Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 36

Không Phải Dễ Thấy Biết Tâm Mình

Thap Nhi Nhan Duyen

 

Giảng Sư: ĐĐ Uyên Minh

Tâm sâu kín khó thấy
Theo thị dục xoay cuồng
Bậc trí gìn tâm ý
Phòng hộ tâm an lạc.
.

(Việt dịch Tỳ Khưu Giác Đẳng)

Chánh Hạnh chuyển biên

ĐĐ Uyên Minh:

Tâm khó thấy, tế nhị
Theo các dục quay cuồng
Người trí phòng hộ tâm.

Tâm hộ, an lạc đến.

Có lẽ chúng ta cũng đồng ý với nhau một điều rằng, có tìm hiểu, có tu Phật mình mới có dịp ngồi lại để ý cái tâm của mình. Bởi vì xưa nay mình cứ nghĩ rằng con người có hai phần, đó là phần hồn và phần xác. Phân hồn là cái gì mà nó ra sao thì vẫn cứ để nó y như vậy. Nói như Ni sư Trí Hải chúng ta thường sống có quan điểm lo sao cho ăn ngon mặc đẹp, có nhà lầu có xe hơi, nhưng cái nội tâm thì không mấy khi để ý. Khi nào cảm thấy sợ hãi, tiếc nuối, đau khổ thì chạy đến chùa, đến các Thầy nhờ tụng niệm cầu nguyện cho. Đó là thói quen khi mình chưa biết đạo. Nhưng khi biết đạo rồi mình mới biết tất cả những nổi đau, tất cả những giọt nước mắt trên đời này vốn đi ra từ nội tâm của mình. Và có thể nói rằng tất cả những bi kịch trên cuộc đời này xuất phát từ nội tâm của mình thôi.

Vậy tâm là cái gì? Trong kinh Đức Phật Ngài nói tâm là một cái rất khó thấy, bởi vì chúng ta biết rằng chỉ trong một tiếng đồng hồ chúng ta có thể suy nghĩ rất nhiều chuyện. Trong một tiếng đồng hồ đó chúng ta có thể là thiên thần, cũng có thể là ác quỷ. Trong một tiếng đồng hồ đó, chúng ta có thể rất từ bi và cũng có thể rất hung bạo như một tướng cướp hoặc một kẻ sát nhân. Nội tâm của chúng ta khó thấy là như vậy. Đức Phật nói rằng không có thứ vật chất nào trên đời này có biến đổi nhanh chóng như cái nội tâm. Cho nên Đức Phật nói,, hành giả tu tâm với các đề mục như đất, nước, lửa, gió hay các đề mục bất tịnh, từ bi, niệm hồng danh Phật, niệm về các tùy niệm. Dùng các đề mục đó giống như cây trụ hay cây cột để cột cái tâm mình lại.

Sau đó chánh niệm hay sự tập trung tư tưởng tức là định giống như sợi dây, ràng cái tâm vào đó. Cái tâm giống như con khỉ hay con bò, chạy lung tung chạy hoang, nên mình phải cột tâm vào cây cột đó. Như Phật giáo bắc truyền cũng như Thiên chúa giáo có cách lần chuỗi, Phật giáo nguyên thủy không đặt nặng vấn đề lần chuỗi nhưng dùng những phương cách như niệm Phật hay theo dõi hơi thở ra vào, để cột cái tâm. Khi cột cái tâm như vậy, mình mới thấy rõ nó. Cũng giống như một mặt hồ khi có sóng to gió lớn hay có rác rến, cặn cáo nhiều quá mình không thấy được đáy hồ, không thấy được nước trong hồ, không thấy trong lòng hồ chứa gì trong đó. Nhưng khi sóng lặng gió yên hay được vớt bỏ những lá cây những cỏ rác bập bềnh trên mặt hồ, làm cho hồ được sạch sẽ và nếu có cách nào làm cho nước trong được, chúng ta có thể nhìn thấy trong lòng hồ đây là nhánh cây, đây là gốc cây, đây là sạn sỏi, cá bơi lội v.v….

Nội tâm cũng vậy, khi không tu học, mình cứ buông xuôi thả nổi nó, cho nó ra sao thì ra. Nhưng khi có tu học, có một đề mục để cột, để ràng cái tâm vào thì mình mới có dịp nhìn thấy được ít nhất ba điều:

-Điều thứ nhất tâm chỉ biết cảnh, bản thân nó không ác kkhông thiện. Nhưng vấn đề là do cách mình nhìn ngắm, đánh giá ngoại cảnh, chứ bản thân cái tâm không phải là thiện, không phải là bất thiện. Thí dụ như cũng một người, hôm qua mình không thương không ghét, nhưng sáng nay người đó gây gỗ với mình. Thế là chiều nay khi gặp người đó, mình ghét. Đôi khi một người hôm qua không quen không biết nhưng chiều nay mình nhìn người đó như là một cái gì đó bực mình. Vấn đề chính ở tâm của mình. Cũng như một người láng giềng cách đây năm ba năm không liên hệ đến, nhưng hôm qua người láng giềng có giúp đỡ mình việc gì đó. Thế là từ đó khi gặp người láng giềng mình thấy có cảm tình. Như vậy do nghĩa rằng do cái tâm của mình ghi nhận, đánh giá đối tượng như thế nào, từ đó mới biến thành sân, tham, thiện, ác v.v… Vấn đề đầu tiên vị hành giả tu thiền thấy rằng, tự nhiên nếu để tâm chỉ biết cảnh thôi thì nó không thiện không ác, nhưng tùy thuộc vào sự đánh giá mà nó có thiện có ác.

-Điều thứ hai hành giả khi tu thiền sẽ thấy là sự vô thường của tâm cực kỳ mau lẹ. Như UM đã nói một tiếng đồng hồ thôi, chúng ta có thể trải qua rất, rất nhiều tâm  trạng có thể thiện như một thiền sư mà cũng có thể ác như một tướng cướp. Cũng có thể thiện như một vị Bồ-tát mà cũng có thể ác như một kẻ sát nhân. Chuyện đó không lạ vì tâm sanh diệt rất nhanh. Nói một cách tận cùng dòng sanh tử luân hồi có hai hình thức phô diễn. Một là từ kiếp này đầu thai sang kiếp khác. Hình thức thứ hai là trong mỗi giờ đồng hồ mỗi phút, mỗi giây như vậy, chúng ta trải qua rất nhiều đời sống. Đời sống về nội tâm, đời sống về hình hài. Cái hình hài vật chất của chúng ta luôn luôn thay đổi. Những tế bào cũ phải bị đào thải rồi từ đó có những biến chuyển khác trong cơ thể vật chất của mình. Vì sao có chuyện đó? Vì nếu không có chuyện đó thì  làm sao chúng ta có thể từ trẻ đi qua già, từ một đứa bé đi qua hình hài của một thanh niên trưởng thành được. Bắt buộc trong cơ thể chúng ta trong từng phút từng giây phải có sự biến chuyển dù rất chậm nhưng phải có biến chuyển để đưa một cậu bé trở thành một người thanh niên và biến một người thanh niên thành một người trung niên và biến một người trung niên thành một ông cụ. Thân thể hình hài vô thường đã đành, nhưng cái tâm cũng sanh diệt liên tục. Như vậy điều thứ hai hành giả tu tâm phải thấy là tâm vô thường một cách rất nhanh chóng.

-Điều thứ ba hành giả thấy được  vạn pháp là vô ngã. Bởi nhiều khi không tu thiền không có chánh niệm, chúng ta không thấy được cái vô thường vô ngã. Xin lưu ý chúng tôi dùng chữ tu thiền tại đây không có nghĩa là chúng ta phải đi vào trong những thiền viện hay mình phải ngồi xếp bằngvà con mắt phải nhắm lại, nói chung là phải chọn một tư thế nào đó mới gọi là thiền. Chúng tôi không nói như vậy. Bởi vì thiền là vấn đề nội tâm chớ không phải là vấn đề hình thức. Nếu chúng ta ngồi giữa thiền viện, ngồi ngay dưới chân thiền sư, mắt nhắm nghiền lại mà tâm chúng ta nghĩ chuyện trên trời dưới đất thì vẫn không gọi là thiền. Nhưng nếu chúng ta ngồi ngoài văn phòng nhưng làm gì biết nấy. Nghĩa là ông Boss đến nói chuyện, mình vẫn có thể trình bày mọi vấn đề ổng cần biết. Đến khi ổng đi mình vẫn ngồi làm việc bình thường nhưng vẫn luôn luôn biết rõ, khi nào mình có ý hại người mình biết rõ, “ Ồ, mình có ý hại người”. Khi nào mình có tâm tốt mình biết mình có tâm tốt. Chỉ như vậy thôi đã là tu thiền rồi.

Điều thứ ba khi tu tâm chúng ta sẽ thấy vạn pháp là vô ngã. Là vì sao? Vì đâu có ai muốn mình phải lo lắng, đâu có ai muốn mình phải buồn giận, phải sợ hãi nhưng thử hỏi chúng ta có thể nào chận đứng được tất cả những buồn lo, sợ hãi, giận hờn hay không? Dứt khoác trả lời rất khó khăn thậm chí là không được. Chỉ trừ người tu thiền nhiều năm nhiều tháng, có căn cơ nhiều đời nhiều kiếp, may ra có một phần nào đó trong việc control (kiểm soát) nội tâm bản thân của mình còn ngoài ra phải nói rằng chúng ta chịu thua. Ngay các bậc Thánh nhân sự kiềm chế của các Ngài chỉ trong tinh thần giới học, tuệ học, định học mà thôi chứ còn cái tâm sanh diệt ngay cả Đức Phật Ngài cũng không thể nào ngăn chận được. Hết tâm này đến tâm khác, hết sát-na này đến sát-na khác. Nhưng sự vô thường vô ngã trong nội tâm Thánh nhân khác với sự vô thường vô ngã trong nội tâm phàm nhân ở chỗ, dầu có biến đổi từ tâm này sang tâm kia cũng không có bất thiện xen trong đó, tức là chỉ hết cái A nó sang cái B, hết cái B nó sang cái C v.v… cứ hết cái này nó sang cái kia nhưng trong sự thay đổi đó không có bất thiện. Còn sự thay đổi của mình có hai cách , một là thay đổi từ tâm A sang tâm B, tâm A diệt tâm B mới sanh, đó là cách vô ngã vô thường thứ nhất. Cái vô ngã vô thường thứ hai lúc nó thiện lúc nó bất thiện. Nói như vậy có nghĩa nội tâm của mình, nói là “của mình” nhưng thật ra mình phải có công phu thiền định thì mới thấy được nó một cách tương đối còn nếu không có công phu thiền định thì chịu thua, nó ra sao mình phải chịu vậy.

Nói tóm lại,
-Một là bản chất của tâm không có thiện bất thiện mà vấn đề là cách đánh giá ngoại cảnh.

-Hai là cái tâm luôn luôn sanh diệt cực kỳ mau chóng.
-Ba là tâm vô ngã.
Hành giả có tu thiền mới thấy được ba cái này, còn nếu không tu thiền mà mình cứ vừa cắm cúi đọc sách vừa nghe giảng thì có thể nói muôn đời không thấy được tâm của mình. Sau khi nghe chúng tôi nói quý vị hãy làm thử, không làm gì hết ngồi yên lắng nghe hơi thở của mình. Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào tròng vòng 15 phút, nếu có đồng hồ reo để kế bên. Chúng tôi cam đoan với các vị rằng không biết bao nhiêu thứ vừa ngọc ngà vừa rác rến nảy sinh trong nội tâm của mình. Chúng ta mới thấy nội tâm của mình cực kỳ phức tạp, khi đó quý vị mới hiểu được tại sao Đức Thế Tôn nói tâm khó thấy và tế nhị.

Người xưa nói “Tâm viên ý mã”, nói tâm như con khỉ, như con ngựa tức là nó buông cái này nó bắt cái kia, nó chụp cái nọ liên tu bất tận, không thể nào đứng yên một chỗ. Cho nên một số người không học A-tỳ-đàm nói tu thiền là giữ tâm không không, giữ tâm hư vô, tâm không bị kẹt bị dính vào cảnh nào hết. Làm gì có chuyện tâm không bám vào đâu bởi vì bản thân tâm là sự biết cảnh, nếu không có cảnh để biết thì không có gì gọi là tâm cả. Chỉ khác biệt ở chỗ tâm đó biết cảnh tốt hay cảnh xấu mà thôi. Cái nói rằng tâm vô sở trụ, tâm không bám chấp vào đâu có nghĩa là tâm không dính mắc vào cảnh, không vì ngoại cảnh mà nổi lên tâm sân, tâm tham. Đó mới gọi là tâm không bám chấp. Còn nếu nói rằng tâm không bám chấp là tâm không tru vào đâu thì xin nói rõ đó là tâm phóng dật, có nghĩa là từ A nó nhảy sang B nhanh quá chúng ta không thấy. Như khi chúng ta nhìn một quạt máy có ba cánh, nếu nó quay nhanh quá mình không thấy được ba cánh quay mà chỉ thấy một quầng tròn mờ đục mà thôi.Một đứa trẻ nhìn vào sẽ nói không có cánh nào hết. Nhưng với một người lớn trưởng thành có thể hiểu  tuy không xác định được nhưng biết chắc chắn rằng nó có ba cánh hoặc năm cánh, chiếc quạt máy phải có cánh.

“Theo các dục quay cuồng”. Như chúng tôi đã trình bày, nội tâm của chúng ta là “tâm viên ý mã”. Bản chất của chúng sanh là thích tìm vui trốn khổ, cho nên theo các dục quay cuồng là như vậy. Cái gì khó chịu mình có thói quen đề kháng nó, đối kháng với cái gì khó chịu. Cái gì làm cho mình giân, mình sợ, ghét, không ưa thì  trong nội tâm có khuynh hướng xô đẩy nó ra, từ khước, chạy trốn nó. Còn cái gì ngọt ngào êm ái, hấp dẫn, gần gũi với những gì mình thích mình có khuynh hướng giữ lại. Như UM đã nói cũng con người, cũng khuôn mặt đó, họ gắn liền với ấn tượng tốt thì lập tức mình xem người đó là bạn của mình, là người thân của mình. Còn nếu cũng khuôn mặt đó có liên quan có gợi ý đến điều mình ghét, bực mình thì lập tức mình khởi lên tâm sân hận, mình ghét hoặc sợ. Bản chất của chúng sanh là như vậy, như những con kiến đi tìm đường để bu.

Chúng tôi có đọc một câu chuyện. Một ông vua ra một câu đố cho các hiền thân xem ai có thể xỏ một sợi chỉ qua một con ốc. Không ai nghĩ ra vì biết trong ruột con ốc nó xoắn làm sao xỏ sợi chỉ qua được. Lúc đó có một vị quan nghĩ ra cách là cột sợi chỉ vô mình con kiến, trên chóp nhọn của vỏ ốc vị ấy khoét một lỗ để một miếng mật trên đó, rồi tìm cách thả con kiến vào trong lòng con ốc. Con kiến nghe mùi mật cứ theo đường trôn ốc đi tìm, cuối cùng chun ra từ lỗ trên chóp nhọn vỏ ốc. Như vậy vị quan đã xỏ được sợi chỉ qua con ốc. Câu chuyện đó chỉ là câu chuyện cổ để kể cho trẻ em nghe mà thôi nhưng gợi ý cho chúng ta một điều rất quan trọng là nội tâm của chúng ta cũng giống như con kiến tìm mật, ngỏ ngách nào cũng chui vào được miễn là chỗ đó có cái nó thích, nó đam mê thì chỗ nào nó cũng suy nghĩ được, cũng tìm đến được. Ngay cả đó là món đồ của người ta, đó là những thứ không được  phép nghĩ đến, nhưng một khi thích mình vẫn có thể tơ tưởng đến.

Đó là con đường tội lỗi, khi ham thích cái đó, mình biết sẽ bị sa đọa mà vẫn chun vào trong đó. Bất chấp sau giây phút đó mình sẽ rơi vào trong bốn đường ác đạo, tiếp tục luân lưu trong cõi sanh tử luân hồi ,đời này qua kiếp khác, miễn sao cho vừa ý mình ngay trong hiện tại mà thôi. “Quay cuồng” ở đây có hai nghĩa một là quay cuồng trong tội lỗi, bị cuốn vào trong cơn lốc xoáy tội lỗi mà mình vẫn không màng. Hai là khi mình thân hoại mạng chung, trút hơi thở cuối cùng, bị ác nghiệp đó đưa vào trong ba cõi sáu đường, mình vẫn bất chấp miễn sao thỏa mãn được niềm mơ ước mà thôi.

Người trí phòng hộ tâm.
Tâm hộ, an lạc đến
Khi hiểu được như vậy rồi, người trí phải tự hiểu ra trách nhiệm của mình là tu tập nội tâm. Bởi vì khi một cá nhân tốt sẽ có tập thể tốt, khi có nhiều tập thể tốt sẽ có một thế giới vô lượng an lạc. Cho nên người hiền trí hiểu được chỗ này nên phòng hộ tâm. Người nào có nhiên cứu về Khổng giáo cũng biết Khổng Tử nói, “ Một quân tử ở đời là phải tu tâm, chánh thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn nói đến bình thiên hạ thì trước hết phải lo tu tâm tu thân trước. Cũng vậy trong đạo Phật người trí phòng hộ tâm. Khi người trí thấy được rằng tâm này là vô thường vô ngã, cái tâm này là thiện hay bất thiện hoàn toàn là do mình. Mặc dù sự vô thường vô ngã của nó mình không kiềm chế được nhưng bản chất thiện ác của nó mình có thể kiềm chế được. Người trí ở đây không phải là người có bằng cấp nhiều mà trí ở đây là người hiểu được cái nào là thiện, cái nào là bất thiện, cái nào là đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho đời này đời sau, cái nào đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho mình cho người. Người hiểu được như vậy được gọi là người trí theo định nghĩa của Phật giáo. Vì hiểu được như vậy nên người trí phòng hộ tâm của mình qua sáu ngã. Đó là qua ngã mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mình hiểu tâm giống như ngọn đèn cầy để trong căn phòng có sáu cửa, sáu cửa đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu không đóng sáu cửa này,chỉ cần mở một cánh cửa thôi thì gió thổi vào ngọn đèn sẽ bị tắt đi. Ngọn đèn đây là ngọn đèn trí tuệ trong tâm của mình.

Thời Đức Phật có một vị pháp sư rất giỏi, tinh thông Phật pháp đi giảng dạy nhiều nơi, được mọi người ủng hộ, tán dương, khen ngợi. Vị này thích thú không nghĩ đến việc tu tập thiền định. Một ngày kia vị đó đi đến gặp sư phụ của mình.
Sư phụ nói rằng,
-“ Ngươi chỉ đi thuyết cho người ta nghe giống như đi chăn bò. Người ta uống sửa còn mình không được gì hết. Bây giờ ngươi phải đi tu thiền để tự mình nếm lấy cái hương vị giải thoát”
Vị ấy thấm thía lời sư phụ nói, liền hỏi,
-“ Theo sư phụ con đi tu thiền ở đâu?”
Vị sư phụ giới thiệu cho một vị thiền sư.
Vị thiền sư nói,
-“ Ngài giỏi hơn tôi sao tôi dạy ngài được, tôi sẽ giới thiệu cho ngài người khác giỏi hơn tôi”
Vị thiền sư chỉ vị ấy đến một nơi trú ngụ của một vị khác và nói,
-“Vị này còn giỏi hơn tôi nữa, đáng làm thầy tôi”
Vị pháp sư nghĩ đó là một trưởng lão đạo cao đức trọng, tinh thông Tam tạng Phật pháp và chắc cũng chứng đắc A-la-hán lục thông, tam minh, tứ tuệ phân tích v.v… Vị pháp sư nôn nao chuẩn bị y bát lên đường, đến nơi thấy một vị sư bảy tuổi nhỏ xíu đang ngồi. Vị này thất vọng, buồn chán nghĩ các vị lớn chơi khâm mình, nhưng dầu sao cũng là người có kiến thức nên làm gì thì làm , cũng đi đến nơi đến chốn, rồi trở về sẽ dễ trình bày câu chuyện. Vị ấy đến trình bày mọi sự với vị sư nhỏ.
-“ Sư phụ và bạn của sư phụ tôi giới thiệu tôi đến đây gặp sư. Hy vọng sư sẽ giúp đỡ tôi trogn vấn đề tu tập thiền định”
Vị sa-di bảy tuổi không nói nhiều, bảo vị ấy lội xuống hồ dọn dẹp sạch sẽ. Sau đó bảo vị ấy ra ngoài vườn bít gò mối sáu lỗ lại, rồi tu thiền sau cũng được.
Vị pháp sư khó chịu vô cùng nhưng cũng đi ra vườn, nhìn quanh không thấy gò mối nào hết. Với trí tuệ của mình vị đó hiểu ra rằng gò mối sáu lỗ đó chính là nội tâm của mình đây. Vị ấy ngồi giữ chánh niệm, thở ra biết thở ra thở vào biết thở vào, làm cái gì biết cái đó. Cái gì nổi bật nhất như một cơn nóng giận, một cơn sợ hãi, hoặc một cơn ngứa hay một sự buồn phiền, nói chung cái gì nổi bật nhất thì ghi nhận cái đó. Chung quanh có tiếng động, mùi thơm hay bất cứ cái gì khởi lên vị ấy không bận tâm đến. Đó gọi là bít gò mối sáu lỗ. Vị ấy tu tập, sau đó chứng đắc A-la-hán. Vị ấy đến vị sa-di  bảy tuổi ngỏ lời cám ơn,
-“ Cám ơn sư đã giúp đỡ tôi rất nhiều đặc biệt cho tôi công án bít sáu cửa gò mối.”
Người trí phòng hộ tâm là phòng hộ như thế đó.

Khi tâm đã được phòng hộ thì an lạc đến. An lạc ở đây là gì? Nếu vị đó đầy đủ duyên lành có thể chứng đắc một trong bốn tầng Thánh từ sơ quả Tu-đà-hườn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Như vậy là quá an lạc rồi. Nếu trường hợp như một người thu thúc gìn giữ nội tâm của mình, giả dụ trong kiếp sống hiện tại không chứng đắc được tầng Thánh nào, với một người tu học như vậy nếu cái chết thình lình đến, vị đó cũng có thể sanh về các cảnh trời cảnh người trong những điều kiện tối ưu. Trong thời gian sanh tử luân hồi nếu có gặp chư Phật ra đời, nếu không gặp Phật mà  được nghe chánh pháp thì cũng chứng đắc mau lẹ hơn người khác, hiểu biết nhiều hơn và cũng ít phiền não quấy rối hơn.

Nếu chúng ta không nghĩ như vậy, để tâm bay nhảy, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Mình nghĩ, “ Ôi cứ để khi nào Phật ra đời, Phật biết duyên của mình Phật thuyết”.Xin trình bày với quý vị một điều nếu trong giây phút hiện tại này chúng ta không tu học thì trong dòng luân hồi dài đăng đẳng đó, khi không có Chư Phật ra đời chúng ta còn tệ đến mức nào nữa. May mắn có Chánh pháp mà chúng ta còn để chuyện tu thiền qua một bên thì khi không gặp Chánh pháp chúng ta còn dễ duôi đến mức độ trầm trọng khủng khiếp như thế nào nữa. Khi gặp Phật rồi, nhưng nếu trong vòng luân hồi chúng ta không tu tập, để cho tâm của mình giống như một  khu vườn hoang, cỏ dại gai góc phát triển sanh sôi. Khi gặp Phật, chúng ta đầy ắp những thói hư tật xấu, tà kiến, những lòng sân hận, những đam mê dục lạc nặng nề. Lúc đó chúng ta rất khó chứng đạo quả. Chúng ta vẫn có thể chứng đắc đạo quả chứ không phải không, nếu ta tập được Ba-la-mật, nhưng trước khi chứng đắc chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.

Quý vị còn nhớ ba huynh đệ của Ngài Uluvera Kassapa do chấp tà kiến mà Đức Thế Tôn đã mất một mùa an cư, tức là ba tháng hạ mới tế độ các vị đó được. Chúng ta cũng nhớ đến Ngài Vô Não, nói theo tiếng Hán là Ương Quật Ma La. Do ngài đam mê bùa chú, giết người cắt lóng tay xỏ xâu để đeo, hy vọng giết một ngàn người được một ngàn lóng tay sẽ luyện xong bùa chú. Dĩ nhiên chuyện đó không có, nhưng Ngài bị bạn bè ghét nên gài kế thưa với Thầy. Người Thầy lập kế gạt Ngài vì biết khi giết nhiều người như vậy sẽ bị triều đình truy nả xử tội. Chỉ vậy thôi chứ chuyện luyện bùa bằng mấy lóng tay thật ra không có. Nhưng có điều do bản chất hung ác của Ngài Ương Quật ba la nhiều đời cho nên kiếp cuối cùng khiến xui Ngài nghe như vậy Ngài vẫn tin, nhưng nếu một người hiền lương tu tập từ bi nhiều đời, khi nghe chuyện luyện bùa chú cho bản thân mà phải đi giết nhiều người như vậy mình cũng chạnh lòng trắc ẩn, không nở lòng. Cho dầu có ai cho mình vàng khối nói mình giết năm ba người, mình cũng không nở nếu như có tu hành. Đằng này chỉ vì bùa chú bản thân, chỉ vì một năng lực siêu hình nào đó mà phải giết nhiều người. Trong khi đó mình sống được bao lâu, phải chi khi sở hữu món bùa đó mình sống được cả triệu năm, cả tỷ năm thì thôi cũng cắn răng mà làm. Đằng này kiếp người phù du, chóng vánh, ngắn ngủi. Một cơn gió độc đi ngang, một con rắn cắn mình cũng có thể từ trần. Dầu có trường thọ cách mấy một trăm tuổi mình cũng phải chết.

Hiểu được chỗ đó, nhân sinh như bạch câu quá khích, kiếp người giống như bóng câu qua cửa sổ, như phù vân trên trời, có nghĩa lý gì. Cho dầu trong 50 năm, 70 năm đó mình có làm Giáo hoàng hay Tổng thống Mỹ, hay bộ trưởng hay Tổng bí thư gì đi nữa cũng ngắn ngủi lắm. Hiểu được như vậy người ta sẽ không vì danh vì lợi, mà đem bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ. Có nghĩa là mình không bán rẻ đạo đức bản thân. Nhưng nếu trong nhiều đời nhiều kiếp mình có thói quen ham danh ham lợi, dễ duôi, cho mạng sống này là trường cửu, là của mình. Thói quen đó nhiều đời sẽ trở thành tật xấu rất nguy hiểm. Kiếp sau sanh ra không gặp Phật Pháp, ai rủ rê cái gì mình cũng làm. Nếu mình biết Phật pháp chỉ cần nhớ một điều rất đơn giản rằng cho dầu ta có thành công cách mấy, có làm Giáo Hoàng có làm Tổng Thống thì muốn được những cương vị đó ta phải mất nửa đời phấn đấu. Muốn ngồi ghế càng cao, ở vị trí cả thế giới biết thì cũng không thể nào dưới tuổi 50, trừ trường hợp quá hiếm hoi như Tổng Thống Kenedy. Sau 50 tuổi mình ngồi ghế này được bao lâu, ghế Tổng thống Mỹ có định kỳ là 4 năm, sau đó nếu tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa là tám năm, nói chung gói gọn cũng 10 năm. Còn Giáo Hoàng thì trọn đời nhưng sau 50 tuổi, leo lên ghế Giáo Hoàng thì mình chỉ ngồi thưởng thức niềm vui đó nhiều lắm là hai mươi năm. Bởi vì từ năm 70 tuổi trở lên mình mang tâm tư tình cảm, hình hài của một ông cụ rồi, mình còn gì nếu nói trên mặt hưởng thụ, ngoài ra cái còn lại chỉ là công việc thôi. Cho nên hiểu được điều đó người trí phòng hộ tâm. Thấy rằng vấn đề quan trọng là tu tập nội tâm để: một là vươn đến cứu cánh giải thoát còn nếu không cũng tự mình dọn đường cho cuộc luân hồi. Dọn đường là chuẩn bị những vốn liếng nội tâm để khi luân hồi mình không gặp chánh pháp, không gặp được Đức Phật mình cũng không đến nỗi sa đọa, không đến nỗi bị trầm luân. Còn ngoài chuyện tu tâm ra cái gì cũng phù du. Nếu có một giây phút nào mình ham danh, ham lợi, ham sắc dục hay ham bất kỳ cái gì thì cứ nghĩ như thế này, tất cả mọi thứ trên đời này chỉ có đến một người tu tâm mà thôi. Nếu người không có tu tâm thì không được gì hết.   

Thí dụ như trong kinh nói bố thí thì giàu có, giữ giới sát sanh thì được trường thọ, được khỏe mạnh, như vậy đâu có nhắc nhở gì đến việc tu tâm. Nếu nghĩ như vậy là chúng ta lầm. Bởi vì bố thí là một hình thức tu tâm, mỗi lần bố thí là chúng ta bào mòn cái bỏn xẻn keo kiệt, cái tôi và cái của tôi. Mỗi lần giữ giới sát sanh, mỗi lần từ chối không giết một con kiến, con ruồi, con bướm, con ong, có nghĩa là mỗi lần bào mòn cái tánh hiếu sát của mình. Trong vòng luân hồi không biết Phật pháp chúng ta có nhiều tánh lắm, hiếu sắc, hiếu sát, thích ăn ngon, thích mặc đẹp. Khi biết đạo mình hạn chế những cái đó.Nếu nói rằng người giàu có không cần tu tâm gì đâu, họ chỉ bố thí thôi nhưng  thật ra bố thí cũng là một hình thức tu tâm. Nói chung bất cứ hình thức tu tập nào dầu bố thí, dầu trì giới, dầu từ bi quán, dầu bất tịnh quán, dầu niệm Phật, niệm hơi thở hay bất cứ đề mục nào tìm thấy trong đạo Phật cũng đều là tu tâm. Ngay cả Phật tử đi vào chùa thắp hương, lạy Phật, quét lá, dọn dẹp sạch sẽ, chưng hoa trên bàn Phật, thật ra đó cũng là tu tâm. Bởi vì nếu anh không tu tâm thì không có cách chi anh làm được những chuyện đó. Tại sao ngày chủ nhật anh không đi chơi mà lại đi vào chùa làm những việc đó. Điều đó có nghĩa là anh có ít nhiều công phu trong việc tu tâm. Bởi vì anh không dàn xếp được nội tâm thì không cách chi anh làm những việc đó được cả. Cho nên ở đây người trí hiểu được tất cả những điều đó và nổ lực tu luyện nội tâm của mình. Với một nội tâm được tu luyện chắc chắn rằng, người ta sẽ được an lạc. Đó là những gì UM góp ý cho kệ ngôn 36.

Xin được dứt lời tại đây

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật




Download KN 36a


Kinh Pháp Cú Lưu Trữ





-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu