Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 281

Nghiệp Thanh Tịnh Chứng Đạo



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Giữ lời, hộ phòng ý
Thân không làm bất thiện
Hãy thanh lọc ba nghiệp
Chứng đạo thánh nhân thuyết

.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Trí Siêu dịch từ Pali

Vaacaanurakkhii manasaa susa.mvuto
Kaayena ca akusala.m na kayiraa
Ete tayo kammapathe visodhaye
Aaraadhaye magga.m isippavedita.m



Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Đẳng giảng : Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. kính đảnh lễ Chư Tôn Đức, và thân chào quí Phật tử. Chúng ta đi hãy vào bài học hôm nay là kệ ngôn 281, bài kệ này đúng ra thì không khó hiểu đối với nhiều Phật tử, nhưng bài kệ này cũng giống như nhiều bài kệ khác mang ý nghĩa tương tự cho chúng ta một cái nhìn hết sức đặc biệt liên quan đến giáo lý của Đức Phật đối với các nhân sinh.

Con người hay chúng sanh sống trên đời này được hiểu trong chỗ thấp hèn và cao quý mà chúng ta thường nói và chúng ta nhìn vào cái phẩm vị, dù đó là do phần ở trong đạo hay ở ngoài đời, cho dù đó chúng ta có thể nói rằng từ phương diện về văn hoá cho đến đạo giáo rồi đến xã hội ở bên ngoài, chúng ta có nhiều cách để đo đạc con người, đo đạt chúng sanh ở trong đời này thế nào là cao thế nào là thấp.

Thật ra người Phật tử cũng hay quen có cái nhìn như vậy, ví dụ như chúng ta nói rằng Đạo Phật nói đến nhân thừa, thiên thừa, thinh văn thừa, bồ tát, duyên giác v.v...Đó cũng là một cách nhìn của chúng ta, nhưng nếu chúng ta đọc kinh điển thì chúng ta cũng phải nhận ra một điều rằng Đức Phật có một cách nhìn về chúng sanh ở trong đời hết sức đặc biệt, đó là nhìn vào sở hành, sở hành tức là hành hoạt, là thể hiện của ba nghiệp thân, khẩu và ý.

Lời nói hành động và ý tưởng làm cho chúng sanh cao quí hay thấp hèn, vì vậy khi chúng ta đề cập đến sở hành hay chúng ta nói đến cái hành vi tạo tác, chúng ta thấy rằng ở đây không phải chỉ có giá trị về phương diện nghiệp quả, mà qua đó Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta một cái nhìn mới. Lấy ví dụ như vầy, chúng ta không thể đem một người có bằng cấp đại học để so sánh với một em bé đi học lớp ba, lớp tư ở trong trường, tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng nếu một người mà ba bốn mươi tuổi không học chịu học nữa, họ đâm ra lười biếng, thấy sách vở ngao ngán không học nữa, và đối với một em học sinh tuy rằng trình độ không cao, nhưng em vẫn cố gắng tích cực để học thì Đức Phật Ngài vẫn khen ngợi thái độ tích cực , chứ Ngài không có nhìn vào cái cương vị hay địa vị mình đang có, vì vậy đây là cái nhìn hết sức đặc biệt của Đạo Phật khi đề cập đến chúng sanh ở trong cuộc đời này.


Có rất nhiều lần những người BàLaMôn đến hỏi Đức Phật về quan niệm của Ngài đối với giai cấp, thì Đức Phật Ngài dạy rằng không phải do nghiệp quả thọ sanh mà con người trở lên cao quí hay thấp hèn, mà chính hành vi tạo tác đã khiến cho con người thấp hèn hay cao quí. Như vậy đây là điểm đặc biệt đầu tiên của Đạo Phật, khi nhìn vào con người, điểm quan trọng nhất là hành động, và hành động ở đây phải nói rằng đó là sở hành của thân, của khẩu, của ý. Nói một cách nôm na cái gì chúng ta làm, cái gì chúng ta nói hay chúng ta suy nghĩ, và thậm trí Đức Phật Ngài còn đi xa hơn, Ngài dạy rằng chính điều đó mới phân biệt thế nào là người thiện trí hay là kẻ không phải thiện trí.

Bây giờ chúng ta lại nói đến khía cạnh khác hết sức thú vị, là khi chúng ta đọc vào Phật Pháp đó là đức tánh thanh tịnh. Chúng tôi nhớ rằng cách đây một thời gian ngắn chúng ta đã đi qua phẩm " Cấu Uế" , trong phẩm " Cấu Uế" đó rõ ràng Đức Phật Ngài nêu lên một ý niệm, và ý niệm này không phải xa lạ với chúng ta, ý niệm nầy thường bị quên lãng bởi các tín đồ của các tôn giáo, ý niệm đó là cái bản chất thanh tịnh. Bản chất thanh tịnh tuy rằng nhiều lúc không có hào hứng như là một bản nhạc hay đối với chúng ta, hoặc bản nhạc thanh tịnh đó có thể cho chúng ta một đời sống rất là yên tinh lặng lẽ, nhưng mà sự thanh tịnh là một điều mà bậc thiện trí không thể không nghĩ đến, khi chúng ta nói đến những bản sắc của đời sống, chúng tôi lấy một thí dụ nếu khi nào chúng ta lên giường nằm ngủ, mà mền gối được giặt sạch sẽ, và chúng ta tắm rửa sạch sẽ thì chúng ta có một cảm giác khác và nếu một người không quen với sạch sẽ, họ quen với đời sống dơ thì rất khó để nói với họ cái cảm giác hạnh phúc như thế nào để được sống trong sự sạch sẽ như vậy

Con người của chúng ta sống trong một xã hội mà qua đó bao nhiêu tranh chấp, bao nhiêu hệ lụy, bây giờ chúng ta ngồi để tưởng tượng đến một đời sống thanh tịnh trong lời nói, thanh tịnh trong hành động việc làm, nó không phải là điều dễ dàng cho chúng ta hình dung , chúng ta hoàn toàn thấy, có thể chúng ta nhận rằng điều đó có tốt, nhưng chúng ta không thấy được điều đó, chúng ta chỉ có thể mường tượng như vầy, là khi nào trong người của chúng ta sau một ngày làm việc, mồ hôi nhễ nhại rồi chúng ta vào có thể tắm được, và sau khi tắm xong trong người cảm thấy sảng khoái, cảm thấy rằng những cáu bẩn, những chất nhờn, chất dơ trong cơ thể đã được trôi đi theo dòng nước, và chúng ta mặc bộ đồ hoàn toàn sạch sẽ vào, thì chúng ta cảm thấy cái sạch sẽ đó cho chúng ta một cái gì mà có đôi khi chúng ta không thể nói đơn giản bằng lời được.

- Điều thứ nhất, thì thưa quí vị, với một người sống trong cuộc đời này thông thường ít có khi nào nghĩ đến cái thể tính thanh tịnh đó, thể tính thanh tịnh không phải là một ưu tiên hàng đầu trong đời sống chúng ta, chúng ta thường quan trọng những thứ khác, lấy ví dụ chúng ta quan trọng cái gì mình có trong đời này, sự thủ đắc tài sản, quyền thế, rồi chúng ta quan trọng cái danh, quan trọng cái lợi. Nhưng chúng ta ít bao giờ cảm thấy rằng mình không thể thốt lên một câu tương tự như Phật ngôn đã nói rằng " hạnh phúc thay ta sống không hận thù giữa những người thù hận, giữa những người thù hận ta sống không hận thù " hoặc giả là " thân trong sạch hạnh phúc biết bao, khẩu trong sạch hạnh phúc biết bao, ý trong sạch hạnh phúc biết bao " , những cảm khái đó khó đến với đời sống của chúng ta vì chúng ta không nhận ra như vậy.

Một ngày chúng ta thọ bát quan trai, nếu quí Phật tử thọ bát quan trai, nếu quí vị sống thanh tịnh, các căn trong sáng, phải nói rằng trừ khi chúng ta có nhiều đạo tâm lắm thì mới thấy như vậy đó, và nó cho chúng ta một cảm giác an lạc nhẹ nhàng , còn trái lại nếu một ngày nào đó ai cho chúng ta một món đồ gì, hay là ai khen tặng chúng ta lời gì, chúng ta hạnh phúc, thì điều đó là điều rất bình thường,

- Điều thứ hai mà chúng ta có thể nói hết sức đặc biệt của Đạo Phật đó là ý tính thanh tịnh, sự thanh tịnh này là một nguyên tắc sống của các bậc mâu ni, của các bậc ẩn sĩ và của những người có chiều sâu về tâm linh. Chúng ta hãy lấy ví dụ khác là vua trái lạc,vua trái lạc là cái ví dụ người không có nợ nần, trong cuộc sống ở đời có nhiều người có thói quen hay mượn tiền nợ, và có một số người khác khi họ trả xong tất cả những nợ nần họ đã vay, họ cảm thấy sung sướng, còn có những người khác họ chỉ sung sướng khi mà họ mượn nợ và họ dùng tiền đó để mua vật này vật kia và họ không thấy được rằng những lúc họ không nợ là lúc hạnh phúc và hạnh phúc vô cùng.

Cái đời sống gọi là thong dong tự tại của những bậc thánh triết, những bậc hiền nhân và không thể dễ dàng để cảm nhận qua con mắt thường tình của chúng ta. Nếu có một người đi thong dong trong cuộc đời này, ít vướng bận, ít có thủ đắc tài sản, ít có những ràng buột hệ lụy, và sự thong dong đó thoạt nhìn thì chúng ta khó nhìn bằng con mắt của mình , để có thể hiểu, có thể biết, có thể cảm kích được, nhưng đối với Đức Phật Ngài là bậc giác ngộ đã đứng trên những thế tuế đó thì Ngài thấy rõ ràng và Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là giá trị của sự thanh tịnh.

- Điều thứ ba là tính toàn diện, tính tòan diện là tính đặc biệt của Đạo Phật. Tính toàn diện ở đây là một vị tướng giữ thành, vị đó chỉ giữ ba cửa thành, trong thành có bốn cửa, thì ba cửa được canh chừng rất cẩn mật, nhưng cửa thứ tư không canh chừng cẩn mật thì không gọi là toàn diện được. Đời sống phải có một cái gì đó cho phép chúng ta an tâm nằm xuống nghĩ rằng :" À, tất cả các phương diện của đời sống, lãnh vực của đời sống, đã được ý thức, đã được quán sát bằng chánh niệm".

Và ở đây chúng ta muốn nói đến một cái nhìn của Đức Phật về sở hành, mà qua đó Ngài cho chúng ta một cái nhìn toàn diện đó là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, tức là hành động của thân, lời nói của miệng, và sự suy tư của ý. Trong nhiều cách phân loại mà Đức Phật Ngài đưa ra như là thu thúc lục căn. Thu thúc lục căn là gìn giữ, phòng hộ mắt, phòng hộ tai, phòng hộ mũi, lưỡi, thân, ý, hoặc giả quán sát năm uẩn qua bốn xứ hoặc giả chúng ta đề cập đến tam nghiệp thân khẩu ý tất cả điều đó đều mang tính toàn diện, mà nhờ tính toàn diện đó mà chúng ta mới có thể an tâm như một căn nhà có ba, bốn lối vào thì chúng ta sẽ không đi ngủ được, nếu chúng ta không có đóng cửa cài then đầy đủ hết tất cả những cánh cửa.

Nên qua một bài kệ rất ngắn, chúng ta đọc ở đây trong bản dịch của TT Trí Siêu :

Giữ lời, hộ phòng ý
Thân không làm bất thiện
Hãy thanh lọc ba nghiệp
Chứng đạo thánh nhân thuyết.

Bài kệ này nếu chúng ta những người Phật tử rất quyen thuộc, quen thuộc về từ ngữ, quen thuộc về ý lý, nhưng chúng ta đừng quên rằng dù nó rất là quen thuộc, nhưng bài kệ đó đã nói cả một đạo sống vô cùng quan trọng mà Đức Phật Ngài đã truyền dạy cho tất cả những đứa con của Ngài.

Chúng ta hãy nhìn qua phương diện khác mà chúng tôi nghĩ rằng cái thân loại toàn diện mà qua ba nghiệp nó cũng cho chúng ta một cái gì tương đối rất gần, bởi vì thưa quí vị cuộc sống là thể hiện trong Đạo Phật có một chữ rất đặc biệt để chỉ sự sống, Đạo Phật không gọi sự sống, Đạo Phật gọi là " Bhava" hay là hữu, chữ hữu có nghĩa là sự thể hiện .

Cuộc sống không nằm một chỗ như chúng ta nghĩ, một cuộc sống là một dòng liên tục đắp đổi của tạo tác, dầu chúng ta muốn hay không muốn, cơ thể mặc dầu trong giấc ngủ, trong lúc chúng ta nằm một cách bất động ở trên giường ngủ, thì thân và tâm đều có những cái tiếp diễn trong sự tiếp diễn đó, nó lại tạo tác và trong sự tạo tác đó nó sẽ duy trì một dòng hiện hữu của chúng ta, do đó Đạo Phật dùng chữ " Bhava" để chỉ cho sự sống hay là tiếp diễn, quí vị sẽ ngạc nhiên về điểm này, thưa quí vị điều đó không có gì lạ đối với những nhà sinh vật học, nhà sinh học, khi nói đến cơ thể của chúng ta mỗi một tế bào nó sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, ở trong cái diệt nó tạo điều kiện cho cái sanh, không có cái gì đứng yên một chỗ, chẳng những nó không đứng yên một chỗ, mà nó còn tạo ra sự tồn tại cho cái kế thừa, cho dù mấy mà tâm tư của chúng ta cũng vậy.

Như vậy cuộc sống ở trong nhân sinh quan của đạo Phật là một sự thể hiện tái tạo, tiếp tục nghĩ là chúng ta sống và chúng ta hiện hữu không phải chỉ với thành quả của quá khứ hay sự tồn đọng của quá khứ mà chúng ta hiện hữu còn có tính cách tạo tác, có tánh cách tác động cho sự sanh khởi ở trong tương lai, tiến trình này không phải quá xa xôi như chúng ta thấy mà hầu như thưa quí vị mỗi một ngày chúng ta đều có thể nói rằng, chúng ta tiếp tục tạo dựng cho một ngày mới và không thể nói một ngày và một giờ, một phút, một giây và từng sát na này tới sát na khác, sự trở thành nó cái sự coming vẫn tiếp tục như vậy.

Nên khi Đức Phật Ngài dạy rằng cuộc sống quan trọng ở chỗ sở hành, thì thưa quí vị, Ngài hướng chúng ta thường về một điểm vô cùng tinh tế, điểm đó là chữ tạo tác mà không phải sự tạo tác của cơ năng và sự tạo tác mang tánh cách máy móc, mà sự tạo tác đó mang tánh cách nghiệp báo, mang tánh cách nhân quả, nhân quả kể cả nhân quả dị thục, quả dị thục chúng tôi muốn nói ở tại đây khi Đức Phật đề cập đến thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, thì Ngài cho chúng ta biết một khía cạnh quan trọng rằng, ở trong vòng hiện hữu liên tục đó có nhiều thứ mà chúng ta không kiểm soát được, chúng tôi lấy ví dụ là sáng nay quí vị soi gương thấy ở trên mặt đã bắt đầu có vài vết nhăn, những dấu ấn của thời gian đã tìm thấy ở trên khuôn mặt xinh đẹp của mình, quí vị có thể nghĩ rằng mình có thể tìm cách khống chế lại nó, nhưng Đức Phật cho chúng ta biết rằng những tiếp diễn của thời gian, những thay đổi của thời gian những dấu hiệu đó không nằm nhiều ở trong sự kiểm soát của chúng ta, cho dù chúng ta có làm thế nào đi nữa thì thưa quí vị cái chung cuộc hoặc sớm hoặc muộn thì chúng ta cũng phải già.

Nhưng mà Ngài cho chúng ta biết rằng không phải tất cả đều là một sự trở thành, một sự trở thành đó nó nằm yên một chỗ, nó cố định mà chúng ta không thay đổi được, Ngài dạy rằng có những thứ mà chúng ta có thể đem ý chí, đem quyết tâm của chúng ta để dự phần vào sự thay đổi đó, Ngài nhấn mạnh ở đây đó là sự thể hiện của sở hành thân, sở hành của khẩu, sở hành của ý, chúng ta có thể chen vào dòng diễn tiến đó, chen vào giòng hiện hữu đó, và chính vì chúng ta có khả năng chi phối, có khả năng làm khác đi do đó chúng ta mới có ý nghĩa của sự tu tập.

Bây giờ khi nói đến cái sự can thiệp của ý chí, chúng tôi nói nôm na ở bên ngoài, ý chí đó là chữ không phải thuần về Phật Pháp mà chúng ta có thể dùng một cách bừa bãi, nhưng ở đây chúng tôi muốn dùng một cách rất tương đối, là bây giờ chúng ta muốn thay đổi đời sống thì chúng ta thay đổi bằng cách nào và ở đâu.

Có nhiều người ở trong nước nghĩ rằng thay đổi đời sống là chúng ta cố gắng tìm một cái visa để chúng ta có thể rời nước Việt Nam để ra bên ngoài, hoặc giả người ở bên ngoài có thể thay đổi đời sống có nghĩa là chúng ta sẽ tìm người bạn đời mới hoặc chúng ta thay đổi chỗ ở, thay đổi công ăn việc làm, nhưng với Đạo Phật thì sự thay đổi cuộc sống bắt nguồn ở ngay từ thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp, nói một cách khác phải thay đổi cách sống của chúng ta và chữ sống ở đây, chúng ta phải nói rằng ở một chừng mực nào đó thì sự sống này phải được hiểu như là sự thể hiện của thân, của khẩu, của ý.

Chúng ta hãy tưởng tượng một cuộc sống mà không có sở hành của thân, của khẩu, của ý , thì thế nào là sự sống được, và do vậy chúng ta phải bắt đầu từ điểm này, chúng ta hãy trở về với quan niệm mà Đức Phật Ngài đã giới thiệu ở trong bài kinh này làm sao để thanh tịnh hoá ba nghiệp, thanh tịnh hóa ba nghiệp ở đây không phải đề tài là triết học, và nó cũng không là đề tài to lớn đối với chúng ta phải nói từ quyển sách này sang quyển sách khác, Đức Phật Ngài cho chúng ta một lời hướng dẫn rất cụ thể, đó là thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, khẩu không nói dối, không nói độc ác, không nói chia rẽ, không nói nhảm nhí vô ích, và ý không tham ác, không sân, không tà kiến ác.

Chúng tôi lấy một thí dụ, thường thường có rất nhiều câu chuyện nhàm đàm giữa chúng ta và người khác, bây giờ chúng ta thử ngồi nhìn lại xem thử những lúc nói chuyện như vậy, đề tài của buổi nói chuyện là gì, chúng ta có nói chuyện sau lưng những người khác hay không, chúng ta có cố tình để chia rẽ anh A với anh B, bà B với bà C hay không, chúng ta có nói những câu nói mà có những cáo buột hết sức là tàn nhẫn về người khác hay không, hoặc giả là ở trong room của chúng ta có hung hiểm hoặc giả chúng ta có cố tình dùng lời nói để xuyên tạc sự thật hay không, với một người thường có thói tật để nói lời nói như vậy, họ không thấy những lời nói đó là lớn chuyện.

Thưa quí vị, đặc biệt trong xã hội mà con người sống với miệng lưỡi, với ngoa ngôn, với loạn ngữ , thường người ta có thể nói bất cứ điều gì và lời nói như nước chảy qua cầu, đây là một thời đại mà ngày nay truyền thông rất dễ dàng, từ cái email cho đến thư từ tin tức rồi điện thoại và con người có thể cảm thấy rằng chưa có thời đại nào mình có nhiều phương tiện để biểu đạt tâm tư của mình như vậy, kể cả kẻ rất cô đơn cũng có thể liên lạc với những người xa xôi trong những lúc chúng ta text chat ở trên internet hoặc giả là liên lạc qua cách này hay cách khác.

Nhưng mà ngôn ngữ, sự biểu hiện của ngôn ngữ không phải chỉ tan biến vào hư không, ngày xưa con người đã có một cái nhìn hết sức là lạ về thế giới này, chúng ta cứ tưởng những ô nhiễm thải từ trong nhà máy này ra đại dương, thải ra biển cả, thì biển cả có sức dung chứa tất cả, chúng ta cứ nghĩ những thoáng khí mà chúng ta thải ra từ các máy xe hơi, máy xe đò, xe truck, có thể tan biến vào hư không, bầu trời mênh mông này có thể chứa được tất cả, nhưng cho đến bây giờ con người đã hiểu và đã bắt đầu khôn để nhận thấy rằng tất cả những ô nhiểm thải vào khối nước mênh mông của trái đất này, và thải vào bầu trời cao rộng này, những thoáng khí đó, những ô nhiễm đó nó không tan biến mà nó vẫn còn đó, những sự tồn đọng của ô nhiễm đó đã gây ra bao nhiêu tai ương cho bao nhiêu thế hệ sắp đến của loài người.

Thì như vậy với một người trong một câu chuyện nhàn đàm có thể nói về anh A, nói về bà B và chúng ta có thể dùng những ngôn từ bừa bãi, chúng ta có thể nói xấu sau lưng người khác, chúng ta có thể nói đâm thọc, có thể nói chia rẽ, có những lời nói hung hiểm mà mình nghĩ rằng chuyện đó không hề hấn gì hết, thì thưa quí vị chúng ta chưa có ý thức được cái hậu quả thật sự của nó, do vậy với 10 điều mà chúng ta thường gọi thập ác, và 10 điều chúng ta gọi là thập thiện, thì Đức Phật Ngài đã giới thiệu cho chúng ta một cái nhìn rất là cụ thể, thế nào là thân trong sạch, thế nào là khẩu trong sạch và thế nào là ý trong sạch.

Chúng tôi không biết rằng trong nền giáo dục của hiện tại của loài người, đã mang điều gì thật sự là thay đổi cái nhìn của con người, có thể con người làm việc siêng năng hơn, có thể con người có kiến thức rộng lớn hơn, nhưng có một điều thất bại của nền giáo dục hiện tại mang lại, chúng ta phải thấy rằng giá trị của sự thanh tịnh thân nghiệp, giá trị thanh tịnh khẩu nghiệp, giá trị thanh tịnh của ý nghiệp và ý thức về hành vi, về sở hành của mình như thế nào là an lạc, như thế nào là thanh tịnh thì điều đó không được nhắc nhiều ở trong nền giáo dục của học đường hiện nay, mà ai dạy cho chúng ta điều đó, và thưa quí vị chỉ có Đức Phật và chỉ có Phật Pháp nhắc cho chúng ta thấy rằng đời sống này nó có phẩm chất, và phẩm chất đó tốt hơn phẩm chất bình thường, đó là phẩm chất của sự thanh tịnh thân nghiệp, thanh tịnh khẩu nghiệp và thanh tịnh ý nghiệp.

Nên chi một con người sống và đi lại trong cuộc đời này, có nhiều người tạo ra bao nhiêu hệ lụy cho mình bởi vì những cái biểu lộ của những sở hành bất thiện, và có những người đến đi với cuộc đời này cảm thấy nhẹ nhàng từ ở bên trong và bên ngoài bởi, vì thưa quí vị họ đã không có tạo ra những ô nhiễm cho trần gian này, cho chính cuộc sống của họ. Khi đề cập đến ba nghiệp, thì chúng tôi bỗng nhiên nhớ đến một sự việc mà mấy ngày qua chúng tôi có dịp đến thăm thủ đô của Ottawa ở Canada, chúng tôi có nghe một vị Thầy kể một câu chuyện rất ngắn, vị này nói rằng hồi mới lập chùa thì ở trong chùa muốn mua sắm đủ thứ hết, bởi vì mình không có thì mình muốn cho có, nào là pháp khí, pháp cụ, những thứ trang hoàng, và khi mua nhiều quá rồi bỗng dưng một ngày đi thăm một tu viện của Nhật Bản và rồi mới thấy đồ đạt trong chùa mình nó lộn xộn, nó bừa bãi, nói một cách khác nó nhiều qúa, và bây giờ vị nầy lại muốn làm thế nào để cho giảm thiểu đi, cho nó được trống đi một chút cho dễ dàng hơn một chút, cái gì vừa phải vừa sài thì tốt, còn cái gì dư ra thì có thể nói rằng muốn cho người khác mà chưa biết cho ai.

Thì thưa quí vị, sự cảm nhận này là một cái nhìn rất lý thú trong đời sống của chúng ta khi nói đến sự thanh tịnh của ba nghiệp, có những tâm tư của những bậc ẩn sĩ thời xưa, có những tâm tư của những con người đối ngoại cao nhân, những con người đó không có cái mà chúng ta có, con người đó không có những cái lợi, không có những cái danh, không có những tình cảm, không có những hệ lụy mà con người trong cõi tục này thường có, thường thủ đắc, thường hoan hỷ.

Nhưng những vị đó đã có một thứ khác, những vị đó có cái thanh tịnh, có cái thong dong, có một thứ mà thưa quí vị, ít bao giờ chúng ta có thể cảm nhận được trong cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta khoan nói đến cung vàng điện ngọc, sự nghiệp đế vương mà Đức Phật Ngài đã bỏ lại sau lưng, chúng ta hãy nói về những gì mà Đức Thế Tôn đã có ở trong cuộc đời hoá đạo của Ngài, những người Phật tử, những người sùng tín Đức Phật đã cúng dường cho Đức Phật rất nhiều chùa chiền, những ngôi chùa lớn, những ngôi đại tự và ở những trung tâm thành phố, những nơi hoa lệ thời bấy giờ của miền Trung Ấn, chúng ta nói đến Kỳ Viên, chúng ta nói đến Đông Vương Tự của Visakha, thậm trí vườn soài hết sức thơ mộng của kỹ nữ Ambapalì, chúng ta nói đến một vườn Thượng Uyển Nydo khác, và rất nhiều nơi khác đều cúng dường cho Đức Phật.

Nhưng thưa quí vị, Đức Phật nhận, và Ngài cho Chư Tăng sử dụng, rồi Ngài tiếp tục lên đường đi với đôi chân trần của Ngài, và đi qua những phố phường làng mạc và chưa bao giờ Đức Phật Ngài nghĩ rằng đó là chùa của ta, đó là quyền sở hữu của ta v.v... Đức Phật Ngài mãi mãi không đặt vấn đề đó, chúng ta không tìm thấy ở trong kinh Phật có một lời nào hay có một câu nào nhắc đến một thái độ vướng mắc đến như vậy, và khi chúng ta nhìn thấy những gì Đức Phật có thì so sánh với cuộc sống ngày hôm nay, thì chúng ta lại cảm nhận ra một điều rằng tâm tư của những bậc hiền thánh hồi xưa không nằm ở trong cảnh giới của chúng ta, mà thật sự cảnh giới của chúng ta hôm nay là cảnh giới của cuộc sống vốn không có cho phép cho chúng ta sống thong dong ở trong cuộc đời này.

Chỉ một ví dụ nhỏ như vậy thôi, mới giới thiệu cho chúng ta thấy được một chân trời mới của những vị sống một mức thanh tịnh, vào buổi sáng thức dậy trong lòng mình nhận ra rằng thân nghiệp của mình thanh tịnh, khẩu nghiệp của mình thanh tịnh, ý nghiệp của mình thanh tịnh, nếu những vị này cần phải rời xa cuộc sống trần gian thế toái này để tìm về một am tranh, một vùng trời nào đó và để cho ba nghiệp được lắng đọng thanh tịnh, thì các vị đó sẵn sàng làm như vậy, và Chư Thiện Đức, những vị hiền đức cổ kim cũng đã làm nhiều chuyến đi như vậy, bởi vì các Ngài biết rằng có một phẩm chất rất quí của đời sống, phẩm chất quí đó là sự thanh tịnh của thân, của khẩu và của ý.

Và trong phẩm chất đó các Ngài cũng hiểu rằng đó chính là sự thể hiện của cuộc sống, và thể hiện ở trong một điều kiện thiết yếu nhất, đó là một điều mà một người bình thường chúng ta ít có khi nghĩ đến, có lẽ không có một tôn giáo nào đặt lên sở hành của con người, nó trở thành một phẩm chất sống, thật ra thì người ta thường xem nó là đạo đức, xem là luân lý.

Chúng tôi không muốn sài chữ đó ở trong Đạo Phật, khi mà chúng ta nói đến luân lý, thì chúng ta thường nghĩ rằng đó là những gì nằm trong khuôn khổ của điều răn, như 10 điều răn của Ky Tô Giáo, của Do Thái Giáo, Đạo Phật không nói đến điều răn, không nói đến những bổn phận thiêng liêng đối với thượng đế, mà Đạo Phật nhấn mạnh đến rằng con người ở trong cách sống, ở trong cách hiện hữu, ở trong sự thể hiện, ở đó cho thấy rằng phẩm chất của đời sống nội tại là cao hay là thấp là an lạc hay là không an lạc, điều này chúng ta không có thể bỏ qua được, khi mà chúng ta đọc về giáo lý của Đạo Phật.

Thưa quí vị trong bài kệ này cũng có đề cập đến con đường của bậc thánh, đây cũng là trường hợp đặt biệt mà chúng tôi vẫn thường nhắc lại ở trong một số các bài giảng trước đây của kinh Pháp Cú, người Trung Hoa mỗi lần đưa lên một điểm gì đó thì họ hay nói cái đạo của người quân tử , chữ quân tử của người Trung Hoa mặc dù định nghĩa rất nhiều, nhưng phải nói rằng cái quan niệm quân tử của người Trung Hoa mang tánh cách, một thái độ sống như một đạo của bậc thánh nhân mà được đề cập đến trong đạo Phật.

Lấy ví dụ chúng ta rất quen thuộc với câu chuyện của Singàlaka trong kinh Thi Ca La Việt mà một bản dịch khác thường được biết tới là kinh Lễ Bái Lục Phương. Thanh niên Singàlaka mỗi ngày vào buổi sáng thường ra ngoài ngã tư đường lễ bái sáu phương, và một hôm thanh niên Singàlaka gặp Đức Phật đi khất thực, Đức Phật đã hỏi thanh niên Singàlaka rằng tại sao làm như vậy. Thì vị thanh niên này thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, khi vị thân phụ còn sanh tiền, cha con có dạy rằng hãy lễ bái lục phương, mang lại nhiều an lạc, mang lại nhiều lợi ích.

Thì Đức Phật nói một câu, mà mệnh đề của câu đó là một điểm làm chúng ta phải để ý, Đức Phật Ngài dạy rằng:

- Cách lễ bái sáu phương, ở trong đạo lý của bậc thánh nó có khác hơn như vậy.

Và thanh niên Singàlaka đã hỏi Đức Phật.

- Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi chỉ cho con biết lễ bái sáu phương của bậc thánh như thế nào.

Và Đức Phật Ngài đã chỉ cho thanh niên Singàlaka về những giá trị thiêng liêng mà con người phải kính trọng trong cuộc đời này, đó là quan hệ hay là đạo nghĩa giữa cha mẹ con cái, đạo nghĩa giữa vợ với chồng, đạo nghĩa giữa bạn bè với nhau, đạo nghĩa giữa người chủ và người làm, đạo nghĩa giữa Samôn và cư sĩ và những đạo nghĩa khác v.v... đó là chúng ta được Đức Phật Ngài dạy ở trong kinh Thi Ca La Việt.

Bây giờ chúng ta trở lại câu nói đầu tiên của Đức Phật là cách lễ bái lục phương ở trong đạo lý thánh hiền có khác hơn như vậy, và trong nhiều trường hợp khác khi con người sống mà dựa vào một quan điểm gì đó, thì Đức Phật Ngài cũng cho biết rằng cái nhìn của những bậc thánh lại khác đi, và bậc thánh ở đây thưa quí vị, được đưa ra như một chuẩn mực, chuẩn mực đó không phải là một chuẩn mực trên ngôn thuyết, chuẩn mực đó không phải do nhập tục của xã hội mà chúng ta đưa ra giá trị như vậy, và ở đây Đức Phật Ngài đưa ra rất rõ những bậc thánh là những bậc đoạn tận những phiền não, bởi vì bậc thánh là bậc đoạn tận phiền não nên cái nhìn, cái quan điểm, cái thái độ, cái sở hành của các Ngài đáng để làm chuẩn, bởi vì sao, đối với Đạo Phật thì sở dĩ con người có những quyết định sai lầm, có một cái nhìn lệch lạc về cuộc sống vì có phiền não chi phối, nhưng khi con người được trong sáng, không có chấp thủ, không có cái nhìn sai lạc, bởi vì phiền não đã đoạn, cái chân lý tối hậu đã nhìn thấy, thì cái gì những vị này thấy, những vị này phản ứng, những vị này tỏ rõ ra cho chúng ta biết thì nhất nhất đều được xem là chuẩn mực để chúng ta theo đó mà hành sử.

Nên khi Đức Phật Ngài dùng chữ đề cập đến đạo lý của bậc thánh hay ở trong giới luật của bậc thánh, chúng ta nghe hơi ngờ ngợ, chúng ta có thể nghĩ rằng trong giới luật của bậc thánh, nghĩa là một nghi luật do những vị đã được phong thần phong thánh chấp trì, thật ra đạo lý của bậc thánh chỉ một cách đơn giản như vầy, những bậc đã đoạn tận, hoặc giả ba kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, hoặc giả đã giảm nhẹ được ái và sân, hoặc đã đoạn được ái và sân, hoặc giả đã đoạn luôn sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn phóng dật vô minh.

Khi những phiền não đã đoạn ở trong mỗi một giai đoạn như vậy, cho phép những vị này có một cái nhìn mới về cuộc sống, và điều này thật ra xa lạ với chúng ta lắm, chúng ta nghĩ rằng con người có trình độ, nghĩa là con người có bằng Cử Nhân, có bằng Cao Học, có bằng Tiến Sĩ đó là những người lịch lãm ở trong đời, nhưng Đức Phật Ngài dạy rằng con người ở trong sự thanh tịnh của nội tại, sự thanh tịnh đó không có thối đọa, sự thanh tịnh đó có khả năng đoạn tận được phiền não, sự thanh tịnh đó có thể chứng được sự thực tối thượng là niết bàn và nhất là có thể thối thoái được, biết đâu là bờ mê bến giác, sự khổ, và đâu là hạnh phúc, đâu là nguyên nhân sanh khổ, đâu là con đường đi đến hạnh phúc, thì cái nhìn của những con người đó, hành sử của con người đó gọi là đạo lý của bậc thánh, mà đạo lý đó nên làm cho chúng ta suy biết được, rất nên để cho chúng ta suy nghĩ, nếu không thì chúng ta lấy cái gì để làm kiểu mẫu ở trong cuộc đời này.

Một điều rất lạ lùng mà chúng ta ít có giờ nghĩ tới, là con người chúng ta sống hay bắt chước và bắt chước hay sự mô phỏng đã là kiểu mẫu ở trong cái nhìn tồn tại của con người và xã hội loài người. Bây giờ chúng ta nói như vầy, cách chúng ta đi đứng ăn mặc, cách chúng ta cảm ơn, cách chúng ta mắc cở hổ thẹn, cách chúng ta thương yêu, cách chúng ta cảm thấy thích thú với một sự việc gì đó thì phần lớn là đều do cách mô phỏng hay bắc chước hết, như vậy chúng ta làm một con người VN, ảnh hưởng văn hoá VN, thì cái gì chúng ta nói, chúng ta làm thường thường làm khuôn mẫu của người Việt Nam.

Nên chi ở những nơi các thiền viện, các vị thiền sư thường nhắc đến một tấm gương sống gọi là living of example, living of example có nghĩa là người thiền sinh thường hay bắc chước theo những vị Thầy, hoặc giả con cái thường hay bắt chước cha mẹ, cha mẹ nói dối thì con cái cũng thường nói dối, cha mẹ có hiếu thuận thì con cái cũng thường có hiếu thuận, như chúng ta nói rằng "hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch duyên" , thì sự bắt chước của con người là một điều rất tự nhiên, và qua đó con người thay đổi cuộc sống của chính mình, nên khi đề cập đến đạo lý bậc thánh, Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên dùng hình ảnh của những bậc thánh để làm một cái gì để chúng ta noi theo, và trong sự noi theo đó, khiến cho chúng ta ban đầu, chúng ta chỉ tập theo như tập đồ những chữ để viết về sau này, nhưng khi chúng ta đã tập thuần thục rồi thì chúng ta sẽ có thể viết được.

Thưa quí vị ở đây khi Đức Phật Ngài nói đến đạo lý của bậc thánh, con đường của bậc thánh thì Ngài một lần nữa Ngài cho chúng ta biềt rằng đó là những bậc thân cận trong sạch, một sự trong sạch không có thối chuyển, một sự trong sạch của bậc đã đi đến bến bờ, đã đi đến một giai đoạn nhất định nào đó và các Ngài không trở lại, chúng ta nói đắc sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả.
Nói tóm lại ở trong bài kệ này cho chúng ta bốn điểm hết sức cần phải chú ý :

- Điểm đầu tiên Đức Phật Ngài dạy ở tại đây và chính cái sở hành, chính cái hành vi của thân, của khẩu, của ý tức là lời nói hành động, ý nghĩ đó là sự sống, đó là sự hiện đủ và đó nói lên cái một hướng đi của chúng ta.

- Điểm thứ hai Đức Phật Ngài nhấn mạnh ở trong bài kệ này là phẩm chất thanh tịnh, sự thanh tịnh của thân nghiệp, của khẩu nghiệp, của ý nghiệp nói lên cái giá trị của cuộc sống.

- Điểm thứ ba chúng ta được biết, được thấy ở trong bài kệ này là chúng ta phải nói đến tính toàn diện, toàn diện ở đây là thế nào, nghĩa là nếu một con người có sở hành tốt về thân, họ không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, nhưng khẩu nghiệp không thanh tịnh, thì không gọi là thanh tịnh được, cũng như người lính phải canh giữ bốn cửa thành và tánh toàn diện là tánh thứ ba.

- Điểm sau cùng là chúng ta biết mỗi con người sống, chúng ta sống ở trong sự mê tối của cuộc đời, chúng ta sống ở trong những cái phân vân, cái nghi hoặc của cuộc đời, chúng ta rất cần để có một kim chỉ nam, để có một cẩm nam để sống, mà khi Đức Phật Ngài nói đạo lý của bậc thánh ở đây, Ngài muốn nói đến cái sở hành, cái quan niệm của những bậc tâm linh trong sạch của cuộc đời.

Như vậy với bài kệ này đã được TT Trí Siêu dịch như chúng ta được đọc .

Giữ lời, phòng hộ ý
Thân không làm bất thiện
Hãy thanh lọc ba nghiệp
Chứng đạo thánh nhân thuyết

Thưa quí vị, bài kệ đó cho chúng ta một ý nghĩa lớn về cuộc sống này, đó là vài điều chúng tôi muốn trình bày trong ý nghĩa của kệ ngôn Pháp Cú 281 và phần còn lại rất ngắn của bài kệ này, chúng tôi cũng xin nhắc lại để chúng ta thấy duyên sự tại đây.

Tôn Gỉa Mục Kiền Liên là một vị đại để tử của Phật, một vị đệ nhất thần thông, bằng thiên nhãn thông thanh tịnh siêu nhiên của Ngài, Ngài nhận thấy có những chúng sanh sống trong nỗi khổ, cái khổ mà con người khó có thể tưởng tượng được, Tôn Giả đã bạch Đức Phật câu chuyện đó, từ câu chuyện đó Đức Thế Tôn Ngài đã dạy cho chúng ta biết rằng những cái gọi là sự sống hay tình trạng sống của chúng sanh ở trong cuộc đời là hữu hình hay vô hình, những loài chúng sanh, những chúng sanh cao quí, những chúng sanh thấp hèn đều tất cả đến từ nhân quả của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, một người mà biết được điều đó thì người đó có thể thay đổi được cuộc sống chính của mình.

Do vậy chúng ta đôi khi nên quên đi, quên nấc thang mà xã hội đặt giá trị mà xã hội đã áp đặt cho chúng ta, thay vì có một buổi sáng nào đó mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài, mình ước gì phải chi mình có một chiếc xe, ước chi có một công việc làm tốt, ướt chi mình có bằng cấp, ướt chi mình có tình yêu v.v... Để cho cuộc sống mình được đẹp hơn, thăng hoa, được có cái này có cái khác, thì chúng ta nên làm một ước vọng, ước vọng làm thế nào có thể thanh tịnh được ba nghiệp của mình.
Nếu mà chúng ta không chắc rằng điều đó mang lại cho chúng ta một cái gì tốt đẹp hơn.Thì chúng ta hãy thử, thưa quí vị cái thử đó không chết ai hết và không có hại cho ai hết, hoặc giả khi nào đó chúng ta sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về, chúng ta có thể vào trong phòng tắm, tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ và thay bộ đồ vào, những lúc đó chúng ta cảm thấy khoan khoái thì chúng ta hãy nhớ rằng Đức Phật có nhắc chúng ta yếu tố thanh tịnh là một trong những yếu tố khiến cho đời sống này có ý nghĩa hơn, cao quí hơn và sẽ đưa chúng ta đến một đạo lộ tốt đẹp hơn. Chúng tôi xin được kết thúc bài giảng hôm nay ở tại đây, kính chúc quí Phật tử có một ngày hết sức an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 281

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu