Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 51 & 52

Nói Mà Không Làm, Không Giá Trị



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc không mùi hương.
Cũng vậy dù thiện ngôn.
Không làm không kết quả.

Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc có mùi hương.
Cũng vậy, lời thiện ngôn.
Có làm, mới kết quả.

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m agandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa aphalaa hoti akubbato.
Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m sagandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa saphalaa hoti pakubbato.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu: Hai bài kệ ngôn Pháp Cú 51 và 52 Đức Phật Ngài dậy

Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m agandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa aphalaa hoti akubbato.
Yathaapi rucira.m puppha.m va.n.navanta.m sagandhaka.m
Eva.m subhaasitaa vaacaa saphalaa hoti pakubbato.

Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc không mùi hương.
Cũng vậy dù thiện ngôn.
Không làm không kết quả.
Như bông hoa tươi đẹp.
Có sắc có mùi hương.
Cũng vậy, lời thiện ngôn.
Có làm, mới kết quả.

Ở đây hai bài kệ Pháp Cú này có ý nghĩa như thế nào? Thưa qúi vị trước nhất là chúng tôi xin nhận xét về ý nghĩa của hai câu kệ ngôn Pháp Cú này theo hai chiều, vì bài kệ này nếu đọc qua thì có ý nghĩa một chiều nhưng dựa theo chú giải thì chúng ta thấy có một ý nghĩa khác nữa. Ý nghĩa thứ nhất là dựa theo chú giải của bản kinh Pháp Cú thì danh từ gọi là subhaasitaa vaacaa là lời khéo nói hay lời khéo thuyết, ở đây được ám chỉ cho giáo lý của Đức Phật. Lời khéo nói lời khéo thuyết mà đem nói cho người không thực hành (akubbato) thì sẽ không có kết quả, dầu cho giáo lý toàn chân toàn thiện toàn mỹ nhưng giáo lý đó đem thuyết cho những người không chú tâm, không có sự tinh tấn thực hành thì giáo lý lúc bấy giờ trở thành vô dụng, cũng ví như bông hoa có sắc nhưng không hương, thì cũng vậy đối với những người đó giáo lý đối với họ đẹp thì có đẹp, nghe hay thì biết là hay, nhưng họ không bao giờ hưởng hương vị vì rằng họ không lãnh hội không thực hành theo. Cũng như khi Tôn Giả Ananda đi vào cung điện của vua Pasenadi để thuyết pháp cho hai vị hoàng hậu của vua là bà Mallikà và hoàng hậu Vàsabhakhattiya thì trong hai bà chỉ có Mallikà đã có sự trú tâm nghe pháp nghe thật hoan hỷ và lãnh hội giáo pháp một cách trọn vẹn, còn đối với bà hoàng hậu Vàsabhakhattiya thì mặc dù bà cũng đến tham dự cũng nghồi nghe pháp nhưng không lợi ích gì cho bà, bà không hiểu gì hết. Khi Đại Đức Ananda trở về hầu Phật thì Đức Thế Tôn mới hỏi rằng này Ananda việc học tập giáo pháp của hai bà hoàng hậu như thế nào? ĐĐ Ananda trình bày cho Đức Phật nghe về sự kiện một bà hoàng hậu thì lắng tâm nghe pháp cho nên lãnh hội pháp rất nhanh, còn một bà vì tâm lơ đễnh không lắng tâm nghe pháp do vậy không thông hiểu được chánh pháp. Đức Thế Tôn nhân nghe sự kiện này Ngài thuyết lên bài kệ là giáo pháp dầu cho được khéo thuyết nhưng đối với người họ không chịu nghe, không chịu thực hành, thì giáo pháp đó cũng sẽ không mang lại kết quả gì cả, đó là ý nghĩa theo một phương diện chú giải.

 

Nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa thứ hai thì cũng có một điểm hết sức đặc biệt trong ý nghĩa thứ hai của hai bài kệ. Như bông hoa tươi đẹp có sắc mà không hương thì bông hoa đó sẽ không có giá trị, sẽ không được mọi người ưa thích, không làm được gì cả, không đem vào cúng dường tôn nghiêm hoặc không làm tràng hoa phải mang trên cổ hay đội trên đầu, thì cũng vậy nếu như một người nói và nói những lời đẹp nhưng chính người đó không thực hành đúng những gì đã nói thì như vậy sẽ không có kết quả cho người đó. Đó là ý nghĩa thứ hai.

1) Trước tiên là chúng ta giải thích theo ý nghĩa thứ nhất:

Như bông hoa tươi đẹp, có sắc mà không hương.
Cũng vậy lời khéo nói không làm không kết quả.
Như bông hoa tươi đẹp có sắc lại có hương,
Cũng vậy lời khéo nói có làm có kết quả.



Giáo pháp của Đức Phật được thuyết giảng toàn hảo đoạn đầu, toàn hảo đoạn giữa, toàn hảo đoạn cuối, giáo pháp này có công năng hướng thượng, giáo pháp này cần phải được người trí tự mình tỏ ngộ và giáo pháp của Đức Phật được khéo thuyết như vậy, nhưng đối với người nghe giáo pháp mà không lãnh hội không khéo tác ý và không có sự thực hành thì người đó cũng không nếm được hương vị của giáo pháp. Và ở đây nếu như khi chúng ta nghe pháp của Đức Phật mà muốn hưởng được hương vị của giáo pháp, hưởng được hương vị giải thoát, và chúng ta muốn thấy được giá trị của giáo pháp thì chính mình phải thực hành theo những lời dậy đó, như vậy mới thành tựu được kết quả được tốt đẹp. Cũng ví như là một cỗ bàn được dọn sẵn với những thức ăn thượng vị, mặc dầu những thức ăn đó là những thức ăn có giá trị bổ dưỡng và ngon lành nhưng chúng ta chỉ ngồi đó nhìn ngó thì sẽ không nếm được hương vị ngon của những thức ăn được dọn sẵn trên bàn.

Một điều nữa là chính vì thế mà Đức Phật Ngài dậy rằng đối với vị Tỳ Kheo nếu khi thuyết pháp thì cần phải chú ý thuyết pháp như thế nào đến những người như thế nào để có hiệu quả có lợi ích như vậy mới gọi là khéo thuyết. Chứ nếu như đối với người họ không thực hành pháp bố thí mà vị Tỳ Kheo tán dương giải thích về đức tánh bố thí thì như vậy gọi là hảo thuyết chứ không phải là khéo thuyết. Cũng vậy đối với người họ không có tâm hoan hỷ trong việc trì giới, giới hạnh không trang nghiêm, giới hạnh bị hoen ố, nếu như vị Tỳ Kheo gặp người đó thuyết những pháp tán dương về giới hạnh, chỉ bày về cách giữ giới cho họ, thì như vậy là vụng thuyết chứ không phải là khéo thuyết. Đối với người không có đức tin mà thuyết về niềm tin, tán thán về niềm tin, thì như vậy gọi là vụng thuyết chứ không phải là khéo thuyết.

Thường thường giữa một hội chúng trong đó có những người không có niềm tin và cũng có người có niềm tin, nếu vị Tỳ Kheo đến đó thuyết pháp để mang lại lợi ích đến cho những người có niềm tin thì lúc bấy giờ cũng nên thuyết mặc dầu trong đó có những người không có niềm tin, hoặc giả những người không có hạnh bố thí không có sự giữ giới nhưng vị Tỳ Kheo thuyết pháp là nhắm vào người có đức tin, người có hạnh bố thí, người giữ giới, nhắm vào những người tin tấn thiền định mà thuyết thì như vậy cũng có kết quả và nó được xem như là khéo thuyết.

Cũng như có một lần khi Đức Thế Tôn thuyết pháp cho một nhóm người cư sĩ nghe pháp có Đại Đức Ananda hầu pháp bên cạnh, Đại Đức Ananda trông thấy hội chúng này người thì ngồi lắng tâm nghe pháp, còn có một số người thì ngồi ngủ gục, và một số người thì họ ngồi chỉ biết run đùi xoay bên đây xoay bên kia, còn một số người thì ngồi dùng tay bươi móc ở dưới mặt đất chơi, một số người thì ngó mông trên bầu trời chứ không chú tâm nghe pháp. Thì lúc bấy giờ Đại Đức Ananda sau khi Đức Thế Tôn chấm dứt thời pháp Ngài đã bạch Đức Thế Tôn về thái độ của những hạng người đang ngồi nghe pháp.

Đức Thế Tôn giải thích rằng "Như Lai thuyết pháp chỉ chú trọng đến những người có niềm tin và có tâm nghe pháp để đem lại lợi ích cho họ, còn những người khác thì đi theo nhân duyên của họ, họ không lãnh hội thì điều đó không có hề gì."

Và Đức Phật Ngài giải thích nguyên nhân những người nghe pháp với sự ngủ gục là bởi vì họ đã quen thường cận y năm trăm kiếp trước sanh làm rắn chỉ ngủ thôi, săn mồi ăn no rồi ngủ chứ không làm gì cả quen thường cận y như vậy cho nên bây giờ họ ngủ gục trong khi nghe pháp.

Còn một số người ngồi run đùi hay xoay sở tay chân không yên, đó là người năm trăm kiếp quá khứ từng sanh làm khỉ ở trong rừng cho nên thường cận y duyên như vậy.

Còn có một số người ngồi nghe pháp mà tay của họ táy máy cứ móc đất ở trên nền chỗ họ ngồi, thì những người này Đức Phật giải thích năm trăm đời quá khứ họ đã từng sanh làm những con giun hay những con bọ sống chui rúc ở dưới đất và đào đất quen thường cận y duyên như vậy.

Còn một số người mà họ ngồi ngó mong bầu trời thì những người này trong đời quá khứ họ quen thường cận y làm những nhà chiêm tinh, họ thường xuyên hằng đêm cứ ngắm sao trên trời để tìm hiểu sao đổi hướng v.v... do thường cận y bây giờ họ chỉ ngó mong trên bầu trời .

Còn những người chú tâm nghe pháp thì trong đời quá khứ xa xưa họ là những vị giáo sĩ Bàlamôn thông suốt kinh Vệ Đà chuyên tâm nghiên cứu về triết lý tâm linh, bây giờ họ ngồi nghe pháp, họ muốn tìm hiểu chánh pháp, do vậy họ chú tâm.

Như vậy mỗi một người có một cách khác nhau có một tư tưởng khác nhau. Ở đây người tu tập chúng ta đừng nghĩ rằng đối với giáo pháp đẹp như vậy, giáo pháp hay như vậy, chúng ta có sẵn ở trong nhà chừng đôi ba trăm hay là vài chục cuộn băng pháp của các vị pháp sư lừng danh là tốt, hay là trong tủ sách chúng ta trưng bày ra những quyển có giá trị về Phật pháp thì trở thành nhà học giả hay là những nhà nghiên cứu về Phật giáo, là khéo tu tập. Không phải như vậy. Bởi vì giáo pháp khi thể hiện được hương và sắc chỉ khi nào giáo pháp đó vốn đã được khéo thuyết lại được người thực hành thì như vậy mới có đủ cả sắc và hương. Còn nếu như giáo pháp mà chúng ta chỉ để trưng bày hay chỉ nghe thoáng qua để nhận định như là một môn học mà không có thực hành thì chúng ta sẽ biến giáo pháp này như bông hoa có sắc mà không có hương, thì như vậy không có kết quả gì cho chúng ta cả. Và ở đây là ý nghĩa thứ nhất mà chúng ta cần phải nghiên cứu thì phải tìm hiểu thấu đạt như vậy.

2) Lẽ thứ hai chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm thứ hai:

Việc tu tập trong đời sống hàng ngày chúng tôi cũng xin nói rằng nếu y cứ vào kinh điển và chú giải thì lấy theo ý nghĩa chúng tôi vừa trình bày khi nãy, còn ở đây chúng tôi chỉ lấy theo ý nghĩa của kinh tạng tức là chúng ta lấy theo ý nghĩa ở bên ngoài theo sự nghiên cứu tham khảo của các bậc chú giả. Ngày xưa đến nay chúng ta cũng đã từng nghe nói hoa có sắc mà không có hương là để ám chỉ cho những người mặt và hình tướng ở bên ngoài xinh đẹp nhưng mà thực ra thì ở bên trong nội tâm của họ ô nhiễm cấu uế và có đầy đủ những thói hư tật xấu. Con người như thế người ta thường đánh giá như bông hoa đẹp nhưng không có hương.

Các bậc trí thức cũng có thể thêm một điều là khi chúng ta nói hay mà làm dở thì như vậy cũng giống như bông hoa có sắc mà không hương. Thì lấy theo những ý nghĩa này chúng ta có thể luyện tập tu nhiếp tâm được vẫn là một điều hay, có nghĩa là hàng ngày trong việc tu tập cần thiết nhất là sự thực hành có thực chất chứ không cần cái vỏ bên ngoài, cho dù rằng hình thức có đẹp đi nữa, nghi thức của chúng ta trang nghiêm đi nữa và tư cách của chúng ta có đạo mạo đi nữa nhưng bên trong rỗng không, không có trí tuệ, không có niềm tin, và không có sự tinh tấn thực hành theo pháp thì giống như một bông hoa có sắc đẹp ở bên ngoài nhưng không có hương thơm. Vì vậy chúng ta phải cải thiện lại đời sống của mình, bên ngoài hình thức như thế nào đi nữa nhưng bên trong chúng ta vẫn phải thực hành một cách trọn vẹn và đầy đủ chi tiết những pháp mà Đức Thế Tôn đã giảng dậy: diệt trừ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, tật lận v.v.. những sự bỏn xẻn sự ganh tỵ những lòng tham sân hoặc sự kiêu mạn chúng ta phải dẹp bỏ, bởi vì khi chúng ta dẹp bỏ những tật xấu đó thì lúc bấy giờ bên trong bên nội tâm mới được thanh tịnh giống như là chúng ta có hương thơm vậy.

Trong kinh điển Đức Phật Ngài cũng giải thích về những hạng người giống như cái nồi, giống như trái xoài.

Trái xoài có những trái ở bên ngoài vỏ vàng nhưng thịt của nó thì chua, có những trái xoài chúng ta thấy ở bên ngoài thì xanh nhưng ở bên trong thì ngọt, có những trái xoài chín ở bên ngoài chúng ta thấy vàng ở bên trong cũng ngọt, còn những trái xoài sống thì bên ngoài xanh bên trong cũng chua.
Cũng vậy có bốn hạng người xuất hiện ở đời: Có những người ở bên ngoài thấy màu sắc tươi, phong nhã, đạo mạo thu thúc nhưng ở bên trong trí tuệ của họ rỗng không, họ không thấu đáo am tường về đường lối tu tập, và chính bản thân của họ cũng không có sự tu tập năng động tích cực để đoạn trừ tham sân si, thì như vậy với hạng người đó ở bên ngoài thì vàng nhưng bên trong thì chua.

Còn ở đây chúng ta tu tập là tu tập theo hai hạng người, nếu như chúng ta không có ngoại hình đẹp hay không muốn làm mầu mè ở bên ngoài, không biểu lộ bằng cử chỉ đoan trang hay phong cách đường hoàng đạo mạo, nhưng thật sự ở bên trong chúng ta có cả một trí tuệ to lớn nhận xét một cách xâu sắc về giáo pháp, và thực hành đoạn trừ những phiền não ở bên trong, thì như vậy rõ ràng người này cũng ví như người giống như trái xoài ở bên ngoài thấy xanh nhưng chín ngọt ở bên trong.

Chúng ta có thể thực hành theo hạng người kế tiếp, tức là ở bên trong ngọt ở bên ngoài vỏ cũng vàng. Thì cũng vậy khi tu tập nếu như thật sự chúng ta là một người có đủ tư cách để thuyết phục người khác thì ở bên ngoài chúng ta cũng phải có một tác phong, có một nghi thức có một cử chỉ đàng hoàng đáng kính khả ái, và ở bên trong chúng ta cũng có trí tuệ rộng lớn, và có sự thấu đáo hiểu biết một cách chân chính thành tựu được những gì mà Đức Thế Tôn đã dậy. Như vậy thì ở bên ngoài vàng ở bên trong cũng ngọt.

Còn hai hạng người ở bên ngoài thấy vàng nhưng bên trong thì chua, hay bên ngoài xanh bên trong chua thì trong trường hợp này chúng ta không nên hành theo.

Cũng giống như cái nồi Đức Phật giải thích, có bốn cái nồi:

Một cái nồi có nắp đậy nhưng bên trong rỗng không, không chứa đựng vật thực gì hết, còn có những cái nồi bên ngoài thấy không có nắp đậy nhưng bên trong chứa đầy vật thực ngon thơm. Có nồi ở bên ngoài có nắp đậy sáng loáng ở bên trong cũng chứa đựng những vật thực ngon, và có cái nồi ở bên ngoài xấu xí không có nắp đậy và bên trong rỗng không.

Khi chúng ta tu tập nếu vị nào ở bên ngoài mặc dầu nói ít, không biểu lộ cử chỉ đạo mạo nhưng ở bên trong vị Tỳ Kheo đó đã giác ngộ được tứ đế, như vậy là vị này được ví dụ giống như là cái nồi mặc dù không có nắp đậy nhưng bên trong có vật thực.

Cũng như đối với những vị khéo tu tập ở bên ngoài các căn được thu thúc đạo mạo đoan trang mà ở bên trong các vị đã thật sự tỏ ngộ được tứ đế, thì đây là người được ví dụ như cái nồi bên ngoài có nắp đậy và bên trong cũng có vật thực.

Còn hai hạng người kia tức là một vị Tỳ Kheo hư hỏng không có giới hạnh cũng không tỏ ngộ tứ đế thì như vậy vị này cũng giống như cái nồi ở bên ngoài không có nắp đậy và bên trong cũng không giác ngộ được gì cả.

Còn đối với một vị Tỳ Kheo khác thì ở bên ngoài có vẻ đạo mạo nghiêm trang nhưng bên trong rỗng không, không giác ngộ được pháp môn nào cả thì vị đó được ví như cái nồi có nắp đậy nhưng bên trong rỗng không.

Như vậy chúng tôi đã trình bày cho qúi vị nghe những lý lẽ đó để cho chúng ta hiểu biết rằng câu kệ ngôn này có thể từ đó rút ra bài học khác để hiểu được đời sống tu tập của chúng ta phải là một con người thật sự chất lượng có thực chất chứ không phải chỉ là cái vỏ hình dáng ở bên ngoài, cũng giống như bông hoa tươi đẹp có sắc lại có hương thì bông hoa đó qúi báu, cũng như đối với người nói được thì làm được, nói hay làm hay, nói những điều thiện thì phải làm điều thiện như vậy thì mới xứng đáng tốt đẹp. Còn nếu như người nói hay mà không làm, hay nói được mà không làm được, thì như vậy đối với người này cũng giống như hoa có sắc không hương vậy.

Và ở đây thưa qúi vị hôm nay chúng tôi đã trình bày ý nghĩa của hai bài kệ ngôn kinh Pháp Cú, chúng tôi chỉ muốn rằng đối với pháp mà giảng theo kinh Pháp Cú những bài học qúi giá đó, chúng ta nghe xong lãnh hội, lãnh hội rồi thì nên thực hành để đưa đến lợi ích tốt đẹp cho chúng ta, cũng là tô điểm thêm cho giáo pháp có sắc mà có hương. Chứ còn nếu giáo pháp chúng ta nghe giảng hay nhưng không thực hành gì cả thì sẽ biến giáo pháp này trở thành một bông hoa tươi đẹp có sắc chứ không có hương.

Thì điều đó là điều mà chúng tôi muốn gửi gấm đến qúi vị, và vì bài kệ hôm nay cũng không phải là bài kệ khó khăn để chúng ta hiểu do vậy cho nên chúng tôi chỉ trình bày những ý nghĩa pháp một cách tóm lượt như vậy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 51 & 52

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu