Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 63

Ai mới thật là thiếu trí

Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

Người ngu biết mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật đúng là chí ngu.

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên

 

ĐĐ Uyên Minh:

Câu kệ này cũng có điểm giống câu kệ số 62 ở chỗ duyên sự của bài kinh rất đơn giản, bình thường, Ngay cả lời dạy của Đức Phật trong chánh văn cũng đơn giản, sáng sủa không có chỗ nào khó hiểu rắc rối. Nhưng có một điều dĩ nhiên bản ý của Đức Thế Tôn rất sâu rộng và tùy vào cách hiểu của mỗi người mà chúng ta có thể triển khai, diễn dịch rộng rãi hơn. Như duyên khởi của bài kinh chỉ bắt đầu bằng sự kiện đơn giản. Có hai người bạn đi vào trong pháp hội để nghe pháp, một người chỉ nghĩ đến chuyện tranh thủ cơ hội móc túi thính giả, còn một người lắng  tâm nghe pháp. Câu chuyện sau đó đến tai Đức Phật và Ngài thuyết lên bài kệ trên.

Rõ ràng nếu chỉ theo câu chuyện duyên sự và theo những gì Đức Phật dạy, chúng ta không cần phải bàn thêm vì ai đọc cũng hiểu hết. Mình người thiếu trí nhưng biết rõ thiếu trí thì hoàn toàn có cơ hội để tiến bộ. Giống như một người bệnh biết mình bệnh mới nghĩ đến chuyện uống thuốc, đến thầy đến bác sĩ để trị bệnh. Đó là chuyện ngoài đời cũng đã như vậy rồi, mình biết rõ vấn đề của mình thì mới giải quyết được nó. Nếu mình mắc vào một vấn đề nào đó mà không tự nhận ra thì suốt đời mãi mãi sẽ bị vướng kẹt. Đó là những gì chúng ta đọc được trên mặt chữ của câu chuyện duyên sự và cũng là mặt chữ của bài chánh văn Pháp cú số 63.

Câu chuyện này là một tiền đề quan trọng mở ra một gợi ý rất lớn. Toàn bộ cuộc sống và toàn bộ cuộc tu của từng người, dù là người xuất gia hay cư sĩ,  câu kệ này mãi mãi là một khuôn vàng thước ngọc để chúng ta xây dựng trước tiên là giá trị nhân bản của mình sau đó là những giá trị tâm linh trong đời sống tu học của bản thân. Quý vị nào từng hành thiền hay từng đọc qua các sách vở về thiền quán của Nam tông, chắc chẳn sẽ biết một chuyện rất cơ bản, đó là một vị hành giả trước khi chứng đắc được các tầng thiền định thần thông hoặc trước khi chứng đắc được các quả vị Thánh trí như sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả gọi theo những thuật ngữ đồng ngĩa là Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán hoặc gọi theo cách dễ hiểu hơn là dự lưu, nhất lai, bất lai và tứ quả A-La-Hán. Trước khi đắc được một trong các tầng Thánh này,  trong quá trình tu chứng hành giả luôn luôn đối diện rất nhiều thử thách đã đành, còn phải đối diện với rất nhiều cám dỗ trên đường đi. Có những hành giả khi tu về Tứ niệm xứ, theo kinh điển Nam tông, trước khi chứng đắc được một tầng Thánh nào đó, hành giả có thể cảm nhận rất nhiều hiện tượng kỳ lạ và hấp dẫn. Có người thấy cả thân người như được bao phủ bởi một vầng hào quang. Có người thấy toàn thân bỗng nhẹ nhàng, mát mẻ an lạc đến mức không thể mô tả bằng bút mực, bằng ngôn ngữ được. Có người nhận ra tâm trí của mình thoát nhiên sáng suốt, chợt nhận ra những điều trước đây mình chưa bao giờ nghĩ đến. Trong những trường hợp đó nếu hành giả không tiếp tục chánh niệm tỉnh giác sẽ bị rơi vào, sẽ bị vướng kẹt trong những thành tựu nho nhỏ đó.

Thí dụ trước đây hành thiền trước đây, mỗi lần xếp chân lại ngồi khá khá khoảng nửa tiếng, có người khá hơn ngồi một giờ, hai giờ, chúng ta cảm thấy nhức đầu gối đau lưng, có người cảm nhận như có một bầy kiến đang cắn đang đốt toàn thân của mình, nhưng từ từ đến một lúc nào đó hành giả sẽ cảm thấy rằng tất cả những cảm giác khó chịu này không còn nữa, cảm thấy thân nhẹ nhàng giống như một làn khói, hành giả cảm giác được sự mát lạnh đang bao phủ toàn thân. Có người không biết cho rằng đó là sự chứng ngộ, đặc biệt có người thấy vầng sáng phủ toàn thân mình, họ nghĩ đó là các hào quang dành cho Thánh nhân. Trong trường hợp ngộ nhận như vậy, hành giả sẽ không thể nào đi xa hơn được nữa.
Cho nên điều quan trọng trong cuộc tu là từ một người thường xuyên tu hạnh bố thí, cho đến người thường xuyên tu hạnh trì giới. Cao hơn nữa đến hạnh của một vị hành giả tu tập thiền chỉ, thiền quán. Thiền chỉ là tu tập trên 40 đề mục của thiền chỉ tịnh, thiền quán là tu tập theo tứ niệm xứ. Cho dầu đang tu tập ở pháp môn nào, hành giả luôn luôn nhận ra được chỗ khiếm khuyết của mình, luôn nhận ra được mục đích mình cần phải đạt đến và luôn hiểu rõ những gì chỉ là hoa cỏ bên đường trên hành trình mình đi đến cứu cánh giải thoát. Ngày nào chưa là Thánh nhân thì tất cả mọi thứ bắt gặp được trên đường vẫn chỉ là hoa cỏ trên lối đi mà thôi. Đã là hoa cỏ thì chúng ta có muốn lắm lắm, cũng chỉ lấy mắt mà nhìn một chút, dừng chân lại ngắm nghía một chút rồi lại tiếp tục lên đường. Bởi vì hành trình của chúng ta vẫn còn dài lắm và cứu cánh đích đến của chúng ta không phải chỉ là có chừng đó,
Ngày nào còn bị vướng kẹt trong những hoa cỏ bên đường, chúng ta không thể đi xa được, nói gì là những người không biết đạo, những người chưa từng học hỏi qua chánh pháp. Một sự thành tựu ngoài xã hội cũng rất có thể cho chúng ta ngộ nhận rằng mình là một người khôn ngoan. Trong bộ Puggalapannatti tức là bộ thứ tư của tạng Vi-diệu-pháp Đức Phật dạy rằng, trong đời này có những người mù mắt, có những người chột mắt và có những người sáng mắt. Người mù mắt bản thân hoàn toàn không có sự hiểu biết nào về đời về đạo. Họ không thể nào có sự hiểu biết để xây dựng một đời sống vật chất, đời sống nội tâm. Nhưng nếu một người chỉ có khả năng xây dựng đời sống vật chất hạnh phúc xem ra có lẽ  an toàn,  đầy đủ hấp dẫn, nhưng họ không biết được con đường trau dồi tâm linh của mình, không biết được hướng đi trong tương lai tức là sau khi xuôi tay nhắm mắt tắt thở rồi mình sẽ như thế nào. Họ không nghĩ đến, quan tâm lưu ý đến. Trong trường hợp đó, cho dù chúng ta có là một người thành tựu mỹ mãn trên đường đời, có được chỗ đứng trong xã hội, có khá lắm chúng ta chỉ là người hoàn tất được chặng đường trước mắt mà thôi, còn chặng đường tương lai xa xôi thật sự chỉ là chỗ đến mù mịt.
Chúng tôi nghĩ nên nói thêm chuyện sanh tử luân hồi chúng ta hoàn toàn có thể không tin, đó là quyền cá nhân. Đối với tinh thần Phật pháp một người trí phải là một người cẩn trọng, sự cẩn thận không bao giờ thừa. Nếu không có kiếp sau, người hành thiện tránh ác vẫn được an lạc. Nếu có kiếp sau luân hồi cho những người phàm phu còn phiền não thì nếp sống hành thiện tránh ác dĩ nhiên cực kỳ cần thiết. Nếp sống hành thiện tránh ác cho chúng ta cuộc sống an tâm. Đêm nằm ngủ nghe tiếng chó sủa, nghe tiếng đập cửa, nghe tiếng còi cảnh sát, nghe tiếng xe dừng trước nhà không sợ hãi. Ngồi xem TV xem báo chí luôn yên tâm rằng không có tên mình ở chỗ wanted notice ( lệnh truy nả). Mình yên tâm, vì sao? Vì mình không làm chuyện gì để cảnh sát phải đi tìm mình, mình không làm chuyện gì để ai đó thù hận kiếm mình thanh toán trả thù. Mình cũng không làm chuyện gì để báo chí đăng tải phanh phui, mình cũng không làm chuyện gì để khi đi vào đám đông mình cảm thấy nhột nhạt, sợ ai đó đàm tiếu bàn tán bình luận nhận xét dòm ngó soi mói sau lưng mình. Cho nên dầu có kiếp sau hay không có kiếp sau một người sống thiện vẫn an lạc Do đó cho nên trong cuộc tu này trong lời dạy của Đức Phật người trí có cái nhìn về hiện tại lẩn kiếp sau nên được gọi là người sáng cả hai mắt. Kiếp hiện tại cũng yên tâm kiếp sau cũng yên tâm như trong kinh Pháp cú Đức Phật có dạy,
Nay vui đời sau vui
Kẻ thiện hai đời vui
Vui thấy mình làm thiện
Sanh thiện thú vui hơn
Như chúng tôi vừa trích dẫn ba hạng người trong  bộ Puggalapannatti, Đức Phật dạy, người thứ nhất người mù cả hai mắt không thấy gì hết. Hạng thứ hai chỉ sáng có một con mắt. Hạng thứ ba sáng cả hai mắt. Cho đến bao giờ chúng ta chưa trở thành Thánh nhân thì cho dù chúng ta có học Phật Pháp cũng khoan nghĩ rằng mình sáng cả hai mắt mà hãy luôn nhớ điều quan trọng rằng chưa thành thánh nhân con mắt của mình có thể loạn thị viễn thị cận thị, chưa kể trường hợp trong hai mắt có một con loạn thị một con cận thị. Chưa là Thánh nhân luôn luôn chúng ta có những vấn đề cần giải quyết. Vì sao chúng tôi nói như vậy. Ai đó có học A-tỳ-đàm cũng biết một điều chưa là Thánh nhân chúng ta còn tà kiến, còn ngã mạn, còn vô minh, tham sân si vẫn còn nguyên vẹn. Cho dầu chúng ta có biết được Phật Pháp đi nữa, chúng ta có là một vị kỹ sư, tiến sĩ, bác sĩ, người có văn bằng học vị, có sự thành đạt ngoài xã hội, có được một ngôi nhà có được một account lớn trong ngân hàng v.v.. thì chúng ta vẫn là một người tuy sáng cả hai mắt nghĩa là tuy biết Phật Pháp đi nữa nhưng có thể mình là người cận thị hay có chút vấn đề nào đó trong hai  mắt của chúng ta, đó chưa kể trường hợp ttrong hai con mắt cận có một con bị hai độ có con bị ba độ , hai con mắt nhiều khi cũng không đều với nhau nữa. Nói như vậy có nghĩa chưa là thành nhân chúng ta luôn có vấn đề để giải quyết.

Ai là người luôn luôn nhận ra được vấn đề đó mới có cơ hội giải quyết. Còn nếu không nhận ra mình là người chột hay mù làm saogiải quyết. Còn nếu biết mình sáng mắt nhưng không biết  cận hay viễn hay loạn thị cũng làm sao giải quyết. Thậm chí khi không biết bác sĩ nói mình cũng không cần nghe. Như vậy mãi mãi vấn đề vẫn còn tồn đọng không giải quyết được. Cho nên những vấn đề trong Phật Pháp, cho dầu là người xuất gia hay cư sĩ, người giàu hay người nghèo, có thành đạt hay không thành đạt, lúc nào hễ còn là phàm phu dứt khoát chúng ta có vô số vấn đề phải giải quyết. Ở đây chúng tôi cố tránh chữ ngu và chữ trí chỉ dùng chữ vấn đề. Còn có vấn đề thì chúng ta phải có trách nhiệm cần thiết nhìn thấy vấn đó ngay trong bản thân của mình.

Ngay đầu bài giảng chúng tôi đi vào một vấn đề có lẽ có một số Phật tử không biết chúng tôi nói cái gì. Đó là chúng tôi đề cập đến quá trình tu chứng của một vị hành giả với dụng ý nhắm đến trường hợp rất nguy hiểm trong cuộc tu này. Người không biết đạo không nói gì, nhưng khi biết đạo, nhất là có học A-tỳ-đàm, có học thiền quán, đi tu thiền, đem so lại các bè bạn đồng tu thấy hình như họ cách xa so với mình. Một tháng họ có giữ 8 ngày bát quan như mình không? Chưa chắc. Đặc biệt ở Việt Nam, ba tháng hạ của Chư Tăng có những Phật tử trì bát quan trai giới rất trong sạch. Có chư Tăng hay cư sĩ nào mở khóa thiền họ cũng đều có mặt không thiếu một ngày. Ai kêu gọi bố thí cúng dường lúc nào cũng có tên của họ đứng đầu, có lớp học giáo lý nào họ cũng đều có mặt. Bao nhiêu công trình xây dựng kêu gọi nuôi Tăng cất chùa, cũng có tên họ trong đó. Thế là dựa vào đó họ hoàn toàn có thể làm một bảng so sánh giữa họ và các bạn đồng tu, từ đó đi đến tăng thượng mạn, ngộ nhận cho rằng cuộc tu này xong rồi, đã hết vấn đề. Xin thưa chưa đâu.

Sáng hôm  qua chúng tôi có nhắc đến bài kinh Tài dụ, bài kinh ví dụ lõi cây, Đức Phật dạy , cho đến bao giờ một người có ý muốn đi tìm lõi cây mà vẫn chưa tìm thấy lõi cây. Cho đến khi đó tất cả những cành lá, tất cả  vỏ trong vỏ ngoài của cây chỉ là cái gì đó mình cần phải vượt qua, cái gì đó mình cần phải bỏ lại. Ngay cả đối với một người đã thành tựu được các tầng thiền định thần thông, trong cái nhìn của Đức Phật cũng chỉ là cái gì đó cần phải vượt qua. Thần thông thiền định chỉ là một giai đoạn trong quá trình tu chứng. Rất có thể một người có được sơ, nhị, tam, tứ thiền, họ có khả năng đè nén dàn xếp tạm thời phiền não, đặc biệt năm triền cái tham dục, sân độc, hoài nghi, trạo hối. Cho dầu hành giả đó sau khi chết tái sanh về cõi Phạm Thiên, cao nhất là cõi phi tưởng phi phi tưởng đi nữa, thì tuổi thọ trên đó cũng có hạn có mức nhất định chứ không phải đời đời kiếp kiếp viên miễn thiên thu. Chỉ có một lúc thôi, tối đa cõi Phạm Thiên lâu nhất 84 ngàn đại kiếp. Theo mô tả trong kinh tất cả chúng ta trong room này đều đã từng chứng đắc tầng thiền cao nhất này. Chỉ có 5 cõi Tịnh cư của Bậc Thánh A-na-hàm là chúng ta chưa từng đặt chân vào đó, còn ngoài ra tất cả các cảnh giới dầu địa ngục sâu nhất sống thọ nhất cho đến cõi trời sống thọ nhất, chúng ta đều đi qua cả.

Trong cuộc hành trình sanh tử của chúng ta, không có cõi Thiên cõi đọa nào chúng ta chưa ghé chân. Đọa nhất đến mức nào đó cũng trồi lên, siêu đến mức nào đó cũng tuột xuống. Cho nên hễ chứng đắc thiền định thần thông cũng nằm trong Tam giới hỏa trạch này thôi chứ không ra được. Giống như chúng tôi vẫn thường nói chúng ta chưa ra được ngôi nhà đang cháy thì chuyện cấp thiết là tìm cách ra khỏi căn nhà đó chứ không phải ngồi trong nhà đó lý luận tôi là bác sĩ, tiến sĩ, ai chạy đâu thì chạy, người có học như tôi  không ra đâu, tôi vẫn ở đây. Đó là quyền của mình không ai cấm cản, nói gì nhưng đáng tiếc khi nhà cháy rồi gặp người nào nó cũng đốt, chứ không tha. Cho dầu có chứng được thiền định thần thông đi nữa cũng chỉ khá hơn bạn đồng tu mình thôi, chứ bản thân mình chưa đi đến đoạn đường tu học.

Nhìn sơ qua câu kệ rất đơn giản. Hai người đi nghe pháp, được gặp Phật là chuyện khó rồi, được mang thân người là chuyện khó, được nghe chánh Pháp là khó. Ấy vậy mà có người không thấy ra được, lại tranh thủ  làm một việc rất rẻ tiền. Gặp được Đức Thế Tôn, nhìn oai nghi của Ngài đã rất hoan hỷ hạnh phúc rồi, thậm chí bây giờ khi chúng ta vào chùa gặp một bức tranh một bức tượng đẹp, mình đã rất hoan hỷ, đằng này được gặp Đức Phật bằng xương bằng thịt như vậy mà họ không ngó ngàng gì đến, họ  tranh thủ cơ hội móc túi thiên hạ, số tiền họ lấy được dâu có bao nhiêu, nhiều lắm chỉ đủ dùng trong năm ba ngày, tuần lễ nửa tháng thôi, nhưng người móc túi họ cảm thấy an lạc, cảm thấy thành công. Chính từ câu chuyện đó dẫn đến câu kệ Đức Phật dạy,
Người ngu biết mình ngu,
Nhờ vậy thành người trí.
Người ngu tưởng mình trí,
Thật đúng là chí ngu.

Đúng như vậy, mình bệnh mà không biết mình bệnh làm sao uống thuốc, đi bác sĩ. Cho nân vấn đề ở  đây không dừng lại ở chỗ câu chuyện hai người bạn người tốt người xấu, câu chuyện dẫn chúng ta đi đến một biên giới xa hơn. Đó là ngay cuộc tu này chúng ta rất có thể bị vướng kẹt ở một chặng đường nào đó của cuộc tu. Từ sự thành tựu của giới luật thanh tịnh, từ sự thành tựu của một người có hạnh thí xả rộng rãi, từ sự thành tựu của một người tu tập thiền định chuyên cần, từ sự thành tựu của một người thành tựu tri kiến sâu rộng về Phật Pháp, từ một sự thành tựu của một người có sự thành tựu trong xã hội hay có danh tiếng trong đạo tràng. Trong tất cả sự thành tựu đó cho đến bao giờ chúng ta vẫn chưa là một vị Thánh nhân thì tất cả những vấn đề phiền não sanh tử vẫn là những vấn nạn chúng ta cần thiết phải giải quyết. Và ai đó cho dầu là một vị xuất gia tinh thông tam tạng mà vẫn không nhận ra được những vấn đề còn lại trong cuộc tu của mình thì xem như vẫn chưa đi đến đâu.

Chúng ta xem kỹ kinh sách thời Đức Phật, chư Tăng cư sĩ tinh thông Tam tạng không phải là hiếm. Không phải là hiếm, chúng ta phải xác định như vậy. Đừng nói gì thời Đức Phật ngay cả tại Miến Điện bây giờ, trong hàng ngũ cư sĩ những người tinh thông Phật Pháp không phải là hiếm. Những đại thí chủ, những cư sĩ xem lý tưởng phụng sự Tam bảo lớn hơn sanh mạng, lớn hơn gia tài sự sản của mình, lớn hơn niềm vui trong gia đình. Những  cư sĩ như vậy trong thời Đức Phật không phải là hiếm mà tại Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan bây giờ những hạng cư sĩ này cũng không phải là hiếm. Những cư sĩ có khả năng tạo chùa nuôi Tăng không phải là hiếm. Những vị Sa-môn có khả năng đướng lớp dạy hàng trăm, hàng ngàn người cũng không phải là hiếm. Trong tất cả sự thành tựu của chúng ta trong đời sống này từ sự thanh tịnh của giới luật, từ sự rộng rãi của thí xả, từ sự sâu rộng của kiến thức, từ sự lừng lẫy của tiếng tăm. Tất cả những thứ đó nếu chưa phải là thánh nhân vẫn là những trạm dừng trong cuộc đi ngàn dặm của chúng ta về cứu cánh giải thoát mà thôi.

Do đó trong câu kệ này Đức Phật dạy như vậy, chúng ta cần phải hiểu sâu hiểu xa hơn rằng, cho dầu chúng ta có khá hơn người bạn xấu đã móc túi thính giả trong hội chúng đi nữa. Cho dầu chúng ta có là một vị sa-môn hay một vị cư sĩ đi nữa, chúng ta chưa giải quyết được những vấn đề của bản thân thì điều quan trọng luôn luôn phải nhận ra được vấn đề của chính mình. Nếu ngày nào mình chưa tìm thấy được vấn đề trong cuộc tu của mình chúng ta chưa tiến bộ được. Chúng tôi nhớ ở đâu đó có câu danh ngôn như thế này, “Khoa học là gì? Khoa học chính là thử nghiệm và sai lầm”. Thử nghiệm và sai lầm, chính hai vấn đề này đã tạo nên nền văn minh của nhân loại hôm nay. Còn nếu chúng ta bằng lòng sớm quá chúng ta chết.

Quý vị trong room đã từng đọc qua lịch sử Trung Quốc đặc biệt thời Thanh mạc, tức là giai đoạn cáo chung của nhà Thanh, quý vị thấy rằng hầu hết triều thần đến cả bà Từ Hy Thái Hậu đều mắc phải căn bệnh gọi là Người ngu mà tưởng mình trí / Thật đúng là chí ngu. Trong khi lực lượng liên quân tràn vào Trung Quốc, đến giờ đó họ vẫn nghĩ xứ Trung Quốc là trung tâm của trời đất. Họ vẫn nghĩ vua chúa của Trung Quốc là Thiên Tử, ngoài ra là rơm rác. Họ nghĩ Trung Quốc vẫn sở hữu được nền văn minh dẫn đầu thế giới. Cho rằng thứ bạch quỷ tây dương ám chỉ người da trắng có đáng gì, có sá gì. Đến lúc liên quân kéo vào đưa ra những hiệp định ô nhục mà Trung Quốc phải ký hòa đàm rất nhục nhã. Chưa hết bà Từ Hy phải đãi đằng các sứ thần, sau đó đưa Trung Quốc vào quy thuận ngoại bang một cách đau đớn. Vì sao? Vì họ không biết câu pháp cú này của Đức Phật, Người ngu tưởng mình trí. Là như vậy đó.

Cho nên dầu chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội bất cứ lãnh vực nào một người luôn nhận ra được vấn đề của chính mình, người đó mới có cơ hội tiến bộ. Nói theo Phật học dầu pháp học hay pháp hành, dầu đó là về giới hay về định hay về tuệ, cho đến bao giờ giới của mình chưa phải là giới của Thánh nhân, cho đến bao giờ định của mình chưa phải là định của thánh nhân, cho đến bao giờ tuệ của mình chưa phải là tuệ của thánh nhân, lúc đó sự tu học của chúng ta vẫn còn có những vấn đề chưa được giải quyết. Đây là nội dung của bài kệ số 63.

Chúng tôi xin dừng tại đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

 




Download KN 63


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu