Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 58-59

Sen Mọc Giữa Bùn Tanh

Bấm vào để nghe thuyết pháp kinh Pháp Cú 

 

Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Như giữa đống rác bẩn,
Đổ bỏ bên đường cái
Tại đấy hoa sen nở
Thơm sạch vui lòng người

Cũng vậy giữa chúng phàm,
Uế nhiễm và tối tăm
Đệ tử bậc Chánh Giác
Với trí tuệ chói sáng

 

 

(Việt dịch Tỳ Khưu Trí Siêu)

Chánh Hạnh chuyển biên.

TT Giác Đẳng:
Hai kệ ngôn này mang một mạch văn liên tục và được Đức Phật thuyết trong cùng một duyên sự. Có rất nhiều kệ ngôn trong kinh Pháp cú có thể đọc cùng một lúc hai hoặc ba kệ ngôn, chứ không phải chỉ có một kệ ngôn. Đây là một trường hợp. Trong hai kệ ngôn này Đức Phật Ngài dùng hình ảnh đóa hoa sen nở lên từ bùn nhơ bên đường. Đường ở đây chỉ cho con đường người đi qua lại, chỗ “thập mục sở thị”, nghĩa là nơi bá gia bá tánh mọi người có thể thấy, biết, có thể ghi nhận được. Hình ảnh một đám bùn dơ Đức Phật thí dụ cho sự thị phi, tranh chấp giữa trần gian này. Ở trong và trên tất cả, đệ tử Phật sống khác với người và phẩm chất khác biệt đó là bởi vì tâm rất thành.

Duyên sự của bài kệ, thưở đó là vị đệ tử Phật tên là Sirigutta, Sirigutta có người bạn rất thân tên là  Garahadinna. Cả hai là bạn chí thân từ nhỏ nhưng có hai nếp tín ngưỡng khác nhau. Sirigutta là đệ tử Phật, trong khi đó Garahadinna là đệ tử của Ni-Kiền-Tử. Ni-kiền-tử hay Nigandha Nathaputta là một giáo phái lớn thời Đức Phật vẫn còn tồn tại đến ngày nay gọi là đạo Jain tức là đạo Kỳ-Na giáo. Trong kinh điển đạo Jain cũng nhắc nhiều đến Đức Phật cũng như kinh điển của đạo Phật nhắc nhiều về họ. Cả hai đều có mặt đồng thời, đây là một điểm rất đặc biệt khi nghiên cứu về sử liệu. Cả hai tôn giáo có một lịch sử tồn tại rất lâu đời.

Có rất nhiều đoạn trong kinh đề cập đến đức Phật và Nigandha Nathaputta tức là Ni-kiền-tử. Tại đây đề cập một đệ tử Phật và một đệ tử của Nigandha, và hai người này là bạn chí thân. Trong chỗ thân tình đồng thời trong quan niệm truyền đạo, hai người lại mang cung cách khác. Sirigutta là một đệ tử thuần thành trong đạo tràng của Đức Phật nhưng Sirigutta rất ít khi nhắc và đề cập về tín ngưỡng, về niềm tin của mình khi có mặt người bạn. Trái lại Garahadinna là đệ tử của Ni-kiền-tử, lúc nào cũng nhắc và ca ngợi thầy của mình. Chẳng những ca ngợi mà còn cố gắng thuyết phục bạn của mình là Sirigutta từ bỏ Đức Phật để theo Ni-kiền-tử. Hình ảnh này không những thời xưa mà ngày nay chúng ta thấy rất nhiều trong những người cố gắng nói lên niềm tin của mình, thường có những ca ngợi và thường cố gắng. Garahadinna cố gắng đến nổi một ngày Sirigutta không chịu nổi nữa, Sirigutta đã nhìn thẳng vàomặt bạn mình hỏi rằng,
-“ Này bạn, bạn có thể cho tôi biết thầy của bạn, những vị đạo sĩ mà bạn tin tưởng có điểm gì đặc biệt.”
Từ xưa đến giờ Garahadinna ca ngợi các vị đó với bạn của mình,
- “ Bạn hãy theo tôi đến gặp các vị Ni-kiền-tử, những vị này là bậc vô song, là bậc tuyệt luân ở đời, không ai hơn được”
Ca ngợi như vậy nhưng Garahadinna chưa bao giờ thật sự sẵn sàng để trả lời khi được hỏi những vị đó hay như thế nào, giỏi như thế nào mà mình đi theo. Nên khi nghe người bạn chí thân hỏi như vậy, Garahadinna trả lời hết sức giản dị.

-“ Này bạn những vị Ni-kiền-tử biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Không có gì các vị đó không biết”

Khi nghe đệ tử của Ni-kiền-tử nói như vậy, Sirigutta biết rằng bản thân bạn mình và những vị đạo sĩ đó thật sự không có thực chất. Một người có thực chất sẽ không huênh hoang, sẽ không có những lời nói hàm hồ như vậy. Bởi vì nếu biết quá khứ, hiện tại, vị lai thì chỉ có bậc toàn giác mà đời sống vị đó phải khác hơn chứ không thể nào giống như những vị Ni-kiền-tử. Nghĩ như vậy Sirigutta tỏ thái độ không tin tưởng nhưng trong sự khẩn khoản của Garahadinna, Sirigutta đệ tử Phật mới nghĩ một điều là sẽ dùng trí để cảm hóa người bạn thân. Sirigutta nói với người bạn,

-“ Này bạn, tôi sẽ vì bạn, tôi sẽ tạm tin bạn một lần để mời thỉnh những vị thầy của bạn về tư gia trai tăng cúng dường. Bạn hãy đến tu viện nhân danh Sirigutta cung thỉnh những người thầy đến nhà tôi ngày mai để độ cơm.”

Sáng hôm sau bạn của Sirigutta đến nhà Sirigutta rất sớm với mục đích quan sát xem mọi việc chuẩn bị sẵn sàng chưa. Tất cả hầu như đã sẵn sáng, nào chỗ ngồi, nào thức phẩm, nào những thứ trang hoàng. Thấy mọi việc tươm tất, Garahadinna hoan hỷ vui mừng thỉnh các vị Ni-kiền-tử đến nhà bạn thân của mình để thọ trai. Khi những vị Ni-kiền-tử bước vào nhà, ngồi đường bệ vào chỗ ngồi đã soạn sẵn. Ngay lúc đó theo lệnh của Sirigutta gia nhân trong nhà rút những cây chống chỗ ngồi  đã được dàn dựng sẵn ở phía dưới, nguyên tấm thảm sụp xuống, các vị Ni-kiền-tử rơi xuống bùn. Thật ra Sirigutta đã thử trí của các vị Ni-kiền-tử bằng cách làm sẵn một hầm bùn, phía trên dựng những cây cột đỡ một tấm ván cho có chỗ ngồi. Sirigutta nghĩ thầm trong bụng nếu những vị này biết được quá khứ, hiện tại, vị lai như người bạn nói thì những vị này sẽ không để mình rơi xuống bùn như vậy.

Quả thật như Sirigutta đã dự liệu là những vị Ni-kiền-tử không biết được quá khứ, hiện tại, vị lai và rơi vào trong bùn. Họ ra về rất hổ thẹn. Các vị Ni-kiền-tử rất bực tức buộc Garahadinna đưa người bạn thân của mình ra trước pháp đình gặp đức vua Ba-Tư-Nặc. Khi đưa ra pháp đình nói rằng Sirigutta đã có hành động phạm thượng, đặt bẫy để những vị Ni-kiền-tử rơi xuống bùn. Nhà vua hỏi cư sĩ Sirigutta cặn kẽ lý do nào khiến chàng làm như vậy. Sirigutta trình bày là người bạn khăng khăng nói những vị thầy của mình biết được quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhà vua khi nghe nói nghĩ rằng Sirigutta chỉ xúc phạm một chút là cho các vị ấy rơi xuống bùn nhưng qua đó chỉ để tìm sự xác chứng lời tuyên bố của người bạn. Do đó nhà vua tha bổng và không làm gì phiền hà đến Sirigutta, trái lại khiển trách những lời nói huênh hoang của phái Ni-kiền-tử.  Những va chạm như vậy vốn thường xảy ra trong đời sống, ở đây sự va hạm này biến tình bạn trở thành một sự hiềm khích. Garahadinna lập tâm làm thế nào để trả đũa, dĩ nhiên Garahadinna nhắm vào Đức Phật và Chư Tăng. Nghĩ rằng bạn mình là đệ tử trung kiên của Đức Phật và Chư Tăng thì mình sẽ làm cho bạn của mình thấy được rằng Đức Phật và Chư Tăng cũng không hơn gì các vị Ni-kiền-tử. Nghĩ như vậy Garahadinna đã nhờ Sirigutta mời thỉnh Đức Phật đến nhà để trai Tăng. Sirigutta nghĩ thầm có lẽ bạn mình không có tâm thành nhưng tin rằng Đức Phật là bậc Thiên nhân vô thượng Sư, Ngài biết tất cả và Ngài có thể cảm phục tất cả, nên Sirigutta không ngần ngại thay mặt bạn mình thỉnh Đức Phật trai Tăng. Đức Phật biết rõ dụng ý của  đệ tử Ni-kiền-tử muốn gì nhưng Ngài vẫn mặc nhiên nhận lời.

Khi đức Phật nhận lời trai Tăng của đệ tử Ni-kiền-tử, dân chúng thành Xá vệ bàn tán xôn xao. Những người theo ngoại đạo nói rằng, ngày hôm nay sẽ là một ngày bẽ mặt cho Sa-môn Cồ-Đàm và các đệ tử. Những người tin Phật nói rằng, ngày hôm nay là ngày vẻ vang của Chánh pháp. Cho dù người ta nói gì đi nữa Đức Phật và Chư Tăng vẫn đi trai Tăng. Sáng hôm sau đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài đến nhà của Garahadinna với một tâm tư rất bình thản. Lần này Garahadinna rất nặng tay, thay vì làm một hầm bùn như bạn mình đã làm, Garahadinna đã làm một hầm tro phủ trên than nóng. Garahadinna định bụng nếu Đức Phật và Chư Tăng không biết được đó là cạm bẫy thì đây là một đòn chí mạng, Đức Phật và chư Tăng sẽ bị thiêu nóng. Trước khi Đức Phật ngự đến nhà của đệ tử Ni-kiền-tử, có đệ tử của Ngài là Sirigutta đến trước quan sát xem chỗ ngồi, thực phẩm đã được soạn sẵn chưa. Thấy chỗ ngồi được sửa soạn tươm tất và có nhiều nồi đựng thực phẩm cũng đã dọn lên. Thật ra đây là những nồi không có thực phẩm, nhưng Sirigutta vì lịch sự không dở nắp ra xem và nghĩ rằng bạn mình đã thấy được sự bất lực của các Ni-kiền-tử nên phát lòng tịnh tín với Đức Phật. Sirigutta nghĩ như vậy nên đến chùa thỉnh Đức Phật và đi trước, Trên đường đi Sirigutta vẫn tin tưởng tuyệt đối rằng không có bất trắc nào có thể phương hại đến Đức Phật và chư Tăng. Quả thật khi Đức Phật đến, Đức Phật bước lên chỗ ngồi mà dưới đó là một hầm than nóng thì một đóa hoa sen mọc lên đỡ bước chân Ngài. Tất cả mọi việc xảy ra một cách bình lặng an toàn, không có cách gì để chư Tăng và Đức Phật rơi xuống hầm than nóng.

Garahadinna thấy như vậy rất kinh ngạc, hoảng hốt quỳ xuống bạch Đức Phật,
“ Bạch Đức Thế Tôn con đã làm một việc hết sức lỗi lầm, thỉnh Ngài đến nhà với ý đồ đen tối. Chẳng những vậy con còn không chuẩn bị thực phẩm để cúng dường Đức Thế Tôn và Chư Tăng”.
Đức Phật nghe Garahadinna nói như vậy, Ngài dạy Garahadinna,
-“ Hãy đem cơm và cháo cúng dường chư Tăng”
Ngay khi lời nói đó thoát ra từ kim khẩu của Đức Phật, tất cả những nồi không có đầy cơm và cháo thực phẩm, rất thịnh soạn. Garahadinna kinh ngạc một lần nữa. Sau khi thọ thực Đức Phật nói lên lời chúc phúc theo lời thỉnh cầu của Garahadinna. Khi bài chúc phúc chấm dứt cả hai vị này đều chứng quả dự lưu.

Những việc ngoại đạo và đệ tử Phật có những đôi co, tranh chấp  như vậy rất thường xảy ra vào thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật hiện diện trong thế gian này bình lặng như một ngày đẹp trời mùa xuân có hoa thơm cỏ lạ. Khi ánh đạo truyền vào thế gian có thuận có nghịch, có những người đến với Phật bằng tất cả tấm lòng, nhưng có những người khác lại công kích và tìm tất cả mọi cách để chống đối lại Đức Phật. Chống đối trực tiếp Đức Phật cũng có, bên cạnh đó cũng có rất nhiều sự chống đối nhắm vào các đệ tử Đức Phật. Trong hình ảnh của Sirigutta, trong hình ảnh của bạn của Sirigutta, trong sự đôi co đó Đức Phật đã nói lên bài kệ từ sự cảm thán. Trong lời kệ này Đức Phật đã đưa ra một hình ảnh là giữa tất cả những tranh chấp, những hệ lụy hơn thua của cuộc đời mà Đức Phật gọi là đám bùn dơ bên vệ đường . Những thứ đó thật sự đáng nhờm gớm,không đáng để gọi là khả ái khả ý. Những đệ tử Phật với trọn tin Tam bảo và với những gì vị này có thể thấy và biết được có thể thắp sáng ngọn đèn trí của mình.

Trong sớ giải có đặt một câu hỏi rằng tại sao những đệ tử Phật có thể sống bằng trí tuệ như vậy. Bởi vì đệ tử Phật không có âm mưu, không có mưu đồ, cầu cạnh và đối với cuộc đời này bằng tất cả tấm lòng ban bố và ra khỏi cuộc đời chỉ là một sự hiến tặng không mang một ý đồ là trần gian thuộc về của mình, đây là đạo của mình, mình phải được như thế này, như thế khác. Đó là cái nhìn của người có trí. Sirigutta là một người có trí tuệ dựa trên sự trong sạch. Sự trong sạch của nội tâm khác hoàn toàn với người bạn của mình. Người bạn của mình cũng có tín ngưỡng, cũng có niềm tin trong lẽ sống tinh thần, Nhưng niềm tin đó vốn không có căn bản, chỉ dựa trên danh nghĩa, dựa trên sự hãnh diện, sự phô trương. Cơ sở này đã khiến cho người bạn của Sirigutta không trong sạch không thuần tịnh. Và không thể nào trong sạch và đẹp như một đóa sen. Ngược lại Sirigutta đến với Phật đã lâu, hắng nuôi lòng tịnh tín với Tam bảo và đối với người bạn chí thân của mình chuyện nào ra chuyện đó, chưa bao giờ có ý đồ dùng hình ảnh Đức Phật và Chư Tăng, niềm tin của mình như một sự quyến rũ người bạn. Sirigutta cũng rất tôn trọng bạn như tôn trọng những người khác. Trong sự tôn trọng này Sirigutta lại đón nhận một cái nhìn khác của người bạn. Như câu chuyện kể trên bạn Sirigutta rất phiền, cứ nói bên tai khiến cho Sirigutta không chịu được nữa mà phải có thái độ ra mặt như vậy. Hai tâm trạng, hai tâm hồn, hai con người hoàn toàn khác nhau. Đức Phật nhìn hình ảnh giữa cuộc sống này vốn có muôn ngàn sự tranh chấp. Ngoài đời có những sự tranh chấp giữa những người thương gia với thương gia, ngoài mặt trận có sự tranh chấp giữa quân lính với quân lính, trong chính trường có sự tranh chấp giữa những chính trị gia, trong đạo giáo thì có sự tranh chấp giữa tín đồ này với tín đồ khác. Những tranh chấp như vậy là thường tình, vốn là nguyên nhân của muôn ngàn phiền lụy của thế gian.

Điều khác biệt của một đệ tử Phật, một người tìm được hương vị thật sự của đạo, người đó sẽ đứng lên giữa cuộc đời này như một đóa sen giữa bùn dơ. Đóa sen đó nở tươi đẹp, hoàn toàn không mang lại một lụy phiền, không một chút nhơ bợn gì  từ đống bùn đó. Như câu kinh Pháp cú chúng ta đã được nghe,
Giữa đống rác nhớp nhơ
Quăng bỏ bên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sắc đẹp ý người

Cũng vậy giữa quần sanh
 Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc Chánh giác
Sáng ngời với tuệ tri

Có nhiều bản trường ca về tâm linh được ghi trong Vệ Đà, được ghi chép rất nhiều trong các kho tàng giáo điển của các tôn giáo, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một bài ca khác, trong bài ca này nói lên vẻ đẹp của cuộc sống rất chơn chất, rất thực ở những gì được ví dụ.. Bởi khi Đức Phật đưa ra hai hình ảnh không hoàn toàn mang tính cách ví von, mà hình ảnh này nói lên một tâm trạng thật sự của một người đầy đạo tâm sống giữa cuộc đời này, niềm tin trong sạch, tâm ý và cách hành sự của mình một cách tự nhiên không có mưu đồ, không giả tâm đối với những người thuộc đạo giáo khác, thái độ đó rất khó tìm ở những người ngoài Phật giáo, ở những tín đồ không tin Phật Pháp Tăng.

Như giữa đống bùn nhơ
Quăng bỏ trên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sắc đẹp ý người

Cũng vậy giữa quần sanh
 Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc chánh giác
Sáng ngời với tuệ tri

Chúng tôi có một kỷ niệm, ngày xưa còn nhỏ vào trong chùa, một trong những tác phẩm đầu tiên Sư cậu gửi cho chúng tôi đọc là quyển kinh thơ của Tâm Cao. Một trong những lời thi hóa kinh Pháp cú chúng tôi thích thú đó là bài kệ này.
Bùn nhơ từ bỏ vệ đường
Cành liên hoa nở, ngát hương thơm lành
Từ trong mê tối quần sanh
Môn đồ Đức Phật trí danh sáng ngời

Đây là một kỷ niệm. Đã sống ở miền quê, đi ngang những con đường đê thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những hình sảnh tương tự, tại những đầm, những hoa sen nở lên từ bùn rạng rỡ tươi đẹp tinh khiết, đúng là “ Chỗ ấy hoa sen nở, Thơm sạch đẹp ý người”. Mặc dầu Đức Phật đã vượt lên trên, Ngài nhìn trần gian này tất cả chỉ là hư huyễn nhưng Ngài cũng cho chúng ta biết một vài hình ảnh có sự khác biệt, khác biệt giữa bùn và hoa, khác biệt giữa cái gì đáng nhờm gớm và cái gì làm cho tâm hồn chúng ta được đẹp. Và hơn thế nữa Đức Phật Ngài cho biết rằng có những giá trị về tinh thần rất lớn

Như giữa đống bùn nhơ
Quăng bỏ bên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp ý người

Cũng vậy giữa quần sanh
 Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc chánh giác
Sáng ngời với tuệ tri

Bài kệ này có vài từ ngữ chúng tôi sẽ trở lại trong phần tóm lược. Thật ra đây là một mạch văn mang tính cách ngụ ngôn, do vậy không có nhiều từ ngữ cần phải giải thích giống như một số bài kệ trước đây. Tuy vậy chúng tôi đọc lại bài kệ này và đi qua một vài từ ngữ trước khi kết thúc.

Yathā saṅkāradhānasmiṃ
ujjhitasmiṃ mahāpathe
padumaṃ tattha jāyetha
sucigandhaṃ manoramaṃ

Evaṃ saṅkārabhūtesu,
andhabhūte‚ puthujjane;
atirocati paññāya,
sammāsambuddhasāvako

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa chánh văn Pali  và bản dịch tiếng Anh  bởi Ngài Dhammananda một vị trưởng lão. 

As upon a heap of rubbish
thrown on the highway,
a sweet-smelling lovely lotus may grow

Even so amongst worthless beings,
a disciple of the Fully Enlightened One
outshines the blind worldlings in wisdom  

-saṅkāradhānasmi :có nghĩa là trong đống bùn dơ, trong những gì phế thải được quăng bỏ.
-ujjhitasmiṃ mahāpathe  :bỏ bên con đường lớn người đi qua lại, chỗ thập mục sở thị.
-sucigandhaṃ manorama :  sucigandhaṃ là mùi ngọt ngào rất thơm của loài hoa, ở đây là hoa sen. manoramaṃ là làm cho hài lòng , cho mãn ý, cho vừa lòng
 -padumaṃ tattha jāyetha , padumaṃ là hoa sen, tattha  là chỗ ấy, jāyetha  là hoa sen nở
-puthujjane là kẻ vô văn phàm phu, là những người sống giữa trần gian, không có trí tuệ, không có sự hiểu biết.

Ở đây có chữ sammāsambuddhasāvako  vì chữ này đã bị hư nên chúng tôi không muốn dịch sang tiếng Việt. sammāsambuddha là Tam muội tam bồ đề, dịch là Chánh biến tri hay là bậc Chánh giác.
Sāvako là người biết lắng nghe hay là người có khả năng lắng nghe. Người biết lắng nghe là người có thể giữ tâm tư mình được an tịnh, có thể cảm nhận những yếu lý  sâu xa và thường ngày xưa dịch chữ sāvako là Thinh Văn. Chữ Thinh Văn trong nghĩa nguyên thủy rất đẹp, Thinh văn là người biết lắng nghe. Nhưng trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa chữ Thinh Văn được dùng như những người hạ căn, độn trí không có tâm tiếp độ chúng sanh gọi là sāvaka. Chữ Thinh văn trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa mang ý nghĩa  mạ lị hơn là mang ý nghĩa đẹp như truyền thống nguyên thủy. Thật ra chữ sāvako có nghĩa là người biết lắng nghe hay là Thinh văn đệ tử Phật và chữ sāvako được chỉ cho Tăng bảo. Thí dụ chúng ta quy y Phật, quy y Pháp. Quy y Tăng thì sāvako là những vị Thinh Văn này thuộc về Tăng bảo. Tăng bảo là sāvako. Chúng tôi không muốn dịch chữ Thinh văn vì chữ này đã bị hư, trong truyền thống bắc truyền đã làm chữ này không đẹp nữa, nhưng thật sự chữ sāvako là người biết lắng nghe. Còn những người sống giữa cuộc đời này nhưng không có tâm tư lắng nghe chánh pháp, tâm tư luôn chộn rộn hoặc không có trí tuệ, không biết cách để nghe pháp thì những người đó không gọi là sāvako, những người không biết lắng nghe.

Cũng vậy giữa quần sanh
 Uế nhiễm, mù, phàm tục
Uế nhiễm là tâm tư bị ô nhiễm, chữ uế nhiễm ở đây chỉ cho mưu đồ, dã tâm. Người phàm tục trần gian có niềm tin không phải là chuyện khó tìm, rất bình thường. Trong thế gian này người ta rất cả tin đặc biệt về tôn giáo, nhưng trong sự cả tin đó mang hai bản chất là uế nhiễm và mù quáng. Uế nhiễm ở đây là bị vẩn đục bởi những ý đồ sai quấy. Mù quáng tức là không có trí tuệ. Đức Phật dùng chữ phàm tục dịch từ chữ puthujjane có nghĩa tầm thường, chuyện đó rất thường tình.

Nói một cách ngắn gọn, trong bài kệ nói lên một đệ tử Phật sống giữa cuộc đời đến và đi không mang một tâm trạng không có âm mưu nào làm hại người khác hay có mưu đồ nào làm cho mình hay hơn người khác, giỏi hơn người khác hay vĩ đại hơn người khác. Người này sống với tâm hồn rất trong sạch, Đức Phật ví dụ tâm hồn trong sạch và trí tuệ như một đóa tịnh liên, một đóa sen nở ,đẹp, thơm từ trong đống bùn. Hình ảnh này là một ví dụ chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm thấy được rất nhiều người cư sĩ sống giữa tràn gian trong những tranh chấp hơn thua và những người này sống như một thế ngoại cao nhân, sống vượt lên trên tất cả những thế toái ràng buộc của đời sống.

Như giữa đống bùn nhơ
Quăng bỏ bên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp ý người

Cũng vậy giữa quần sanh
 Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc chánh giác
Sáng ngời với tuệ tri

  Hình ảnh này chẳng những đẹp mà còn có ý nghĩa, và hơn thế nữa là một điều đáng để chúng ta suy ngẫm giữa thế giới quá nhiều sự tranh chấp ngày hôm nay.

 

Chúng tôi xin kết thúc tại đây

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

 

 

 

 




Download KN 01


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu