đạt được cái ý nghĩa cùng tận của thế nào là một kẻ đáng sợ, và một kẻ đáng sợ ở đây được đề cập đến như là chính con người của mình. Có một lần chúng tôi nghe một vị giảng sư nói rằng người xưa thường nói rằng "sát nhất mưu cứu vạn thử" tức là giết một con mèo có thể cứu ngàn con chuột, nhưng loài đáng sợ nhất ở trong cuộc đời thì chính là con người, chúng sanh độc ác nhất của cuộc đời chính là con người chứ không phải là loài vật. Thì thưa qúi Phật tử ở bên cạnh đó chúng ta có thể có một ý nghĩa cũng gần với ý nghĩa này, là nếu trong cuộc đời này có một người nào đáng sợ nhất thì người đó chính là những pháp bất thiện ở trong đời sống của mình, cái tâm bất thiện, cái nghiệp bất thiện của mình và chính vì vậy Đức Phật Ngài dạy rằng "Tự ngã thành kẻ thù." Tự ngã tức là sở hành của chính mình, những gì mình nói, những gì mình làm, những gì mình suy nghĩ thì những điều đó mang lại tai ương khổ ải cho mình nhiều nhất và không phải đời này mà nhiều đời sau nữa.

Thế giới đang sống ở trong một giai đoạn mà chúng ta chứng kiến rằng có rất là nhiều người đã dùng máu đã dùng bạo động để theo đuổi những mục đích mang tánh cách tôn giáo, những người này nghĩ rằng mình làm như vậy là đang làm cho đạo giáo của mình, nhưng thưa qúi vị cách đây một tuần lễ tại Saudi Arabia có một tờ báo và ông chủ nhiệm tờ báo này đã viết một bài phong, ở trên bài phong này ông có than phiền rằng những người Hồi giáo khủng bố họ không hiểu rằng người đang gây ra bao nhiêu cái xấu xa gây ra bao nhiêu cái ảnh hưởng tai hại cho thế giới Hồi giáo không phải là Mỹ không phải là Do Thái mà chính là những người khủng bố. Câu nói đầy ý thức đó là câu nói rất quan trọng, những người khủng bố thì vẫn nghĩ rằng mình đang phục vụ cho đạo của mình bằng tất cả tâm thành, nhưng những người đó không hiểu rằng những gì họ đang làm đã tạo ra một hình ảnh đáng sợ đáng chán ghét bởi những người ở các lục địa khác, ở các tôn giáo khác, thậm chí ở trong lòng của nhiều người ở trên thế giới mỗi khi nghĩ đến Hồi giáo thì nghĩ rằng đó là một tôn giáo quá khích, tôn giáo đó không có cái gì gọi là hay, gọi là đẹp hết, một tôn giáo mà lúc nào cũng chủ trương giết người. Chúng tôi phải thưa với qúi vị một điểm này, ở trong cái nhìn cá nhân của chúng tôi thì Hồi giáo nếu so ra với các tôn giáo khác thì hồi giáo không phải là một tôn giáo quá xấu như người ta nghĩ, chúng tôi có thể nói như vầy là những tác phẩm được viết bởi những giáo sĩ Hồi giáo sống ở sa mạc là những tác phẩm minh triết mà chúng ta có thể đọc được, và đã có một thời Hồi giáo trở thành một tôn giáo dẫn đầu về khoa học, nghĩa là họ có nền văn minh đẹp nhất ở trong xã hội loài người, chúng tôi muốn nói là chừng ba, bốn trăm năm về trước.

Và thưa qúi vị có nhiều người Phật tử cho rằng chính người Hồi giáo đã tàn phá Phật giáo tại Ấn Độ, nhưng điều này người ta chỉ hiểu được phân nửa câu chuyện thôi. Thật ra Hồi giáo đã đến tại Ấn Độ 1700 sau khi Đức Phật Ngài Niết-Bàn và ở thời điểm 1700 năm sau khi Đức Phật Niết-Bàn thì Đạo Phật ở tại Ấn Độ suy thoái lắm, nhà sư chỉ biết bùa chú nghi thức và Phật tử chỉ biết mê tín không có mấy người thật sự hiểu đạo và do vậy khi cuộc chiến tranh với Hồi giáo đã qua rồi thì Ấn giáo được phục hồi mà Phật giáo vĩnh viễn tàn lụi trên xứ Ấn, và ngày hôm nay nhiều người Phật tử không biết vẫn nghĩ rằng đạo Phật đã bị tiêu diệt tại Ấn Độ do người Hồi giáo, nhưng mà là do chính sự suy đồi của Phật giáo. Chúng tôi lấy ví dụ là ở tại Tích Lan, tại Miến Điện thời đó là cũng ở kế bên Ấn Độ nhưng lại không bị Hồi giáo đồng hoá, Indonesia là một quốc gia Phật giáo nhưng mà bị Hồi giáo đồng hoá hoàn toàn cũng như Mã Lai là tại vì Phật giáo tại Indonesia và Mã Lai lúc đó rất nặng về mê tín và thiếu đi thực chất của Phật giáo nên chi Phật giáo suy tàn.

"Sư tử trùng thực sư tử nhục."

Thưa qúi vị, người ta nói rằng cái gì ở trong chính nội tại cái sức tàn phá đó mới đáng sợ hơn là ở bên ngoài, chúng tôi nói về người Hồi giáo như vậy để qúi vị thấy rằng đạo Hồi không phải là đạo quá xấu quá cuồng tín như người ta nghĩ tuy vậy nó có một vấn đề là đã có một số người Hồi giáo, sau nhiều thế kỷ bị Tây Phương với chủ nghĩa thuộc địa áp bức thì họ mang một tinh thần chống Tây Phương bài Mỹ và trong tinh thần này họ đã làm một việc rất tai hại là họ đã theo đuổi mục tiêu tranh đấu bằng bạo lực, thì thưa qúi vị ông chủ nhiệm tờ báo Saudi Arabia khi nói lên rằng chính những người khủng bố đó mang lại tai hại cho người Hồi giáo nhiều hơn ai hết. Thì đó là một thí dụ rất rõ ràng về điều mà Đức Phật Ngài dạy:

"Người ngu si thiếu trí, tự ngã làm kẻ thù."

Tự ngã thành kẻ thù là chính mình hại chính mình, chính mình trở thành kẻ thù đáng sợ nhất của mình chứ không phải là ai khác và do vậy có nhiều người không hiểu lý thuyết về từ bi và bất bạo động trong đạo Phật, có một số người nói rằng đạo Phật chủ trương từ bi, bất bạo động, tinh thần bất bạo động đó là tinh thần "Ahimsa" là một tinh thần hết sức yếu ớt hết sức tiêu cực và chính vì vậy đạo Phật suy vi là tại vì người Phật tử quá tiêu cực. Nếu có ai hỏi qúi vị điều đó thì qúi vị hãy cho những người đó biết rằng những thời kỳ cực thịnh hùng cường nhất của các quốc gia Á Châu thì thời đó là thời kỳ mà Phật giáo đều cực thịnh, từ đời Lý Trần ở Việt Nam đến đời vua A Dục bên Ấn Độ cho đến nhà Đường ở bên Trung Quốc, Phật giáo mang lại sự hùng mạnh cho xứ sở. Tuy nhiên có một điều rằng cái thăng trầm thì đạo nào cũng có, và ở Phương Đông trong suốt hai thế kỷ qua nhiều tai ương hoạn nạn thì đạo Phật cũng chịu số phận tương tựa như vậy. Nhưng phải nói một điều rằng chữ "Từ bi bất bạo động" trong đạo Phật phải được hiểu không phải là một thái độ khiếp sợ mà là bởi vì cái nhìn của người Phật tử. Kẻ thù đáng sợ nhất là những ác nghiệp, kẻ thù đáng sợ nhất là cái phiền não ở trong lòng mình chứ không phải là ở nơi khác. Đức Phật Ngài dạy rằng chính sự chiến thắng nội tại, chính sự chiến thắng bản thân mới là sự chiến thắng vinh quang. Thì như vậy không có nghĩa là người Phật tử chủ trương ahimsa là người Phật tử co đầu rút cổ trước cuộc đời, mà là người đó tự mình ý thức và hiểu rằng kẻ thù mà mình phải đương đầu lớn nhất đó là phiền não đó là ác nghiệp ở trong lòng mình. Mình phải đặt vấn đề đúng chỗ như vậy. Do đó đã có nhiều học giả Tây Phương sau một thời gian nghiên cứu đạo Phật thì họ nói ahimsa dịch là bất bạo động là sai, bất bạo động trong tiếng Anh dịch là non violence. Đó là không đúng. Mà đúng ra cái chữ ahimsa phải dịch là Harmlessness hay là bất hại, bất hại tức là không gây thương tổn cho người khác và cái chữ bất hại này nó mang một ý nghĩa gần với chữ ahimsa.của đạo Phật hơn là cái chữ bất bạo động, chữ bất bạo động nó vẽ lên hình ảnh một người là lời nói cũng giống như hành động là co rút lại không có một chút năng lực gì hết, nhưng mà thật ra có đôi khi lời nói phải vận dụng đến một lời nói rất mạnh mẽ và một cuộc vận động rất mạnh mẽ để thay đổi một cái gì đó. Và thưa qúi vị những điều đó cho dù có sức mạnh rất lớn sức mạnh của ngòi bút, sức mạnh của sự tranh đấu thầm lặng đi nữa thì những thứ đó vẫn có sức mạnh của nó và nó không thể hiểu theo cái nghĩa mà người ta gọi bất bạo động nghĩa là ngồi im lặng được.

Thành ra chữ bất hại là một chữ rất hay. Thì từ tinh thần bất hại mà chúng tôi muốn trở lại một điều là người Phật tử ở trong sự phấn đấu vận dụng rất nhiều nghị lực vận dụng rất nhiều sức mạnh của mình và sức mạnh nội lực đó nhắm vào hướng rất quan trọng là ý thức được rằng cái phiền não cái ác nghiệp ở trong lòng mình nó mới là kẻ thù đáng sợ nhất.

Thưa qúi vị nếu chúng ta sanh ra đời mà chúng ta dốt nát, nếu chúng ta sanh ra đời mà cuộc sống lúc nào cũng ray rứt, nếu chúng ta sanh ra đời mà chúng ta sống cuộc sống lúc nào cũng bị trì trệ thì những trì trệ những dốt nát đó phải nói rằng do chính bản thân của chúng ta nhiều hơn là do người khác. Nếu có một ai đó không cho chúng ta đi học thì chúng ta rất giận dữ, chúng ta rất thù những người đó. Nhưng nếu chính mình lười biếng không chịu học thì chúng ta có thể chấp nhận được. Do vậy Đức Phật Ngài mới dạy rằng:

"kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm niệm tà,
Ghi ác cho tự thân."

Ở đây trong bài kệ Pháp Cú 66 này thì Đức Phật Ngài cũng nói một ý nghĩa tương tựa như vậy.

"Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù,
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay."

Ở trong đời này nếu chúng ta có một lòng hận thù thì chúng ta nên biết hận thù là một sức mạnh và sức mạnh đó nếu chúng ta khéo hướng nó thì chúng ta dùng sức mạnh của chúng ta cho một việc khác tốt hơn, thay vì trách người, thay vì trách đời, thay vì hận đời, thì chúng ta ý thức rằng phiền não trong lòng mình mới chính thật là kẻ đáng ngại, mới chính thật là kẻ thù đã đưa chúng ta đến chỗ đau khổ nhiều. Và bài kệ này tuy vỏn vẹn chỉ có bốn câu nhưng nói lên một tinh thần trách nhiệm rất lớn của người Phật tử, tinh thần trách nhiệm rất lớn đó là chịu trách nhiệm về bản thân của mình, về hành động của mình và có ý thức rằng những gì mình nói những gì mình làm, nói chung ở đây là những gì gọi là sở hành của mình chính là những người bạn rất tốt của mình và cũng là những kẻ thù nguy hiểm hơn bất cứ kẻ thù nào khác, và hiểu như vậy thì chúng ta bỏ đi thái độ trách móc của cuộc đời. Tại sao phải bỏ thì giờ để suy nghĩ về khuyết điểm của cuộc đời. Tại sao phải bỏ thì giờ để suy nghĩ về những gì người ta đối xử không phải với mình. Mà mình hãy dành thì giờ đó để chiêm nghiệm rằng những gì mình đã làm mà đã gây ra phiền lụy cho mình, những gì mình đã suy nghĩ mà đã gây ra sự bận lòng, gây ra phiền lụy cho mình, thì những điều đó mới là điều nên để ý./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 66

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu