Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 62

Có Bao Giờ Tự Hỏi



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

 

Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?


.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali


Puttaa matthi dhanammatthi
iti baalo viha~n~nati
Attaa hi attano natthi
kuto puttaa kuto dhana.m.


Minh Hạnh chuyển biên:

ĐĐ Uyên Minh: Bởi vì câu kệ này được xem là một trong những Phật ngôn có nội dung hàm tàng sâu sắc được trích dẫn nhiều nơi với những lời giải thích sâu rộng khác nhau, cho nên ở đây chúng tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta nên trở lại với chánh văn Pali.

Trong câu đầu tiên chúng ta thấy Đức Phật dạy

Puttaa matthi dhanammatthi tức là con tôi, tài sản tôi.

iti baalo viha~n~nati.

Chữ "Iti" Ngài HT Minh Châu dịch là ưu não. Theo cái hiểu nôm na bên ngoài thì chúng ta hiểu là âu lo, hoặc là trăn trở hoặc là thao thức.

"Baalo" là người không có trí tuệ trong chánh pháp. Người không có trí tuệ trong chánh pháp thì thường hay trăn trở âu lo, tất cả những ưu tư trong đời sống chỉ xoay quanh những ý niệm về "Ngã", "Ngã Sở". Chúng tôi cũng đã từng nói rằng tùy vào sở hữu của mình, tùy vào ý niệm chấp thủ của mình mà cái khổ của chúng ta lớn hay nhỏ, một người chỉ có một thân một mình thôi, không có thân nhân bè bạn thì cái âu lo của chúng ta trong đời sống chỉ xoay quanh về bản thân mình, nhưng nếu một người có thân nhân bè bạn con cái quyến thuộc tài sản càng nhiều thì cái khổ của người đó càng lớn .

Chúng tôi nghĩ rằng để giải thích câu kệ này có lẽ cũng nên đưa các vị Phật tử trở lại với một câu chuyện trong kinh về bà Visàkhà. Bà Visàkhà có nhiều con cháu và tuổi thọ của bà rất cao, khi bà qua đời bà được 120 tuổi, và bà là một trong số rất ít những vị đại thí chủ nổi tiếng trong lịch sử Phật Giáo đương thời Đức Phật. Một ngày kia bà Visàkhà có một người cháu qua đời, đứa cháu gái còn nhỏ cho nên bà rất là đau đớn dù bà là vị Thánh Sơ Quả Tu Đà Hườn, nhưng bà vẫn không có dằn lòng được trước sự mất mát bất ngờ này cho nên bà đã đi vào chùa hầu Phật. Theo trong kinh sách kể lại thì bà gặp Phật và đảnh lễ Phật mà bà vẫn còn đau đớn vẫn còn búc xúc không kềm chế được, lúc đó Đức Phật hỏi bà Visakha rằng:

"Visàkhà có muốn tất cả dân chúng ở kinh thành Sàvatthi này đều trở thành thân nhân quyến thuộc của Visàkhà hay không?

Thì bà mới thưa: "Bạch Thế Tôn, dĩ nhiên nếu mọi người ở trong thành Sàvatthi này đều là thân thích họ hàng của con thì con rất là vui, con rất là hoan hỷ"

Thì Phật dạy rằng:

"Bây giờ thì Visàkhà chỉ có chừng đó quyến thuộc thôi, lâu lâu có một người qua đời, lâu lâu có một người bệnh hoạn Visàkhà còn đau khổ như vậy thì nói gì trường hợp mà tất cả thị dân ở trong kinh thành Sàvatthi này đều là thân quyến, đều là bà con họ hàng thân thích bè bạn của Visàkhà thì Visàkhà còn đau khổ đến mức độ nào nữa, vì không có ngày nào mà ở kinh thành Sàvatthi này mà không có người chết."


Sau khi bà Visàkhà nghe như vậy thì vốn là vị Thánh Sơ Quả và hiểu chuyện sanh ly tử biệt, nhưng do câu khai thị của Đức Phật thì bà còn hiểu rộng và hiểu sâu hơn một vấn đề nữa, đó là khi sở hữu của chúng ta càng lớn thì nỗi đau khổ của chúng ta càng nhiều.

Thì đối với một người ngu, (ở đây chúng ta sài chữ ngu trong tiếng Việt cũng hơi nặng) nhưng chữ "Baalo" ở đây cần hiểu đó là người không có trí tuệ trong chánh pháp thì gọi là người ngu. Ỏ trong Phật Giáo, chữ ngu hay trí không định nghĩa theo văn bằng học vị kiến thức thế học mà định nghĩa theo khả năng nhận thức được bản chất của cuộc đời qua trí tuệ chánh pháp, thì người đó được gọi là người ngu hay là người trí. Nếu có trí tuệ hiểu biết như vậy thì gọi là người trí, còn không thấy được chánh pháp thì gọi là người ngu. Đối với người ngu thì trong tất cả những buồn vui của họ đều gắng liền với cái gọi là sở hữu, với tất cả ý niệm liên quan đến "Tôi" và "Của tôi".

Và nội dung của bài kệ thật ra không phải chỉ dừng lại ở đó mà còn đi xa hơn nữa, có lẽ chúng ta không ai không biết qua giáo lý Duyên Khởi, thường được bắt đầu bằng chi pháp là Vô Minh; "Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc". Chúng tôi rất lấy làm tâm đắc với giáo lý Duyên Khởi này, và khi trình bày Phật Pháp thường là chúng tôi hay trích dẫn giáo lý Duyên Khởi vì đó là mấu chốt, là cội nguồn sanh tử của tất cả chúng ta, dĩ nhiên đã là cội nguồn sanh tử thì giòng duyên khởi cũng là cội nguồn tất cả đau khổ của người ở trong cuộc tử sinh trường mộng này.

Trong kinh ví dụ tất cả chúng sanh phàm trong cuộc đời này giống những con bò đang khát nước đi tìm nước uống, vì nó không có trí khôn cho nên trong cơn khát dục dã nó đã đi gục mõm vào trong một cái chảo nước sôi, rồi một con bò khát trong cơn khát như vậy nó đã đi giải khát bằng cách là uống lu nước muối. Cho dầu mình giải khát bằng nước muối hay bằng nước sôi dĩ nhiên chúng ta sẽ phải gặp trường hợp phản tác dụng, đó là đang khát mình uống ừng ực từng ngụm nước sôi, đang khát mình uống từng ngụm nước muối, thì dứt khoát là cơn khát không được giải quyết một cách thoả đáng đúng chỗ được. Điều đó như thế nào thì tất cả chúng sanh phàm phu ở trong cuộc đời này ai có thân trên đời thì cũng phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, sầu bi khổ ưu não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần v.v.... và v.v... Đối diện trước tất cả đau khổ khốn đốn đó thì mỗi người tìm đến một biện pháp để mà giải quyết cái đau khổ, thoả mãn lý tưởng trốn khổ tìm vui của mình. Và mỗi người có cách đầu tư riêng, người đầu tư tức là đi tìm kiếm tiền bạc, người đi tìm kiếm tài sản, người đi tìm kiếm những trò chơi khoái lạc, và khi chúng ta tìm kiếm cái gì mà nếu thủ đắc được cái đó thì chúng ta khư khư giữ cái đó như là tài sản của mình.

Cho nên chữ tài sản ở đây chúng ta phải hiểu rộng là rộng như vậy đó, rộng ở đây có nghĩa là ai mà đi tìm hướng giải quyết đau khổ bằng cách chiếm hữu dục lạc thì họ xem dục lạc là tài sản của họ. Ai mà đi giải quyết đau khổ bằng cách là tích lũy tài sản tiền bạc châu báu thì châu báu đó chính là tài sản của họ. Ai giải quyết đau khổ bằng cách là tu tạo các phước báu để cầu vọng các cảnh giới tái sanh nhân thiên thì cảnh giới nhân thiên đó chính là tài sản của họ. Ai mà tha thiết tích lũy kiến thức Phật Pháp rồi khi thủ đắc được ít nhiều kiến thức đó thì kiến thức đó cũng là tài sản của họ. Ai đó giải quyết đau khổ bằng cách tu tập các tầng thiền định Sắc Giới, Vô Sắc Giới rồi đam mê chấp thủ trong đó khi mình đã chứng đạt được trong đó, chứng đạt được một hay nhiều hoặc tất cả các tầng thiền đó, thì tất cả các tầng thiền mà mình thủ đắc là tài sản của mình.

Như trong kinh viết thí dụ về "Lõi cây" trong Trung Bộ Kinh Đức Phật cũng dạy rằng có những người mà buổi đầu thì mang tâm nguyện lý tưởng đi tìm cứu cánh giác ngộ giải thoát nhưng khi có được cứu cánh, khi đi xuất gia trong Phật Pháp này rồi thì họ lại được thiên hạ cúng dường lễ bái với các hình thức trọng vọng, hoặc là họ được những danh lợi trong đời tu thì họ xem danh lợi đó là mục đích cứu cánh sau cùng của lý tưởng tu hành, thì người này cũng giống như người đi vào rừng tìm lõi cây nhưng gặp cành lá rồi họ ôm ấp cành lá họ chấp thủ cành lá đó họ xem đó là lõi cây không đi xa hơn nữa. Rồi có những người đi tìm lõi cây mà họ chỉ gặp vỏ cây rồi họ xem vỏ cây đó là lõi cây. Có người thì xem giác cây là lõi cây. Có người khôn ngoan hơn khi họ tìm đúng lõi cây thì họ mới chịu dừng lại.

Việc đó như thế nào?

Trong giáo pháp này có những người tìm đến với Phật Pháp sau khi họ vượt qua được sự cám dỗ của danh lợi thì họ lại bị kẹt trong giới luật, khi bản thân họ có giới luật trong sạch rồi thì họ khư khư chấp giữ trong đó, họ giữ giới trong một tinh thần tự tán phỉ tha khen mình chê người, thấy mình trong sạch thấy người bê bối thì coi rẻ, mình tự cảm thấy thoả mãn, thấy tự hào, rồi tự đắc tự hoan hỉ với sự trong sạch của mình, rồi có một tư tưởng khinh thị người khác thì giữ giới như vậy cũng là một sự kẹt.

Có những người khá hơn họ vượt qua được giai đoạn giới luật trong sạch, tiếp tục chứng được các tầng thiền định, chứng được sơ nhị tam tứ thiền, họ có khả năng thần thông thắng trí, họ có thể nhìn thấy Chư Thiên loài người ở xa gần, họ có thể nghe được tiếng nói của Chư Thiên loài người ở xa hoặc gần, họ có thể biết được tâm tư người khác đang suy nghĩ gì, họ có thể nhớ được nhiều đời một kiếp, hai kiếp, ba kiếp v.v... rồi họ hiểu được nguyên nhân nào mà người ta sanh tử, như là vì sao mà được làm vua, vì sao mà bị làm ăn mày, tức là họ chứng được sanh tử minh, thì một người mà chứng được những khả năng siêu năng như vậy thì họ cũng rất có thể nếu không khéo thì họ có thể sanh ra tâm kiêu mạn, xem đó là trọn vẹn cứu cánh tu chứng của mình.

Và có những người khá hơn một chút họ hiểu được 37 Pháp Trợ Bồ Đề, họ hiểu được duyên sinh duyên hệ, họ hiểu được tất cả Tam Tạng Phật ngôn thành tựu chánh tri kiến và họ xem chánh tri kiến đó là toàn bộ cuộc tu của mình trong khi bản thân thì vẫn chưa thật sự chứng đắc một tầng thánh nào hết.

Thì như chúng tôi vừa trình bày trong cuộc tu này cho đến bao giờ chưa làm một vị A La Hán thì con đường chúng ta đi vẫn còn là vạn dặm, mặc dù đối với các vị Thánh hữu học thì con đường đó ngắn hơn nhưng vẫn chưa hoàn tất. Đó là lý do tại sao ba tầng Thánh thấp được gọi là các tầng thánh hữu học nghĩa là còn phải tiếp tục trao dồi còn phải tiếp tục huân tu, còn phải tiếp tục hàm dưỡng, ba tầng Thánh thấp vẫn chưa phải là cứu cánh cao nhất, huống hồ gì những thứ mà phàm phu thủ đắc được trong cuộc luân hồi phù du này, từ danh lợi rồi từ kiến thức đời đạo đến thần thông thắng trí, tất cả những thứ đó cho dầu chúng ta có xem nó là tài sản của mình đi nữa thì nó cũng vẫn là cái gì mà chúng ta cần phải vượt qua, cần phải bỏ lại để đi qua bên kia bờ sông sanh tử, đạt đến đáo bỉ ngạn tức là bờ giải thoát.

Cho nên Puttaa matthi dhanammatthi iti baalo viha~n~nati là như vậy - Con tôi, tài sản tôi, Người ngu thường âu lo, thường trăn trở thường thao thức, bị dằn xé bởi những suy nghĩ đó. Thí dụ như mình có kiến thức nhiều thì ai đó phủ nhận bài bác, khen chê dèm xiểm thị phi kiến thức của mình thì mình chịu không được. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó mình đã xem kiến thức của mình là con của mình là tài sản của mình. Chúng ta vẫn thường nghe các văn nghệ sĩ họ nói sách vở thi ca văn học những tác phẩm của họ là đứa con tinh thần của họ, nếu một người mà tích lũy thủ đắc tài sản thì họ xem tài sản đó là con cái của họ là gia tài của họ là máu xương của họ thì họ vẫn cũng bị khổ trong đó. Cho nên trong kinh "Xà Dụ" Đức Phật Ngài dạy rằng; ngay cả đối với một người mà thủ đắc được kiến thức Phật Pháp tức là Phật ngôn mà họ không khéo thì họ cũng giống như một người vụng dại không có kinh nghiệm khôn ngoan trong chuyện bắt rắn, họ nắm con rắn không đúng chỗ thì sẽ bị con rắn cắn lại, thì đối với một người đam mê danh lợi bị khổ vì danh lợi đã đành rồi, mà với một người bị vướng mắc trong sở kiến Phật học của mình, cái tri kiến trí tuệ của mình cũng là một cái khổ.

Trong bài kệ số 62 này chúng ta trở lại duyên khởi, duyên khởi thì rất là đơn giản nhưng chúng ta có thể hiểu bài kệ này rộng ở một mức độ rộng hơn sâu hơn. Vào thời Đức Phật còn tại thế thì có một người ăn mày từ bé vốn đã cơ cực khốn đốn, theo trong sớ giải Pháp Cú khi bà mẹ của người hành khất này có thai thì coi như xóm làng chung quanh ai cũng bị túng thiếu mức thu nhập kém hơn mọi ngày, (theo niềm tin của người Ấn đương thời thì khi xóm làng thành phố đang yên bình sinh hoạt thoải mái mà đột nhiên có một cái bất thường thì họ hay nghĩ đến chuyện là rất có thể có một nhân vật bất hạnh nào đó đã xuất hiện hoặc là đầu thai vào trong địa phương này), đúng như vậy thì lúc đó do nghiệp ác quá khứ cho nên người hành khất này ngay từ lúc nằm trong bụng mẹ là ông đã gây khốn đốn cho gia đình, cho những người chung quanh, rồi khi lớn lên người mẹ nuôi không nổi nên cho ông đi lang thang, bà nói là: "Đến tuổi này thì con tự sống lo lấy thân chứ bây giờ mẹ không cưu mang con được nữa." Thì từ một đứa bé lang thang dần dần ông ta lớn lên vẫn làm hành khất luôn luôn thiếu ăn thiếu mặc lạnh lẽo đói khát, một ngày kia trên bước đường đi lang thang hành khất ông đi ngang một ngôi nhà tự nhiên do ký ức nghiệp quá khứ ông nhìn thấy từ cái cổng vào rồi đến sân nhà đến bậc thềm mái hiên cái gì cũng thấy thân quen, và do sự thúc đẩy từng bước từng bước ông đi xâu vào trong nhà, ông ghé vào từng phòng từ cái bàn ghế ông đều thấy thân quen, đứa bé con của người chủ nhà nhìn thấy người lạ râu ria xồm xoàm ăn mặc lôi thôi lếch thếch mặc mũi xấu xí hôi hám, nó sợ nó khóc, chủ nhà là người triệu phú thấy như vậy nên xua đuổi ông ta, thì lúc đó Đức Phật đi ngang thấy như vậy nên nói cho người con biết

"Người đó là cha của ngươi đó, kiếp trước người hành khất này chính là một người triệu phú chủ nhân của ngôi nhà này, nhưng do nhiều đời ông có thói quen bỏn xẻn không làm phước cho ai hết, không bố thí một tơ một hào, chén cơm manh áo cho người nào. Còn chuyện ông làm triệu phú là do phước xưa ông đã có một lần tình cờ ông bố thí cho người khác thì bấy giờ ông được làm triệu phú, nhưng bản chất keo kiệt chấp thủ tài sản thì nó vẫn còn đó. Thậm chí mỗi ngày ông còn kêu con lại dạy cho con là hãy nhớ rằng tài sản không bao giờ là đủ, không bao giờ là nhiều, có cơ hội nào mà thu gom vào một tơ một hào thì đừng bỏ qua cơ hội đó, và hãy nhớ một điều quan trọng là đừng bao giờ cho ra một xu một hào nào hết. Chuyện bố thí cho người khác là chuyện viễn vông vô ích không cần thiết."

Lúc sinh thời ông hay dạy con kiểu đó, đã mình không làm phước không bố thí lại còn khuyến khích người khác, động viên khích lệ sách tấn người khác noi theo gương xấu của mình, cho nên do cả hai cái nghiệp đó bản thân bỏn xẻn mà còn xúi dục người khác bỏn xẻn nên đời này ông sanh ra là người hành khất, mà ngay cả con ông đời trước không nhìn ra ông đã đành mà cũng không bố thí cho ông và còn cư xử tệ bạc với ông.

Câu chuyện duyên khởi chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng chúng ta ai đó đã từng xem kinh Bổn Sanh 510 câu truyện trong kinh Bổn Sanh đều thấy một điều rất quan trọng, là dầu Đức Thế Tôn Ngài có kể bất cứ câu truyện tiền thân nào đi nữa thì Ngài luôn đúc kết câu truyện đó bằng một bài pháp Tứ Đế. Câu truyện đó nội dung rất là đơn giản nhưng bài pháp mà Ngài đúc kết lúc nào cũng có một nội dung duy nhất đó là Tứ Diệu Đế, Ngài cho thấy rằng tất cả mọi hiện hữu trên đời đều là Khổ Đế , đó là sự thật, là tất cả mọi sự khổ đều khởi đi từ lòng tham muốn, từ lòng tham chấp thủ của chúng sinh trong dục trần và có một cứu cánh để chấm dứt tất cả những khổ ải đó là Niết-Bàn, sự vắng mặt của phiền não ngũ uẩn, và con đường dẫn đến cứu cánh đó chính là Bát Thánh Đạo. Thì bao giờ Đức Thế Tôn sau khi Ngài kể lại một câu truyện thường là Ngài đúc kết bằng một bài pháp về Tứ Đế để hướng dẫn cho thính chúng tìm đến lý tưởng cao nhất của chánh pháp đó là sự giải thoát sanh tử giải thoát phiền não.

Ngay cả trong những ngày tháng sau cùng của Đức Phật tại Kusinara khi Ngài Ananda thắc mắc là vì sao một người như Đức Thế Tôn mà lại viên tịch ở một xứ sở nhỏ bé hẻo lánh thậm chí là vô danh như Kusinara, thì Đức Phật Ngài kể lại câu truyện xưa về kinh thành Kusavati tức là tiền thân của Kusinara bây giờ, lúc đó Đức Thế Tôn là vị Chuyển Luân Thánh Vương với đầy đủ phước báu giàu sang quyền qúi tại kinh thành đó, sau khi kể xong thì Ngài cũng kết thúc bằng một câu rất là ý nhị :

"Này Ananda, tất cả nay đã đi vào quá khứ, các hành là vô thường thật là vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly, này các Tỳ Kheo những gì mà bậc Đạo Sư vì lòng bi mẫn phải làm cho các để tử thì ta đã làm cho các người rồi, đây là những ngôi nhà vắng, những gốc cây hãy thiền định chớ hối tiếc về sau."

Gần như bao giờ cũng vậy Đức Thế Tôn luôn luôn sau khi kể lại một câu truyện xưa hay nhân một duyên sự nào đó thì Ngài cũng kết thúc bằng một bài pháp hoặc bằng một câu nói ngắn ngủi mà có nội dung như vậy. Cho nên ở đây trong bài kệ số 62 này chỉ bắt đầu từ một câu truyện ngắn ngủi về ông triệu phú mà thôi, nhưng Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta một điều mà Ngài đã liên tục hướng dẫn, liên tục nhắc nhở , liên tục nhắc đến trong suốt 45 năm hoằng đạo của Ngài, đó là Ngài phủ nhận một cái hiểu sai, Ngài phủ nhận một cái ngộ nhận của chúng ta về ý niệm "Tôi là" hoặc là "Của tôi" cho nên Ngài mới dạy là

Puttaa matthi dhanammatthi iti baalo viha~n~nati
Attaa hi attano natthi kuto puttaa kuto dhana.m.

Attaa hi attano natthi chính mình còn không có nữa thì nói gì là con mình tài sản mình. Chữ puttaa kuto dhana.m, chữ con cái hay là chữ tài sản ở đây chúng ta có thể hiểu rộng hơn, chẳng hạn như câu kệ này nếu mình chỉ hiểu nghĩa đen thôi thì đối với một vị samôn chẳng lẽ câu kệ này không có ý nghĩa hay sao, đối với Chư Tăng thì làm gì có con cái, đối với Chư Tăng thì làm gì có tài sản, nếu gọi là Chư Tăng Nguyên Thủy thì không có tài sản và cũng không có con cái, như vậy chẳng lẽ câu kệ này Đức Thế Tôn chỉ dạy cho người cư sĩ hay sao? Thưa không, tuyệt đối không, câu kệ này là Ngài dạy cho tất cả nhân thiên tăng tục, tất cả những người xuất gia và tại gi. Và nếu nói như vậy thì chữ puttaa ở đây và chữ dhana.m ở đây chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rộng hơn, những ai đã hoặc là đang xem kinh Pháp Cú chắc có lẽ cũng còn nhớ một câu kệ ở trong câu kệ đó Đức Phật dạy rằng một người muốn giải thoát sanh tử thì phải biết giết cha vô minh, phải biết chết mẹ ái dục của mình, toàn bộ giòng sanh tử này được cấu tạo được tạo tác nên bởi người cha vô minh và người mẹ ái dục, Ngài xem vô minh và ái dục chính là những người cha những người mẹ đã tạo ra giòng sanh tử này của chúng ta.

Đức Phật Ngài còn dạy rằng trong giòng sanh tử luân hồi một người hiền trí phải biết đầu tư trong bảy thứ tài sản đó là tín, thí, giới, văn, tàm, qúi, trí.

Tín tức là niềm tin vào chánh pháp, niềm tin vào nghiệp lý nhân quả.

Giới là giới của samôn hay là giới của cư sĩ.

Văn tức là sự học rộng nghe nhiều về kiến thức đời, kiến thức đạo. Ngài nói rằng một người mà chỉ biết kiến thức đời hay biết kiến thức đạo thì bị xem như là người chột, một người phải biết cả hai con đường lợi ích cho mình đời này và đời sau cho mình cho người, lợi ích cho cả hai lãnh vực đời đạo thì người đó mới gọi là người sáng mắt, cả hai con mắt đều đầy đủ. Đó là văn.

Tàm qúi tức là sự sợ hãi trong tội lỗi, sự hổ thẹn trong tội lỗi, sự biết liêm sỉ trong tội lỗi. Sợ hãi tội lỗi là gì, sợ hãi tội lỗi là chúng ta sợ hãi tội lỗi qua bốn khía cạnh.

Thứ nhất là sợ bị cắn rứt lương tâm nên không làm
Thứ hai là sợ dư luận của thế gian, sợ bị người đời chê trách nên không làm
Thứ ba sợ pháp luật trừng trị không nên làm
Thứ tư tức là sợ bị sa đoạ ác thú không nên làm

Có nhiều người bản thân họ thì không sợ cắn rứt lương tâm nhưng ít ra họ cũng sợ dư luận, mà nếu cũng bất chấp dư luận thì ít ra mình cũng còn sợ pháp luật trừng trị, mà nếu không sợ pháp luật, có một số tội lỗi không ảnh hưởng đến pháp luật thì ít ra mình cũng sợ bị sa đoạ, bởi vì có nhiều cái tội pháp luật không bắt chẹt mình được, mình không bị người ta bỏ tù nhưng mà với tội đó mình hoàn toàn có thể đi vào cõi sa đọa ác thú, ví dụ như là mình đi nói xấu người khác, ở Mỹ này mình đi nói xấu còn bị người ta kiện ra toà, còn ở Việt Nam mình ngôi lê đôi mách đầu đường xó chợ rồi mình đi nói người này người kia không ai bỏ tù mình, nhưng mà mình kéo dài cái khẩu nghiệp đó thì vẫn bị đi vào địa ngục, hoặc mình thường xuyên suy tư về người khác bằng tâm hận thù thì không có pháp luật nào bỏ tù mình được nhưng mà chính tâm tư đó chính nội tâm đó sẽ đưa mình vào địa ngục. Với một người có tàm có qúi thì nhiều khi có những tội đủ khiến cho mình bị cắn rứt lương tâm thì mình sợ đã đành, nhưng có những tội không có đủ để cho mình cắn rứt lương tâm thì ít ra mình cũng sợ bị tiếng đời dị nghị, hoặc mình cũng sợ bị sa đọa thì trường hợp đó được xem là có tàm, hễ ở đâu có tàm trường hợp đó có qúi, qúi tức là sợ còn tàm tức là hổ thẹn, mà ở đâu có qúi thì ở đó có tàm, mà ở đâu có tàm thì ở đó có qúi.

Thì bảy tài sản thánh nhân, bảy tài sản của bậc hiền trí tín, thí, giới, văn, tàm qúi, trí.

Trí tức là trí tuệ, trí tuệ ở đây chúng ta có nhiều cách kể: trí tuệ về pháp học, trí tuệ về pháp hành cũng là trí tuệ, hoặc là trí văn, trí tư, trí tu cũng là trí tuệ. Trí tuệ về thế gian tức là thế học cũng là trí tuệ. Trí tuệ về Phật Pháp cũng là trí tuệ. Thì dầu là trí tuệ nào nếu chưa phải là thánh trí thì trí tuệ đó cũng chỉ là tài sản một thứ hành trang, một thứ thức ăn mà chúng ta mang theo trong đường sanh tử mà thôi, chúng ta không nên xem đó là cứu cánh rồi ôm ấp chấp thủ trong đó.

Trong đầu buổi giảng chúng tôi cũng có trình bày và đã nhắc lại bài kinh Tài Vụ tức là bài kinh về lõi cây, ví dụ về lõi cây mà Đức Thế Tôn Ngài thuyết giảng trong Trung Bộ Kinh rằng: Ngày nào chưa đạt đến cốt lõi cái lõi cây để giải thoát thì tất cả những thứ mà chúng ta có được trước đó hoàn toàn chỉ là cái bè dùng để qua sông mà thôi, ngày nào chưa được qua bên kia bờ giác ngộ thì chúng ta vẫn chỉ xem mọi thứ chỉ là từng cọng cỏ từng cái bè cây từng khúc chuối mà chúng ta tạm dùng như một phương tiện trên con đường giải thoát.

Nếu mình cứ khư khư chấp thủ tất cả thí dụ như bảy pháp mà chúng tôi vừa kể: Tín, thí, giới, văn, tàm, qúi, trí, mình sở đắc mình thủ đắc được bảy pháp này và xem đó là toàn bộ là những tài sản của mình, rồi đam mê chấp thủ trong đó, mình tự tán phỉ tha thì trong trường hợp đó cũng bị xem là mình ôm ấp tài sản. Thí dụ như nghĩ mình có nhiều trí tuệ, nghĩ rằng mình đa văn, nghĩ rằng mình có đức tin trong sạch rồi mình không đi xa hơn nữa thì trong trường hợp đó cũng có thể gọi là mình ôm ấp tài sản rồi. Khi chúng ta tu tập được bảy pháp này và chúng ta có được kết quả nào đó tốt đẹp trong giòng sanh tử luân hồi, thí dụ như người có đức tin nhiều thì họ cũng đều sanh vào thiện thú. Người đa văn hiểu biết Phật Pháp nhiều thì với quả phước sanh ra họ là người thông minh. Có tàm có qúi nhiều thì sanh ra chúng ta cũng có được quả báu liên quan, thí dụ như tàm qúi trong giới luật, tàm qúi ở trong tam nghiệp thì chắc chắn chúng ta cũng được sanh về thiện thú, nếu sanh về trong cảnh giới nhân gian này thì cũng sanh vào con nhà quyền qúi. Thì nếu nói rộng ra thì bảy tài sản này nó vừa là nhân và khi mà nó tạo ra quả thì nó cũng làm cho mình được an lạc thoải mái, và một người mà bây giờ trong đời sống này được giàu sang có trí tuệ, có nhan sắc, thì mình phải hiểu rằng tất cả những điều mình có đó nó từ bảy thứ tài sản kia nhưng mình phải tiếp tục tu học nữa chứ không phải chỉ ở chừng đó.

Như bà Visàkhà khi đi lấy chồng làm dâu trong một gia đình ngoại đạo không biết chánh pháp, gia đình bên nhà chồng là tín đồ của tông phái lỏa thể, (bây giờ qua Ấn Độ còn gặp những tu sĩ như vậy họ chủ trương tu là không ăn mặc gì hết) bà rất buồn bởi vì bà không có cơ hội làm phước nữa. Một buổi sáng đang đứng hầu cha chồng ăn điểm tâm thì có một vị Tỳ Kheo đi bát ngang nhà, ông cha chồng đang ăn cháo sáng, thấy vị Tỳ Kheo đứng như vậy thì ông không thèm nhìn tới nữa, ông cúi xuống ăn coi như không thấy gì thì bà Visàkhà thấy vị Tỳ Kheo ôm bát đứng trước nhà mà thái độ của cha chồng mình như vậy thì bà mới đi ra và nói với vị Tỳ kheo:

"Bạch Ngài, cha con đang ăn thức ăn cũ, xin Ngài hãy đi hoá duyên sang những nhà khác chứ cha con không có làm phước."

Theo ngôn ngữ của người Ấn Độ thời đó chữ đồ ăn cũ có hai nghĩa: một là đồ ăn cũ nghĩa là đồ ăn thiu. Thứ hai đồ ăn cũ có nghĩa là phẩn. Thì ông nghe vậy ông rất là giận rồi ông mới tìm đủ cách gom những điều mà ông để ý bất bình nàng dâu Visàkhà, ông đem gom lại hết rồi mới kể tội nàng trước mặt hai họ gia đình bên ông và gia đình bên Visàkhà. Ông nói rằng nàng dâu mà nói cha chồng ăn phẩn như vậy thì có chấp nhận được hay không. Nàng Visàkhà nhỏ nhẹn thưa:

"Thưa cha hôm đó con nói vật thực cũ ý con là cha bây giờ cha hưởng được sự giàu sang phú qúy của đời này là nhờ kiếp trước cha có làm phước, bây giờ cha hưởng là hưởng phước cũ mà thôi chứ cha không muốn tạo phước mới, thì con nói như vậy vị Tỳ Kheo kia người bên đạo của con nghe vậy là hiểu ý nghĩa đó, chứ làm sao có chuyện người ăn phẩn được".

Người cha chồng của nàng sau khi nghe như vậy đã có thiện cảm và được nàng cảm hoá ý nhiều rồi, sau đó ông cho phép nàng được thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà để cúng dường và trong thời pháp đầu tiên của Đức Phật thì ông đã chứng quả Tu Đà Hườn. Chuyện đó thì còn dài, nhưng ở đây chúng tôi muốn mượn câu chuyện đó để nhấn mạnh một điều đó là tất cả những gì chúng ta có được trong đời sống này mà ta gọi là sự tốt đẹp nó chỉ là cái quả của một nhân tốt đời xưa mà thôi, thì ngay trong lúc chúng ta tạo nhân chúng ta cũng nên tạo nhân bằng một tâm hồn thanh thản, ngay khi chúng ta hưởng quả cũng hưởng quả bằng một tâm hồn thanh thản, thì có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng câu Phật Ngôn mà Đức Phật dạy: "Chính ta còn không có, con ta tài sản đâu." Người Phật tử tu các pháp tu cũng bằng nội tâm thanh thản, khi hưởng được quả báo của những kết quả tu học thì cũng bằng nội tâm thanh thản, không có chấp thủ trong đó. Đó chính là nội dung của bài kệ số 62 trong phẩm "Ngu Nhân"

Con tôi, tài sản tôi
Người ngu sanh ưu não

Ở đây theo thiển ý của chúng tôi thì chữ "Sanh" ở đây hiểu rồi, nếu người Việt mình đọc thì mình hiểu nhưng chữ viha~n~nati là sự dằn xé, sự trăn trở, sự khổ tâm, người ngu thường khổ tâm, họ bị bức xúc bởi những suy nghĩ chấp thủ về "Con tôi, tài sản của tôi". Có nhiều người thì họ không nặng tài sản thì họ lại nặng về nhan sắc, họ ăn rồi chỉ nghĩ đến nhan sắc, nghĩ đến thể hình, nghĩ đến ngoại diện của họ. Có người chỉ luôn luôn bận tâm đến những cái họ thủ đắc được như là một địa vị một tiếng tăm nào đó. Thì xét theo bài kệ này mà hiểu thì tất cả những gì chúng ta có được trong đời này dù thuộc về tinh thần hay vật chất mà đối với một người không hiểu chánh pháp thì tất cả những thứ đó phải được xem là "Con mình, tài sản của mình" mà ngày nào mình còn bị hệ lụy còn bị khổ tâm còn bị nặng lòng với những thứ đó thì coi như là tự mình còn khổ, còn sự luẩn quẩn loanh quanh ở trong cuộc sanh tử.

Cho nên ở đây chúng tôi xin kết thúc lại nội dung của bài kệ số 62 này đó là Đức Phật dạy rằng đối với một người có trí tuệ ở trong chánh pháp thì cần phải hiễu rằng tất cả những gì mà chúng ta thủ đắc được trong cuộc đời này từ những tài sản tinh thần cho đến những tài sản vật chất thì tất cả đều cần phải được từ bỏ, ít nhất cũng về mặt tinh thần như chúng ta đã từng học qua về bốn hạnh viễn ly là:

Thân viễn ly mà tâm không viễn ly.
Tâm viễn ly mà thân không viễn ly,
Thân viễn ly mà tâm cũng viễn ly
Thân tâm đều không viễn ly.

Thì ít nhất nếu mình vẫn là một người đang còn là một người chồng, một người cha, một người vợ, hoặc là một người mẹ, là một người cư sĩ sống ở ngoài nếp sống thế tục thì không thể từ bỏ tài sản không thể từ bỏ tình cảm gia đình trước mắt được, ít nhất chúng ta cũng nên có một nội tâm chuẩn bị như Đức Phật đã dạy mỗi ngày người xuất gia cũng nên suy tư rằng tất cả những gì người hay vật mà chúng ta thương mến nó cũng sẽ bỏ chúng ta mà đi. Điều đó không riêng gì samôn mà ngay ở trong năm điều mà trong kinh gọi là 5 pháp thường quán, hoặc 10 điều tâm niệm của bậc xuất gia thì cũng có điều mà chúng tôi vừa nói đó là thường xuyên quán xét khả năng sinh ly tử biệt, mất mát đổ vỡ đã đành mà đối với năm pháp thường quán áp dụng cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia, Đức Phật cũng có nhắc lại điều này tức là người Phật tử dầu tăng hay tục nên thường xuyên suy niệm rằng rồi đây tất cả những người vật, hoặc là những gì mà ta đang có đây nó cũng sẽ bỏ ta mà đi.

Ngay cả trường hợp Ngài Xá Lợi Phất khi Ngài viên tịch Ngài Ananda buồn khóc nhiều, khi Ngài Ananda vào hầu Phật, Ngài Ananda mới trình lên Đức Phật cái bình bát và miếng vải lọc nước gối sương của Ngài Xá Lợi Phất vừa viên tịch. Ngài Ananda mới nói

"Bạch Đức Thế Tôn con nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất viên tịch thì con đau khổ, tâm trí con bấn loạn mờ mịt không nhìn rõ các phương hướng, yếu đuối như là lau sạy trước gió."

Thì Đức Phật Ngài nói rằng: "Này Ananda, Như Lai đã từng dạy cho ngươi rằng tất cả các pháp đều vô thường, có sanh thì phải có diệt. Lại nữa này Ananda, Xá Lợi Phất khi ra đi có mang theo ngũ uẩn sắc thân và ngũ uẩn pháp thân của mình hay không, Xá Lợi Phất có mang theo sắc thọ tưởng hình thức hay không, Xá Lợi Phất có mang theo giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn và giải thoát tri kiến uẩn hay không."

Ngài Ananda mới nói "Dạ không, Tôn Giả Xá Lợi Phất không mang theo một cái gì ở trong ngũ uẩn pháp thân cả."

Đức Phật Ngài nói: "Nếu như vậy thì Ananda có gì phải mà buồn, khi ra đi rồi thì phủi tay tất cả mọi thứ"

Thì ở đây cũng vậy chúng ta cần phải đi xa hơn, phải hiểu rộng hơn rằng đối với sự ra đi của vị A La Hán còn là như vậy thì đối với sự ra đi của chúng ta phù du mong manh và trẻ con đến thế nào, cho nên ở đây một người tu Phật cần phải hiểu rộng câu kệ này là không có cái gì trên đời này đáng để chấp thủ, đối với vị A La Hán sự ra đi của các Ngài cũng là sự hoàn tất một hành trình, còn sự ra đi của chúng ta là sự chuyển tiếp, sự bắt đầu từ một đời sống cũ qua đời sống mới, chúng ta làm lại từ đầu mọi thứ và tất cả những gì tình cảm tài sản danh lợi mà ta có được trong đời này nó chỉ là những gì mà ta bắt gặp được một cách tình cờ ở trong quán trọ sanh tử mà thôi, những cái ta bắt gặp đó tùy thuộc vào duyên nghiệp thiện ác quá khứ có vui hay là buồn, thì đời sống nó luôn luôn trôi qua không chờ đợi chúng ta.

Trên bàn viết của chúng tôi để một câu danh ngôn rất là tâm đắc mà chúng tôi đã dịch qua Pali, để lúc nào mình cũng ghi nhớ "Thời gian luôn luôn là cái sau cùng". Cũng có nghĩa là bất cứ danh phút nào cũng là giây phút sau cùng, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, năm tháng nào cũng là năm tháng sau cùng, chúng ta trong đời chỉ có một lần hai mươi tuổi, chỉ có một lần 19 tuổi, chỉ có một lần 30 tuổi, chỉ có một lần 50 tuổi, chỉ có một lần 60 tuổi mà thôi, không ai có hai 50 tuổi, không ai có hai lần 70 tuổi, cái gì cũng chỉ có một lần mà thôi. Tờ lịch nào mà chúng ta đã xé thì trong đời chỉ có một lần để xé tờ lịch đó thôi. Đồng hồ cũng vậy, bây giờ đang là 10:08 phút am ở Florida ngày thứ Bảy 17 tháng 5 năm 2003 thì trong cuộc đời của chúng tôi chỉ có được một lần nhìn thấy sống qua trải qua giờ giấc này mà thôi, chỉ một lần này mà thôi, tức là chỉ có một lần duy nhất trong đời này cho dù chúng tôi có sống 100 năm đi nữa thì chỉ có một lần này thôi 10:09 phút am thứ Bảy 17 tháng 5 năm 2003, chúng tôi không còn dịp xé tờ lịch khác mà đúng giờ giấc như vầy nữa.

Đó là bản chất của đời sống trôi đi như một giòng nước chúng ta không bao giờ có thể xuống tắm hai lần trên cùng một chỗ của giòng nước. Người mà đau khổ vì đứng ở bên bờ hiện tại ngó lui về quá khứ thì có nhìn lui về quá khứ với tâm tiếc nuối chúng ta mới có những đau khổ những dắn xé "Con tôi, tài sản tôi". Chứ nếu đứng trên bên bờ hiện tại mà nhìn giòng nước danh sắc, giòng nước thân tâm nó trôi chảy bên dưới thì chúng ta sẽ thấy rằng có gì đâu mà gọi "Con tôi", có gì đâu mà là "Tài sản tôi", có gì đâu mà gọi là cái mà "Tôi thủ đắc", cái mà "Tôi sở hữu", - không có - tất cả mọi thứ nó như một giòng nước trôi chảy, thân và tâm chúng ta luôn luôn sanh diệt trong từ phút từng giây, buồn vui nào cũng vậy chỉ đến một lần trong đời rồi mai kia mốt nọ những buồn vui nào đó mà nó lại xảy đến trong lòng chúng ta nó lại là những buồn vui khác đến từ những nhân duyên khác, chứ nó không phải là cái cũ nữa. Cái mà chúng ta nắm được trong tay chỉ là ảo vọng, chỉ là ngộ nhận, chỉ là ảo tưởng mà thôi, không ai có thể nắm chặt giòng nước trong bàn tay mình được, điều đó như thế nào thì chúng ta cũng không thể nào mà đem lòng tham của mình mà nắm giữ bất cứ một cái ảo vọng quá khứ nào trong tay được, tất cả "Con tôi, tài sản tôi" nó chỉ là những bóng mờ quá khứ mà chúng ta cố nấn niú nó bằng ảo vọng qua bàn tay 5 ngón vốn là rất là thưa rất là trống trải của mình. Chúng tôi không biết rằng đã nói hết được trọn vẹn những gì mà cần nói về bài kệ số 62 này chưa? và những gì chúng tôi nói liệu có giúp ích gì cho các vị Phật tử trong rơom hay không? Nhưng chúng tôi coi như cũng đã tận lực rồi, thì những gì mà chúng tôi đã tận dụng trích dẫn trong bài giảng này hy vọng rằng sẽ mang lại cho các vị Phật tử một chút gợi ý nào đó trong đời sống và trong cuộc tu của mình, buổi giảng dầu dài dầu ngắn dầu hay dầu dở dầu cạn dầu sâu cũng là một thời pháp./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Download KN 62

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu