Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 64-65

Sự rỗng không của kẻ thiếu trí

Thap Nhi Nhan DuyenKẻ ngu dầu trọn đời
Được thân cận bậc trí
Cũng không hiểu lý pháp
Như muỗng với vị canh.

Bậc trí dễ hấp thụ

Người trí dù khoảnh khắc
Kề cận bậc hiền minh
Cũng nhanh hiểu lý pháp
Như lưỡi nếm vị canh

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Giới)

Chánh Hạnh chuyển biên

ĐĐ Uyên Minh:

Câu chuyện duyên khởi của kệ ngôn 65, một ngày kia Đức Phật đang ngồi trong một cánh rừng, tình cờ  có 30 người thanh niên, công tử kéo nhau cũng đi vào trong rừng. Khi  gặp Đức Phật các thanh niên bạch hỏi Ngài,
-“ Thưa Ngài, Ngài có thấy một cô gái đi ngang qua đây hay không? Vì chúng tôi có rủ một người bạn gái đi chơi nhưng cô ta đã trốn mất.”
Đức Phật xét thấy cơ duyên của 30 cậu thanh niên có thể trở thành những vị A-la-hán, nên Ngài đã hỏi một câu rất ý nhị,
-“Các ngươi nghĩ xem chuyện đi tìm người khác có cần thiết hơn chuyện mình đi tìm chính mình hay không?”
Các cậu thanh niên tử trả lời,
-“ Thưa Ngài trên đời đâu có ai quan trọng bằng bản thân mình. Nếu phải chọn một trong hai thì dĩ nhiên chúng tôi chọn bản thân mình.”

Cũng may 30 cậu thanh niên đó là những người có túc duyên, chứ câu hỏi đó đặt ra cho những người bình thường thì rất có thể người ta sẽ hiểu lầm hoặc cho đó là câu hỏi vớ vẩn. Thật ra 30 cậu thanh niên đó có túc duyên quá khứ sâu dày, nên nghe xong hiểu liền tôn ý của Đức Thế Tôn. Sau đó 30 cậu thanh niên ngỏ lời xin được xuất gia với Đức Phật, Đọc chỗ này mới thấy rằng thời Đức Phật chúng sanh lớn duyên hơn chúng ta nhiều lắm. Làm sao bây giờ có chuyện mình đi chơi ngoài đường hay đâu đó, tình cờ gặp một vị tu sĩ mà chỉ qua một câu nói ngắn như vậy thôi, mà dứt khoát mình buông bỏ mọi thứ để đi xuất gia. Một người còn hy vọng, đằng này 30 người thanh niên công tử đồng lòng cùng một lúc như vậy cũng không dễ.
Đức Thế  Tôn đưa tay ra vào nói, -“ Etha Bhikkavo” “Hãy đến đây này các tỳ kheo”, xuất gia theo cách Thiện lai tỳ kheo. Lập tức 30 người thanh niên trở thành 30 vị Tỳ kheo y bát đầy đủ, râu tóc tự rụng không cần phải đi tìm kiếm y bát như những người khác. 30 vị này sau khi đã trở thành tỳ kheo, chúng tôi xin mở ngoặc một điều, trong sớ giải có cho biết số lượng Tăng-Ni thời Đức Phật được xuất gia theo cách này là có giới hạn chứ không phải là nhiều. Chúng tôi nhớ chỉ được một trăm mấy chục ngàn vị thôi chứ không nhớ con số chính xác.

Chúng tôi xin nói thêm thời Đức Phật trong 45 năm hoằng pháp của Ngài. Trong kinh Nam Tông chia làm ba thời, sơ giác thời 15 năm đầu, trung giác thời  15 năm giữa và hậu giác thời là 15 năm cuối. Cách chia ba thời này hoàn toàn không giống như Ngũ thời thuyết giáo của Ngài Trí Khải Đại sư bên Thiên Thai Tông. Ở đây chia thời là để nói về chuyện khác mà chúng tôi sắp trình bày đây. Trong thời gian sơ giác thời là 15 năm đầu, hầu hết những bậc đại duyên đại phước và lúc đó trong giáo hội Đức Phật có ba cách thọ giới Tỳ kheo.
-Cách thứ nhất Đức Phật chỉ nói một câu như câu chuyện kể trên, Ngài chỉ nói “Etha Bhikhavo” với số lượng đông từ hai người trở lên. Nếu chỉ có một người Ngài nói, “ Ehi Bhikkhu”. Đượng sự tự nhiên trở thành vị Tỳ kheo.
-Cách thứ hai người thọ giới tỳ kheo chỉ thọ Tam quy là coi như đã trở thành vị Tỳ kheo.
-Cách thứ ba là tụng tuyên ngôn. Tức là trong chư Tăng có một vị hoặc hai vị trước mặt chư Tăng tụng một loạt các bài tuyên ngôn trình cho chư Tăng biết, “Tuyên bạch cho Chư Tăng hay rằng đương sự này tên A tên B muốn thọ giới tỳ kheo gai nhập Tăng đoàn, xin Chư Tăng hãy ghi nhận”. Sau mấy lần tụng tuyên ngôn như vậy thì đương sự trở thành Tỳ kheo.

Nhưng dần về sau 15 năm giữa và 15 năm cuối số lượng những người được tu theo cách Ehi Bhikkhu. Etha Bhikkhavo hiếm dần.

Nói về 30 vị Tỳ kheo sau khi được tu với Đức Phật, xin Ngài cho đề mục để tu thiền. Đồng thời cả 30 vị phát nguyện thọ trì trọn vẹn 13 pháp đầu đà, chúng tôi nghĩ rằng các vị đã có dịp biết qua. 13 pháp đầu đà gồm những hạnh tu tri túc gần như maximum mà một vị Tỳ kheo có thể tu được như ngày chỉ ăn một buổi, ví dụ như chỉ ăn điểm tâm nếu có ai cúng dường một tô cháo thì chỉ ăn tô cháo đó và cả ngày không ăn gì nữa là hạnh nhất tọa thực, có hạnh chỉ giữ tam y, có hạnh chỉ ở gốc cây không ở trong nhà, có hạnh y áo chỉ do tự lượm vải về tự giặt nhuộm may  chứ không nhận y tín thí cúng dường, có hạnh sống ngoài tha ma mộ địa.

30 vị Tỳ kheo trẻ này cùng một lúc thọ trì tất cả 13 hạnh đầu đà, vừa ở gốc cây vừa ở nghĩa địa tức là ở gốc cây ngoài nghĩa địa, hạnh nhất tọa thực chỉ ăn một buổi, chỉ mặc phấn tảo y v.v... Sau một thời gian ngắn vài tháng, trong một ngày nọ 30 vị về đảnh lễ Phật để nghe pháp. Chuyện này rất thường thời Đức Phật, khi bắt đầu một mùa an cư Chư Tăng thường tìm đến đức Phật để đảnh lễ, thậm chí có vị còn xin Đức Phật gợi ý cho mình một trú xứ nào đó. Đặc biệt đối với các vị tân sư mới xuất gia, đến gặp Đức Phật với nhiều lý do hoặc để nghe Đức Phật dạy một bài pháp để bỏ túi, sau đó xin Đức Phật cho một đề mục để tu tập trong lúc vắng Ngài, hoặc xin Đức Phật gợi ý cho một trú xứ nào đó để tu học. Sau mùa an cư có thể trở về gặp Đức Phật hoặc chư vị Trưởng lão có thể là thầy tổ của mình, hoặc những vị Trưởng lão xa lạ nhưng đó là vị khả kính ở gần mình nhất, trong điều kiện thuận lợi nhất mình đến có thể gặp gỡ để hầu pháp, để trình  “Trong mùa an cư vừa qua đời sống của con về nội tâm như vậy như vậy” rồi nhận thêm một bài pháp thoại hoặc học thêm một đề mục nữa cho thích họp. Chỉ có Đức Phật  Ngài mới thấy rõ cơ duyên tường tận của chúng sanh. Đối với chư Thánh Tăng đôi khi các Ngài không được như vậy.

30 vị này sau mùa an cư ngoài nghĩa địa trở về gặp Đức Phật Ngài giảng cho nghe bài pháp ngắn. Sau khi nghe xong cả 30 vị đều chứng lục thông, tam minh, tứ tuệ phân tích. Mới tu một thời gian ngắn các Ngài đã thành tựu trọn vẹn tất cả cứu cánh cao nhất mà một vị Thánh đệ tử  thinh văn có thể đạt đến. Một số vị Thánh tăng biết được chuyện này có lời tán thán và nhờ vậy các vị phàm tăng nghe được và lấy làm ngạc nhiên, “ Tai sao các vị này mới tu thời gian không bao lâu tại sao có được những thành tựu xuất sắc phi thường như vậy?”

Lúc đó Đức Phật mới dạy câu kệ trên.              

Người trí dù khoảnh khắc
Kề cận bậc hiền minh
Cũng nhanh hiểu lý pháp
Như lưỡi nếm vị canh.

Nãy giờ chúng tôi trình bày kệ ngôn số 65 bởi vì bài kệ số 65 có một nội dung y như bài kệ số 64, chỉ có một điều bài kệ số 64 có nội dung, người ngu trọn đời ở gần người trí, không biết được điều mình phải cần học hỏi, cần phải được tiếp thu từ người hiền trí. Còn bài kệ số 65 người trí dù chỉ thân cận với một người trí trong một thời gian ngắn ngủi cũng có thể biết được, nghe được, hiểu được chánh pháp. Trong trường hợp đó Đức Phật Ngài ví dụ người ngu giống như một cái muỗng nằm trong nồi canh, còn người trí như cái như cái lưỡi nếm được hương vị  canh.

Kệ ngôn 64 Đức Phật dạy rằng, người không có trí cho dầu ở gần bậc hiền trí, có ở gần bao lâu chăng nữa, họ cũng không học hỏi và không cảm nhận được gì cần thiết cho mình giống hệt như muỗng nằm trong nồi canh. Cho dầu nồi canh đó có ngon như thế nào chăng nữa, muỗng muôn đời vẫn là vật vô tri.

Duyên sự của kệ ngôn 64 kể về trường hợp Ngài Udayi trước khi đắc quả A-la-hán, sống giữa đông đảo tăng chúng cao đồ tinh thông tam tạng nhưng Ngài không biết, Ngài luôn luôn có tư tưởng tự cao tự đắc không nghĩ đến chuyện tu học cho khá hơn. Từ sự kiện tánh nết  của Ngài Udayi Đức Phật mới nói lên câu kệ trên,
Kẻ ngu dầu trọn đời
Được thân cận bậc trí
Cũng không hiểu lý pháp
Như muỗng với vị canh.

Trong câu chuyện nhóm 30 vị Tỳ kheo xứ Pàtheyyaka, chúng ta thấy người hiền trí nếu hiểu như ở ngoài đời giống như một napkin, có khả năng thu hút, hấp thụ được cái hay cái tốt của người bên cạnh mình. Còn người chúng ta tạm gọi là bị aid, bị sida tâm lý, nội tâm của họ không có khả năng đề kháng với cái xấu đã đành, mà họ cũng không có khả năng tiếp thu phát triển được đời sống nội tâm của họ. Như vậy cho dù họ có sống một khắc một giờ bên cạnh người hiền trí cũng không học hỏi được gì.

Trong sớ giải kinh Tương Ưng Đức Phật có dạy, một người muốn trau dồi các giác chi, định giác chi, niệm giác chi, xả giác chi v.v… một trong những yếu tố kiên quyết đó chính là chúng ta phải thân cận với người sở trường với pháp giác chi đó. Muốn có trí tuệ sâu sắc chi  nên ở gần ngưới có trí tuệ, muốn trau dồi niệm giác chi nên ở gần người có chánh niệm mạnh mẽ. Nói như vậy có nghĩa rằng khi nào chúng ta có nhu cầu về Phật Pháp, chỉ cần có một bậc hiền trí bên cạnh chúng ta sẽ nhận ra được điều mình cần phải học hỏi. Rõ ràng khi chúng ta có quan tâm đến thiện pháp, đến trí tuệ, đến sự phát triển chánh niệm, thiền định của mình, đến giới hạnh, đến hạnh thí xả của mình mình, có quan tâm như vậy đó, khi ở gần người trí mình mới biết được cái cần phải trau dồi. Người như vậy cho dầu ở gần người trí có một khắc một  giây họ cũng có cái để học.

Nói một cách khác trong cả hai bài kệ số 64 và 65 dẫn chúng ta đến một hình ảnh rất cụ thể ngoài đời là khi chúng ta đi vào một khu shopping center hoặc đi chợ, đi phố xá, hàng quán ngoài đời. Trước khi chúng ta đi vào những nơi đó mà biết rõ mình cần mua cái gì, nhà mình thiếu cái gì. Khi mình có một ý niệm căn bản như vậy, chúng ta mới có thể mua sắm cái mà mình cần. Còn nếu như buồn mà mình cứ đi lang thang vào những chỗ đó mà không biết mình mua cái gì, thì tan buổi chợ hoặc hết giờ đi shopping mình trở về nhà với tay không.

Ở đây chúng tôi xin nói thêm, khi nói như vậy chúng tôi có ý nói quý vị khi đi chợ phải mua, không phải. Nhưng chắc quý vị cũng hiểu ví dụ chúng tôi nói, nghĩa là khi mình có mặt ngoài chợ mà không biết phải mua cái gì thì cuối cùng mình không mua được gì hết. Hai câu kệ này cũng liên hệ đến câu kệ trước. Câu kệ trước là mình có bệnh mà không biết có bệnh thì mình cũng không trị bệnh được. Chúng ta có thể dùng lại câu kệ đó nhưng trong ý nghĩa khác xa hơn là,  khi mình không biết mình có bệnh thì cho dầu ở gần một vị bác sĩ mình cũng không nhờ cậy được gì hết. Mình phải biết rõ mình cần gì, mình bị bệnh gì thì ở gần bác sĩ mình mới có thể nhờ cậy được. Khả năng của bác sĩ mới có chỗ thi thố, mới có chỗ xử dụng.

Nếu như mình ở gần Đức Phật đi nữa mà mình không có nhu cầu nào về thiện pháp như trong kinh kể lại trước chùa Kỳ Viên thời Đức Phật có ông đồ tể tên là ông Cunda, ông ở bên cạnh chùa 55 năm, mỗi ngày thấy biết bao nhiêu là Chư Tăng, biết bao nhiêu là Phật tử nhưng không không hề đến chùa. Biết bao nhiêu vua chúa quan lại thương gia, triệu phú, những người bán buôn, tiểu thương, ăn mày, hành khất, biết bao nhiêu hạng người bước vào chùa  ra đi với những thành tựu về giá trị tâm linh. Nhưng riêng ông đồ tể giết heo này,  55 năm như vậy không có được một ngày đi chùa nghe pháp và dĩ nhiên ông không có được thứ gì trong tâm hồn của ông. Do đời sống ác đó cuối cùng bị sanh vào địa ngục. Câu chuyện của ông là một giai thoại khác.

Ở đây Đức Phật dạy rằng một người ngu là một người không có trí tuệ. Chữ ngu định nghĩa theo Phật học là người không có trí tuệ  trong chánh pháp, không biết cái gì là thiện, là bất thiện , không biết cái gì là có lợi cho mình có lợi cho người, có hại cho mình có hại cho người, có hại cho đời này có hại cho đời sau, có lợi cho đời này có lợi cho đời sau. Người nào không biết rõ những điều đó thì được gọi là người ngu. Một người như vậy họ không có nhu cầu về tâm linh, họ không biết rõ những vấn đề trong nội tâm của mình, những vấn đề trong đời sống của mình. Nếu họ không biết rõ như vậy giống như một cái muỗng nằm trong nồi canh.

Người như vậy cho dầu họ có ở bên cạnh Đức Phật như Đức Phật đã nói trong Tăng Chi Bộ Kinh, một người không thấy được chánh pháp  thì cho dù có nắm chéo y của Như Lai, quý vị cứ tưởng tưởng đứng gần Đức Phật là đã thấy gần rồi, đằng này cón nắm chéo y của Đức Phật thì còn gần đến cỡ nào. Nhưng người đó đối với Đức Phật cũng như xa cách ngàn dặm. Còn đối với một người thấy được chánh pháp, cho dầu ở ngoài ngàn dặm như là đã ở gần bên Đức Phật. Điều này có lẽ đối với những hành giả, đối với những người nghiên cứu Phật học chắc chắn cũng có dịp thấy qua. Khi chúng ta chưa biết gì về Phật Pháp, Đức Phật vẫn là đối tượng xa vời. Khi chúng ta xem sách xem kinh, nghe những câu chuyện kể về Đức Phật chúng ta thấy ngồ ngộ. Chúng tôi có đọc được cuốn sách của một vị học giả người tây phương, ông kể lại linh nghiệm của riêng ông rằng, khi ông chưa nghiên cứu Phật học nhiều, ông đọc câu chuyện bồ tát Sĩ Đạt Ta 29 năm sống trong cung vàng điện ngọc mà không hề biết đến chữ già, chữ đau, chữ chết. Vị này lấy làm lạ trên đời này sao có chuyện đó. Ông còn lấy làm lạ là tại sao trong cuộc đời của Đức Phật nói riêng của chư Thánh nhân nói chung có những điều xem ra cơ hồ không có hợp lý trong đời sống thường tình như Ngài Xá Lợi Phất tuy đau đớn như vậy nhưng Ngài vẫn từ chối một món ăn do Ngài đã một lần tình cờ nhắc đến, không có dụng ý gì hết, chỉ tình cờ thôi. Có một lần Ngài Xá Lợi Phất bị chứng bệnh rất đau đớn trong người. Ngài Mục Kiền Liên mới hỏi trước khi xuất gia sư huynh có bị bệnh kiểu này hay chưa, Ngài Xá-Lợi-Phất mới nói,
-“ Trước khi đi tu tôi cũng có bệnh như vầy”
-“Vây khi bị bệnh như vậy người nhà làm cách gì giúp sư huynh hết bệnh”
Ngài xá Lợi Phất trả lời, khi bị bệnh như vậy mẹ tôi cho ăn như vầy như vầy thì hết. Cả hai vị đếu là sa-môn, đều là Thánh nhân như nhau. Ngài Xá Lợi Phất nói vậy chứ không có ý gì. Lúc đó có một vị thọ thần tình cờ nghe được câu chuyện giữa hai vị Thánh tăng, vị này dùng thần thông của mình xui khiến một Phật tử dâng cúng cho Ngài Mục Kiền Liên đúng những món ăn đó. Ngài Mục Kiền Liên mới đem về dâng cho Ngài xá-Lợi Phất, tuy đang đau đớn nhưng khi nhìn thấy những món ăn đó Ngài Xá Lợi Phất từ chối nói với Ngài Mục Kiền Liên,
-“Dầu sao những món ăn này cũng có được do câu nói của tôi, mà vị tỳ kheo thì không được phép thọ dụng ăn uống bất cứ gì do mình nói ra gợi ý cho người khác, nên món thuốc này tôi không dùng được”.

Vị học giả người Đức này khi đọc câu chuyện không hiểu, thấy lạ. Theo thời gian ông nghiên cứu Phật học, ông hiểu được nhiều vấn đề khác nữa, đăc biệt có một câu kệ trong kinh, “Người hiền trí biết bỏ tài sản nhỏ để giữ lấy tài sản lớn. Trong trường hợp  đặc biệt người ta phải biết từ bỏ tất cả tài sản lớn nhỏ để giữ lấy tứ chi. Trong trường hợp đặc biệt phải biết hy sinh tứ chi để giữ lấy tánh mạng. Trong trường hợp đặc biệt không thể giữ được tính mạng người hiền trí chẳng thà mất mạng chứ không bỏ rơi lý tưởng chánh pháp”.

Ông đọc cái đó mới hiểu ra nhiều chuyện khác. Ông tâm sự rằng về không gian ông cách xa Đức Phật, cách xa xứ Ấn độ ngàn dặm, nói về thời gian ông cách Đức Phật hàng ngàn năm nhưng ông vẫn hiểu ra được một điều, vẫn thấy Đức Phật và chư Thánh Tăng cơ hồ đang đứng trước mặt ông. Điều đó có nghĩa rằng khi ta có một sự hiểu biết về Phật Pháp ở một mức độ căn bản nào đó, thì đối với Chư Phật, Chư Thánh cũng giống như đang hiện diện trước mặt chúng ta. Nói như vậy cũng có nghĩa rằng đối với người hiền trí chỉ cần hiểu được  chánh pháp, nếu được ở gần người trí khác cũng giống như cái lưỡi nếm được vị canh đã đành và cho dầu chúng ta không ở gần người hiền trí nào nữa nhưng hiểu được chánh pháp cũng coi như chúng ta cũng đã ở gần. Nếu đã ở gần rồi thì chúng ta học hỏi được rất nhiều điều hay lẽ phải. Ngược lại đối với một người không có nhu cầu về chánh pháp cho dầu có ở gần cũng không học hỏi được gì và nếu ở xa thì còn nói gì nữa.

Có một số Phật tử chúng tôi tình cờ quen biết trong Paltalk, họ có gửi cho chúng tôi những private message, có người ở châu Úc, có người ở Châu Âu. Họ nói rằng bên đó không có chùa, không có chư Tăng, nhiều khi bận rộn công sở mỗi ngày ráng tranh thủ, trong sở thì len lén nghe, về nhà vừa làm việc vừa mở speaker lớn lên để nghe. Họ có cảm giác cũng đang được ở chùa, mắt họ cũng nhìn thấy kim thân Phật tổ, cũng nhìn thấy chư Tăng cầm mic giảng dạy, họ cũng được nhìn thấy vô số bạn đạo khác cũng đang nghe pháp với họ. Khi nghe như vậy chúng tôi cũng có nghĩ đến bài kệ này, chúng tôi nghĩ  họ là những cái lưỡi nằm xa nồi canh nhưng canh chín rồi cái lưỡi biết rõ hương vị nồi canh đắng, chua, mặn, ngọt như thế nào.

Trong khi đó biết bao nhiêu người, chẳng hạn như chỗ ở chúng tôi bây giờ, chúng tôi không dám nói mình là pháp sư giảng sư, càng không dám nói mình là người thông hiểu chánh pháp nhưng trong lúc chúng tôi đang cầm cái mic này  đi vào buổi giảng, mắt nhìn xa xa, thấy ông đi qua  bà đi lại chúng tôi cũng thấy chạnh lòng, họ mang thân người nhưng biết bao giờ được nghe chánh pháp. Chúng tôi không dám nói là Pháp sư nhưng ít ra họ ở gần chỉ cần bước vào trong đây nghe bố thí, trì giới, biết suy tư về cái chết, biết suy tư về thể trược, biết suy tư về hơi thở, về tứ đại, về bất cứ một vấn đề nào trong Phật học dầu ít dầu nhiều, dầu sâu dầu cạn, dầu rộng dầu hẹp họ cũng có một thu hoạch nào đó trong đời sống nội tâm. Còn đằng này không được gì hết. Nói một cách cụ thể hơn  làm người ở gần chỗ nghe được chánh pháp mà không nghe được thì có khác chi những con gián, những con mối, những con hai đuôi trong tủ kinh Tam tạng đời này qua kiếp khác, chỉ chừng đó thôi. Trong mắt nó mấy cuốn kinh muôn đời vẫn là những đống giấy để gặm nhấm, để  ăn qua bữa chứ không biết trong đó là cái gì. Đưa nó cuốn Tự điền Anh-Việt nó cũng gặm, đưa nó cuốn Tam tạng nó cũng gặm, nhưng không biết đó là gì. Nói theo trong kinh Đức Phật gọi đó là cái muỗng trong nồi canh.

Một trong những điều hiếm hoi trong cuộc đời chúng ta đạt được mà chúng ta không biết trân quý. Sanh ra làm người là một điều khó, làm người có được ngũ căn đầy đủ, mắt tai mũi lưỡi đầy đủ, không bị khuyết tật không bị thiếu sót, về tinh thân mình cũng không phải là chậm chạp ngu khờ bẩm sinh, cũng không đến nổi là người thiếu trí, thiếu thông minh, cũng không phải là người bị bệnh thần kinh. Lại có điều kiện đi chùa nghe pháp, có khả năng lên Paltalk để lắng nghe nhưng chúng ta không ý thức được chuyện đó thì coi như cũng bỏ đi một cơ hội. Cho dầu vị giảng sư đó có hay giúp cho mình thỏa mãn, mình có đem lòng kính tin hay không, tối thiểu một lần mỗi ngày chúng ta vào trong Paltalk hoặc lắng nghe hoặc mở volume cho đủ nghe rồi đi làm công việc, thì có thể trong năm phút, ba phút chúng ta cũng có một cái gì đó để bỏ túi, để ghi vào trong lòng của mình. Đừng nói chi cho dầu đó là bài pháp của quý Thầy, quý Sư, quý Cô, cho dầu đó chỉ là câu chuyện ngắn trong văn học, một bài thơ đôi khi cũng có cái cho chúng ta bỏ túi, chứ đừng nói chi đó là một buổi giảng, một bài pháp về Phật học, có nhiều chuyện để chúng ta ghi nhớ trong lòng. Khi được như vậy chúng ta mới có thể được xem là cái lưỡi đối với nồi canh Chánh Pháp.

Một trong những điều hết sức quan trọng, đó là muốn trở thành một cái lưỡi đối với nồi canh Chánh Pháp, điều tiên quyết là chúng ta tìm ra cho bằng được những nhu cầu tâm linh của mình. Trong kinh 38 Pháp hạnh phúc có một điều rất đặc biệt Đức Phật dạy cho vị trời xuống hỏi đạo, Kalena dhammassavanam. tức là Tùy thời nghe pháp. Trước đây có nhiều người hiểu lầm  chữ kalena,  tùy thời có nghĩa nghe pháp đúng lúc, tức là lúc người ta giảng mình nghe, lúc không giảng mình không nghe, lúc nào người ta không muốn giảng mình đừng tìm đến quấy rầy. Cách định nghĩa này không sai nhưng cũng không đúng lắm. Tùy thời ở đây không phải là đúng lúc về thời gian sinh hoạt, tùy thời ở đây có nghĩa như Ngài Dhammapala giải thích trong bộ Mangala dipani Ngài dạy tùy thời ở đây có nghĩa là khi hành giả hoặc người Phật tử phát hiện nội tâm của mình đang bị dằn co với một phiền não như hoài nghi, hay mình đang đối diện với một vấn đề làm cho mình bực dọc sân hận, hay mình đang đối diện với một vấn đề tham dục, ước muốn nào đó mà mình không thể vượt qua, lúc đó mình hãy nhanh chóng tìm đến một người bạn hay người thầy có thể giúp được cho mình.

Nói theo bây giờ thì mình dùng điện thoại, dùng email hoặc mình có thể vào Paltalk nếu mình biết lúc đó có thể gặp được người bạn người thầy giúp được mình, dùng các phương tiện đó để dàn xếp vấn đề của mình càng sớm càng tốt. Bởi vì mình kéo dài thời gian phiền não không tốt, thứ hai mình có chắc rằng chốc nữa mình vô thường tắt thở hay không mà mình ra đi trong một mớ bòng bong chưa được giải quyết như vậy xem ra chỗ tái sanh của mình cũng không được ổn lắm. Cho nên người tu Phật luôn luôn phải biết rõ mình cần cái gì, cái gì cần bỏ ra và cái gì cần được giữ lại, được phát triển. Đó cũng là lý tưởng tu học của Tứ chánh cần. Đó là Thận- Trừ- Tu- Bảo. Bất cứ lúc nào mình cũng nhận ra cái mình phải bỏ đi, cái mình cần giữ lại, cái mình phải phát triển, cái mình phải đề phòng. Với một người tu học với lý tưởng này, khi ở gần các bậc hiền trí, họ mới có cơ hội học hỏi được điều họ cần phải học hỏi. Còn mình không biết cái gì cần phải bỏ đi, cái gì cần giữ lại, cái gì cần phát triển, cái gì cần phải đề phòng thì cho dầu mình có ở gần Đức Phật 100 năm, 1000 ngàn năm chúng ta cũng không được gì hết.

Chúng ta đừng bao giờ dựa vào một số câu chuyện trong kinh nói rằng những người không có ý tu hành, tình cờ gặp Đức Phật nói một câu thì đắc quả. Xin thưa đó là câu chuyện kiếp hiện tại mà thôi, tức là ngay trong kiếp hiện tại họ có vẻ ầu ơ dí dầu, có vẻ cà rịch cà tang, có vẻ lè phè không tu hành gì, nhưng chỉ riêng khả năng tốc trí, nghĩa là không có ý tu hành mà được Đức Phật gợi ý cho một câu mà họ chứng quả liền. Điều đó cho chúng ta thấy rằng đương sự cũng có chiều dày túc duyên rất đáng nể. Quý vị biết câu “Chiều hôm qua không xong, sáng nay xong sớm” là như vậy đó. “Chiều hôm qua không xong” có nghĩa là trước đây họ tu rất nhiều, họ đã có một chiều dày Phật duyên, đã có một chiều dày trí tuệ, về chánh pháp nhưng kiếp trước chưa đủ duyên thì kiếp này chỉ cần một gợi ý nhẹ, họ đã có thể giác ngộ. Không thể nào mình dựa vào những câu chuyện đó mà nghĩ người ta lè phè mà vẫn đắc thì mình lè phè cũng có thể đắc. Không ai giống ai, người có năng khiếu buôn bán chỉ cần co duỗi ngón tay họ đã làm giàu, mình lo ăn chơi rồi cũng bắc chước họ co duỗi ngón tay. Thật ra cái co duỗi ngón tay của người có khiếu thương mại khác với mình, người ta chỉ cần nhắc phone hoặc bỏ ra một tuần liên lạc ngoại giao là người ta đã có những mối làm ăn lớn. Riêng mình nếu xét thấy không có khả năng, bản lãnh thì cách làm ăn ầu ơ dí dầu của mình không thể nào đưa đến các thành tựu lớn .

Trong chuyện tu hành cũng vậy, chúng tôi nhắc lại toàn bộ hai câu kệ 64 và 65 chỉ gói ghém trong ba vấn đề lớn.
1-Cho đến bao giờ chúng ta nhận ra được những khuyết điểm cần bỏ đi, những ưu điểm cần phát triển của mình cho đến lúc đó chúng ta mới có thể là cái lưỡi đối với nồi canh Chánh Pháp.
2-Cho đến bao giờ chúng ta còn thấy ra được những vấn đề trong bản thân. Tìm cho bằng được những chu cầu tâm linh của mình, cho đến lúc đó chúng ta mới có thể là cái lưỡi đối với nồi canh Chánh Pháp. 3-Phải biết tùy thời nghe pháp.

 

Chúng tôi xin dừng tại đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

 




Download KN 64-65


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu