Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 47

Mộng và Thực

Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: TT Trí Siêu

Người nhặt hoa dục lạc
Lòng tham nhiễm mê si
Tử thần đoạt mạng đi
Như lụt cuốn làng ngủ.

 

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên


TT Trí Siêu:Câu kệ Pháp cú số 47

Pupphāni heva pacinantaṃ,
byāsattamanasaṃ naraṃ,
suttaṃ gāmaṃ mahoghova,
maccu ādāya gacchati.

Kẻ đang mãi hái hoa
Tâm còn vọng tưởng xa
Bị tử thần bắt mất
Như làng ngủ bị lụt

Đó là bài dịch của Ngài Pháp Minh trong bộ chú giải Pháp cú.

Sau đây là bản dịch của Ngài Minh Châu ,
Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say, tham nhiễm,
Bị Thần chết mang đi,
Như lụt trôi làng ngủ

Trước tiên chúng tôi xin kể một cách tóm tắt về duyên khởi là nguyên nhân câu chuyện Đức Thế Tôn thuyết bài kệ này. Vì mối hiềm hận sâu sắc đối với Hoàng tộc Thích Ca nên vua Vidùdabhalà con của vua Pasenadi nước Kosala, Kiều-sát-la. Bởi giòng tộc Thích ca đã khinh thường Hoàng tử Vidùdabha khi chàng về thăm quê ngoại, nên Hoàng tử Vidùdabha đã tự ái bất mãn và thề rằng khi lên làm vua sẽ chinh phạt dòng Thích Ca và lấy máu của dòng Thích Ca để rửa chỗ ngồi của mình thay vì dùng sữa tươi như thông lệ tại Hoàng cung Ca-tỳ-la-vệ. Với lới thề sâu sắc như vậy Hoàng tử Vidùdabha luôn nuôi hận trong tâm và không khi nào nguôi ngoai được. Đến khi được lên kế vị, Tân vương Vidùdabha đã đem quân tàn sát cả dòng Thích Ca, thậm chí đến đứa bé nằm nôi cũng không tha. Bởi do duyên nghiệp Đức Phật kể lại rằng trong đời quá khứ, dân chúng trong một ngôi làng rủ nhau đánh thuốc độc  xuống một dòng sông khiến cho cá, tôm, rùa đều bị chết. Do nghiệp như vậy nên dòng Thích Ca ngày nay phải chịu chung một số phận. Mặc dầu hiện tại Hoàng tộc Thích Ca là những vị Thánh cư sĩ Tu-đà-hườn, tất cả sau khi nghe pháp của Đức Phật, được Đức Thế Tôn chuyển pháp luân tế độ cho họ đã giác ngộ đạo quả.

Ở đây do nghiệp quá khứ nên dòng Thích Ca không tránh được nạn kiếp, và cho dù Đức Thế Tôn đã ba lần ngự đến bên cương giữa hai xứ. Đức Thế Tôn đã ngự tại một cội cây trơ trọi cành lá và ánh nắng tràn ngập thân của Ngài. Khi đó Đức vua Vidùdabha đem quân sang biên giới thì gặp Đức Phật.
Nhà vua đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch rằng,
- “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Ngài không ngự đến cội cây có bóng mát mà lại ngự tại cội cây trơ trọi cành lá này, nắng làm nóng nảy thân thể”
Lúc bấy giờ Đức Phật gợi ý rằng,
-“ Có bóng mát quyến thuộc che mát  Như Lai rồi, tâu Đại Vương”
Khi nghe nói như vậy lần thứ nhất, lần thứ hai, Vua Vidùdabha vì kính trọng Đức Phật nên kéo quân trở về nhưng Đức vua lại tiếp tục kéo quân lần thứ ba. Lần này Đức Thế Tôn xét thấy do duyên quá khứ dòng tộc Thích Ca không thể trốn chạy được ác quả. Vì vậy Ngài không ngự đến biên cương như hai lần trước. Và thế là Đức vua Vidùdabha đem quân tràn sang biên giới và tấn công vào nước Sacka, đến tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Dòng Thích Ca có thể chiến đấu, chống lại kẻ thù xâm lăng nhưng vì dòng Thích Ca là những vị Thánh nhân. Vị Thánh nhân Tu-đà-hườn không bao giờ phạm giới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Vì vậy quân của Vua Vidùdabha tiến thẳng vào thành mà không gặp một dự chống cự nào, và không đổ một giọt máu.  Sau khi bắt tất cả dòng Thích Ca, Đức vua Vidùdabha đem xử giết cả, chỉ trừ một số vị thuộc dòng Thích Ca tìm một mẹo mực để trốn thoát mà không bị phạm giới nói dối.

Khi Đức vua Vidùdabha cùng với ba quân tướng  sĩ lui quân trở về nước, lúc đi ngang qua bờ sông Aciravatì, trời đã tối nên đóng trại trên bờ sông. Giữa dòng sông do khô hạn không có nước, nhũng cồn cát nổi lên. Những tường sĩ tùy tùng của vua không mang cộng  nghiệp chỉ đi theo nhưng không giết hại những người trong dòng tộc Thích Ca là những vị Thánh nhân khiến họ thích nằm ngủ trên bờ đất cao ráo hơn là nằm trên những bãi cát dưới lòng sông. Riêng về những người mang ác nghiệp, nhúng tay vào thảm sát dòng họ Thích Ca, do ác nghiệp chi phối,  khiến ở trên bờ đất tự nhiên họ thấy nóng nảy cho nên họ đi xuống ngủ dưới các cồn cát giữa dòng sông cho mát. Ngay cả đức vua Vidùdabha cũng vậy. Sau nhiều ngày chinh chiến mệt mỏi, đặt lưng nằm xuống họ cảm thấy khoan khoái dễ chịu và ngủ say sưa. Khi đó có một trận mưa sái mùa, một trận lũ lụt to lớn gọi là mahogho hay mahogha. Mưa như trút nước, chẳng mấy chốc dòng sông tràn đầy nước tạo nên dòng thác lũ cuốn trôi tất cả nhà vua Vidùdabha và những tướng sĩ tùy tùng làm mồi cho kình ngư.

Khi sự kiện này được trình bày lên Đức Phật, Đức Thế Tôn nhân cơ hội đó thuyết lên bài kệ,
Kẻ đang mãi hái hoa
Tâm còn vọng tưởng xa
Bị tử thần bắt mất
Như làng ngủ bị lụt.
Ở đây khi trình bày duyên sự bài kệ, chúng tôi nhận thấy cần phải nói rõ điểm này để quý vị không ngạc nhiên, bởi vì dựa vào sự kiện mà vua Vidùdabha và đoàn tùy tùng ngủ say mê dưới lòng sông cạn đến nổi bị nước lụt cuốn trôi nhận chìm vào biển cả. Đức Phật Ngài muốn lấy hình ảnh này làm đề tài để thuyết pháp cho chúng Tỳ kheo. Chứ thật ra bài kệ này không liên hệ gì đến Đức vua Vidùdabha hay tùy tùng của vua. Bởi vì những người đó tạo ác nghiệp ngay trong hiện tại là sát hại các bậc Thánh nhân dòng họ Thích ca , sau đó họ phải bị chết thảm khốc. Còn dòng Thích ca sỡ dĩ bị chết thê thảm như vậy là bởi do nghiệp ác đời quá khứ, dân làng cùng nhau đã đổ thuốc độc xuống một dòng sông nhỏ khiến tất cả tôm, cá, rùa và những loài sống dưới nước chết hết.

Hai sự kiện đó không liên quan gì đến bài kệ. Nhưng khi các vị Tỳ kheo báo tin cho Đức Phật vua Vidùdabha và tất cả tùy tùng đang ngủ say dưới dòng sông cạn và bị nước lụt cuốn trôi. Lấy hình ảnh này Đức Phật Ngài mô tả một vấn đề khác.
Kẻ đang mãi hái hoa
Tâm còn vọng tưởng xa
Bị tử thần bắt mất
Như làng ngủ bị lụt
Đức Phật Ngài nói lên câu kệ đó có ý nghĩa như sau, danh từ Pupphāni là những bông hoa, đó là chỉ cho dục lạc ngũ trần hay những ác bất thiện pháp khác hoặc những vật dụng liên quan đến đời sống chẳng hạn như ruộng vườn tài sản, quốc độ đối với vua, hoặc đối với những bậc xuất gia  là những vật có thể làm cho dính mắc như cốc liêu, tịnh thất, y, bát chẳng hạn.
Câu thứ hai byāsattamanasaṃ naraṃ tức là người có tâm mãi mê đắm say theo dục lạc ngũ trần hay mê luyến theo những vật ngoại thân, những vật mình làm sở hữu chủ.

Hai câu kệ đầu,
Người nhặt các bông hoa
Ý đắm say tham nhiễm
Ý nói rằng khi chúng sanh trong loài người đang mãi mê chạy theo danh và lợi, chạy theo những thị hiếu sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, họ bám chấp vào đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và những gì họ ưa thích. Khi họ còn đang chạy theo như vậy, tình trạng này được gọi là tình trạng mê ngủ của chúng sanh. Tại sao gọi là mê ngủ? Vì rằng chúng sanh lúc bấy giờ đang mãi mê say sưa như vậy, họ không thấu triệt được vạn pháp ở đời là vô thường, khổ và vô ngã. Họ không biết được sự nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước, không đề cao cảnh giác, không nhận thấy được sự già,chết đang gặm nhấm chi phối họ.

Cũng ví như người đi vào rừng, trèo lên một sợi dây leo hái trái để ăn. Trong lúc đang treo mình trên sợi dây và say sưa ăn trái, họ đâu có ngờ ở tận phái trên sợi dây thừng đó bắt đầu mục hư và đang đứt dần từng sớ dây nhỏ bên trong. Và vì rằng không có sự cảnh giác cho nên  cuối cùng họ rơi xuống đất bị thương tích hoặc tử vong. Cũng vậy trong đời này chúng ta luôn luôn bị mê ngủ và sự mê ngủ đó là trạng thái đắm chìm trong dục lạc ngũ trần mà không ý thức được, tìm được lối thoát thân.

Cũng như có câu chuyện một người thương buôn, ông đi buôn bán chỗ này chỗ kia. Khi bán hàng xong ông ta nghĩ rằng, chúng ta không vội gì về cho quá sớm, hãy ở đây cho hết mùa mưa. Khi hết mùa mưa đến mùa lạnh ta sẽ đến nơi khác để du ngoạn. Rồi sang đến mùa nóng ta lại đến chỗ khác nữa. Như vậy trên  đường về ta có thể du ngoạn nhiều nơi. Mùa mưa ở chỗ này, mùa lạnh ở chỗ kia, mùa nóng ở chỗ nọ. Lúc bấy giờ  tại chùa Jetavana, chùa Kỳ Viên Đức Thế Tôn với Phật nhãn nhận thấy người thương buôn này sẽ chết trong bảy ngày nữa nhưng ông ta không hay biết việc đó. Ông ta chỉ an tâm say mê trong việc buôn bán thuận lợi với suy tính an cư chỗ này an cư chỗ kia. Đức Thế Tôn dạy Đại Đức A-Nan-Đa đi đến báo cho người thương buôn biết rằng trong bảy ngày nữa ông ta sẽ chết, vậy ông ta hãy làm những gì ông ta thấy hợp thời và hãy cố gắng tạo nhiều công đức phước báu để sau khi mạng chung sanh về cõi an lạc. Khi nghe nói như vậy người thương buôn khởi lên tâm kinh cảm sợ hãi và ông ta thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến cúng dường trai Tăng liên tục bảy ngày. Đến ngày thứ bảy ông ta khởi lên một chứng bệnh và chẳng  mấy chốc qua đời, sanh về cõi trời do nhờ phước báu ông ta đã tạo.

Trong đời sống có những điều chúng ta rất phi lý. Luôn luôn chúng ta quên đi thực tại, mơ tưởng những tương lai, tham đắm những gì mình có. Không ý thức được rằng cái này là vô thường, khổ và vô ngã. Càng không ý thức được con đường mà ta phải đi tức là con đường chánh đạo chánh thiện mà chúng ta phải đi để tạo hành trang cho mình, chuẩn bị tư lương đem theo trong ngày vị lai. Hoặc giả chúng ta không  thể nào thức tỉnh giấc ngủ vô minh để dừng lại sự tham muốn đó, làm các việc thiện hay tu tập để viên mãn trí tuệ ngõ hầu thành tựu quả vị A-la-hán chấm dứt sanh tử luân hồi.

Bởi vậy danh từ Buddha hay Buddho tức là danh từ Phật có nghĩa như thế nào? Chữ Buddho là Phật có nghĩa là giác giả. Chữ Buddhatiti buddho là sự giác ngộ được gọi là Phật mà chữ Buddhati cũng có nghĩa là thức tỉnh. Theo chú giải Tiểu bộ, người hiểu biết được Tứ đế gọi là Phật. Một lẽ nữa tức là người tỉnh thức khỏi giấc ngủ vô minh được gọi là Phật. Khi chúng ta còn đang mê ngủ tức là còn bị vô minh chi phối. do vậy chúng ta chưa gọi là Phật, chưa gọi là bậc giác ngộ, vì thế tử thần luôn luôn bắt chúng ta mang đi. Cũng giống như một trận lụt to cuốn  trôi làng đang say ngủ. Đời sống phàm phu chúng ta không khác gì những kẻ ngủ mê bị lụt cuốn trôi. Có lẽ trong chúng ta ít có người chứng kiến cảnh lũ lụt. Tại miền trung và  tây nam bộ Việt Nam hằng năm có những trận lụt lớn. Khi nước trên thượng nguồn dòng sông dâng cao đổ xuống tạo thành một dòng chảy rất mạnh, xô ngã và cuốn trôi tất cả những gì trên đường đi. Do đó những cư dân sống tại các vùng thường có lũ lụt phải luôn luôn tỉnh giác. Thấy như vậy chúng ta mới suy nghĩ về đời sống của mình. Nếu chúng ta ngủ quên trong giấc ngủ vô minh, mãi mê đắm say trong dục lạc, mãi mê nhặt những đóa hoa đẹp trong thế gian này sắc, thinh, hương, vị, xúc. Khi đang mãi mê như vậy chúng ta sẽ bị thần chết cuốn trôi đi giống như lụt trôi làng ngủ.

Thật ra bài kệ không có gì khó hiểu. Những từ Đức Phật Ngài sử dụng tại đây có ý ám dụ Pháp.
Pupphāni heva pacinantaṃ,
byāsattamanasaṃ naraṃ
Hai câu kệ trên phải hiểu theo nghĩa bóng.
Còn câu suttaṃ gāmaṃ mahoghova là một minh họa cho bài kệ.
Do đó bài kệ được sử dụng nhiều ý nghĩa còn dấu kín, nhưng theo chú giải giải thích thì điều này rõ ràng chứ không có gì khó hiểu. Chúng ta đã hiểu với một người trong cuộc sống mãi say mê và ngủ quên trong giấc ngủ vô minh. Họ vẫn miệt mài hái từng cành hoa dục lạc. Như vậy người đó sẽ bị tử thần bắt đi giống như nước lụt cuốn trôi ngôi làng đang say ngủ. Đó là ý nghĩa bài kệ, mong rằng bài kệ sẽ đánh thức chúng ta dậy. Đức Thế Tôn thuyết bài kệ này không nhắm vào sự kiện xảy ra cho vua Vidùdabha và đoàn tùy tùng, cũng không nhắm vào sự kiện dòng Thích Ca bị tàn sát. Ở đây Đức Phật Ngài chỉ lấy hình ảnh đoàn người đang say ngủ bị nước lụt cuốn trôi  giống như chúng sanh đang say sưa trong giấc ngủ vô minh bị tử thần bắt đi.

Một khi thần chết hiện về
Nào ai có thể chở che cho mình
Đành rằng chúng ta không thể nào chiến đấu, chống cự lại được với thần chết. Nhưng trong cuộc sống chúng ta có ý thức làm các điều thiện, những công đức và hướng tâm đến việc tu thiền để tạo cho mình một trí tuệ sáng suốt ngõ hầu trong tương lai thoát khỏi  khổ trầm luân sanh tử. Thà rằng như vậy còn hơn chúng ta say mê trong dục lạc ngũ trần mà không làm gì cả thì sẽ chết trong trạng thái mê ngủ. Do vậy người Phật tử tu tập trong giáo pháp này, chúng ta biết rằng,
Già là một định luật không ai có thể thoát khỏi sự già
Chết là một định luật không ai thoát khỏi sự chết.
Nhưng khi chúng ta biết được rằng thân mình đây mỗi ngày mỗi già, mỗi ngày mỗi  héo mòn và khô kiệt. Khi biết như vậy chúng ta hã y sử dụng xứng đáng những quãng đời còn lại của mình. Chúng ta hãy tranh thủ từng giây từng phút, từng ngày từng tháng từng năm, lúc nào có cơ hội bố thí thì chúng ta bố thí, có cơ hội trì giới thì chúng ta giữ giới thanh tịnh, có cơ hội tu thiền thì chúng ta hãy tinh tấn, nổ lực nhiệt tâm tu thiền. Khi ý thức được như vậy, làm được như vậy thì cho dù rằng chúng ta có bị chết cũng không tai hại cho đời sau.

Còn những người miệt mài theo ác pháp, chỉ sống trong dục vọng, những người này cũng chết và sẽ đến những cảnh giới bất an trong tương lai. Như vậy người Phật tử phải cố gắng nổ lực tu tập, mặc dầu hiện tại chúng ta chưa thật sự tỉnh thức, chua thật sự thức dậy khỏi giấc ngủ vô minh như Đức Phật hoặc các vị A-la-hán. Nhưng chúng ta cũng có thể gọi là thức giấc so với hạng chúng snah còn đang mê ngủ trong ác pháp. Chúng ta vẫn ý thức được đời sống này là khổ đau, tạm bợ và bấp bênh. Cho nên chúng ta làm những việc phước báu, công đức, chúng ta cũng được gọi là những người tỉnh thức, không mê ngủ. Mặc dầu sự chết vẫn đến với chúng ta và đến với bất cứ hình thức nào không biết được. Nơi nào chúng ta chết, ở trong nhà hay ngoài đường. Thời gian chết  như tuổi thọ 50 tuổi, 60 tuổi, chết lúc nào chúng ta cũng không biết được. Chết bằng cách nào, bị tai nạn giao thông hay già mà chết, hay bệnh mà chết, hoặc bị người khác ám hại mà chết, chúng ta cũng chưa biết được. Đó là những điều bất định. Chúng ta nghĩ đến sự chết để nhớ rằng khi còn thân xác này chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị hành trang thiện nghiệp phước báu và sẵn sàng để ra đi. Đó là nội dung bài pháp.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

 




Download KN 01


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu