Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 38-39

Tâm Ma Tâm Phật

Thap Nhi Nhan Duyen

Giảng Sư: TT Trí Siêu

Người tâm không an lập
Không hiểu chân diệu pháp
Niềm tin bị giao động
Tuệ giác không thể nhập.

Ai tâm không cảm nhiễm
Ai tâm không quấy phiền
Bỏ cả ác và thiện
Bậc tỉnh thức vô úy

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên

TT Trí Siêu: Hai bài kệ Pháp cú số 38 và số 39 đã được Đức Thế Tôn thuyết tại Jetavana đề cập đến Đại Đức Cittahattha. Đức Thế Tôn thuyết như sau,

Anavaṭṭhitacittassa,
saddhammaṃ avijānato;
pariplavapasādassa,
paññā na paripūrati

Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp
Tịnh tín bị rúng động,
Trí tuệ không viên thành

Anavassutacittassa,
ananvāhatacetaso;
puññapāpapahīnassa,
natthi jāgarato bhayaṃ

Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không hận không phá,
Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi

Trong bài kệ số 38 Đức Thế Tôn đã thuyết giảng nội dung đề cập đến trạng thái tâm của kẻ phàm phu. Bài kệ thứ hai tức kệ ngôn số 39,Đức Phật đề cập đến  trạng thái tâm của vị Thánh đã đoạn lậu tức là vị thánh A-la-hán, bậc đã giải thoát.

Bài kệ số 38 Đức Phật Ngài dạy, “Trí tuệ không viên thành” tức là trí tuệ của người mà tâm không an trú, người không hiểu được chánh pháp và đức tin bị dao động. Hình ảnh của một vị Tỳ kheo xuất gia đến sáu lần phải hườn tục trỏ về. Vì tâm của vị Tỳ kheo đó không được an trú vững vàng, không hiểu được chánh pháp, tịnh tín bị rúng động. Ở đây thế nào là tâm bị dao động không an trú. Lẽ thường tâm phàm phu không được thăng bằng, có khi như thế này có khi như thế khác nghĩa là có lúc tâm hiền thiện, có lúc tâm bất thiện, có lúc có khuynh hướng tu tập, có lúc chán nản đời sống phạm hạnh. Chữ an trú ở đây không có ý nghĩa tột bậc là sự an trú trong thiền định mà tâm không an trú trong bài kệ này có nghĩa là tâm của chúng sanh phàm phu, không có lập trường nhất định. Quả thật, trong sự tu tập nếu tâm của chúng ta không có lập trường vững chắc sẽ dễ bị thối đọa, dễ bị sa ngã đi theo hướng khác. Khi tâm không được an trú, không có lý tưởng một cách kiên cố vững vàng thì trí tuệ sẽ không bao giờ được viên mãn

Điểm thứ hai nữa là “Không biết chân diệu pháp”. Danh từ gọi là saddhammaṃ ám chỉ cho chánh pháp, cho những giáo lý cao siêu thậm thâm vi diệu. Theo trong chú giải của bài kệ giải thích, chánh pháp ở đây được hiểu là 37 pháp bồ đề phần. Không hiểu chánh pháp tức là không có sự nhận thức, thấu đáo, liễu tri được 37 pháp bồ đề phần, như vậy trí tuệ không viên thành được. 37 pháp bồ đề phần tức chánh pháp có nghĩa là gì? Tức là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ quyền, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo. Bảy phần pháp này gồm 37 chi pháp. 37 chi pháp đó gọi là 37 bồ đề phần, gọi là Bodhipakkhika là những chi phần đưa đến sự giác ngộ và đây xem như là tinh hoa của chánh pháp. Những lời dạy của Đức Phật được nằm trong ba tinh hoa tức là pháp học, pháp hành, và pháp thành.
- Pháp học là 84 ngàn pháp môn trong ba tạng, Tạng kinh, Tạng luật, và Tạng Vi-diệu-pháp.
-Pháp hành là chúng ta nói về sự thực hành trong 37 chi bồ đề phần đó hay là sự thực hành thiền định. Sự thực hành bằng cách thu thúc các căn hoặc sự thực hành theo giới thọ trì hoặc sự thực hành theo hạnh đầu đà v.v…Như vậy gọi là pháp hành.
-Pháp thành chỉ cho bốn đạo bốn quả hay chỉ cho thiền định và thần thông.
Chúng tôi xin trình bày một cách tóm tắt như vậy.

Ở đây danh từ saddhamma, nếu hiểu theo hai nghĩa. Một là chữ dhamma chỉ cho pháp học pháp hành và pháp hành như chúng tôi đã trình bày. Hiểu theo nghĩa thứ hai theo chú giải của câu kệ này thì saddhamma chỉ cho 37 pháp bồ đề phần, 37 chi phần giác ngộ. Quả thật vậy nếu người nào tu tập, đã xuất gia vào trong giáo pháp này, những kẻ phàm phu tâm không hiểu được chánh pháp, không hiểu được chân diệu pháp tức là không thấu đáo 37 pháp bồ đề phần và cũng không thực hành theo 37 pháp trợ đạo đó, chắc chắn người này sẽ không thành tựu trí tuệ viên mãn tức là không thành tựu trí giải thoát.

Điều nói rằng, “Tịnh tín bị rúng động” pariplavapasādassa. Đức tin của kẻ phàm phu luôn luôn có sự xao động hay bị chi phối, không có sự kiên trì. Có khi chúng ta tin có khi lại hoài nghi, không tin. Đức tin, lòng tịnh tín ở đây là chỉ chosự tin tưởng nơi Bậc Đạo Sư, tin tưởng nơi giáo pháp và Tăng chúng. Tin tưởng nơi điều học, tin tưởng và hoan hỷ với các bạn đồng phạm hạnh. Khi đức tin bị dao động, lúc đó tâm của chúng ta gọi là tâm hoang vu cetokhila và tâm hoang vu này có nghĩa là hoài nghi Bậc Đạo Sư, hoài nghi Giáo pháp và Tăng chúng, hoài nghi điều học, phẩn nộ bất mãn với các bạn đồng phạm hạnh v.v… Khi tâm bị chi phối bởi sự hoài nghi như thế đó, đức tin lúc bấy giờ sẽ không được an trú, sẽ dao động. Khi đức tin bị dao động thì không thể nào làm cho trí tuệ được viên mãn.

Bài kệ số 38 có ba sự kiện. Kẻ phàm phu bị chi phối chính bởi ba sự kiện đó cho nên trí tuệ không được viên mãn.
-Một là tâm không an trú, không có lập trường vững chắc.
-Hai là không thông hiểu dược chánh pháp tức là không hiểu biết 37 phẩm trợ đạo.
-Ba là đức tin hay tịnh tín bị rúng động, hoài nghi.
Từ bài kệ số 38 chúng ta có thể học được những bài học kinh nghiệm trong việc tu tập. Đối với người Phật tử hay là đối với vị xuất gia trong giáo pháp này, nếu muốn thành tựu trí tuệ cao siêu tức là trí tuệ giải thoát trong tương lai hay ngay trong hiện tại cũng vậy, muốn đạt được trí tuệ đó trước hết chúng ta phải cố kềm tâm như thế nào để tâm được an trú vững chắc, gọi là tự lập trường chân chánh, khi đó trí tuệ mới được phát triển. Rồi lại nữa khi tu tập trong giáo pháp này, chúng ta cần phải phát triển, trau dồi kiến thức, học hỏi và thực hành theo 37 pháp bồ đế phần, bổ túc những gì còn khiếm khuyết và phải cố gắng biết và thực hành những gì chưa được biết, chưa thực hành được. Như vậy trí tuệ sẽ càng ngày càng phát triển và thành tựu viên mãn. Điều thứ ba nữa chúng ta cần phải hiểu rằng khi đức tin bị dao động, không tin sự giác ngộ của Đức Phật, không tin tưởng vào Giáo pháp và Tăng chúng hay không tin tưởng vào pháp môn mình đã thọ trì, chúng ta sẽ không thành tựu được trí tuệ.

Cho nên chúng ta phải làm như thế nào để thành tựu niềm tin. Muốn thành tựu lòng tin có ba cách.
-Thứ nhất chúng ta phải có sự siêng năng học hỏi giáo pháp từ nơi các vị Thầy các bạn đồng phạm hạnh có trí. Nhờ sự học hỏi đó chúng ta hiểu biết Pháp. Do vậy đức tin sẽ được kiên cố.

-Rồi lại nữa khi tìm thấy sự an vui hiện tại trong việc thực hành giáo pháp, chúng ta sẽ nắm bắt chánh pháp một cách dễ dàng. Có những người tu tập, vì rằng không tìm thấy sự an lạc trong giáo pháp. Do đó họ không say mê miệt mài để tìm hiểu chánh pháp. Vì vậy họ không thấu rõ được chánh pháp. Cũng như món ăn khi được dọn sẵn, nếu không ăn sẽ không nếm được hương vị ngon, cũng vậy đối với chánh pháp, nếu không thực hành sẽ không tìm thấy vị ngon của chánh pháp, trong đời sống chúng ta không trọn vẹn thực hành theo giáo pháp. Nhờ thực hành theo chánh pháp như vậy đức tin sẽ càng ngày càng vững chắc.

-Rồi lại nữa, người Phật tử muốn trau dồi niềm tin và để niềm tin không bị rúng động, chúng ta phải có sự khéo tác ý. Mỗi mỗi việc làm, mỗi mỗi một điều chúng ta nghe thấy, đều phải dùng trí tuệ để suy xét và khi tác ý như vậy, mới thấy rõ hiệu năng của chánh pháp, thấy rõ lợi ích lời dạy của Đức Phật, lúc bấy giờ đức tin của chúng ta mới tăng trưởng. Do vậy khi tu tập, muốn trí tuệ của mình được viên mãn chúng ta phải làm như thế để không bị tình trạng giống như vị Tỳ kheo tên gọi là Cittahattha, vào tu rồi hườn tục, hườn tục rồi trở vào tu, cứ như vậy đến sáu lần và lần thứ bảy nhờ thấu đạt được chánh pháp, liễu ngộ được chân lý vị này mới có sự tu tập một cách vững chắc, đạt đến sự giải thoát.

Khi thiện nam tử Citttahattha hườn tục trở về làm người cư sĩ đến lần thứ sáu, tình cờ trông thấy người vợ của mình nằm ngủ biểu lộ ra những hình ảnh không tốt, vị ấy khởi lên tâm chán nản và do túc duyên đã sẵn có, nên vị này thấy sự vô thường, sự khổ não, Vừa đi vừa suy nghĩ và lúc đó vị này chứng đạt thánh quả Tu-đà-hườn khi còn là một người cư sĩ. Thế rồi thiện nam tử đó đi đến chùa và bạch với chư Tăng xin được xuất gia. Thoạt đầu chư Tăng còn e ngại nghĩ rằng người này cứ trở đi trở lại xin tu tập trong giáo pháp này, xuất gia vào đây rồi trở về hết sáu lần nay không biết có vững chắc được hay không. Lúc bấy giờ chư Tăng chưa biết được là thiện nam tử này đã chứng đạt quả Tu-đà-hườn.

Đối với vị Tu-đà-hườn, đức tin không bao giờ bị chao động. Mặc dầu trí tuệ không được cụ túc không viên mãn như một vị đoạn lậu giải thoát, vị A-la-hán, nhưng một vị nhập lưu Tu-đà-hườn thông hiểu  thấu suốt chánh pháp một cách rõ ràng chứ không phải do tin, do nghe người khác mà chính do tự mình chứng đạt. Lập trường của  một vị Tu-đà-hườn trong việc tu tập trở thành kiên cố vững chắc, không bao giờ thối chuyển. Bởi vậy sau khi được phép cho xuất gia, chẳng bao lâu tân Tỳ kheo Citttahattha đã chứng quả vị A-la-hán.

Bài kệ số 39 Đức Thế Tôn đã mô tả tâm trạng của một vị đã đạt đến sự giài thoát.
“ Tâm không tràn đầy dục”. Ở đây danh từ ananvāhatacet, nghĩa là người có tâm không bị uế nhiễm, theo chú giải là tâm không bị chi phối bởi ái tham abhijjhāya pasutam
“Tâm không hận không phá” ananvāhatacetaso tức là tâm không bị sân chi phối. puññapāpapahīnassa “Đoạn tận mọi điều ác”.
 Tức là từ bỏ cả hai phương diệt thiện và ác, tốt và xấu. Đây là trạng thái tâm của một vị đã được giải thoát. Ba điều đó chúng tôi sẽ trình bày sau. Với ba tâm trạng này một vị A-la-hán được gọi là jāragato bậc tỉnh thức, tức là  bậc có đầy đủ chánh niệm, tỉnh giác không có sự thất niệm dầu trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Trí tuệ luôn luôn bừng sáng tỏ rõ. Đối với một vị A-la-hán không có sự sợ hãi.

Trở lại vấn đề khi nói đến tâm của một vị giải thoát tức là tâm của bậc A-la-hán là tâm không tràn đầy dục tức là không bị ái tham chi phối. Chúng ta biết rằng năm hạ phần kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân. Ngay khi chứng qua A-na-hàm đã diệt tận được ái dục không còn bị tham muốn trong cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc nữa chứ đừng nói chi đến quả vị A-la-hán. Đối với năm thượng phần kiết sử đề cập đến tham ái thuộc về sắc ái, vô sắc ái, vị A-la-hán với Thánh đạo thứ tư này (tứ đạo) mới diệt trừ được. Như vậy khi đã thành tựu quả vị A-la-hán không còn raga, tanha tức là không còn sự ái tham, sự quyến luyến chi phối nữa.

“Tâm không hận không phá” tức là chỉ cho tâm diệt trừ được sân hận. Một vị A-la-hán không bao giờ có tâm hiềm hận, hiềm khích hay sân hận với người khác cho dù các Ngài có bị xúc phạm, các Ngài cũng không bao giờ bị chi phối và không bao giờ để tâm đau khổ phiền toái với những người đã gây ra cho mình hay với những sự kiện nghịch ý. Còn vấn đề nói rằng đoạn trừ cả thiện ác. Đối với ác pháp  vị A-la-hán đoạn trừ là phải rồi. Ở đây khi nghe nói, vị A-la-hán đoạn trừ cả điều thiện, chúng ta lấy làm lạ Thiện là nhân lành đưa đến quả vui  và đó là yếu tố để dẫn đi tái sanh trong cõi luân hồi thuộc về nhàn cảnh. Còn ác pháp là nhân đưa đến quả khổ, là yếu tố dẫn đi tái sanh trong bốn đường ác đạo là địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, A-tu-la. Như vậy cả hai điều thiện và ác đều là nguyên nhân dẫn đến sự tái sanh luân hồi gọi là priyāpanna dhamma tức là pháp lệ thuộc luân hồi hay là pháp liên quan luân hồi.

Khi còn là kẻ phàm phu trong lúc tu tập chúng ta phải nhờ đến thiện pháp, nhờ đó mới có thể đạt đến bờ bên kia. Giống như nhờ chiếc bè, nhưng khi đã sang bờ bên kia không cần chiếc bè nữa như thế nào, cũng vậy ở đây nhờ thiện pháp chúng ta thành tựu giải thoát nhưng khi việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, sau đời sống này không còn đời sống khác. Đối với vị A-la-hán Ngài không cần dùng đến thiện và phước báu. Tất cả những hành động của Ngài đều tịnh hảo Sobhana Citta nhưng không phải là nhân đưa đến quả trong tương lai. Chúng ta cũng nên lưu ý, đối với vị A-la-hán ngài không tạo nhân mới đưa đến quả trong tương lai nhưng các Ngài vẫn nhận lãnh quả do nhân quá khứ.  Đức Phật hay Đức Phật độc giác hoặc chư vị Thinh Văn giác, mặc dầu đã giải thoát nhưng với thân hữu dư y niết-bàn cũng vẫn là thân ngũ uẩn. Thân ngũ uẩn vẫn là cảnh của nghiệp hữu chi phối. Tức là trong đời quá khứ nghiệp, nghiệp hữu tạo ra thân ngũ uẩn hiện tại, do vậy dầu vị đó có được giải thoát các Ngài vẫn bị chi phối bởi các sự khổ đau già bệnh chết v.v… Vị  A-la-hán  đoạn trừ được thiện hay ác cho quả trong tương lai

Theo chú giải nhờ bốn đạo mà vị ấy trừ được cả thiện lẫn ác. Tại sao nói như vậy? Bởi vì bốn đạo tức là Tu-đà-hườn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo, A-la-hán đạo, bốn đạo đó đoạn tuyệt gốc tham, sân, si, phiền não. Bốn căn bất thiện Akusalā mula này được đoạn trừ nên điều ác không có đối với một vị đã được giải thoát. Còn đối với điều thiện, vị A-la-hán vẫn có những hành động tốt mà thế thường chúng ta gọi là điều thiện, chẳng hạn như Ngài vẫn hoan hỷ thính pháp, hoan hỷ bố thí ( thí dụ như khi đi khất thực trở về sau khi ăn xong, với tàn thực còn lại Ngài cũng khởi lên tâm từ tâm bi đối với những người ăn xin nghèo khổ hoặc cho, hoặc bố thí cho những người trong khi đi đến gặp Ngài chưa dùng bữa). Nhưng hành động đó không gọi là thiện. Tại sao vậy? Đã gọi là một hành động thiện phải có những yếu tố như thế nào. Đức Phật dạy rằng dục giới, sắc giới, vô sắc giới cũng giống như thửa ruộng, hạt giống cũng giống như nghiệp và sự ẩm ướt của thửa ruộng được ví như ái tham và vô minh. Khi chúng ta hành động tốt nhưng vẫn còn bị chi phối bởi quyền lực vô minh và tham ái, như vậy sẽ tạo quả mặc dầu là quả tốt trong tương lai, nhưng vẫn còn là pháp sanh tử luân hồi. Quả thật vậy, một kẻ phàm phu dầu làm hành tốt như thế nào đi chăng nữa tự trong tâm thâm của mình vẫn khởi lên sự ước muốn được quả báo trong tương lai như thế này như thế nọ v.v.... Sự ước muốn, chấp thủ đó là một thứ phiền não mà thường tình chúng ta dễ dàng chấp nhận. Y cứ và thực tính pháp chính do sự ái tham chi phối điều thiện như vậy abhijjhā paceya sankhara vô minh duyên cho hành trong đó có phúc hành. Hành duyên cho thức, thức (tái sanh) duyên cho danh sắc (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn,). Như vậy vẫn còn là sự tái sanh, vẫn còn khổ đau.

Trong hành động của một vị A-la-hán về thân về khẩu không bao giờ có một mảy mai khởi lên sự chấp thủ, ước muốn hay luyến ái, vọng tưởng đến tương lai. Bởi vì các Ngài biết rõ sự vô thường, khổ, và vô ngã của vạn pháp, thấy rõ thực tính sanh diệt của các pháp, và Ngài biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, sau đời sống này không còn đời sống khác, gánh nặng đã đặt xuống. Đó là tâm trạng của một vị A-la-hán, là người không còn bị dục tham, sân hận chi phối. Đối với vị ấy không còn đặt vấn đề là thiện hay ác nữa bởi vì những gì là nguyên nhân sanh tử luân hồi, mầm mống của sự khổ đau đã được tuệ đạo, tuệ quả siêu thế đoạn trừ. Các ngài không còn sự hốt hoảng, sự lo sợ sự thối đọa trong tương lai.

Khi chúng ta đọc bài kệ số 38-39  người Phât tử sẽ nghĩ rằng, bài kệ số 38 có thể rút ra những kinh nghiệm tu tập vì rằng hợp với trình độ kẻ phàm phu. Nhưng với bài kệ số 39 có gì cần phải tu tập. Mặc dầu chưa đạt được trạng thái giống như một vị A-la-hán nhưng khi biết được lời Đức Thế Tôn tuyên bố về trạng thái thoát khổ như thế nào khiến cho tâm chúng ta khởi lên niềm tịnh tín hoan hỷ, khắn khít gắn bó với mục tiêu, với lý tưởng giải thoát. Đây cũng là một vấn đề rất tốt. Nếu chúng ta hiểu được rằng trong cuộc sống sanh tử luân hồi này, tâm kẻ phàm phu luôn luôn bị chao đảo, bị chi phối, không bao giờ hiểu được chánh pháp một cách tường tận, đức tin được an trú một cách vững vàng. Do vậy trí tuệ không được viên mãn. Chúng ta hãy khởi lên quyết tâm rằng sẽ làm cho trí tuệ viên mãn dầu kiếp này chưa thể làm được, chúng ta miệt mài tu tập trong thiện pháp để những kiếp sau có thể làm được. Cái gì các bậc Thánh đã đắc được chúng ta cũng sẽ đắc được, cái gì người khác làm được, chúng ta làm được. Chỉ có điều chúng ta không chịu làm, không chịu tu tập nên điều đó mới khó thôi.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

 




Download KN 01


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu