Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 50

Hãy tự tìm lỗi mình


Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Đừng nhìn lỗi người khác
Có làm hay không làm
Nên tự tìm lỗi mình
Có làm hay không làm


Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali


"Na paresam vilomau.ni
na paresam katau.kataö
attano va avekkheyya
katau.ni akatau.ni ca."

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng: Bài kệ số 50 có một điểm rất đặc biệt là nằm trong phẩm Hoa nhưng lại không mang một chút gì liên quan đến Hoa và nếu chúng ta muốn tìm thấy một liên hệ tại sao bài kệ này nằm trong phẩm Hoa thì chúng ta phải đọc tiếp theo cả hai bài kệ 51 và 52, tuy vậy cả ba bài kệ này đặc biệt là bài 50 và hai bài kệ sau được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong hai duyên sự khác biệt không cùng một duyên sự và ý kinh cũng khác biệt, có thể nói rằng đây là một bài kệ biệt lập nhưng mà lại có một mạch văn tương ứng với hai bài kệ sau, điều đó tùy thuộc vào chúng ta và quả thật sự xắp xếp ở trong các phẩm đôi lúc cũng có một vài sự khác biệt.

Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên nhìn tự chính mình
Có làm hay không làm

 

Mới đọc bài kệ này chúng ta lại nghe như là một câu phương ngôn, và thật sự nếu chỉ nghe bài kệ này mà không có đọc được duyên sự hay bối cảnh Đức Phật thuyết ra bài kệ này thì chúng ta cũng không thể nhận ra đó là một thái độ hết sức khôn ngoan trong cuộc sống. Và bởi vì chúng ta quen nhìn đạo giáo như là một nền luân lý, do đó có rất nhiều lời dậy đặc biệt là Phật ngôn chúng ta cứ nghĩ ở trong một khuôn khổ là những lời dậy cái gì nên làm và cái gì không nên là, nhưng mà tàng ẩn phía sau đó là cả một nghệ thuật bí quyết sống, và đây là một thí dụ rất điển hình. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn tại sao. Nhưng trước khi đi vào nội dung của bài kệ này tất cả chúng ta hãy cùng nghe bài kệ này được đọc ở âm giọng Pali của một nhà Sư người Tích Lan Ngài Dhammananda một vị danh tăng tại Mã Lai, và đồng thời sau đó là bản dịch bằng Anh ngữ cũng do Ngài đọc. Nghe hai bài kệ này rồi thì chúng ta sẽ trở lại với ý nghĩa chính của bài kệ, lẽ ra thì chúng tôi sẽ đọc luôn cho qúi vị nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghe kệ ngôn Pháp Cú với giọng đọc của người Tích Lan, bởi vì đó là một quốc gia có âm giọng tương đối là gần với giọng Ấn Độ nhất trong tất cả các quốc gia Phật Giáo Nam Truyền. Và bây giờ chúng ta hãy lắng nghe bài kệ Pháp Cú số 50 với bản Phạn ngữ và bản Anh ngữ

Kính thưa qúi Phật tử để có thể có một ý nghĩa thật sự với tôn ý gần với tôn ý của Đức Thế Tôn chúng ta hãy nghe câu chuyện đã được kể duyên sự của bài kệ này.

Thời Đức Phật còn tại thế có một vị đạo sĩ tên là Pàthika, thật ra vị đạo sĩ này tu theo đạo lỏa thể Kỳ Na Giáo, và vị này nhận được lòng sùng tín đặc biệt của vị nữ gia chủ lớn tuổi bằng tuổi mẹ của mình, vị nữ gia chủ này với tất cả lòng sùng tín mời vị tu sĩ Pàthika về nhà lo lắng chăm sóc hết sức tận tụy. Rồi có một ngày vị nữ gia chủ đó nghe một người bạn nói về ân đức cao cả của Phật Pháp Tăng, và bà khởi một ý muốn là làm thế nào để thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà một lần để được cúng dường để được nghe pháp. Bà đã nói lên ý muốn này với vị tu sĩ Pàthika nhưng cả ba lần vị tu sĩ này đều khuyên bà là không nên làm như vậy bởi vì ông nghĩ rằng Đức Phật không phải là người xứng đáng hơn ông nhận sự kính trọng và cúng dường của bà, thì chúng ta cũng được biết rằng mặc dù vị đạo sĩ này đã cản nhiều lần nhưng vị gia chủ vẫn một mực quyết tâm thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà trai tăng. Vị đạo sĩ này không làm gì được để ngăn cản bà gia chủ, bà đã tự thân đi đến gặp Đức Phật đã thỉnh Phật và Chư Tăng về nhà trai tăng, rồi thì ngày hôm sau trong ngày trai tăng thì bà lại sai đứa con trai đến để chỉ đường cho Đức Phật và Chư Tăng đến nhà. Nhân đó vị đạo sĩ Pàthika mới gọi người con trai của bà lên và nói với người con trai của bà rằng hãy dẫn đường sai khác, đừng dẫn vào con đường đi vào nhà và hãy làm cho Đức Phật và Chư Tăng đi lạc. Thật ra vị này không biết được một chuyện rất đặc biệt ở Đức Thế Tôn là từ khi Ngài thành đạo dưới cội bồ đề Ngài là một bậc Đại Giác Đại Trí ở trong cuộc đời không bao giờ mà Đức Phật trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi Ngài đi đến một nơi nào mà Ngài cần bất cứ ai dẫn đường Ngài hết, những con đường đi lại ở trên thế gian này cũng giống như con đường đi lại trong tam giới và con đường xuất thế, tất cả đều không thể vượt khỏi tầm mắt của Đấng Thế Gian Giải do đó Đức Phật tuyệt đối không cần ai dẫn đường, mặc dù người con trai của bà gia chủ vâng theo lời của vị đạo sĩ Pàthika đã dẫn Đức Phật đi sai đường, nhưng Đức Phật vẫn đi đến đúng nhà và cùng với Chư Tăng vào nhà thọ trai và sau đó Đức Phật đã thuyết pháp. Pháp thoại của Đức Phật đã làm cho vị nữ gia chủ hoan hỷ khởi lòng tịnh tín đối với Phật Pháp Tăng. Lúc bấy giờ đạo sĩ Pàthika ngồi ở phía sau nhận ra thái độ của vị nữ gia chủ như vậy nên ông không dằn nổi sự nộ khí của mình đã bước ra phía trước dùng những lời rất là thậm tệ thô tục để mạ lỵ, không phải chỉ người nữ gia chủ mà ngay cả với Đức Phật. Ở trong một buổi trai tăng Đức Phật và Chư Tăng ngồi trang nghiêm và người nữ thí chủ là người đã đón nhận trọn vẹn pháp thoại của Đức Phật, vị nữ thí chủ là vị hoàn toàn hoan hỷ với sự hiện diện cũng như bài thuyết pháp của Đức Phật, thế mà vị đạo sĩ từ phía sau bước ra phía trước dùng bao nhiêu lời lẽ thậm tệ để lăng mạ Đức Phật và chính bà chủ nhà cũng vậy, đã khiến cho vị chủ nhà rất bối rối cảm thấy khó chịu vô cùng. Bà đã thưa với Đức Phật rằng bà cảm thấy như là buổi trai tăng hôm nay không được trọn vẹn, bởi vì tâm tư của bà không được an tịnh không được hoan hỷ sau khi nghe lời nói của vị đạo sĩ. Và thưa qúi vị ngay trong lúc đó Đức Phật đã dậy bà một suy niệm, cái suy niệm đó như chúng ta đã được nghe.

"Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm
Nên nhìn tự chính mình
Có làm hay không làm

Nếu mỗi chúng ta trong pháp hội này ở trong một trường hợp nào đó tâm tư của chúng ta rất là hoan hỷ, rất là nhẹ nhàng, rất trọn vẹn với niềm tịnh tín, mà một người nào khác bước vào với ngôn ngữ sằng bậy với những lời nói không được tốt đẹp làm cho chúng ta phiền não, thì thật sự chúng ta rất nên nhớ lời Đức Phật đã dậy đó là một cách sống rất đẹp. Bởi vì Đức Phật Ngài dậy rằng ở trên thế gian này có rất nhiều lầm lỗi, cuộc đời này vốn nhiều sự phỉ báng, vốn nhiều ác khẩu, vọng ngữ, ỷ ngữ, những thứ đó rất thường thấy ở trong cuộc đời này, và với một người sống khôn ngoan, thật sự khôn ngoan với chính mình thì thay vì bận tâm với những gì mà cuộc đời, bận tâm với những gì mà thế nhân đang reo rắc thì chúng ta nên bận tâm với những gì mà mình đã làm hay không làm.

Chính điều này khi nãy chúng tôi có trình bày với qúi vị rằng bài kệ này không nên nghe như một phương ngôn, và bài kệ này cũng không nên nghe như là một bài kệ đơn thuần mà không nghĩ xét tới bối cảnh mà Đức Phật thuyết bài kệ này. Nếu chúng ta đặt lại cái nhìn của mình, cái quan niệm ở trong đời sống của chúng ta thường là quan niệm nghĩ đến cái đúng sai phải quấy của người khác nhiều mà không xét lại chính mình. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề, nhìn lại cái gì của chính mình thì mình sẽ thoải mái hơn. Bởi vì khi chúng ta đặt lại vấn đề đúng sai phải quấy của người khác, mình có rất ít khả năng để hoán chuyển, mình có rất ít điều kiện để thay đổi bởi vì đó là hành động của người, đó là sự cư xử của người, đó là tâm ý của người.

Chúng ta có trách móc, có hờn dỗi, có giận dữ, có bực tức, thì đó là chuyện của chúng ta, chúng ta không có nhiều quyền lực đối với thế gian này, cho dù một tổng thống của một cường quốc đi nữa thì thưa qúi vị cũng khó có thể dùng quyền lực của mình để có thể điều khiển được tất cả sự suy tư của người khác. Thay vào đó Đức Phật Ngài khuyên rằng chúng ta nên tự vấn chính mình, khi chúng ta tự vấn rằng mình đã làm được những gì nên làm và đã không làm được những gì nên làm thì lúc đó cái nhìn của chúng ta về cuộc sống hoàn toàn khác, cái thái độ của chúng ta hoàn toàn khác, cái nhân sinh quan của chúng ta hoàn toàn khác.

Thật ra thì thưa qúi vị có đôi lúc mặc dầu chúng ta không phải là một vị Thánh đã đoạn tận phiền não, nhưng nếu chúng ta khéo nhận thức, nếu chúng ta khéo hướng tâm về cái nhìn của mình ở trong đời sống thì sự phản ứng và thái độ và nhân sinh quan của chúng ta có thể thay đổi rất nhiều, từ một cảnh giới có bao nhiêu phiền lụy chúng ta có thể trở về sống rất thực với thực tại, rất gần với chính bản thân của mình với một ý thức trọn vẹn cái gì mình nên làm và cái gì mình không nên làm.

Ở trong bài kệ Pali này lời rất đẹp, phải nói rằng đây là một bài kệ mà lời lẽ nếu qúi vị học Phạn ngữ thì qúi vị sẽ rất là thích đọc bài kệ này, tuy vậy khi chuyển dịch sang tiếng Việt thì chúng ta nghe như là một đoạn văn suôi mà có lẽ sẽ có một vài vị nào đó rồi cũng sẽ viết lên được ý nghĩa bài kệ này ở trong cái nhìn gần với tâm lý sống của chúng ta.

Na paresam vilomau.ni
na paresam katau.kataö
attano va avekkheyya
katau.ni akatau.ni ca.

Đừng nhìn vào người khác để thấy rằng cái gì họ làm hay là họ không làm, hãy tự vấn chính mình cái gì mình không làm và cái gì mình đã làm. Bài kệ trong văn Phạn ngữ rất là đẹp, nhìn vào bối cảnh lúc đó, nhìn vào duyên sự mà chúng ta đã được kể được ghi chép trên đây, thì chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng bà đại thí chủ ở trong một lúc thảng thốt cảm thấy rằng mình bị bàng hoàng trước lời lẽ hết sức là tệ hại của một vị tu sĩ mà bấy lâu nay mình thương mình qúi, mà bấy lâu nay mình lo lắng chăm sóc ở trong chính ngôi nhà của mình, bây giờ vì một cơn phẩn uất, vì một sự ghen ghét, vì một sự bất bình mà vị đó đã tuông ra bao nhiêu lời lẽ tục tằng. Và ngay lúc đó thì bà cũng đã quên rằng từ sáng tới bây giờ bà đã có những giờ phút hết sức nhẹ nhàng, hết sức trong sạch, hết sức tốt đẹp, và rất vui khi Đức Phật hiện diện ở trong nhà của bà, rất an lạc, rất lợi ích để nghe pháp. Bây giờ một người đến họ mang những điều chẳng những không tốt đẹp mà lại là một điều làm cho mình thất vọng thì điều đó không thể trách được tại sao mà bà đã không giữ được tâm tư an tịnh của mình. Rất may lúc đó bậc Tối Thượng Y Vương có mặt ở tại đó, Ngài hiểu được chứng bệnh ở trong lòng bà, Ngài hiểu được nên cho bà uống loại thuốc thần dược gì để có thể chấn định được tâm tư. Và Ngài đã hướng tâm của bà thay vì nghĩ tới thái độ của đạo sĩ Pàthika, thay vì nghĩ đến sự tổn thương trong tâm tư mình, thay vì chỉ nghĩ đến tại sao chuyện đó có thể xảy ra, tại sao người ta có thể nói một lời nói tục tằng như vậy, và tại sao người ta không hiểu được cái hay cái đẹp của Đức Phật. Mà Đức Phật Ngài muốn bà đặt lại hoàn toàn vấn đề là bản thân của mình ở trong đời sống này mình đã nhận ra cái gì là có giá trị, cái gì thật sự tốt đẹp, cái gì thật sự là ưu tiên ở trong cuộc sống, và sau khi nhận thức như vậy thì mình hỏi rằng mình đã làm được những gì và những gì mình không làm được.

Thưa qúi vị, ngày hôm nay chúng tôi sống ở tại thành phố Houston này, chúng tôi lại nghe được rất nhiều câu chuyện là những ngôi nhà thờ, những cơ sở tôn giáo khác vì sự khéo tổ chức, vì khả năng huy động nhân sự người ta có thể tổ chức hội chợ rất lớn làm được rất nhiều tiền, và mở ra rất nhiều cơ sở từ thiện xã hội, trong lúc đó Phật Giáo với một con số đông đảo các Phật tử nhưng lại không làm được những chuyện như vậy, qúi Phật tử đôi khi rất bực dọc về điểm này, tại sao người ta có thể làm được điều này tại sao người ta làm được chuyện khác và thậm chí người ta có những cơ quan truyền thông để công kích để nói những lời bất thiện không tốt cho Phật giáo, và tại sao mình là một tôn giáo có số lượng đông mà mình lại không có khả năng làm khác hơn được. Thì thưa qúi vị khi chúng tôi nghe những người Phật tử than phiền vậy chúng tôi chợt nhớ đến câu kệ này mà Đức Phật đã dậy, thật ra một điều rất quan trọng của người Phật tử hôm nay, thay vì hỏi rằng tại sao chính quyền, tại sao những đạo giáo khác, và tại sao người khác, đã làm điều này hay không làm điều kia, mà chúng ta phải tự hỏi rằng cái gì mình nên làm và cái gì mình đã không làm.

Chúng tôi nhớ có một quyển sách ở trong quyển sách đó nói một lời ca mà Phạm Duy đã viết trong bài hát của mình. Thế hệ Việt Nam hiện tại là một thế hệ mà những thanh niên thiếu nữ có rất nhiều lời trách móc cha anh của mình, những thế hệ đi trước đã không làm tròn được trọng trách của mình, như thế hệ đi trước đã để lại một gánh nặng lớn cho một đất nước đau thương nghèo đói, cho một xã hội nhiễu nhương và cho một nền cầm quyền không có dân chủ tự do thật sự. Chúng tôi đã gặp bao nhiêu thanh niên thiếu nữ lớn lên ở trong thập niên 70, 80, lớn lên với tâm trạng thất vọng chán nản cuộc đời, chuyện đó không phải là ít và có rất nhiều người Việt Nam chúng ta nuôi một tâm trạng chán đời hận đời, và thấy rằng tại sao xã hội đã không làm như vậy, tại sao giáo hội đã không làm điều này, tại sao cha mẹ mình đã không làm điều kia. Nhưng với tất cả tâm tư u uẩn đó, với tất cả những nỗi uẩn khúc trong lòng, thay vào đó nếu chúng ta nhớ được lời dậy của Đức Phật: "Đừng hỏi rằng người khác đã làm hay không làm điều gì, mà hãy tự vấn là mình đã làm hay không làm." Điều đó quan trọng, điều đó thay đổi cả cái nhân sinh quan của mình tại vì mình biết khéo hướng tâm và tại vì mình biết đặt lại vấn đề.

Thưa qúi vị có bao nhiêu bi kịch xảy ra trong đời sống gia đình giữa vợ và chồng, có bao nhiêu bi kịch xảy ra cho một cá nhân suốt một cuộc đời luôn luôn nuôi một nỗi hận không nguôi, mà trong nỗi hận đó chỉ oán trách cuộc sống, chua chát với cuộc sống. Có bao nhiêu người đã đến với cuộc đời này và ra đi mà không bao giờ tìm thấy được sự thoải mãn, mà sống với tâm tư đầy sự thất vọng. Thất vọng thì bao giờ chúng ta cũng có thể thất vọng được, chúng tôi không nghĩ rằng có ai đó mà khi đặt cái vui cái buồn của mình vào cuộc đời mà không phải thất vọng.

Chúng tôi nhớ bà Dorathi có nói câu chuyện của một người thẩm phán, vị thẩm phán đó làm việc ở tiểu bang Illinois và trong suốt cuộc đời của ông đã từng cứu 76 người khỏi phải lên ghế điện chịu tử hình, trong 76 người đó ra đi chỉ có một người là viết thơ cảm ơn ông, còn 75 người kia hoàn toàn không bao giờ nghe tăm hơi gì cả. Người ta cứu mạng mình mà cũng không có nghĩ đến ơn, không nhớ tới thì thưa qúi vị việc đó cũng là việc bình thường thôi, nếu chúng ta nuôi một tâm trạng là trách cuộc đời, nếu chúng ta nuôi một tâm trạng là đặt quá nhiều kỳ vọng ở cuộc sống chung quanh mình, thì thái độ đó không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn chúng ta đến một tâm tư chán nản thất vọng, bởi vì cuộc đời không bao giờ giống như chúng ta muốn. Dĩ nhiên là không phải trần gian luôn luôn đầy nỗi khổ, không phải trên bất cứ một bước chân nào của cuộc đời mình đều gặp những điều thất vọng, nhưng mà có một điều chắc chắn rằng ở trong thế gian này cái vui thì ít cái khổ thì nhiều, cái gì mà tao nhã tốt đẹp thì không có nhiều bằng cái thô tháo tục tằn. Nếu chúng ta không có một nhìn đặt đúng chỗ thì chúng ta sẽ tiếp tục thất vọng, tiếp tục buồn chán và chúng ta tiếp tục đánh mất cơ hội tốt đẹp nhất trong cuộc đời của mình.

Ở trong trường hợp này một vị thí chủ thỉnh Đức Phật đến nhà được cúng dường đến Đức Phật, được tự tay cúng dường thực phẩm đến Chư Tăng, được nghe pháp từ kim khẩu của Phật, được sống một ngày rất an lạc, rất hạnh phúc, rồi từ ở nhà sau một người bước ra dùng lời để thoá mạ, dùng những lời nói không đẹp để làm cho bà cảm thấy bàng hoàng, Đức Phật đã trấn tỉnh bà bằng sự suy nghĩ mới, một cái suy nghĩ mà thay vì nghĩ đến những lời nói không tốt đẹp đó thì Đức Phật Ngài dậy bà hãy nghĩ lại chính bản thân của mình, và nếu mình nghĩ về bản thân của mình thì thưa qúi vị, trừ khi là chúng ta đắc Thánh quả vô sanh như một vị Thinh Văn đệ tử Phật đã hoàn tất hành trình của mình, vị đó có thể tự mình xác nhận rằng những việc cần làm đã làm, thì lúc đó mình mới hoàn toàn thỏng tay vào chợ được thong dong giữa cuộc đời này. Nhưng ngày nào chúng ta chưa tự mình xác nhận với chính mình những việc cần làm đã làm, thì lúc đó có nhiều thứ mà chúng ta tự mình có thể làm được và thứ nên làm mà chúng ta lại bỏ nó đi.

Ở đây thì Đức Phật dậy cho chúng ta một bí quyết quan trọng của cuộc sống là hãy đặt cái ưu tiên lên đời sống đúng chỗ. Cái gì là cái thật sự ưu tiên? Ở đây cái ưu tiên mà Đức Phật Ngài dậy rằng nên tu tập tự thân. Những gì mà mình đã làm, và những gì mình không nên làm, cái làm và cái không làm đó nó liên quan đến cái thiện và bất thiện của chính bản thân của mình, nó liên quan đến sự trì trệ và sự tiến bộ của bản thân mình, nó liên quan đến sự sáng suốt và sự quên lãng của bản thân của mình. Nếu chúng ta xét mình và xét rất rõ thì thưa qúi vị chúng ta sẽ không muốn phí thì giờ để bận lòng với cuộc đời, những lúc mà chúng ta trách móc cuộc đời nhiều là chúng ta quên rằng bản thân của mình có nhiều việc cần thiết phải làm lắm, bởi vì nó quá nhiều việc phải làm mà chúng ta quên nó đi nên chúng ta mới thật sự là người đáng trách, thân phận của chúng ta mới thật sự là tội nghiệp, thân phận của chúng ta là một kẻ đi trong cuộc đời này đang gánh trên vai một gánh nặng mà lại quên bẳng đi sự nhọc nhằn và lúc nào cũng nói chuyện thiên hạ mà quên đi bản thân của mình.

Và vì vậy có nhiều người nói đạo Phật là một tôn giáo theo chủ nghĩa thực dụng (Pragmatic), chúng tôi không nói như vậy, tại vì nói như vậy có đôi khi đó là một cách dán nhãn hiệu, nhưng có một điều rất rõ ràng là Đạo Phật luôn luôn hướng dẫn con người chịu khó phản tỉnh, chịu khó tự vấn, chịu khó tự tìm lấy cái ưu tiên của đời sống này. Bởi vì chỉ có một người nhìn bản thân của mình với cái nhìn sáng suốt thì người đó mới có thể cống hiến cho trần gian này cái gì tốt đẹp nhất. Một người không còn biết được cái gì mình làm nên hay không nên, thì người đó không có gì để ban tặng cho trần gian này hết.

Nên chi câu kệ mà Đức Phật Ngài đã giảng cho chúng ta trong kinh Pháp Cú được ghi với số kệ 50, nếu ở trong một ý nghĩa nào đó nó không phải là một phương ngôn dậy rằng con người phải biết tự phê bình lấy chính mình và không nên phê bình người khác, và trong bài kệ này Đức Phật Ngài muốn nhấn mạnh rằng nếu chúng ta biết đặt lại cái nhìn của mình, nếu chúng ta biết hướng tâm đúng chỗ thì chúng ta có thể vượt qua những cái bận tâm, vượt qua những chuyện vô ích, bởi vì đời sống có nhiều chuyện ưu tiên hơn phải làm, có nhiều chuyện quan trọng hơn phải để ý, chứ không nhất thiết chỉ tập trung hay là lúc nào cũng suy nghĩ đến lỗi lầm của người khác, suy nghĩ đến cái gì mà thiên hạ đã làm mà mình thấy rằng mình mất mặt hay không mất mặt.

Thì thưa qúi vị, chúng ta là một người Phật tử sanh ở trong thời đại này, trong cái vận thế suy vi lòng người điên đảo, và phải nói rằng đạo cũng có thịnh có suy, là một người theo đạo Phật thì chúng ta cũng nhận ra rất nhiều điều là cộng đồng Phật tử có nhiều điều phải thay đổi, nhận rằng những tôn giáo khác với một cái khả năng tài chánh dồi dào, với một khả năng về phương pháp làm việc khá hơn là cộng đồng Phật tử, vì chúng ta có nhiều sự thua kém. Nhưng mà việc chính không phải là việc so đo, không phải đặt vấn đề là mình phải công kích, phải bôi bác người khác, phải nói rằng người ta thế này thế khác, điều quan trọng chúng ta phải tự hỏi rằng mình là một người Phật tử mình đã làm được cái gì để thể hiện được cái tinh hoa của đạo, để phát huy được cái hay của lời dậy của Đức Phật, để làm sống được lời dậy của Đức Phật ở trong lòng của chính mình. Nếu mình có thể phát huy được cái hay của đạo thì chúng ta đã không phải bận lòng với chuyện của nhân thế.

Và thưa qúi vị người quân tử sống ở trong đời nếu thấy được cái đạo mà nó sống mạnh ở trong lòng của mình thì đã đủ an tâm rồi, hà tất phải bận rộn với đảo điên của thiên hạ. Thì đó là một vài chia xẻ của chúng tôi đối với bài kệ ngày hôm nay, bài kệ số 50 ở trong phẩm Hoa của kinh Pháp Cú./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 50

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu