Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 44 - 45

Hãy Quán Triệt Mảnh Đất Nội Tâm



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Trí Siêu

 

Ai quán triệt đất nay
Dạ ma, nhân, thiên giới?
Ai hiểu được pháu cú
Đã được khéo thuyết giảng
Như chuyên viên lựa hoa?

Hữu học quán triệt đất
Dạ ma, nhân, thiên giới
Hữu học hiểu pháp cú
Đã được khéo thuyết giảng
Như chuyên viên lựa hoa

Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Ko ima.m pa.thavi.m vicessati
Yamaloka~nca ima.m sadevaka.m
Ko dhammapada.m sudesita.m
Kusalo pupphamiva pacessati.
Sekho pa.thavi.m vicessati
Yamaloka~nca ima.m sadevaka.m
Sekho dhammapada.m sudesita.m
Kusalo pupphamiva pacessati.

Minh Hạnh chuyển biên:

TT Trí Siêu: Kinh Pháp Cú phẩm Hoa (Pupphavagga) hai câu kệ 44 và 45 cùng một duyên khởi. Khi Đức Thế Tôn ngự tại Sàvathi lúc ấy các Tỳ Kheo vào buổi chiều tụ họp tại ngôi giảng đường và trong khi chờ đợi bậc Đạo Sư quan lâm thuyết pháp thì các vị Tỳ Kheo nhất là các vị khách Tăng hỏi han nhau bàn luận với nhau về những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi về Sàvathi để thăm viếng Đức Phật, các vị bàn luận mặt đất này có chỗ cao thấp, có chỗ thì đá, có chỗ thì đất sét, có chỗ thì đất bùn v.v... và ngay khi đó Đức Thế Tôn ngự đến ngôi giảng đường, các vị Tỳ Kheo đã đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

"Này các Tỳ Kheo các người đang bàn luận chuyện gì?" Thì lúc bấy giờ các vị Tỳ Kheo đã trình bày lên Đức Phật những điều đã bàn luận, khi đó Đức Thế Tôn đã khuyên các vị Tỳ Kheo nên tìm hiểu chính quả đất này tức là chính thân mình thì có ích lợi hơn là bàn bạc tìm hiểu về quả đất bên ngoài. Đức Thế Tôn đã lấy đó làm đề tài để thuyết giảng Pháp Cú kinh cho Chư Tỳ Kheo nghe bằng kệ như sau

 

Ko ima.m pa.thavi.m vicessati
Yamaloka~nca ima.m sadevaka.m
Ko dhammapada.m sudesita.m
Kusalo pupphamiva pacessati.

Ai quán triệt đất nay
Dạ ma, nhân, thiên giới?
Ai hiểu được pháu cú
Đã được khéo thuyết giảng
Như chuyên viên lựa hoa?

Sekho pa.thavi.m vicessati
Yamaloka~nca ima.m sadevaka.m
Sekho dhammapada.m sudesita.m
Kusalo pupphamiva pacessati.

Hữu học quán triệt đất
Dạ ma, nhân, thiên giới
Hữu học hiểu pháp cú
Đã được khéo thuyết giảng
Như chuyên viên lựa hoa

 


Bài kệ số 45 "Bậc hữu học chinh phục quả đất cõi dạ ma cõi thiên giới, bậc hữu học hiểu Pháp Cú được khéo thuyết như người chọn hoa." Trước hết chúng ta phải hiểu rằng trong hai bài kệ này Đức Thế Tôn Ngài có dụng ý nhắc nhở các vị Tỳ Kheo không nên mất phí nhiều thời gian, hôm nay nếu chúng ta không làm được thiện pháp để trôi qua đến ngày mai thì thời gian sẽ bị bỏ trôi. Thời gian trôi qua không nắm lại được, trong việc tu tập cũng vậy chúng ta không thể nào trì niú thời gian, chúng ta bỏ phí thời gian quá nhiều để cho những việc vô ích. Ở đây chúng tôi muốn nói là bỏ phí thời gian cho những việc vô ích chớ không nói đến vấn đề là phải dành thời gian ra để mưu sinh, việc mưu sinh đi làm có được tài sản tiền bạc, để nuôi sống bản thân và nuôi sống gia đình, đó là một điều cần thiết, trường hợp đó chúng ta không gọi là phí thời gian. Nếu dùng thời gian để tìm hiểu những cái không đáng tìm hiểu như các vị Tỳ Kheo trong câu truyện đi tìm hiểu bàn bạc với nhau về độ dày, mỏng của trái đất, chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ đất bùn, đất sét v.v.., đi tìm hiểu những điều đó Đức Phật cho rằng là một sự tìm hiểu thảo luận không có lợi ích.

Vì vậy Đức Phật Ngài dựa vào vấn đề đó Ngài mới dạy các vị Tỳ Kheo hãy tìm hiểu chính quả đất này, tức là tìm hiểu danh sắc này, tìm hiểu thân này để thấy rõ thân này là vô thường, là khổ, là vô ngã. Chúng ta luôn luôn đi tìm hiểu để thấy rõ sắc thân này hình thành một cách giả tạm, hãy lợi dụng vào sắc thân này để tiến tu đạo hạnh và đến một trạng thái tốt đẹp hơn. Có những vấn đề chúng ta cần phải chinh phục khi chinh phục được thì đó là một sự lợi lạc rất to, đó là chúng ta chinh phục quả đất này là tìm hiểu thấu suốt được danh và sắc này sanh diệt như thế nào. Chúng ta phải tìm hiểu quả đất này và một phần nữa là chúng ta phải chinh phục tức là phải hiểu thấu được những cảnh giới tái sanh mà bản thân mình phải đi qua để phát tâm sợ hãi kinh cảm để rồi mới quyết tâm tu hành. Đó là chúng ta phải biết rõ bốn đường ác đạo tức là bốn cõi khổ, địa ngục, ngã qủi, súc sanh, a tu la được xem như cảnh giới của những hành động ác những nghiệp ác, còn những cõi như cõi nhân loại ,các cõi trời dục giới, 16 cõi trời Phạm Thiên sắc giới, và bốn cõi vô sắc giới đó là những cảnh giới tốt thành tựu được do thiện nghiệp mà chúng ta đã tu tập.

Khi đặt vấn đề chinh phục quả đất chúng ta cũng nên nhớ một điều là trong giáo pháp Đức Phật Ngài dậy về vấn đề tu tập nên tự giác rồi mới giác tha, tức là tự mình hiểu biết pháp, giác ngộ được pháp rồi mới hướng dẫn cho người khác, tự mình đã tu tập được mới nên dạy người khác tu tập, tự mình đã chinh phục được chính quả đất này, hiểu thấu quả đất nội tâm này chúng ta mới nghĩ đến việc giải thích cho người khác.

Đức Phật Ngài hiểu rất nhiều những sự kiện ở đời như một lần nọ tại khu rừng simsapà Ngài với tay nắm lấy một nắm lá cây rồi nói rằng:

"Này Chư Tỳ Kheo, các ngươi nghĩ như thế nào số lá cây trong nắm tay Như Lai và số lá cây trong rừng cái nào nhiều và cái nào ít.

"Bạch Đức Thế Tôn, số lá cây trong nắm tay Ngài quả thật rất ít so với lá cây trong khu rừng."
Đức Phật Ngài dậy:

"Cũng vậy, Này Chư Tỳ Kheo, pháp Như Lai thuyết cho hàng đệ tử nghe thì pháp đó đã được Như Lai giác ngộ, và pháp đó chỉ là số lượng ít so với Pháp Như Lai đã liễu tri, tất cả những pháp tục đế, pháp chân đế, pháp hiệp thế, pháp siêu thế mà Như Lai đã thấu triệt bằng nhất thiết chủng trí, sự hiểu biết của Đức Thế Tôn về vạn pháp, sự hiểu biết các pháp nhiều bằng số lá cây trong rừng vậy, nhưng mà những gì Đức Thế Tôn thuyết cho đệ tử nghe thì chỉ bằng số lá cây trong nắm tay Như Lai thôi, vì sao vậy? vì này Chư Tỳ Kheo, mặc dù những pháp đó ít hơn so với pháp mà Như Lai đã hiểu và thấy, nhưng mà số ít này vì liên hệ đến mục đích giải thoát cho nên Như Lai mới thuyết giảng."

Ở đây thưa qúi vị, cũng vậy trong quá trình tu học của chúng ta có những điều cần phải tìm hiểu, nhưng có những điều không nên bỏ phí thời gian để tìm hiểu ,bởi vì nó sẽ không ích lợi cho chúng ta. Như các vị Tỳ Kheo đi tìm hiểu về quả đất bên ngoài quả thật đây là chuyện vô vị chẳng có ích lợi gì cho việc giải thoát, thay vì đó các vị ngồi lại lặng trầm tư mặc tưởng để tìm hiểu chính quả đất bên trong này, tức là thân danh và sắc này sanh khởi như thế nào và đoạn diệt như thế nào, thì như vậy thì sẽ lợi lạc hơn.

Còn vấn đề là bậc hữu học gặt hái được những phần giáo lý cốt lõi do Đức Thế Tôn khéo thuyết, gặt hái những điều giáo lý đó tức là tu tập 37 pháp Bồ-Đề-Phần. Bậc hữu học là vị đang đi trên con đường đoạn trừ khổ đau, đã giải thoát một phần, vị đó vẫn tiếp tục tìm hiểu quả đất và vẫn tiếp tục thực hành chọn lọc những thiện pháp, thực hành lời dậy của Đức Phật giống như thợ làm hoa chọn những cành hoa đẹp để tạo nên vòng hoa.

Và thưa qúi vị, 37 Phẩm Trợ-Đạo sẽ có một dịp nào chúng tôi sẽ sinh hoạt trao đổi với qúi vị, nếu ở đây nói một cách đầy đủ thì chắc có lẽ là chúng ta không đủ thời gian để nói, do đó chúng tôi chỉ trình bày về tiêu đề 37 Bồ-đề-phần thôi, trong 37 pháp Bồ-đề-phần thì chúng ta lưu ý chỉ gồm có 7 phần Tứ Niệm Xứ là đề tài để chúng ta tùy niệm tùy quán. Tứ-Chánh-Cần là đề tài nói về bốn sự tinh cần đào thải những ác bất thiện pháp trao dồi tu tập những thiện pháp. Tứ-Như-Ý-Túc là bốn nền tảng để giúp thành tựu thiền định thần thông và đạo quả, dục cần, tâm thẩm, ngũ quyền, ngũ lực, là năm phát tấn quyền có khả năng có được quyền lực để giúp cho vị hành giả thành tựu được đạo quả đó là: tín, tấn, niệm, định, tuệ, nó cùng chi pháp với nhau.

Ngũ quyền là: năm pháp tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền.

Ngũ lực là: tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.

Thất Giác Chi là: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, niệm giác chi, định giác chi và xả giác chi là những chi phần yếu tố căn bản để giúp cho giác ngộ.

Bát Chánh Đạo tức là con đường đạo tám ngành là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

Trên phương diện pháp hành trong ba tinh hoa của chánh pháp thì 37 pháp Bồ-đề-phần (Bodhi-pakkhiya-dhamma) là những pháp cốt lõi trong việc hành đạo.

Ở đây thưa qúi vị, phàm phu chúng ta thì hiểu và nhận thức pháp trợ-đạo hay 37 Bồ-Đề-Phần qua trí văn hay là do trí tư chứ chúng ta chưa có thể thấu triệt được bằng trí tu. Trí tư là suy nghĩ, trí văn là do nghe người khác thuyết để học. Khi đề cập đến vấn đề như đối với bậc hữu học tu tập 37 phẩm-trợ-đạo hay 37 Bồ-Đề-Phần là sự tu tập rốt ráo tích cực, còn kẻ phàm phu của chúng ta thì cũng có thể tu tập được nhưng sự tu tập của kẻ phàm phu có khi thăng khi giáng, có khi tinh tấn lỗ lực, mà có khi chúng ta cũng bê trễ biếng nhác. Và ở đây đối với bậc hữu học Ngài tu tập những pháp môn do Đức Thế Tôn khéo thuyết thì sự tu tập đó bao giờ cũng đưa đến hiệu quả, bởi vì Ngài tu tập một cách nhiệt cần tâm huyết do đã thấy pháp đã ngộ, còn như đối với kẻ phàm phu chúng ta thì sự tu tập đó chỉ tu tập một phần nào thôi và sự tu tập không thăng bằng đều đặng liên tục, không trình tự, do đó ít khi có hiệu quả.

Trong bài kệ này mặc dầu Đức Thế Tôn khẳng định rằng chỉ có bậc hữu học mới thấu triệt được tất cả các cảnh giới tái sanh trong kiếp luân hồi phiêu bạc này, và chỉ có bậc hữu học mới có thể chọn được những phần giáo lý tinh hoa do Đức thế Tôn khéo thuyết giảng, mặc dầu nói rằng chỉ có bậc hữu học, nhưng ở đây từ bài học chúng ta rút một kinh nghiệm là trong đời sống tu học có những điều mà chúng ta không nên dùng thời gian qúi báu của mình để phí phạm qua những chuyện không đáng. Chẳng hạn như khi chúng ta sinh hoạt trong rơom Phật Pháp, trừ lúc chúng muốn đi chơi ngao du sơn thủy qua các rơom khác thì chúng ta chơi, còn giờ phút ngồi trong rơom thảo luận Phật Pháp thì chúng ta lắng nghe và cố gắng tìm hiểu xác thực như vậy khỏi uổng phí thời gian. Trong đời sống hàng ngày cũng vậy có đôi lúc chúng ta cũng suy nghĩ chuyện này hay bàn bạc chuyện kia không ích lợi cho giáo pháp, không có ích lợi cho việc tu tập nhưng những lúc đó chúng ta cần phải có sự ý thức, chính do sự ý thức này kéo chúng ta trở về đời sống thực tại, chúng ta nên nhớ sự già sự chết chi phối mỗi giờ mỗi phút mỗi sát na. Tâm có sanh có diệt gọi là một sát na, sắc pháp thì sanh diệt chậm hơn nhưng cũng gọi là một sự sanh diệt. Thì khi chúng ta thấy rõ hiện trạng khổ đau của cuộc đời cần phải tinh cần nỗ lực. Sự tinh cần nỗ lực đó Đức Phật Ngài ví dụ như thế này:

"Này Chư Tỳ Kheo ví như một người nam hay nữ họ phát hiện trên gương mặt của mình có những vết bẩn thì họ phải làm sao?"

"Bạch Đức Thế Tôn, phải nhanh chóng rửa sạch vết bẩn này"

Đức Phật Ngài dậy, cũng vậy trong việc tu tập đối với những ác bất thiện pháp làm chướng ngại trên con đường giải thoái mà mục đích của chúng ta là vào trong đạo Phật để duy trì phương pháp thoát khổ và khi chúng ta phát hiện được rằng mình đang phí thời gian vô ích thì lúc đó phải tự quay trở lại cố gắng tìm hiểu chính mình thôi, ngoài công chuyện việc hàng ngày trong công sở phải tập trung làm việc cho có hiệu quả để được hưởng phần thưởng lương bổng v.v...ngoài việc đó ra thì thời gian khác tốt hơn hết chúng ta nên ngồi lại để thẩm nghiệm tánh chất vô thường, khổ, và vô ngã của vạn pháp, như vậy sẽ hay hơn.

Và ở đây thưa qúi vị, mặc dầu bài kệ Pháp Cú này được đề cập đến bậc hữu học, nhưng cũng có thể hiểu thêm rằng kẻ vô văn phàm phu khác hơn kẻ đa văn phàm phu, cùng là phàm phu cả nhưng kẻ phàm phu vô văn tức là kẻ phàm phu không hiểu được pháp của bậc thánh, không biết pháp của bậc thánh, không tu tập pháp của bậc thánh như vậy gọi vô văn phàm phu. Còn đa văn phàm phu là những người mặc dầu chưa chứng đắc đạo quả gì nhưng những người này có tâm hướng thiện hướng cầu giải thoát trong tương lai, và họ có thể hiểu được giáo lý pháp môn của Đức Phật. Hiểu nhiều và hiểu một cách xâu sắc, biết nhiều pháp và hiểu nhiều pháp như vậy gọi là hạng đa văn, mặc dầu còn phàm nhưng hạng đa văn đó cũng là một người theo đúng như lời của Đức Phật dậy là người ấy có thể hiểu được danh và sắc, người ấy có thể thấu triệt được các cảnh giới tái sanh ở tương lai để lựa chọn cho mình một sự tái sanh thích hợp thuận lợi và không trở ngại trên đường tiến tu Phật Pháp.

Thì ở đây thưa qúi vị, còn về vấn đề 37 pháp Bồ-Đề-Phần bậc hữu học tu tập rốt ráo, kẻ phàm phu chúng ta tu tập có khi thăng khi giáng không quân bình điều hoà và không có sự liên tục. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hiện tại không tu tập được những pháp môn đó, chúng ta rất dễ tu tập và sự tu tập đó cho dù không đắc được đạo quả ngay trong kiếp hiện tại nhưng cũng tạo cho chúng ta một kiếp sống hiện tại lạc trú, và nhờ như vậy mà trong tương lai mới có thể thành tựu được đạo quả giải thoát.

Nói tóm lại bài kệ này từ đó chúng ta có thể rút ra một bài học trong việc tu tập là không nên phí thời gian để đi tìm quả đất ở bên ngoài, mà chúng ta phải tìm hiểu chính bản thân mình thấy cái gì ở đây sanh và diệt, thứ hai nữa là đối với 37 Phẩm-Trợ-Đạo là những phần giáo lý cốt lõi được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng chúng ta gọi là dhammapada.m sudesita.m thì với những thiện pháp này với những phần giáo lý này chúng ta phải cố gắng tranh thủ học tập để biết được rõ ràng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 44 & 45

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu