Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 296 - 301

An Trú Chánh Niệm



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Ðệ Tử Gotama                                       Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm                  Năng tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm                      Chẳng luận ngày hay đêm

Thường niệm tưởng Phật Ðà                  Thường niệm tưởng Chánh Pháp

 

Ðệ Tử Gotama                                       Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm                  Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm                      Không luận ngày hay đêm

Thường niệm tưởng Tăng già                 Thường tu tập thân quán

 

Ðệ Tử Gotama                                       Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm                  Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm                      Không luận ngày hay đêm

Tâm vui niềm bất hại                              An vui trong thiền tịnh

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca nicca.m buddhagataa sati. -- 296

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca nicca.m dhammagataa sati. -- 297

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca nicca.m sa'nghagataa sati. -- 298

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca nicca.m kaayagataa sati. -- 299

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca ahi.msaaya rato mano. -- 300

Suppabuddha.m pabujjhanti sadaa gotamasaavakaa
Yesa.m divaa ca ratto ca bhaavanaaya rato mano. -- 301


Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Ðẳng giảng : kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức và thân chào quí Phật tử, ngày hôm nay là buổi học rất đặc biệt, trước nhất đây là một bài học có 6 kệ ngôn được giảng một lúc, chúng tôi không nhớ có bài học nào từ trước đến nay chúng ta có cùng lúc 6 kệ ngôn như vậy, và điểm thứ hai là với 6 kệ ngôn này chúng ta đã bước ngang bài kệ số 300 trong 423 bài kệ Pháp Cú, chỉ còn 5 phẩm nữa là chúng ta đã hoàn tất bộ kinh Pháp Cú 423 bài kệ này.  Ðó là sự đánh dấu hết sức hoan hỷ trong sinh hoạt đều đặn hành ngày của chúng ta, và thưa quí vị, điểm đặc biệt thứ ba ở trong kệ ngôn này chúng ta sẽ có thi` giờ để bàn về pháp tu, pháp tu đó ngày hôm nay hết sức là phổ thông đại chúng, và chúng ta có ít thì giờ để nhìn lại pháp tu này đã có mặt thời Ðức Phật như thế nào. Ðó là pháp tu niệm Phật, niệm Phật ngày hôm nay đặc biệt là ở trong một số các tông phái như Tịnh Ðộ tông thi` đã trở thành một pháp môn tu tập chính.

 

Có nhiều người xem pháp môn niệm Phật là pháp môn ưu việc nhất trong tất cả pháp môn, bởi vì những vị này cho rằng pháp môn niệm Phật thích hợp với thời đại mạt pháp này. Thưa quí vị niệm Phật trong kinh điển Pali là một trong nhiều cách niệm, mà trong câu chuyện này khi chúng ta đi sâu vào thì chúng ta sẽ thấy rằng khi nhà vua hỏi Ðức Phật phải chăng chỉ niệm Phật là cách duy nhất để an trú tâm và tìm sự hộ trì, thì Ðức Phật Ngài đã dạy cả 6 bài kệ với 6 nội dung khác nhau, chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng phần một của ý nghĩa từng bài kệ ngày hôm nay.
Trước hết chúng ta hãy có một cái nhìn đại loại, cái nhìn chung về pháp môn niệm Phật ở trong Phật Giáo, vào thời Ðức Phật còn tại thế thì Ðức Phật Ngài giới thiệu cho chúng ta nhiều pháp tu tập. Theo trong Thanh Tịnh Ðạo ghi có tất cả 40 đề mục thiền chỉ, và niệm Phật là một trong 40 đề mục thiền chỉ đó, và rồi chúng ta cũng biết được bốn phép niệm xứ, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, được xem như thiền quán của Phật Giáo thì không có pháp môn niệm Phật ở trong bốn pháp niệm xứ, cho dù rằng những vị thiền giả thỉnh thoảng khi hành thiền cũng có niệm Phật, có đảnh lễ Tam Bảo, nhưng không gọi là niệm Phật theo cách của chúng ta thường niệm được.

Và chúng ta cũng biết được người ta có ba quan niệm khác nhau về niệm Phật.

- Thứ nhất niệm Phật công cử hay là niệm Phật với sự chuyên chú niệm một hồng danh Phật, niệm tên danh xưng của Ðức Phật, như Ðức Phật A Di Ðà chẳng hạn, niệm nhất tâm bất loạn nghĩa là niệm liên tục, niệm như vậy thường được qua nhiều phương tiện như người Trung Hoa, như người Việt Nam thường niệm Phật lần chuỗi, hay là người Tây Tạng cũng đều dùng chuỗi để niệm, một ngày họ có thể niệm 1000 lần những danh hiệu của các Ðức Phật, như Ðức Phật Tỳ Lô Giá Na, hay Ðức A Di Ðà v.v...

Niệm Phật như vậy thì mang tánh cách thiền định và chúng ta cũng nghe đến một vài pháp niệm Phật khác trong truyền thống Phật Giáo Nam Tông như niệm Budho là ân đức Phật, ở trong đó là ân đức Phật Ðà,thì cũng là một cách niệm như là một cách thiền, nghĩa là niệm qua hơi thở, niệm đi niệm lại nhiều lần, tuy vậy cũng có một cách niệm Phật khác mà nó mang sắc thái tôn giáo tính nhiều hơn là tánh của thiền, tôn giáo tính có nghĩa là chúng ta niệm Phật trở thành quen miệng, giả sử như trong truyền thống Bắc truyền thì mỗi khi gặp nhau hay niệm ADiDaPhật. ADiDaPhật được xem như câu mở đầu cho câu chào hỏi, và rồi niệm Phật đã trở thành bản sắc của những người Phật tử, cũng như là các tôn giáo khác họ cũng niệm xưng danh hiệu vị giáo chủ của mình, ở trong Ky Tô Giáo họ cũng nói " rằng lạy Chúa tôi " chẳng hạn, những câu đó quen miệng như là một sự gần gủi một tín đồ với một đấng thiêng liêng cao cả.

- Trong cách niệm Phật thứ hai này, niệm lâu trở thành quen miệng mà thường nói như vậy, chúng tôi đã có rất nhiều cố gắng để nhìn lại pháp môn niệm Phật khi Ðức Phật còn tại thế, và ở trong bài kệ này là một thí dụ hết sức đặc biệt về quan điểm liên quan đến niệm Phật. Trong câu chuyện này chúng ta sẽ đi xa hơn vào chi tiết niệm Phật của câu truyện được nhắc ở tại đây là có một em bé quen miệng lúc nào cũng niệm câu mà chúng ta phiên âm là Nam Mô Phật Ðà Gia, như quí vị thường nghe:

Nam Mô Phật Ðà Gia, Nam Mô Phật Đà Gia, Nam Mô Tăng Đà Gia, cái câu Nam Mô Phật Đà Gia là Namo Buddhàya, có nghĩa là thành tâm đảnh lễ Ðức Phật, xin đảnh lễ Ðức Phật.

Ở trong nhà em bé này cha mẹ thường hay nói câu Namo Buddhàya và em cũng hay quen miệng tụng như thế.

Cũng trong câu chuyện này thì một lần cha đi tìm con bò đã bị lạc mất, và khi tìm lại đươc con bò lạc bấy giờ cửa thành đóng lại, không có cách gì để ra ngoài tìm con, đêm đó em bé đã ngủ một mình ở ngoài thành trong bãi tha ma, theo trong kinh kể thì tối hôm đó có một ác dạ xao đã định hại em bé này, nhưng khi trong giấc ngủ em bé mớ lên lời "Namo Buddhàya", lúc bấy giờ dạ xoa cảm thấy sợ hãi không dám đụng đến, một dạ xoa tốt đã nói với ác dạ xoa rằng phải làm một cái gì đó để đừng làm em bé kinh hoàng, và câu chuyện chúng ta đã được nghe đọc là ác dạ xoa đã vào trong hoàng cung lấy một ít thức ăn đựng trong một đĩa bằng vàng đem ra giả làm cha mẹ để cho em bé ăn cho đỡ đói trong đêm.

Về sau này khi biết được câu chuyện này nhà vua đã bạch hỏi Ðức Phật rằng, có phải chỉ có sự niệm Phật mới được sự hộ trì như vậy không, thì Ðức Phật đưa ra tất cả 6 pháp niệm Phật mang đến sự hộ trì. Ở đây từ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và rồi tu tập về thân quán, tâm an trú vui trong sự bất hại và sau cùng là an lạc ở trong thiền định, phần an lạc trong thiền định có lẽ phần đề cập đến rất là chung, chúng ta có thể nói rằng bao gồm nhiều thứ.

Trước khi đi vào trong từng pháp môn thì chúng ta có một từ ngữ ở tại đây, có lẽ với nhiều Phật tử không quen thuộc lắm, đó là chữ Gotama, chữ Gotama được dịch âm là Cồ Ðàm, hay là Kiều Ðàm, Kiều Đàm tức là họ của Ðức Phật, Ðức Phật Ngài lấy họ mẹ, mẹ của Ngài là Gotami, còn Ngài là Gotama, và rồi theo một số y' kiến của những nhà nghiên cứu, thì có hai chữ đã từ Ấn Ðộ truyền sang Trung Ðông đó là chữ Gotama và chữ Arahan. Chữ Gotama chúng ta thường gọi Cồ Ðàm thường được chuyển sang chữ gọi là God Ðam sang đến Trung Ðông được gọi God là thượng đế, và theo những nhà nghiên cứu thì Arahan là Bậc A La Hán hay là bậc Ứng Cúng, được truyền bá dần sang những sứ khác trở thành chữ ALa, Ala cũng là chữ thượng đế, trong chữ Yah Hebrew và chữ Ả Rập, nhưng về sau này chữ Ala được chỉ cho thượng đế của Hồi Giáo, và chữ God để chỉ cho thượng đế chung ở trong Anh ngữ và một số các ngôn ngữ Ấn Âu khác, chúng ta vẫn chưa có được một sưu khảo đáng kể về hai chữ Gotama và chữ Arahan, mà có sự nghiên cứu chi tiết về tầm nguyên như thế nào.

Tuy nhiên ở tại đây chữ Gotama được đặc biệt là để dùng chỉ cho Ðức Phật, ở trong mạch văn này là một cái thể kệ do vậy trong cách viết người ta có nhiều cách viết khác nhau, khi Ðức Phật giảng câu kệ này, chúng ta cũng khó dựa trên ý nghĩa này để có lượng định tại sao ở đây Ngài không dùng chữ Phật Ðà, mà Ngài dùng chữ Gotama, như vậy theo Ngài Santaci thì chữ Gotama ở đây được đặc biệt nói nên có một ý nghĩa những nhà ngoại giáo thường dùng chữ Gotama hay chữ Samôn Cồ Đàm. SaMôn Gotama để phân biệt Đức Phật và những người ngoại đạo, thì trong câu chuyện này Đức Phật Ngài có thể là qua đó Ngài nói lên sự khác biệt giữa Ngài và những đạo giáo khác ở trong quy luật của Phật, của Pháp, của Tăng, ở trong bản sắc sống bằng tâm niệm như thế nào, sống bằng cái thường nghiệp như thế nào mà dẫn đến an lạc, dẫn đến sự hộ trì một cách chân chánh, thì những người đệ tử Phật có khác hơn là đệ tử ngoại giáo.

Dĩ nhiên chúng tôi chỉ lập lại lời này như một điều dè dặt bởi vì đó chỉ là một y' kiến. Chúng ta cũng có thể nói ở trong cách viết, ví dụ như chúng ta nói rằng:

Đệ tử Gotama, thường tỉnh giác chánh niệm,
không luận ngày và đêm,
thường niệm tưởng Phật Đà,

Thưa quí vị, khi ở câu kệ dước chúng ta đề cập đến Phật Đà, và câu trên chúng ta dùng chữ Gotama thì trên phương diện văn pháp chuyện đó cũng là một cách thay thế rất đẹp, chớ không phải là một việc chúng ta cho là hoàn toàn ngẫu nhiên, hay do có sự sắp xếp gì khác ngoài mạch văn chúng ta cũng có thể giải thích như vậy, nhưng việc đó thật sự nó không có quan trọng lớn đối với chúng ta ở tại đây.

Bây giờ chúng ta trở lại pháp môn niệm Phật, có rất nhiều sự dị biệt khi người Phật tử quan niệm về vấn đề niệm Phật, đa số quan niệm về niệm Phật trong truyền thống Phật Giáo Bắc truyền là niệm Phật theo danh hiệu của Phật, và trong truyền thống Nam truyền thì niệm ân đức của Phật, chúng tôi muốn nói danh hiệu của Phật là như chúng ta nghe có những danh hiệu như niệm Đức Dược Sư hay là niệm Đức Phật A Di ĐÀ, hay là niệm Đức Tỳ Lô Giá Na và có lẽ vị Phật được niệm nhiều nhất là Phật A Di Đà, hay là Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang Phật, như vậy tức là lấy tên của vị Phật nào đó niệm.

Trong truyền thống Nam tông cũng xác nhận có nhiều vị Phật, mặc dầu có những vị Phật quá khứ, có những danh hiệu như Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca Diếp, Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tỳ Bà Thi v.v....tuy nhiên ở trong truyền thống Phật Giáo Nam Tông thì không lấy danh tánh của Chư Phật mà niệm, mà niệm vào ân đức Chư Phật, và ân đức Phật đây là ân đức của cả ba đời mười phương Chư Phật, ví dụ như là Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ.

Và hai ân đức Phật được niệm nhiều nhứt đó là Arahan là Ứng Cúng tức là trọn lành, là bậc xứng đáng được cúng dường và Buddho, Buddho là Phật Đà có nghĩa là bậc Giác Ngộ tỉnh thức, về pháp môn niệm Phật người ta có nhiều pháp môn đại để là có những pháp môn họ tưởng niệm về ân đức của Phật và an trú vào sự suy niệm đó, như chúng ta nghe giải thích ở trong Thanh Tịnh Đạo, rồi cũng có những pháp môn niệm Phật, dùng một huy hiệu Phật như là Araham hay là Buddho, đặc biệt là Buddho có hai âm đi với hai nhịp điệu của hơi thở ra và vào thì niệm là Buddho, niệm Phật Đà hay Araham, hơi thở ra niệm Araham Đức Phật trọn lành, hơi thở vào niệm Araham Đức Phật trọn lành.

Thường thì niệm Phật chung với hơi thở hoặc người ta cũng niệm chung với tràng chuỗi, ở tại Miến Điện người ta có một cách niệm là trọn cả ân đức của Đức Phật, từ Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc mà theo trong kinh Phạn là

Itipi So Bhagavà Araham cho đến đoạn cuối, nếu mà họ tụng là Itipi So Bhagavà Araham, Itipi So Bhagavà Sammàsambuddho, Itipi So Bhagavà buddhassa sampanno thành 108 cái âm, 108 âm đó tương ưng với 108 hạt chuỗi ở trong 108 cái âm tương ưng với 108 hạt trong tràng chuỗi thì đó là cách niệm Phật bằng chuỗi.

Cách niệm Phật rất là tôn giáo tính của chúng ta thường niệm và chúng ta thường nghe một số các Phật tử quen niệm ADiĐà Phật hay là mô Phật, những chữ đó ở tại các quốc gia Nam truyền không nghe nhiều, ở tại quốc gia Nam truyền người ta nói tùy hỷ là sadhu nhiều hơn là bắt đầu bằng câu là AdiĐà Phật hay Mô Phật, tuy nhiên pháp môn niệm Phật có một chỗ đứng vào thời Đức Phật, và ở đây ví dụ là

Đệ tử của Gotama năng tỉnh giác chánh niệm,
không luận ngày và đêm thường niệm tưởng Phật Đà,

Và niệm tưởng Phật Đà ở đây có thể được hiểu như là trong Thanh Tịnh Đạo đã đề cập, một người suy tư quán niệm ân đức của Đức Phật một cách sức nhuần nhuyễn từ sự quen thuộc của âm thanh, sau đó là sự biến mãn ở trong ân đức của Ngài và sự nhập tâm ân đức của Ngài và đem vào trong từng hơi thở của mình, cái phép niệm Phật đó được xem như là phép niệm Phật nhuần nhuyễn và pháp niệm Phật đó là pháp niệm Phật thường được đề cập đến ở trong thiền chỉ.
Tuy nhiên ở tại đây chúng ta thấy Đức Phật có xác định cho nhà vua, khi nhà vua hỏi có phải pháp môn niệm Phật là pháp môn duy nhất niệm để được hộ trì không, thì Đức Phật đã đưa ra 6 bài kệ khác nhau, ở trong bài kệ này kể cả niệm Pháp, kể cả niệm Tăng, kể cả niệm ý vui niềm bất hại, kể cả điều mà chúng ta gọi là tu tập thân quán và an vui ở trong thiền định.

Bây giờ thưa quí vị ở trong thời lượng tương đối rất ngắn của bài kinh ngày hôm nay, chúng ta không có đủ thì giờ để đi qua một cách rất chi tiết, thế nào là niệm Pháp, thế nào là niệm Tăng. Mỗi một ngày khi vào trong lớp học quí vị thường nghe vị MC đọc lên câu kính lễ Tam Bảo, ở trong đó Đức Phật là:

Bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Điều Ngự Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn".

Đó là những ân đức của Phật, rồi chúng ta cũng nghe ân đức của Pháp và ân đức của Tăng, trong những hoa nghi của Phật Giáo Bắc truyền mà người Phật tử Việt Nam thường quen thuộc thì thường đảnh lễ Chư Phật, nhưng không có phần xưng tán ân đức riêng của chánh pháp và Chư Tăng, ví dụ như:

"Chánh pháp đã được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian đến để thấy hiệu năng hướng thượng các bậc ký giả thân chứng".

Hoặc giả Chư Tăng là:

"Đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc Diệu Hạnh, Trực Hạnh, Như Lý Hạnh Chân Chánh Hạnh gồm bốn đôi tám vị đáng nhận lễ phẩm tặng phẩm tế phẩm kính lễ là phước điền vô thượng ở đời".

Ân đức của Pháp của Tăng thì thật sự tìm thấy rất ít ở trong cái hoa nghi của Phật Giáo Bắc truyền, mặc dù chúng ta có thể tìm thấy ở trong các bản A Hàm của Hán Tạng, nhưng lại không có phổ cập ở trong nghi thức tụng niệm.

Ngoài niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, ở đây lại có hai phương pháp niệm kế tiếp theo đó là niệm thân, niệm thân theo các nhà sớ giải thì chúng ta biết có nhiều pháp niệm thân, ví dụ như niệm về hơi thở, niệm về đại oai nghi, tiểu oai nghi, niệm về tứ đại, niệm về thể trược, niệm về hài cốt, niệm về tử thi v.v...Nhưng các vị nên lưu ý rằng niệm thân ở đây là niệm hơi thở, hơi thở được xem như là một pháp niệm căn bản trong cả chỉ và quán, bởi vì tính cách liên tục của hơi thở, sự hiện hữu không ngừng nghỉ của hơi thở khi mạng sống hiện hữu hơi thở với hai nhịp điệu vào và ra là một đối tượng lý tưởng để gom tâm, do vậy thường chúng ta vẫn nghe Đức Phật dạy rằng hơi thở thuộc về thân hành, tầm và tứ thuộc về tâm hành, chúng tôi sẽ trong một dịp khác, nhưng ở đây hơi thở là một trọng điểm, một đề mục chủ yếu của thiền định.

Rồi ý vui niềm bất hại đó là một cách diễn tả rất đặc biệt của một người sống trong cuộc đời mà không bao giờ mang mảy may một tâm niệm nào để hại bất cứ ai. Thật ra chúng ta có thể hiểu cả hai cách, một là ý vui niềm bất hại, có nghĩa là vị này tu tập tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Tâm từ có nghĩa là vị này mong cho chúng sanh được an lạc, tâm bi là mong cho chúng sanh được bớt khổ, tâm hỷ là vui trong hạnh phúc của chúng sanh khác, và tâm xả là giữ tâm quân bình, không bị quá vui quá buồn chi phối mình. Thì cả bốn trạng thái từ, bi, hỷ, xả, cũng là đề mục của thiền chỉ, và chúng ta cũng có một quan niệm khác, ý vui niềm bất hại, tương tựa giống như câu nói chúng ta thường nghe mọi người nói rằng mình không có làm gì hại ai, do đó không có chuyện gì phải sợ. Thì phải nói rằng một con người sống ở trong ba nghiệp, là lời nói, hành động việc làm, tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp hoàn toàn không bao giờ có chủ tâm cố ý để hại người khác, thì người đó thật sự là đáng hoan hỷ, rất đáng vui thấy rằng mình đã sống và mình không có làm tổn thương bất cứ một sinh linh nào.

Cái không làm tổn thương bất cứ một sinh linh nào cũng là một bản sắc, và cũng là một bản chất mà Đức Phật Ngài dạy trong Từ Bi kinh, và cái thái độ harmlessness hay là bất hại được xem là một khả năng không những là tự chế, không những là đạo đức, như là một nơi nương tựa và chúng ta được biết rằng một vị đại đế, được xem là vị thánh quân ở trong lịch sử của Ấn Độ, và trong lịch sử Phật Giáo là vua A Dục, được nổi bậc khi mang chủ trương bất hại mà ngày hôm nay chúng ta hiểu qua một danh từ khác là nonviolent hay là bất bạo động, nhưng nhiều học giả đã dịch chữ harmlessness tức là bất hại,là không gây thương tổn đến cho muôn loài.

Mới nghe thì bất hại đó rất tiêu cực, nhưng trên thực tế nó là cả một trình độ trưởng thành của tâm linh, chúng ta sống ở giữa những người Việt Nam thì chúng ta hiểu được một điều thông thường chúng ta ghi nhận chuyện không làm hại ai không phải là đơn thuần, không làm hại ai là tiêu cực, nghĩa là mình cột tay cột chân lại không làm hại ai, không làm hại ai đó là cả một ý thức rất lớn, một người có trách nhiệm chẳng những thế mà là một người rất xung mãn về từ tâm, cứ tưởng tượng rằng trong đời sống hằng ngày có bao nhiêu lời nói của chúng ta trước mặt người khác và sau lưng người khác gây tổn thương cho người mà chúng ta hoàn toàn không để ý, nên một người sống trong đời sống bất hại là dù ở một mình hay ở giữa đám đông hoặc trong lúc nói chuyện thì không để cho lời nói hành động việc làm của mình với bất cứ một dụng tâm, một chủ ý lớn nhỏ nào để gây ra tổn thương phiền muộn nào cho người khác, đó gọi là " ý vui niềm bất hại " và chúng ta đặc biệt có một câu chuyện ở trong bài kinh ở trong Trung Bộ Kinh, một bộ kinh rất nổi tiếng mà quí vị tìm thấy trong Trung Bộ Kinh tập một đó là Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm.

Ngày xưa khi Đức Phật, Đức Đạo Sư của chúng ta Ngài sống trong rừng sâu lúc Ngài chưa thành đạo còn là một vị đại bồ tát đang hành thiền ở trong rừng sâu, Ngài cũng có ý nghĩ rằng: bởi vì mình không gây ra tổn hại cho bất cứ sinh linh nào, mình sống với tất cả tâm từ mẫn thì không có lý do gì phải sợ , nên thái độ bất hại cũng là thái độ mang lại cho lòng tự tin và hơn thế nữa là nó hộ trì cho một người, bởi vì người đó có được cái phước của lòng từ, và phước báu của lòng từ thì quí vị đã nghe Chư Tăng nói rất nhiều, chúng tôi không cần đề cập thêm ở đây.

Bài kệ sau cùng chúng ta nói về quan niệm về quán niệm, quan niệm về thiền định, thiền định cũng là một pháp được xem như có thể an trú ngày và đêm, thiền định ở đây được hiểu ý nghĩa rất rộng lớn, kể cả thiền chỉ và thiền quán, nhưng nói một cách nôm na, là một cách sống mà qua đó chúng ta vận dụng khả năng tập trung vào tỉnh giác để làm mòn và từ dần dà lắng đọng được phiền não, phiền não được xem như cuộc sống ngoại tại, và thiền định là cách gom tâm về sống với nội tại, thì trong những pháp môn này thưa quí vị, niệm Phật, thường tưởng niệm Phật, tưởng niệm Pháp, tưởng niệm Tăng, thường an trú trong sự bất hại và chúng ta cũng thấy ở đây là tu tập thân quán mà hồi nãy chúng tôi nói chủ yếu là hơi thở và sau là an vui trong thiền định là những pháp năng hộ trì.

Nhìn 6 bài kệ này được Đức Phật Ngài thuyết một loạt thì cho thấy rằng Đức Phật đã giới thiệu cho chúng ta một hình ảnh rộng lớn hơn là quan niệm ngày hôm nay, chúng tôi nói như vậy thật ra bằng một thái độ rất là cẩn trọng, bởi vì bây giờ chúng ta nghe rất nhiều sự cổ võ, chúng tôi biết rằng một số qúi vị rất đặc biệt tin tưởng vào một pháp môn, dĩ nhiên việc đó rất kiên trì, tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên rằng trong lúc mà chúng ta rất nhiệt thành để cổ võ một pháp môn thì chúng ta đừng quên thái độ mà Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta đó là có rất nhiều pháp môn khác nhau, có rất nhiều cách hành trì khác nhau, và những hành trì này cũng mang lại những lợi lạc to lớn chứ không phải chỉ một pháp môn. Tuy nhiên chúng ta cũng khám phá ra qua bài kệ này có thể nói rằng Đức Phật Ngài đã đưa ra một cách sống miên mật, cách sống miên mật tức là khi nói ở bất luận, không luận ngày và đêm thường niệm tưởng chánh pháp hay là không luận ngày hay đêm thường tu tập thân quán, không luận ngày hay đêm tâm vui niềm bất hại.

Nhiều ngày trước đây trong một buổi thảo luận trực tiếp với TT Trí Siêu trong room DieuPhap này, chúng tôi có cố gắng để đưa lên một câu hỏi, và TT Trí Siêu cũng đã trả lời mà qua đó chúng ta làm sao để có một cái nhìn tương đối tránh xa hai cực đoan, một là bỏ vào trong rừng tu thiền và hai là không tu gì hết, chúng ta quan niệm như vậy và trong cuộc sống hàng ngày có đi, đứng, có ăn nói, có sinh hoạt có thuyết pháp tụng kinh, có đi làm, thì những lúc đó không thể nào sống bằng sự an trú vào trong tâm niệm thiện được, không chuyên chú vào những đề mục niệm, ví dụ như niệm Phật được.

Ở trên thực tế người ta đã chứng minh rằng cái gì mà mình tha thiết thì mình gắng bó, cho dù với cuộc sống hết sức bị chi phối, bận rộn bởi nhiều việc, chúng tôi lấy một ví dụ là có những người rất thích chơi cây kiểng, mặc dù họ có phận sự ở sở làm, có phận sự ở trong nhà, nhưng mà họ đã thích chơi cây kiểng thì cây kiểng luôn luôn trở lại một vị trí vô cùng quan trọng ở trong lòng của họ vào những giờ họ có thể có được, thì điều đó tương tự như một người họ sống hết sức là tập trú vào một đề mục niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm hoan hỷ trong sự bất hại hay là niệm hơi thở, niệm thân hoặc giả là an trú trong thiền định, chúng tôi nói như vậy là một ví dụ rất là tương đối, nhưng quí vị sẽ thấy như vậy, hay là chúng tôi biết những vị rất thích về thi ca, lúc nào cũng có thể thể nhập vào khung trời của thơ, có thể hướng tâm của mình trở lại bắt từng nhịp của từng giòng từng chữ của các bài thơ bởi quá quen trong việc đó. Hoặc giả là ngày hôm nay quí vị thấy các em nhỏ, một số người họ chơi game bằng máy điện tử họ nghiền đến mức độ thâm nhập vào được, do vậy quan niệm mà "không luận ngày hay đêm thường tưởng niệm Phật Đà", ở đây chúng ta có thể hiểu được trong một cách nhìn nếu mà chúng ta thường xuyên dành những thì giờ ban đầu để chúng ta tâm niệm vào ân đức của Đức Phật mà chúng ta cảm kích khi mà chúng ta nghe đến, thì chúng ta bỗng nhiên hết sức là hoan hỷ, hết sức là có cái cảm giác gì đặc biệt. Thì thưa quí vị cho dù chúng ta có sinh hoạt rất bình thường thì chúng ta vẫn an trú trong đó được.

Đời sống bản thân của chúng tôi, có một lần chúng tôi có nghe được Ngài Tăngulu vị Bổn Sư truyền giới cho chúng tôi, Ngài có đề cập đến ân Đức Phật mà qua một ân đức ở trong kinh đó là chữ Thiện Thệ hay là Sugata , mà sau đó chữ Thiện Thệ lại có một âm hưởng rất đặc biệt khi chúng tôi nghe đến chữ Sugata hay là Thiện Thệ , thì chúng tôi nghe có một cái gì đó hết sức khác lạ, nghĩa là mỗi lần bản thân chúng tôi nghe chữ Sugata thì chúng tôi lại liên tưởng đến một bậc đại giác đã đi và đã đạt đến chỗ tối thượng và Ngài là một vị có thể nói rằng sự thành tựu bất thối chuyển, và khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta có thể đặt trọn vẹn niềm tin đi theo bước chân của Ngài.

Chúng tôi cũng biết một số Phật tử rất thâm nhập Phật hiệu Araham tức là Ứng Cúng hay bậc trọn lành và chúng tôi cũng có biết một vài vị hết sức là nhuần nhuyễn ở trong cách niệm Phật chữ Buddho hay là Phật Đà.

Nói chung thì thiền định là chúng ta tạo ra một cái thói quen tốt, chữ thói quen ở đây có nghĩa là thuần thục có nghĩa là nhuần nhuyễn, khi tâm của chúng ta đã được đặt trong một cái nếp nào cố định thì chúng ta trở lại rất nhanh, đọc những câu chuyện ở trong kinh như chúng ta nghe một người thường dùng màu xanh hay màu vàng hoặc màu đỏ để làm đề mục thiền chỉ, khi mà họ bị hoại thiền, hay là ở kiếp trước họ đã từng tu đề mục đó, kiếp này họ chỉ thấy thì tự nhiên có khả năng tập trung tư tưởng lớn và họ có thể thành tụ được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, điều đó không ngạc nhiên vì họ quá quen thuộc.

Chúng tôi có quen một anh Phật tử trước kia vốn xuất gia với Sư Cậu của chúng tôi, về sau này anh hoàn tục, sang đây cũng sống ở thành phố này, có một lần chúng tôi hỏi anh vậy chớ sau mười mấy năm rời mái chùa, khi anh trở lại chùa thì còn nhớ nhiều kinh tụng không, anh nói rằng có những bài kinh mặc dù không tụng đã lâu nhưng bây giờ lâu lâu nghe Chư Tăng tụng thì biết rằng mình sẽ học trở lại và học rất nhanh. Thưa quí vị có những thứ mà cơ hồ như chúng ta không thấy được trong một thời gian nào đó mà tâm tư của chúng ta đã quá quen, bây giờ bỗng nhiên tự một gợi nhắc rất nhỏ thì nó cũng đủ mang một khung trời rộng lớn trở lại với chúng ta.

Nên mình phải thấy cái lợi đó và mình hoan hỷ về một số ý niệm an trú. Chúng tôi có biết rằng một vài người trong đời sống của họ có nhiều cái tự hào, họ tự hào về kiến thức về địa vị, và khi nói về một chuyện gì đó, ví dụ như họ đã từng là một tướng lãnh tài ba ngoài trận mạc, bây giờ mỗi lần trong tuổi già mà nhắc lại thuở xa xưa hay là nhắc lại trận chiến nào đó thì đôi mắt người đó sáng rực lên, người đó trở về với cả một qúa khứ, một quá khứ huy hoàng, một quá khứ oanh liệt, điều này nó là một hiện tượng của tâm lý thôi, và chúng ta cũng biết rằng có những người mà suốt cuộc đời họ có tâm niệm rằng họ sống không bao giờ làm hại bất cứ ai, mà khi nghe nói đến quan niệm về nghiệp báo thì họ rất hoan hỷ, họ hoan hỷ vô cùng bởi vì điều đó là một điều mà họ thường tâm niệm, và tâm niệm lớn.

Bởi vậy pháp tu tập nó có cái lợi như vầy là cho phép chúng ta làm quen, chẳng những làm quen mà còn gắng bó, còn thân thiết, còn cảm thấy rằng mình thuộc về một cái thế giới, thuộc về một cái gì đó mà ở trong giây phút thảng thốt, cho dù chúng ta chỉ đón nhận điều đó, đón nhận sự gợi ý hay là một nhắc nhở một cái gì rất đơn giản, thì chút ta cũng có thể trở lại thể nhập vào trong cảnh giới đó được, nói về điểm này chúng ta không thể phủ nhận được rằng cái giá trị của sự tu tập rất lớn, lớn lắm.

Chúng tôi mãi về sau này có được nghe một vài vị kể một kinh nghiệm khi chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi nhớ rằng chúng tôi và TT Trí Siêu có thời gian đi học trong Vạn Hạnh và học Trung Bộ Kinh, tuy rằng tuổi còn rất nhỏ, nhưng khi chúng tôi đọc Trung Bộ Kinh, chúng tôi không bao giờ cảm thấy rằng bài kinh đó khô khan hay cảm thấy chán, một khi vào học thì cảm thấy rất là thích thú. Về sau này khi chúng tôi tiếp xúc với một số các vị khác chúng tôi biết rằng một số các vị khi đọc vào những bài kinh như vậy thì rất buồn ngủ, rất là chán, chỉ muốn đọc những quyển Phật sử hay là tích chuyện Phật Giáo, hoặc giả những cuốn sách phổ thông, mà đọc vào những bài kinh trong chánh tạng thì lại không hoan hỷ nhiều. Thì qua đó chúng tôi cũng có niềm tin đâu đó, có lẽ kiếp trước có ít nhiều túc duyên với những chánh kinh như vậy, với những bản kinh ở trong chánh tạng như vậy, nên mặc dù hồi còn thơ ấu chỉ có thể tiếp xúc và nghe giảng, nhưng mà tìm thấy ở đó nhiều điều thích thú, thích thú một cách rất đặc biệt, và nó trở thành một trong những quyển kinh sách mà có thể nói rằng mang theo ở trong cả cuộc đời của mình.

Thời bấy giờ Đức Phật khi Ngài dạy về điều này, Ngài nhấn mạnh cho chúng ta ba cái lợi lạc rất lớn ở trong cuộc sống, lợi lạc đầu tiên đó là nếu chúng ta thường xuyên để tưởng niệm, để thâm nhập vào những giá trị tốt đẹp của đời sống thì tâm tư của chúng ta sẽ dễ dàng trở về với cảnh giới trong sáng, cho dù đó là một sự giựt mình ở trong cơn mơ, cho dù ở trong phút bất chợt, bất chợt mà chúng ta không để ý đến, thì chúng ta vẫn có thể trở về ngay, bởi vì sao, bởi vì đó là chỗ nương náu mà lúc nào chúng ta cần phải tự bảo vệ lấy chính mình, thì chúng ta sẽ đi vào ngay trong nơi đó.

Chúng tôi nhớ cách đây vài hôm chúng tôi có nhắc trường hợp của Ngài Achaan Sumedho một vị danh Tăng người Mỹ , vị này trong lúc nói chuyện riêng với chúng tôi thì vị này nói rằng bất cứ khi nào lo lắng, khi nào gặp chuyện khó khăn vị này chỉ đọc là

"Buddham saranam gacchàmi, Dhammam saranam gacchàmi, Sangham saranam gacchàmi - con về qui y Phật, con về qui pháp, con về qui y Tăng,"

là vị này tìm về cảnh giới hết sức là nhiệm màu để nương náu nội tâm của mình.

Và rồi một điểm thứ hai chúng ta có thể nói ở tại đây là vị vua khi hỏi Đức Phật có phải pháp môn niệm Phật là pháp môn duy nhất, thì Đức Phật Ngài đã đưa chúng ta một hình ảnh rộng lớn, chớ không phải Ngài nói đó là pháp môn duy nhất mà trong đó Ngài đề cập đến chẳng những niệm Phật, mà còn niệm pháp, niệm Tăng, niệm hơi thở, quán thân, ý vui trong niềm bất hại và tu tập thiền định, kể cả mở ra một cánh cửa rộng lớn, chúng ta thấy cái nhìn của Đức Phật và của những người Phật tử ngày Ngài còn tại thế, thời Đức Phật trụ thế có một cái nhìn tương đối rộng lớn hơn chúng ta có ngày hôm nay rất nhiều.

Điểm thứ ba trong bài kệ này, thưa quí vị chúng tôi tin rằng đã giới thiệu cho chúng ta một cái lối sống, lối sống đó không quá cực đoan là phải hoàn toàn như thế này mới là tu thiền, phải hoàn toàn như thế kia, nếu mà không có được như thế kia, tức là không có tu thiền, và ở đây là sự áp dụng trong từng giờ từng ngày, sự áp dụng trong điều kiện nào mà mình có thể áp dụng được, thật ra thì điều này không có nghĩa chúng tôi cố gắng để phủ nhận giá trị của những người hành giả thiền định liên tục, điều đó rất tốt và không có điều gì chúng tôi phủ nhận điều đó hết, nhưng một điều rất đáng tiếc khi một số Phật tử cho rằng chúng ta chỉ có thể hành thiền được, chỉ niệm Phật được khi nào chúng ta vào trường thiền, hay chúng ta bỏ hết thì giờ, hoặc giả chúng ta làm một đại nguyện để thực hành thiền, chúng ta mới thực hành được, ở trên thực tế thì cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều người có thể an trú trong ân đức của Phật, của Pháp, của Tăng, an trú trong cái niềm hoan hỷ an lạc như niềm vui trong sự bất hại, hay trở về với hơi thở của mình.

Bây giờ chúng tôi kết luận bài pháp này, phải nói bằng một quan niệm rất thường thức là nội tâm của chúng ta cũng giống như thân, thân hay tâm của chúng ta là kết quả của quá khứ, là sản phẩm của thói quen, mà ở trong 100 việc chúng ta làm, hết 99 việc là do thói quen của chúng ta, cách chúng ta cười, cách chúng ta nói, cách chúng ta hổ thẹn mắc cở, cách chúng ta cảm ơn, cách chúng ta ưa thích việc gì đó, đều là thói quen hết, và nếu chúng ta có được một sự tu tập và chúng ta quen thuộc với một cảnh giới cao quí, quen thuộc với giá trị cao quí, quen thuộc với đối tượng cao quí mà chúng ta dễ dàng trở về để thể nhập vào ở trong đối tượng đó, cảnh giới đó thì là một lợi lạc rất lớn và điều đó là điều mà Đức Phật Ngài dạy rằng: đệ tử của Đức Phật thì thường sống ở trong sự thể nhập như vậy, tức là sống bằng cái thái độ sống, mà thái độ đó là thái độ đưa tâm tư của mình vào một cảnh giới rộng lớn, cảnh giới cao quí, chứ không phải chỉ sum xoe chăm sóc bề ngoài của mình mà quên đi rằng ở trong nội tại của mình cần có một chất liệu sống, chất liệu sống đó phải lớn hơn, phải cao quí hơn, và đẹp hơn.

Thưa quí vị với ba điểm mà chúng tôi vừa trình bày, chúng tôi xin được kết thúc bài giảng hôm nay ở tại đây trong 6 cái kệ ngôn.

Chúng tôi cũng nhắc lại lần nữa, vi` khi chúng tôi mở đầu bài pháp ngày hôm nay không có mặt của Chư Tôn Đức trong room, và bây giờ chúng tôi thấy có Sư Trưởng, TT Trí Siêu, Sư Pháp Đăng, Sư Pháp Lực, Sư Huệ Giác ở trong room. kính mong Quí Ngài và quí vị ngày hôm nay hoan hỷ với một điều là với bài học này, chúng ta đã đi qua kệ ngôn số 300 trong kinh Pháp Cú, thật sự hôm nay là từ 296 tới 301. Chúng ta cứ xem như một lời của một bài hát là " Đường chúng ta đi, từng đóa hoa hồng nở trên từng bước tới ". Hoa hồng ở đây chúng tôi muốn nói rằng mỗi một bước đi như vậy chúng ta tìm thấy được rất nhiều điều đáng được hoan hỷ, phải nói rằng trong một nỗ lực hằng ngày để cùng tâm niệm về Phật ngôn, thì chúng ta đã liên tục từ lúc Sư Trưởng khởi xướng, chưa đầy một năm mà chúng ta đã đi qua 300 bài rồi, đó là một việc vô cùng hoan hỷ, và riêng bản thân của chúng con, nghĩ rằng chưa bao giờ mình có thể đi qua một đoạn đường dài ở trong một thời gian ngắn như vậy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Download KN 296-301

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu