Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 277

Tất cả pháp hữu vi là vô thường



Thap Nhi Nhan DuyenGiảng Sư: TT Giác Đẳng

 

Tất cả hành vô thường
Với tuệ quán liễu ngộ
Nhờ vậy yểm ly khổ
Ấy con đường thanh tịnh


.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Sabbe sa'nkhaaraa aniccaa-ti
yadaa pa~n~naaya passati
Atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyaa.



Minh Hạnh chuyển biên:

TT Giác Ðẳng giảng : Kính bạch Chư Tôn Ðức và thưa quí vị, sáng hôm nay tại thành phố Toronto, trời bây giờ đã sang thu, mùa thu ở Canada rất đẹp với lá vàng và đỏ, đó đây vẫn còn vài cây thông vẫn còn mang màu xanh, trời mùa thu ở đây rất hữu tình, và có thể nói rằng trên cuộc hành trình đi qua ngang nhiều thành phố, và thỉnh thoảng cũng bắt gặp nhiều hình ảnh hết sức tươi đẹp, đó có thể là một phần quà của cuộc sống này, nhưng đồng thời cũng có thể là những gì làm tâm tư dính mắc với trần gian nhiều thay đổi này

Tâm tư của chúng ta mỗi khi tiếp xúc, với đẹp của sắc, với tiếng hay của thinh, rồi với sự khả ái, khả hỷ, khả lạc của thí, vị, xúc, pháp v.v... Chúng ta luôn luôn mong mỏi kéo dài những gì nghĩ rằng vừa lòng đẹp ý, và nếu thật sự chúng ta không thể kéo dài được, thì tự trong tâm tư của mình, mình vẫn mơ về một phương trời miên viễn.

Chúng tôi nhớ người Tổng Thống và cũng là vị Chủ Tịnh Tổng Bí Thư của đảng cộng sản sau cùng của Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết cũ , ông Gorbachev, trong những năm tháng về sau này một lần ký giả hỏi ông:

- Hình ảnh gì mà ông cảm thấy thích thú nhất.

Ông Gorbachev trả lời rằng : Ông thích nhìn cả mặt đất bao phủ bởi màu trắng của tuyết, và mùa đông khi tuyết rơi xuống, nhìn màu trắng phủ khắp mặt đất này, chải rộng ra tận chân trời, thì ông có cảm tưởng rằng có một cái gì vĩnh hằng ở trong cuộc sống vốn nhiều biến đổi.


Cụ Nguyễn Du có viết trong bài "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh".

Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi âm là thế huống là cõi dương .

Ðời sống của chúng ta thì mong mỏi điều gì mà vừa lòng, toại ý, nó có thể đứng lại, và hiện hữu mãi mãi không bao giờ thay đổi. Nhưng thực tại thì không phải như vậy. Bất kể đó là vẻ đẹp của núi, vẻ đẹp của sông hồ, hay là một vẻ đẹp dường như khó có thể hủy hoại được của một viên kim cương, thì điều đó nó sẽ không có ý nghĩa gì trên phương diện lâu dài, đối với mỗi chúng ta. Bởi vì một viên kim cương có tồn tại hàng triệu triệu năm như vậy, nhưng bản thân của chúng ta sống trong thế giới này, dù chúng ta sống ở một nơi, một vẻ đẹp của sơn thủy đã có mặt vài ba chục triệu năm, thì bản thân của chúng ta cũng không hưởng được quá một trăm năm. Và " Chính thân chẳng có lại cầu chi ai " có thể nói rằng khi chúng ta nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, những gì của trần gian thì chúng ta trả lại cho trần gian. Và thưa quí vị lúc đó những thứ đó trở thành vô nghĩa.

Có những khi cầm tờ báo đọc buổi sáng, chúng tôi có cảm tưởng rằng, những người họ đang tường thuật về những phát minh mới trên phương diện kỹ thuật, niềm lạc quan về nền kinh tế trong tương lai, những tiện nghi và sự giàu có của nhân loại. Bên cạnh đó chúng ta cũng nghe những lời tiên tri, hoàn toàn chắc thật, đó là trái đất chúng ta đang ở đây, rồi một ngày kia, nó cũng sẽ bị hủy hoại. Trái đất còn bị hủy hoại, thì nói gì đến núi đến sông, nói gì đến thân thể của chúng ta.

Thưa quí vị, cái gì gọi là lâu dài, miên viễn mãi mãi giống như những điệu nhạc lập đi lập lại, những nhạc nói về tình yêu, giống như những giấc mơ bất tuyệt của loài người, thì tất cả những thứ đó đều chỉ là phù du, và bây giờ thật sự rất khó để chúng ta có thể đón nhận một ý tưởng, đó là: Cái gì hữu sanh thì hữu diệt, hữu hình thì hữu hoại, có tập hợp thì có tiêu tán.

Ðối với Ðức Phật thì khi đề cập đến những cái mà chúng ta gọi là hiện hữu trên thế gian này, thì Ðức Thế Tôn Ngài dùng chữ samskara. Samskara là chỉ chung cho những gì thuộc về vật chất, cũng như là về nội tâm, nói theo Atỳđàm đó là danh pháp và sắc pháp. Dù là danh pháp hay sắc pháp thì tất cả những thứ đó đều là sự hiện diện, sự hiện hữu của kết cấu, đều là sự hiện hữu của tập hợp do nhiều nhân, nhiều duyên mà hiện hữu. Và bởi vì nó được kết cấu tập hợp, nó phải đi theo một định luật ắt có và đủ, một định luật bất di bất dịch, là cái gì có tụ thì phải có tán, cái gì có sanh thì phải có diệt, không có cái gì sanh lên do nhân duyên mà lại không diệt hết. Bởi vì có nhân duyên để sanh, có nhân duyên để tồn tại và khi nhân duyên đó không còn nữa, thì tất cả những thứ đó đều bị tan biến.

Ở đây có hai bài học rất khó nuốt trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta hầu như mọi thứ chỉ quyết định một cách độc đoán một chiều và từ một thứ mà thôi, một cách rất là tầm thường, thì chúng ta quan niệm rằng mọi thứ đều phải làm theo ý của mình muốn : "tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia, và cuộc sống phải thế này, cuộc sống phải thế kia ".

Chúng ta sống hầu như nghĩ rằng, chính ý muốn của mình phải là một ông vua, nó phải là một trung tâm quyền lực, quyết định tất cả và dĩ nhiên chúng ta hiểu rằng ý muốn đó có thể dự phần vào việc biến đổi của cuộc sống này, nhưng cuộc sống này không phải hoàn toàn chi phối của ý muốn của chúng ta. Bây giờ chúng tôi có thể nói với quí vị rằng những chiếc lá vàng của mùa thu tại Gia Nã Ðại rất đẹp, chúng tôi cảm nhận được điều đó như là cảm nhận một người khách từ xa đến đây, nhưng bảo rằng ý muốn chúng tôi khác hơn, chúng tôi không muốn nhìn màu ảm đạm của trời thu, chúng tôi không muốn nhìn những chiếc lá rụng xuống, thì điều đó không thể được, là vì ý muốn của mình có giới hạn, và sự tha thiết của con người dẫn xa đến nữa, nếu cá nhân bất lực," lực bất tòng tâm ", thì ít nhất là quyến thuộc, ít nhất là công tư của mình, ít nhất là chủng tộc của mình, ít nhất là Quốc Gia của mình, những thứ đó phải có một khả năng điều trị để chiếm ngự thế giới này và điều khiển thế giới này theo ý của mình muốn.

Và rồi khi chúng ta thấy rằng ngay cả nguồn máy công quyền cũng bất lực trước những thay đổi, thì chúng ta lại mơ về một thế giới khác đó là một thượng đế toàn năng, một thượng đế quyết định tất cả, chúng ta không dám sống nhìn cuộc đời này, để mà thấy rằng mỗi một pháp, mỗi một sự vật có tự tánh riêng của nó, và chúng ta sẽ rất sợ hãi để nhìn cuộc sống vốn không có một ai, không có một thế lực nào và cũng không có một cá thể nào có thể làm chủ tất cả.

Và chữ Samskara ở đây rất khó tiêu hoá đối với một người bình thường. Các Pháp sanh lên do nhân do duyên tập hợp, chúng ta không có can đảm nhìn nhận như vậy, trên phương diện lý luận, trên phương diện ngôn ngữ, trên phương diện thảo luận thì chúng ta có thể tạm nhận là như vậy, nhưng mà tận ở trong lòng chúng ta không dám nhận, bởi vì vậy con người luôn luôn mong muốn cuộc sống phải diễn tiến, phải hiện hữu, phải duy trì ở tại một ý trí, ý trí của một cá nhân hay ý trí của nguồn máy công quyền, hoặc là ý trí của thượng đế, nhưng phải có một cái gì đó làm chủ tất cả, chúng ta rất sợ hãi khi mọi việc tự sanh và tự diệt.

Nhưng mà thưa quí vị, cuộc đời này giống như một khu rừng, chúng ta vào trong khu rừng môi sinh có những cây cao bóng mát, chúng ta nhìn mỗi loại cây vươn lên từ mặt đất, nó lớn lên già đi và gẫy đổ xuống, để trở về lòng đất, tan biến vào lòng đất, nó có tự tánh riêng của nó, khó có thể nhìn thấy một khu rừng hiện hữu mà do một người nào quyết định tất cả, rất khó.

Cuộc sống của chúng ta đều vì ăn mặc ngủ nghỉ, từ những việc giải trí đến những việc văn hoá chính trị, xã hội v.v... tất cả đều bị chi phối bởi nhiều nhân và nhiều duyên. bởi vì vậy Đức Phật Ngài dậy cho chúng ta biết rằng sự hiện hữu của cuộc đời gọi là Samskara là pháp hữu vi, là pháp hành, là sự tập hợp, là sự kết cấu. Và kết cấu này, đã gọi là kết cấu thì không có một đơn vị duy nhất, cũng không có một cá thể làm chủ tất cả, mà tất cả đều có tự tánh riêng của nó, là bởi vì có tự tánh riêng của nó nên sự quyết định hết sức là khó khăn.

Nếu chúng ta dọn một bữa tiệc và chúng ta là chủ nhà, thì thưa quí vị chúng ta có một số quyền kiểm soát nhất định, ai ngồi chỗ nào, món ăn nào phải dọn lên trước và cách trang trí ra sao, nhưng nếu chúng ta đi vào một bữa chợ đời, một buổi chợ phiên như ở Việt Nam chẳng hạn. Chúng tôi không biết ngày hôm nay người ta còn có những nhà lồng chợ, là những chợ mà buổi sáng dân ở trong làng, trong xóm, kẻ thì nải chuối, kẻ thì buồng cau, đôi lúc người ta chỉ có mấy trái dừa cũng đem ra chợ ngồi xuống. Ở trong chợ đời mênh mông đó, chúng ta không quyền kiểm soát, chúng ta có rất ít thứ kiểm soát, chúng ta chỉ có nhìn, chỉ có quan sát, nhưng mà gọi là làm chủ tất cả thì chúng ta không làm chủ là vì nó là một cuộc chợ. Khi nói là một cuộc chợ thì chuyện đến và đi của mỗi người tự quyết định lấy, và hình ảnh toàn diện của nó không thể nào là một hình ảnh được quyết định bởi bất cứ ai, và nó là do sự kết cấu của rất nhiều yếu tố. Thì như vậy quan niệm đầu tiên của Đạo Phật, nói rằng sự hiện hữu của chúng ta là sự hiện hữu của pháp hành, sự hiện hữu của hữu vi, sự hiện hữu của pháp tập hợp, của những pháp do nhân do duyên và có nhiều tự tánh và có nhiều pháp, mỗi pháp có tự tánh riêng của nó

Bài học thứ hai chúng ta cũng phải học và rất khó tiêu hóa đó là cái gì sanh lên do nhân do duyên thì cái đó phải có chung cuộc của nó, khi nhân duyên kết thúc . Lấy một thí dụ đơn giản như vầy, chúng ta thắp nên một ngọn nến, ngọn nến đó cháy được là nhờ có sáp, nhờ có tim, nhưng nhờ có sáp và tim là yếu tố quyết định cho ngọn nến cháy thì sáp và tim đó không phải là thứ gì vĩnh hằng, không phải là thứ gì bất diệt, nó bị mòn mỏi theo thời gian, và khi sáp với tim không còn nữa thì ngọn lửa cũng chấm dứt. Như vậy ngọn lửa hiện hữu là nhờ sáp với tim, và ngọn lửa không hiện hữu nữa thì cũng bị chi phối điều kiện của sáp và tim.

Chúng ta sanh ra ở trong kiếp người, chỉ đơn thuần là do sanh nghiệp và trì nghiệp chúng ta hiện hữu, nhưng mà trì nghiệp đó cũng không thể nào là một năng lực bất tận, nó phải có cái chấm dứt của nó, và thưa quí vị bởi vậy câu " Hữu hình hữu hoại, hữu sanh hữu diệt ", "cái gì tụ thì phải có tán" không phải là điều mà chúng ta dễ dàng nhận thức được.

Khi Ngài Xá Lợi Phất bấy giờ còn là một cư sĩ Upatisya, gặp được Tôn Giả Asvajit đang đi khất thực trên đường, nhìn phong thái của vị SaMôn này, Upatisya đã cảm thấy có một cái gì siêu việt, có cái gì vượt thoát ở trong khuôn mặt, ở trong cử chỉ và ở trong cái nhìn từ trong ánh mắt rất trang thực trong sáng. và Upatisya đã đến chắp tay hỏi Ngài Asvajit.

- Ngài là ai, và học đạo với Thầy nào, và có thể nói cho con biết Ngài đã học những gì ở vị Đạo Sư đó.

Ngài Asvajit mặc dầu lúc đang đi khuất thực, và đã trở về ngồi một chỗ thọ thực đã xong, Ngài thấy vị thiện nam này kiên nhẫn đi theo mình từ lúc đi khuất thực cho đến bây giờ sau giờ thọ thực xong.

Ngài Asvajit nói với Upatisya rằng:

- Bần đạo xuất gia với Đức Phật, và bởi vì xuất gia không bao lâu, nên hiểu thì không có nhiều, nhưng có thể tóm tắt một câu rằng "Chư pháp tùng duyên sinh, diệt phục tùng duyên diệt, ngã Phật Đạo SaMôn, thường tác như thị thuyết" nghĩa là "Pháp gì do nhân do duyên mà sinh thì pháp đó cũng do nhân do duyên mà diệt, và Đức Phật là Đại Samôn, Ngài thường thuyết giảng như vậy".

Câu đó thưa quí vị đối với nhiều người coi nó bình thường lắm, nhưng đối với Ngài Upatisya về sau trở thành Tôn Giả Xá Lợi Phất, đã mở ra một vùng trời cao rộng, bởi vì cái gì có nhân sanh ắt có diệt là điều ít có khi chúng ta nghĩ đến ở trong đời sống, chúng ta chỉ muốn tạo thêm, và cái gì chúng ta tạo nên thì chúng ta chỉ muốn nó tồn tại và tồn tại vĩnh viễn hầu như chúng ta sẽ ăn đời ở kiếp với những thứ đó, nhưng thưa quí vị tất cả đều đi theo một định luật, đó là định luật vô thường. Chúng ta không thể nào tránh được chuyện đó.

Có một Phật tử ở trong room Diệu Pháp này, đã tham dự room Diệu Pháp đã trên ba tháng qua. Và đã tâm sự với chúng tôi rằng : mỗi buổi sáng vị ấy thức dậy và biết rằng ở trong room Diệu Pháp đang có sinh hoạt thì trong lòng đã cảm thấy vui lắm. Và vị ấy hỏi chúng tôi, "vậy chứ chúng ta có duy trì được room Diệu Pháp mãi mãi không ?."

Thì chúng tôi có cười và nói với đạo hữu đó rằng:

- Không có cái gì mãi mãi cả, nếu có nhân, duyên gì duy trì được room Diệu Pháp này, thì nhân duyên đó đang là một chất liệu để cho room tồn tại, và khi chất liệu đó hết thì mỗi thứ chấm dứt.

Chúng ta có nhiều lý do lắm, có thể một lúc nào đó người ta sẽ không tha thiết với những đề tài, không tha thiết với những chương trình paltalk, hoặc các vị Giảng Sư không còn có điều kiện để làm việc trong room nữa, thì tự nhiên room phải kết thúc. Chúng ta biết rằng cái gì mà hiện hữu là vốn dĩ nó hiện hữu dựa trên một số điều kiện nhất định, khi điều kiện nhất định đó không còn nữa thì phải chấm dứt. Nhưng chúng ta dù có chấp nhận như vậy, nhưng chúng ta vẫn né tránh, chúng ta nghĩ rằng: " À, có những thứ chợt đến chợt đi, có những thứ vĩnh hằng, nó có những thứ mãi mãi".

Thậm chí khi chúng ta thấy một người nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, và xác thân của họ đã trở về thành một khúc gỗ vô dụng, xác thân của họ bây giờ đã chứng tỏ rằng cái gì họ xây dựng trên thể xác đó, dù là oanh liệt, dù đẹp đẽ, dù có một quá khứ huy hoàng đi nữa thì thể xác đó bây giờ không còn ý nghĩa nữa, thì chúng ta chấp nhận phải nghĩ rằng phải có một cái gì đó, đó là linh hồn, đó là tâm linh, đó là " sống là thể xác, thác là tinh anh ". Cái tinh anh phải mãi mãi tồn tại, tại sao chúng ta cần có một linh hồn, tại sao chúng ta cần có một tinh anh, và thật sự chúng ta không có can đảm mà nhận rằng tất cả mọi thứ đều phải thay đổi, thân cũng vậy, tâm cũng vậy, danh pháp cũng vậy, sắc pháp cũng vậy, tất cả mọi thứ đều phải thay đổi, và hễ nó tồn tại theo nhân duyên thì nó phải thay đổi.

Và thưa quí vị bây giờ lại có một câu kệ ngôn khác rất là quan trọng: "Tuệ quán thấy vậy", hay là "Quán sát với trí tuệ". Có bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy sự thay đổi trong đời sống này, nhiều lần lắm. Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi từ thưở còn tấm bé, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những lúc ăn uống hỷ hả cho đến lúc bụng đó cào, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những người thân của chúng ta, rời khỏi chúng ta, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của một thể chế, sự thay đổi của một dân tộc, sự thay đổi của một trào lưu, sự thay đổi của khuynh hướng.

Nói về đất nước Việt Nam thôi, một người nào bốn mươi tuổi, sống bốn mươi năm qua nhìn lại đất nước Việt Nam thì có trăm ngàn thứ thay đổi. Nhưng điều khác biệt giữa đạo và điều nằm ngoài đạo lý, đó là người hiểu đạo thì họ nhìn sự vô thường bằng trí tuệ, nhưng đối với chúng ta không hiểu đạo thì chúng ta sẽ nhìn sự vô thường bằng một tâm tư ảm đạm, bằng những giọt nước mắt, bằng nỗi bi lụy, bằng nỗi bi ai.

Và phải nói rằng khi Đức Phật dạy rằng với tuệ quán thấy vậy, đó là Ngài mở ra cả một chân trời mới, chân trời đó Ngài dạy rằng cái nhìn của trí tuệ khác với cái nhìn của bình thường chúng ta, chúng ta nhìn sự vật phần lớn đến từ cảm xúc, đến từ tinh thần vị ngã, và đến từ sự chấp thủ, "nó phải như vậy, nó không thể thứ khác được". Lấy ví dụ chúng ta có một người thân, rất thân, rồi bây giờ người đó bỗng dưng không còn thân với chúng ta nữa, người đó có thể thân thiết với một người khác, người đó có thể thay đổi cái nhìn về chúng ta, và rồi chúng ta thật buồn, buồn lắm và uất hận, và tức tối nghĩ rằng ; tại sao như vậy, đáng lẽ nó phải như thế này, nó phải như thế kia, mà tại sao có chuyện thay đổi, sự thay đổi đó có thể là sự thay đổi của tình yêu, sự thay đổi những lời cam kết, sự thay đổi trong cách đối sử. Nhưng cho dù đó là sự thay đổi gì, chúng ta cũng phải nhận rằng tâm tư của con người vốn là thay đổi, người đời không thay đổi thì tâm tư của mình cũng thay đổi và trong sự thay đổi đó, thì nó là một điều rất là tự nhiên. Nếu bảo rằng lúc nào cũng như vậy, thì thưa quí vị đó là vấn đề của chúng ta, bởi vì chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi sự việc phải tiếp tục như vậy không được thay đổi, và Đức Phật gọi cái nhìn đó không phải cái nhìn của trí tuệ. Cái nhìn của trí tuệ là nhìn một cách toàn diện, nhìn để thấy rằng: "À! nó phải như vậy."

Chúng ta đọc rất nhiều tiểu thuyết, nhiều chuyện phim chúng ta được xem, nói về những ông cha, bà mẹ, rất thương con, sao không thương con được, đứa con đã chào đời ở trong niềm vui của mình, đứa con đã lớn lên từ tấm bé ở trong vòng tay thân yêu bảo bọc của mình, rồi có một ngày đứa con đó lại thay đổi hoàn toàn quan hệ với gia đình, không còn gắng bó với cha, gắng bó với mẹ nữa, đứa con đó bây giờ lại hướng vọng về sống với một người khác, cha mẹ cho dù đã có tuổi, thường thường là tuổi trung niên rồi, nhưng cũng không dễ dàng để suy xét, không phải dễ dàng để đón nhận là đứa con có thể rời vòng tay bảo bọc của mình, đứa con có thể sống ngoài tình thương của mình, và tình thương của mình bây giờ không thật sự quan trọng nữa, vì vậy có những ông cha, có những bà mẹ vô cùng khổ sở, khổ sở vì thấy đứa con mình thay đổi, nhưng nếu khi chúng ta nhìn sự việc bằng trí tuệ thì khác, chúng ta nhìn bằng trí tuệ thì chúng ta sẽ không trách móc, sẽ không thống trách, mà chúng ta chỉ thấy được một sự việc, "Đó là nó phải như vậy".

Vì vậy câu này là một câu hết sức quan trọng " Với tuệ quán thấy vậy ", chúng ta đã thấy cuộc đời thay đổi bằng nước mắt, chúng ta đã thấy cuộc đời thay đổi bằng sự vô minh, chúng ta thấy cuộc đời thay đổi bằng sự giận dữ của mình, nhưng Đức Phật mời gọi chúng ta một lần nào đó nhìn thấy thay đổi đó bằng trì tuệ, nhìn nó bằng trí tuệ có khác hơn là chúng ta nhìn với phàm tâm, nhìn nó bằng trí tuệ khác hơn là với sự đòi hỏi, với sự đinh ninh, với sự kỳ vọng là: "Nó phải như thế này, phải như thế khác".

Và thưa quí vị, có một câu thứ ba là một câu rất đẹp của kinh điển, " Nhờ vậy yểm ly khổ ". Chữ " Yểm ly " thật ra có nghĩa là nhàm chán (disappointment), cái gì đó chúng ta không bám vưí không tha thiết nữa, nhưng chúng tôi không dịch chữ nhàm chán là như vậy, chữ chán có khi nghĩa là tiêu cực, như mình chán nản cái gì đó rồi mình bực bội , nhưng đúng nghĩa là lúc bấy giờ cảm thấy có thể dửng dưng với nó. Chúng ta có thể dửng dưng, có thể không dính mắc vào điều đó nữa, thật là lạ, chúng ta lớn lên ở trong cuộc đời này ai cũng sợ đau khổ, nhưng chúng ta lại không dửng dưng được với sự đau khổ, cũng như ngay cả chúng ta rất ghét kẻ thù, nhưng chúng ta cũng không dửng dưng được kẻ thù, chúng ta làm như làm mặt lạ với kẻ thù, nhưng chúng ta không tự tại với kẻ thù, kẻ thù thấp thoáng ở đâu đó, thì thưa quí vị chúng ta giẫy nảy, chúng ta không có tỉnh táo được, chúng ta không tự nhiên được, và còn tệ hại hơn nữa, là cho dù chúng ta khổ đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn lao đầu vào đó, chúng ta ôm chầm lấy nó, chúng ta như là một người vắt nước cốt dừa, cố gắng để tìm cái gì đó, ở trong nước cốt dừa, mà cái gì đó khả dĩ chúng ta nghĩ rằng " Đặng là được cuộc sống."

Buổi giảng đến đây chấm dứt, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Download KN 277

Kinh Pháp Cú Lưu Trữ


-ooOoo-

Dầu trang Phẩm 1 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 26b | MucLuc |

Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu