Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 48

Quyền Lực Tử Thần


Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Người hái hoa dục lạc
Ý đắm nhiễm say sưa
Khi lòng dục chưa vừa
Bị thần chết chinh phục

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali


Pupphaani h-eva pacinanta.m byaasattamanasa.m nara.m
Atitta.m yeva kaamesu antako kurute vasa.m.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu: Bài bài kệ số 48 có hai câu đầu trùng với bài kệ số 47

"Người nhặt các loại hoa, ý đắm say tham nhiễm"
Pupphaani h-eva pacinanta.m byaasattamanasa.m nara.m

Nhưng hai câu sau của kệ 47 thì

Tử thần đoạt mạng đi, Như lụt cuốn làng ngủ
Sutta.m gaama.m mahogho-va maccu aadaaya gacchati.

Là vì đề cập đến sự kiện Đức Vua Vidùdabha tàn sát giòng Thích Ca rồi kéo quân trở về đóng quân tại bờ sông và một số người đã nằm ở dưới thấp của bãi sông và bị lụt cuốn trôi đi trong lúc họ ngủ say, do đó Đức Phật mới thuyết như vậy. Bài kệ ngày hôm nay có một điều cũng trùng lập là Đức Thế Tôn thuyết hai câu đầu của bài kệ:

"Pupphaani h-eva pacinanta.m byaasattamanasa.m nara.m -
Người nhặt các loại hoa, ý đắm say tham nhiễm"

Đây là một điều ngẫu nhiên trùng lập nhưng chúng ta đã được biết rằng kệ Pháp Cú mặc dầu ở trong kinh điển thì trật tự thứ lớp từng phẩm và từng câu như kệ 47 tiếp đến kệ 48 nhưng thật ra khi Đức Thế Tôn thuyết là thời điểm khác nhau chứ không phải thời điểm ngày hôm trước và ngày hôm sau như chúng ta nghe Pháp Cú bây giờ, và sau này các vị A Xà Lê khi kết tập Tam Tạng thì các Ngài đã tuyển trọn các câu kệ Pháp Cú và xếp thành phẩm (vagga) và xếp thành câu. Như vậy chúng ta thấy giữa câu 47 và câu 48 có hai câu đầu của bài kệ giống nhau thì điều đó cũng nên biết rằng khi Đức Thế Tôn thuyết pháp Ngài có thể thuyết lại những đề tài đã thuyết trước đây cho các vị Tỳ Kheo hoặc là cho các vị cư sĩ, nhưng sau đó thì vì hoàn cảnh và phương tiện thuyết thêm các pháp khác hay ý nghĩa khác thì điều này chúng ta cũng nên hiểu sơ qua như thế.

Lập lại ý nghĩa trên chúng ta thấy rằng "Người nhặt các loại hoa" ở đây các loại hoa ám chỉ cho dục lạc ngũ trần và tất cả những vật ngoại thân, những tài sản mà chúng sanh chấp thủ ôm ấp, cũng giống như người thợ làm hoa tìm kiếm những bông hoa đẹp chất chứa lại để kết thành những tràng hoa như thế nào, thì đối với chúng sanh với ý đắm say tham nhiễm nên chúng sanh luôn luôn có sự tầm cầu tìm kiếm những bông hoa dục lạc là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc hoặc là những tài sản bất động sản hay động sản như ruộng vườn hoặc nhà cửa, các vật dùng ở trong nhà y phục vàng bạc v.v... Đối với chúng sanh khi ý đắm say tham nhiễm, nhặt các loài hoa dục lạc như vậy chúng sanh không bao giờ thoả mãn được trong các dục. Ý nói rằng lòng lục dục sự thèm khát của chúng sanh đối với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc và sự tham đắm trong vấn đề tích lũy tài sản hay tích lũy những vật họ đắm say ưa thích thì không bao giờ họ có sự thoả mãn, không bao giờ biết đủ. Đức Phật Ngài tuyên bố rằng dầu có một trận mưa bằng vàng chúng sanh cũng không thể thoả mãn được trong các dục. Khi chúng sanh đang mải mê tầm cầu tìm kiếm những thứ tài sản vật chất và những điều họ ưa thích hoan hỷ, với ý đắm say như vậy họ quên rằng sự chết đang rình mò họ và khi họ chưa thoải mãn các dục thì đã bị thần chết bắt đi rồi.

Hai câu kệ sau Đức Phật Ngài thuyết với ý là thần chết bắt đi, nhưng Đức Phật nhấn mạnh vấn đề là khi chúng sanh đang tham đắm say mê trong các dục và chưa được thoả mãn thì đã bị thần chết bắt đi rồi. Ở đây chúng ta dựa vào duyên khởi của câu kệ ngôn, và duyên khởi của câu kệ ngôn này là tích truyện của nàng Patipùjikà. Tiền thân của nàng Patipùjikà là một thiên nữ ở trên cõi trời, vị thiên nữ đó là ngọc nữ của thiên tử Màlabhàrì . Nàng Patipùjikà sanh trong một gia đình giàu có, khi lớn lên năm 16 tuổi nàng đã lập gia đình và sống với chồng ở cõi người được bốn đứa con, do thường cận y duyên, tiền nghiệp, mà nàng nhận ra rằng trước đây nàng cũng từng là các vị Chư Thiên ở trên cõi trời vì vậy cho nên với tâm nguyện được sanh về cõi trời tiếp tục, nàng đã làm các công đức phước báu như là cúng dường hộ độ Chư Tăng v.v... Sau khi mệnh chung ở cõi người nàng hoá sanh trở lại làm vị Chư Thiên ngọc nữ của Thiên Tử Màlabhàrì, lúc bấy giờ Thiên Tử Màlabhàrì cùng với hàng ngàn ngọc nữ đi vào vườn Chư Thiên để thưởng ngoạn gặp nàng và khi được hỏi nàng đi đâu từ sáng cho đến giờ thì nàng trả lời rằng nàng đã hết tuổi thọ và sanh về cõi người và ở dưới cõi người nàng đã có chồng và có bốn đứa con tạo nhiều công đức phước báu cúng dường Chư Tăng v.v... nên sanh về cõi trời này đây. Khi được nghe nói như vậy thì Thiên Tử Màlabhàrì phát tâm kinh cảm và nghĩ rằng sanh làm người tuổi thọ rất ngắn ngủi cho dù rằng 100 tuổi nhưng với 100 tuổi đó so với cõi trời Đao Lợi thì chỉ là một ngày một đêm ở trên cõi trời. Thiên Tử Màlabhàrì hỏi ngọc nữ Patipùjikà rằng chúng sanh nhân loại tuổi thọ ngắn ngủi như vậy mà họ có biết được cách làm phước hay không họ có làm các điều thiện hay không? thì khi đó Thiên Nữ Patipùjikà đã trả lời rằng mặc dù là người chỉ sống một trăm tuổi nhưng họ luôn luôn sống dễ duôi buông lung và họ không nghĩ đến chuyện làm phước, chỉ có một số ít người trong nhân loại là biết cách làm phước là có tâm hướng đến điều thiện mà thôi.

Ở đây thưa qúi vị, chúng ta không đi xa thêm các chi tiết đó mà chúng ta chỉ nhắc đến đây rồi chúng ta trở lại cảnh sống hiện tại ở dưới cõi người. Các vị Tỳ Kheo qua ngày hôm sau vào ngồi trong tọa đường nơi Chư Tăng ngồi để thọ thực, lúc đó không thấy ai sắp đặt nước cũng không có ai dâng cúng thì các vị Tỳ Kheo bèn hỏi rằng Patipùjikà đâu rồi, thì lúc đó các Phật tử thiện tín mới trả lời rằng nàng ấy ngày hôm qua sau khi hộ độ cúng dường cho Chư Tăng nàng đã qua đời rồi, thì các vị Tỳ Kheo nghe tin buồn các vị không cầm được sự động tâm nên bàn bạc không biết là nàng Patipùjikà sống lo làm phước cúng dường phát nguyện làm Chư Thiên bây giờ nàng đã thác không biết nàng đã về đâu, thì Đức Thế Tôn đã cho biết rằng "Này các Tỳ Kheo nàng đã thọ sanh lên cõi trời Đao Lợi về với Thiên Tử người chồng trước kia của nàng rồi." Thì ở đây thưa qúi vị các vị Tỳ Kheo liền bạch với Đức Thế Tôn:

"Bạch Đức Thế Tôn, kiếp sống này của chúng sanh thật là nhỏ nhen ngắn ngủi, mới hồi sáng ngày hôm qua còn hộ độ cho Chư Tăng đến buổi chiều nàng đã phát bệnh chết."

Đức Thế Tôn đáp rằng: "Đúng vậy này Chư Tỳ Kheo, đời sống của chúng sanh ngắn ngủi là thường lệ, những chúng sanh này tuy vậy vẫn còn mải mê hái hoa ngũ trần dục lạc thì vị tử thần bắt giữ"

Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên bài kệ rằng:

Pupphaani h-eva pacinanta.m byaasattamanasa.m nara.m
Atitta.m yeva kaamesu antako kurute vasa.m.

Antako là thần tiêu diệt nó đồng nghĩa với chữ maccu. Trong bài kệ ngày hôm qua chúng ta đã nghe chữ maccu tức là chết là thần chết (maccuracca) là chỉ cho sự chết còn chữ antako có nghĩa là thần tiêu diệt, chữ anta tức là sự kết thúc sự sống, sự tận cùng của sự sống thì cũng đồng nghĩa với sự chết, ở đây chỉ là một phương tiện dùng chữ bài kệ để được phong phú thêm thôi chứ ngoài ra không có ý nghĩa xa lạ cao siêu gì cả.

Ở đây thưa qúi vị, chúng ta trở lại bài kệ hôm nay với ý nghĩa "Người nhặt các loài hoa, ý đắm say tham nhiễm, các dục chưa thoả mãn, đã bị thần chết chinh phục." Từ bài học này chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho việc tu tập. Đối với chúng sanh thường tình có nghĩa là chúng sanh mà không có sự hiểu biết giáo lý Phật Pháp họ không có sự ý thức trong đời sống này thì đối với những chúng sanh đó mải mê đắm nhiễm trong các dục lạc ngũ trần, đi tìm kiếm các dục lạc ngũ trần như người thợ hoa đi tìm hoa, thì đối với họ trong khi họ chưa thoả mãn các dục thì thần chết cũng bắt đi rồi. Đối với người Phật tử chúng ta mặc dầu còn là phàm phu, chúng ta cũng bị thần chết bắt đi, nhưng trong sự ra đi của sự kết thúc sự sống này ở đây chúng ta có một sự chuẩn bị tư lương, tức là có sự chuẩn bị hành trang cho mình.

"Khi mà biết rõ sự sống và sự chết đến một cách dễ dàng, khi chúng ta còn sống, ai sống ngày hôm nay biết được sống ngày mai, không ai điều đình được với Đại Vương Thần Chết, ngày đêm lặng trôi qua, thời gian luôn di động tuổi tác, tuổi thanh xuân tiếp tục bỏ chúng ta, những ai chịu quán sát sợ hãi tử vong này hãy từ bỏ thế lợi, tâm hướng cầu tịch tịnh." Trong Tương Ưng Bộ Kinh Đức Phật đã dậy bài kệ đó.

Khi người Phật tử hiểu biết được điều này thì không thấy gì là sợ hãi với sự chết, bởi vì sự sống luôn luôn kết thúc bằng sự chết, có thân sanh ra thì phải chịu sự già sự bệnh và chết, đó là định luật cố nhiên. Chúng ta không thể nào chối bỏ được, chỉ duy nhất một điều là chúng ta có thể tạo những gì để làm hành trang đi trong ngày vị lai của mình, và lợi dụng cái thân sanh tử để làm được nhiều thiện sự tầm cầu đạo mục đích giải thoát. Chớ ở đây không có nghĩa là khi nghe nói như vậy thì chúng ta hạn chế lại các dục lạc thời chúng ta thoát khỏi bàn tay tử thần, không phải như vậy. Chỉ khi nào chúng ta được đắc quả A La Hán, việc nên làm đã làm, phạm hạnh đã viên mãn, sau đời sống này sẽ không còn đời sống khác thì lúc bấy giờ không còn sự tái sanh, thì chúng ta không còn, lúc đó mới không còn sự chết. Không có sanh thì không có tử.

Chúng ta ý thức và chế ngự nội tâm, biết tri túc, biết đủ, những gì chúng ta đã có được từ việc thụ hưởng các dục lạc ngũ trần sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc, hay là tất cả những tài sản những vật dụng mà chúng ta có được, chúng ta tri túc thiểu dục từ sự tri túc thiểu dục đó để chúng ta có nhiều thời gian dành tâm trí đầu tư cho việc tạo phước báu, tạo thiện nghiệp, và khi chúng ta đã tạo phước báu tạo thiện nghiệp đó nếu như phước báu thiện nghiệp này chưa đủ sức để giúp cho chúng ta thành tựu được cứu cánh phạm hạnh tức là đắc quả A La Hán Niết-Bàn thì ít nữa những phước báu thiện sự đó cũng sẽ nâng đỡ chúng ta trong ngày vị lai sau khi chúng ta mệnh chung, ở đây chúng ta sẽ sanh về những cảnh giới an lạc như ở cõi người và cõi trời. Chính vì thế cho nên Phật tử chúng ta đã học hiểu được Phật Pháp thì chúng ta khác hơn người bình thường, người bình thường thì họ cũng sợ hãi sự chết, họ cũng biết than thở khóc lóc khi tử thần sắp đến với họ, họ sợ hãi khi sự chết sắp xảy ra cho họ, nhưng họ hoàn toàn không ý thức được mình phải làm cái gì để nhẹ nhàng ra đi, không biết để làm cái gì để làm hành trang ra đi đó là sự khiếm khuyết và bất lợi hơn chúng ta ở chỗ đó.

Và thưa qúi vị như vậy thì bài kệ này đã giúp cho chúng ta có một ý nghĩ về sự sống và sự chết, thân này nó quá là mỏng manh, sự chết đi luôn gần kề cứ mỗi ngày trôi qua, mỗi tháng trôi, qua mỗi năm trôi qua thì chúng ta gần kề sự chết, và tất cả chúng sanh đều nằm ở trong quyền hạn của sự chết, sự chết luôn luôn kiểm soát chúng ta, thần chết luôn luôn kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Sự thoát khổ bây giờ chỉ có một vấn đề là đối với sự thụ hưởng dục ngũ trần hay tài sản vật ngoại thân chúng ta nên hạn chế đừng có sự tham đắm, và luôn luôn chúng ta sống với sự biết đủ tri túc không đòi hỏi một cách quá đáng, không quá làm nô lệ tài sản vật chất ngay trong đời sống hiện tại này. Và trong đời sống hiện tại để tranh thủ thời gian tu tập thì chúng ta tu tập chẳng hạn như thiền định, hoặc là chúng ta an trú với pháp vô lượng tâm, hoặc là chúng ta niệm Phật chẳng hạn, hay là chúng ta tu tập quán vô thường, vô ngã, quán cái gì cũng qúi cả, ngoài thiện sự đó ra chúng ta còn một thiện sự nữa là bố thí, cúng dường, trì giới. Dĩ nhiên là chúng ta tùy trường hợp tùy cơ hội mà có thể bố thí cúng dường, chúng ta có thể trì giới gọi là Bát Quan Trai, để cho chúng ta được nhẹ nhàng mà ra đi khi mà sự chết đến gần kề chúng ta không có sự hốt hoảng lo sợ.

Đó là ý nghĩa của bài kệ mà ở đây chúng tôi xin đóng góp và gợi ý cho qúi Phật tử chúng ta về những kinh nghiệm bài kệ số 48 này để chúng ta được sự an vui tu tập.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Download KN 48

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu