Phẩm 11: Già Yếu - Phẩm Già Yếu (Jaraa Vagga) - Kệ ngôn 147
Giảng ngày 26 tháng 7 năm 2003
Tỳ khưu Giác Đẳng
Xác thân khổ lụy

Hãy nhìn thân mỹ miều
Chất chứa lắm khổ đau
Nhiều lo toan, bệnh tật,
Có gì bền vững đâu

Passa cittakata.m bimba.m
arukaaya.m samussita.m
Aatura.m bahusa'nkappa.m
yassa natthi dhuva.m .thiti.

Duyên Sự

Sirimà là một danh kỷ của kinh thành Vương Xá. Một lần cô đến nhà một mệnh phụ phu nhân để xin lỗi về một việc đáng tiếc. Tại đó cô được nghe Phật thuyết pháp và chứng quả nhập lưu. Sau đó cô cung thỉnh Phật và chư Tăng về nhà cúng dường thực phẩm. Vài hôm sau có một tỳ kheo đến nhà Sirimà trai phạn. Hôm ấy nàng lâm trọng bệnh mặt mày tiều tuỵ không phấn son trang điểm. Thế nhưng chỉ nhìn mặt nàng cũng đủ khiến thầy tỳ kheo kia bấn loạn tâm thần. Thầy nầy tự nghĩ rằng lúc nàng kiều nữ đang bệnh mà còn nguyệt thẹn hoa nhường như vậy lúc bình thường thì đẹp biết dường nào. Rồi thầy trở về tịnh xá lòng không ngừng tưởng nhớ hình ảnh giai nhân vừa gặp. Tối hôm đó Sirimà qua đời. Ðức Thế Tôn hay tin, Ngài dạy nhà vua hảy quàng xác Sirimà trong nhiều ngày đừng vội hoả táng. Ngày thứ tư Ðức Phật cùng chư Tăng đến viếng xác nàng. Thầy tỳ kheo vương lụy cũng cùng đi. Lúc bấy giờ thi thể của nàng mỹ nữ đã biến tướng nặng mùi. Nhà vua theo lời Phật dạy loan báo trong thành thử xem có ai muốn làm chủ thân xác Sirimà. Không ai muốn dù không phải trả một đồng xu nào. Rồi Ðức Phật dạy chư tỳ kheo sự huyễn hoá khổ lụy của xác thân. Ðức Ðiều Ngự kết luận bằng kệ ngôn trên.

Thảo luận:

1. Trong Phật Pháp tại sao có lúc xác thân được xem là quí báu có lúc xem là chổ chất chứa tội khổ? Sư Trưởng.

2.Pháp quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào? TT Giác Đẳng.

3.Phật Pháp không tán thán nữ sắc phải chăng đó là sự kỳ thị nữ giới? TT Giác Đẳng.

4.Nguoivietnambuon001 hỏi : Thưa Thầy, nếu nói xác thân này là giả tạo, vậy nếu khi mình mất một phần thân thể, mình có quyền tự tử để tránh khổ không ? Kính xin Thầy giải thích.TT Giác Đẳng.

5. Lòng tin trong tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật phải được xây dựng dựa trên cơ sở nào?TT Giác Đẳng.

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta có dịp nhìn qua một kệ ngôn nói về một sự việc mà đối với phần đông chúng ta không đẹp lắm.  Nhưng chính qua bài kệ ngôn này chúng ta lại có thể tìm thấy một nét rất đẹp của Phật Pháp trong đời sống hàng ngày.  Chúng ta hãy tưởng tượng như vầy, ở trong đời sống này có thể con người vương mang dính mắc rất nhiều thứ trong đời sống, nhưng có thể nói rằng ít có thứ nào làm con người có thể dở sống dở chết như ái tình, một sự dính mắc vào một hình bóng của một người khác phái nào đó và trong trường hợp như vậy có thể nói rằng có rất nhiều trường hợp đã trở nên chứng bịnh trầm kha.  chúng ta nghe câu truyện Trương Chi Mỵ Nương và vô số những câu truyện tình sử khác trong lịch sử của loài người.  Trong những truyện này có những con người gặp gở một hình ảnh nào đó mà họ nghĩ rằng hình ảnh đó là một cái gì rất quan trọng và không thể thiếu trong cuộc đời của họ được.

Có thể nói rằng ái tình là một trong những điều mà khi con người vướng vào thì chỉ có hai cách: một là người ta có thể đạt được một phần nào đó trong những sự vương mang của mình, một điều khác thì người ta phải chuốt lấy điều đó như một chứng bịnh trầm kha.  Phải hiểu nó và thấy nó như một chứng bịnh trầm kha thì chúng ta mới thấy được tại sao chúng ta cần những liều thuốc rất mạnh và phải hiểu rằng tại sao chúng ta khi cần một liều thuốc mạnh thì chúng ta có những pháp quán như quán bất tịnh, quán tử thi.  Chính vào điểm này chúng ta có thể tìm thấy được tại sao những phẩm kinh nói về đau khổ và đặc biệt trong phẩm này nói về tuổi già nó không phải là một nhân sinh quan bi thảm của đạo Phật như nhiều học giả nói mà trong cái nhìn của người Phật tử nói là  phương lương dược.  Phương lương dược đó có khả năng trị được bịnh ít có một tôn giáo nào đi quá xa về điểm này. 

Thưa qúi vị bây giờ tại hải ngoại mỗi năm như vậy vào mùa Christmas chúng tôi lại nghe có rất nhiều người nói đến tình yêu và thậm trí họ nói đến tình yêu thánh hoá.  Ở trong tình yêu thánh hoá người ta đề cập đến nó là một cách mà ở một lúc nào đó khi tôn giáo đối diện với cảm xúc hết sức cuồng nhiệt trong lòng người và không có cách nào hơn là người ta tìm cách thăng hoa thứ tình yêu đó.  Nhưng trong cuộc sống thì không phải lúc nào tình yêu cũng có thể thăng hoa được, không phải lúc nào anh A thương cô B, Cô B thương anh C cũng có thể đạt được nguyện vọng của mình.  Thì thưa qúi vị có trăm ngàn nỗi đau, có bao nhiêu nước mắt đã đổ xuống và không biết bao nhiêu bản tình ca nói lên sự chua xót.  Chua xót của một cuộc tình bỏ dở thì lúc đó chúng ta mới hiểu được rằng tại sao là "tình là giây oan" .  "Tình là giây oan" không phải là một nhân sinh quan bi thảm mà cụ Nguyễn Du muốn vẽ lên ở đây.  Nhưng đó là một bản thực chất rất thực ở trong đời sống chúng ta rằng; ở một cái giông rủi nào đó khi chúng ta đã vướng mắc vào đó rồi thì chúng ta hoàn toàn bất lực và không hiểu phải làm gì đối với bản thân của mình nếu chúng ta không có được những phương lương dược để trị tâm bịnh. 

Trong duyên sự này nói về một câu truyện của một nàng kiều nữ là một danh kỷ của đất kinh đô.  Nàng được xem như là một mỹ nữ tuyệt sắc trong thành Vương Xá, kinh thành hoa lệ của xứ Ma Kiệt Đà.  Nàng danh kỷ này tên là Sirimà.  Câu chuyện đó liên quan đến một vị tỳ kheo đệ tử Phật, và trong câu chuyện cũng nhắc đến Đức Phật như là một vị Thầy Thuốc.  Sirima vốn là một nàng kỹ nữ trong thành vương xá.  Trong kinh không nói nhiều nàng Sirimà, mặc dù sau đó nàng trở về dưới bóng mát của Tam Bảo đắc chứng sơ quả, nhưng vì nàng ra đi quá sớm, nàng không được nhắc nhiều như Ambapali. Nhưng theo những gì chúng ta được biết trong sớ giải thì nàng là một trang giai nhân tuyệt sắc trong thành Vương Xá.  Những người giàu có, có thể bỏ hàng ngàn đồng vàng để có thể sống với nàng một đêm thôi.  Sirimà muốn trong một lần đến nhà một mệnh phụ phu nhân tên là Sumana để có vài lời xin lỗi, nhưng không biết có cơ hội nào để đến, khi nghe nói rằng Sumana đang thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà trai tăng, lúc bấy giờ Sirimà nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất nếu phu nhân Sumana mà thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về trai tăng thì trong lúc bà làm phước thì mình có thể đến ngỏ một vài lời xin lỗi khi có Đức Phật tại đó thì chắc chắn vị gia chủ sẽ không lỗ mãng và không chừng là mọi người sẽ vui vẻ trước lời xin lỗi của mình.  Đó là ý nghĩ rất khôn của Sirimà nhưng nó lại là nhân duyên rất tốt cho Sirimà đã gặp được Đức Phật và chỉ bài kệ ngắn do Đức Phật thuyết thì nàng Sirimà đã chứng được thánh quả, trở thành một vị nhập lưu.  Từ giờ phút đó trở đi Sirimà không màng đến tiền bạc danh vọng nữa, chỉ một điều nàng mong mỏi đó là được thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà để cúng dường một việc phước hạnh mà bấy lâu nay Sirimà đã không làm được bởi vì trong đời sống của mình không cho phép như vậy.  Rồi Đức Phật và Chư Tăng đến nhà nàng trai tăng, sau đó thì có một vị tỳ kheo trong chùa nghe một vị tỳ kheo khác nói về nhan sắc tuyệt trần của Sirimà và vị tỳ kheo này không dằn được tâm mình đã đến nhà Sirimà để nhận phần ăn khất thực do Sirimà cúng dường.  Hôm đó kiều nữ Sirimà đang lâm trọng bịnh, và khi nàng bịnh như vậy thì tất cả việc cúng dường chuẩn bị đều do những người làm, nhưng sau khi các vị tỳ kheo đã nhận thực phẩm xong thì nàng từ trong buồng đi ra đảnh lễ Chư Tăng với cương vị của người gia chủ vị thí chủ để bầy tỏ lòng cung kính.  Vị tỳ kheo kia nhìn thấy khuôn mặt tiều tụy của Sirimà mặc dù nàng không trang điểm vì nàng đang trải qua một cơn bịnh, nhưng vị tỳ kheo kia vẫn không thể phủ nhận được một điều với chính mình là quả thật Sirimà là một người có nhan sắc mà không có thể tưởng tượng được, có thể sánh với tiên ở trên trời.  Vị này trở về Trúc Lâm tịnh xá với tâm trạng hoài niệm, tương tư khôn nguôi, không lúc nào không tưởng nghĩ tới Sirimà.  Tối hôm đó Sirimà từ trần.  Theo bản sớ giải thì một người kỹ nữ khi đắc đạo chứng quả hoặc đi xuất gia, nếu còn là cư sĩ thì người đó sẽ mạng chung chứ không thể sống một cuộc sống tiếp tục như vậy, nên ở trường hợp này do duyên nghiệp đưa đẩy Sirimà đã mất không lâu sau khi chứng quả nhập lưu.

Chúng ta được biết cái chết của nàng là tin chấn động cho cả thành Vương Xá tại vì nàng là một người được biết nhiều đến không phải trong giới qúi tộc mà kể cả dân chúng trong giới bình dân.  Có thể nói rằng ở trong thành những người lớn không ai không biết đến Sirimà và cái chết của nàng đã lan truyền nhanh chóng trong dân chúng. Nhà vua và Đức Phật đều nghe tin nàng chết.  Khi Vua Bình Sa Vương đến đảnh lễ Đức Phật thì Đức Phật Ngài dạy vua Bình Sa Vương khoan hỏa tán thi thể hãy quàng lại ba, bốn ngày.  Sau ba, bốn ngày Đức Phật dẫn một số Chư Tăng đến viếng di thể của Sirimà. 

Nói về vị tỳ kheo tương tư nàng Sirimà, trong bản sớ giải kinh Pháp Cú kể rằng vị tỳ kheo này sau khi trở về chùa trong lòng không lúc nào không nghĩ đến khuôn mặt của Sirimà, mặc dù lúc đó nàng đang bệnh nặng.  Vị này trong ba, bốn ngày không ăn uống gì, thậm trí những thực phẩm đã đi khuất thức ngày hôm đó nhận từ nhà của Sirimà mang về cũng không buồn đụng đến và những thực phẩm đó đã thiu, meo mốc trong bình bát.  Một vài vị tỳ kheo khác có khuyên nhắc nhưng không cách gì có thể chữa trị được chứng bệnh trầm kha của vị tỳ kheo này.  Khi có người đến báo Sirimà đã mất bốn ngày qua, và hôm nay Đức Thế Tôn và một số Chư Tôn sẽ đến viếng đám ma của Sirimà.  Vị tỳ kheo này một dù trong người vừa đói vừa mệt nhưng ngồi dậy mạnh mẽ để đi theo Chư Tỳ Kheo trong Tăng đoàn của Đức Phật.  Khi đến nơi, hình ảnh chúng ta được biết rằng vào thời đó một xác chết người ta hoả táng nhanh.  Qúi vị nào sang Ấn Độ ngày hôm nay sẽ hiểu được người Ấn Độ không làm tang lễ nhiều ngày như chúng ta, bởi vì chúng ta thường để xác trong quan tài, người Ấn Độ họ chỉ phủ lên xác một tấm vải và thường họ thiêu càng sớm càng tốt, bởi vì là xứ nóng để lâu thân xác sẽ bị sình chương, nên chi về vấn đề vệ sinh người ta thiêu những thi hài rất sớm.  Nhưng trong trường hợp này theo lời dậy của Đức Phật, vua Bình Sa Vương đã ra lệnh để giữ xác nàng Sirimà trong nhà ba, bốn ngày.  Chúng ta hiểu rằng một xác chết ba, bốn ngày không có chính thuốc, không có những chuẩn bị cần thiết để giữ xác chết, nên xác chết đã biến tướng màu khác biệt, rồi mùi hôi thúi xông lên.  Đức Phật dẫn chư tỳ kheo theo đến nơi quàn xác nàng Sirimà, tại nơi đó có nhà vua và nhiều người, Đức Phật quay sang nói chuyện với nhà vua.  Vua Bình Sa Vương là vị thánh đệ tử của Đức Phật, mặc dù là vua là vị tôn chủ của xứ Ma Kiệt Đà nhưng khi đi với Đức Phật thì giống như một đệ tử theo hầu Đức Phật và Đức Phật Ngài dạy vua Bình Sa Vương hãy loan báo tất cả dân chúng trong thành này thử xem có ai muốn nhận xác của Sirimà về, nếu người nào muốn chỉ trả 1,000 đồng vàng thôi.  Nhà vua ra lệnh như vậy nhưng tuyệt đối không ai muốn trả một 1,000 đồng vàng để nhận xác Sirimà về, rồi nhà vua cũng theo lời dậy của Đức Phật hạ giá xuống còn 500 đồng, 50 đồng, 1 đồng và thậm chí một xu và cho không cũng không ai muốn thân xác của Sirimà lúc bấy giờ. Và thưa qúi vị Đức Phật sau đó Ngài đã dậy vua Bình Sa Vương hoả táng xác của Sirimà và cũng trong lúc đó Ngài dậy cho chúng ta thấy rằng xác thân này quả thật là huyễn hoá, khi đã nằm xuống vô tích thì lúc đó như một khúc gỗ vô tri.  Khúc gỗ vô tri người ta còn đoái hoài đến, nhưng một xác đã sình chương rồi, nhất là xác thối của một kỹ nữ thì thật ra không ai muốn rờ hay đụng chạm đến và cũng không ai muốn mang về nhà. 

Chúng ta nghĩ liều thuốc đó hơi mạnh.  Ví dụ như có một người nào đó mà trong đời sống của họ khổ lụy thì chúng ta nghĩ rằng chỉ dành cho họ một vài lời khuyên mà thôi.  Nhưng phải nói rằng trước khi chúng ta đi vào ý nghĩa của bài kệ chúng ta hãy nghĩ đến nhiều sự việc.  Chúng tôi nhớ tại vùng Đông Bắc Thái Lan những tỉnh như Udon hay là Ubon Ratchathani nơi đó xuất phát rất nhiều vị danh tăng tu pháp đầu đà.  Tại đây họ có một truyền thống rất quen thuộc là có những người chết đi thay vì xác của họ đem đi hoả táng thì họ nguyện cúng xác đó vào trong chùa, người ta chọn một chỗ rất xa trong rừng, thường những chùa gọi là wat pa gọi là chùa thiền lâm thì đất rất rộng có thể có hàng trăm mẫu rừng, người ta đem xác ra một mé rừng nơi ít người lui tới, họ đào một huyệt bằng đất và để xác nằm tại đó và không lắp đất lại.  Trong thời gian chúng tôi ở chùa Wat Luang ở Ubon Ratchathani đã có bốn lần được đến thăm những xác chết đang sình chương rữa thối, khi có người hiến xác của họ để làm đề mục cho chư tăng tham thiền.  Thỉnh thoảng có nhiều chư tăng được mời vào nhà xác của các bệnh viện.  Nhưng chúng tôi nghĩ rằng những xác ở trong bệnh viện thì không có ấn tượng sâu đậm như ở ngoài trời trong rừng xác biến tướng trong nhiều ngày.  Ban đầu nó sình lên rồi ngả màu và mục nát, những con dòi rỉa tàn phá xác đó rồi cuối cùng là bộ xương.  Cũng có trường hợp người ta cúng cả bộ xương cho chùa, bịnh viện họ lấy bộ xương còn lại và luột, khi luột xong thì họ ráp những khớp xương lại thành một bộ xương người, họ để trong lồng kính và treo trong chùa, qúi vị đến một số chùa wat pa , qúi vị sẽ thấy những bộ xương người thật.  Và hầu như ngày nào dùng cơm ở giảng đường ngó lên thì bộ xương đó cũng đứng trước mặt và dĩ nhiên là họ cũng để tên tuổi của người quá vãng, xem đó như là một công đức bởi vì  chư tăng nhìn vào để quán tưởng. 

Có lẽ khi qúi vị nghe về quán thể trược thì cũng đáng sợ, huống chi chuyện quán tử thi.  Chúng ta phải nhận ra một điều rằng; đặc biệt nói về giới tính thì có một sự khác biệt giữa người nam và người nữ.  Riêng về người nam đa số có cái nhìn đối với người khác phái bằng trực giác, bằng cái nhìn bề ngoài nhiều hơn là cái nhìn sâu sắc ở phía trong.  Người nam rất dễ bị ấn tượng về nhục thể, về nhục dục gây một tác động sâu xa vào trong người.  Có thể người nam dễ bị dính mắc với một người nữ có nhan sắc trong cái nhìn đầu tiên do một vài sự tiếp xúc và vì vậy phải nói rằng những ấn tượng về sắc đẹp ở bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư của những người có thể nói là tu tập về thiền định.  Chúng tôi nghe kể một câu chuyện về Ngài Ajahn Cha,  Ngài tu hạnh đầu đà. Ngài kể một câu chuyện là trong thời gian Ngài tu tập thì Ngài bị chi phối rất nhiều bởi những dục vọng liên quan đến người khác phái, và Ngài có một lời phát nguyện, trong ba tháng an cư Ngài sẽ không nhìn bất cứ người phụ nữ nào. Trong suốt thời gian ba tháng như vậy, kể cả những vị thí chủ cúng dường đến chùa.  Trong câu chuyện kể là lần đầu tiên  Ngài mở mắt ra để Ngài nhìn một người khác thì người khác đó không may lại là người phụ nữ và Ngài cảm giác giống như một cái gì giật bắn trong người.- nó ảnh hưởng rất lớn lao.  Thưa qúi vị, nhục dục và sắc dục có thể nói rằng là một trong những bản năng mà có thể nói rất là mạnh mẽ, có ảnh hưởng lớn đối với  cuộc sống của loài người và có thể nói rằng đối với cuộc sống của người nam. 

Người ta có cảm tưởng như đạo Phật có sự kỳ thị đối với nữ giới hay với người khác phái.  Thật ra nói như vậy người ta không hiểu được.  Đúng ra đời sống tu tập đối với người khác phái có những chừng mực,  có những ngăn cách không phải là vì khinh rẻ bất cứ ai mà tại vì người đó nhận chân ra được rằng chính đời sống nội tại của mình có rất nhiều khuyết điểm, có nhiều nhược điểm và rất dễ xúc động và dễ bị cuốn hút dính mắc.

Trong câu chuyện này chúng ta nghe về vị tỳ kheo đến nhà nàng kiều nữ Sirimà để nhận thực phẩm cúng dường.  Trong sớ giải nói rất chi tiết rằng nàng bị bệnh rất nặng, trong người kiệt quệ không còn sức lực để lo việc cúng dường chư tăng, cho dù đó là việc mà nàng rất hoan hỷ.  Trong khi chư tỳ kheo nhận thực phẩm xong thì nàng từ trong buồng đi ra đảnh lễ chư tỳ kheo, lúc bấy giờ vị tỳ kheo kia nhìn thấy khuôn mặt của nàng dù nàng đang bị bệnh mà còn cảm thấy xúc động mãnh liệt đến đỗi khi về trong ba bốn ngày không thiết đến ăn uống và không thiết làm bất cứ  việc gì.  Chúng ta phải đem tâm bệnh đó đến ngay trước mặt của mình để nhìn thì mới hiểu tại sao mà ở trong đời sống của chúng ta đôi lúc cần những liều thuốc rất mạnh. Ví dụ như quán bất tịnh, quán tử thi, quán hài cốt, quán sự chết.  Nếu không hiểu được điều đó thì người đó không hiểu được đạo Phật.  Không hiểu điều đó, thì không hiểu tại sao Phật pháp lại đi xa như vậy.

Cách đây vài hôm chúng tôi được mời lên đài phát thanh tại Houston, một đài phát thanh lớn nhất của người Việt tại Houston, trong lúc nói chuyện về đề tài "Hôn nhân và gia đình" thì có một người gọi vào và người này đã than phiền rất nhiều về sự việc bà vợ của ông lúc nào cũng nói "Sắc tức thị không" và cái gì cũng là hư ảo huyễn hoá nên ông cảm thấy trong gia đình không hạnh phúc và ông có ý trách móc đạo Phật rất nhiều mặc dầu ông vẫn tự nhận mình là người Phật tử  Đây là một bi kịch cho chúng ta thấy rằng một người có thể nhìn thấy những lời dậy của Phật Pháp không đúng chỗ.  Thật ra Phật pháp hiểu một cách chân thật thì nó là phương thuốc để trị bịnh, phải nói là đó là những phương thuốc trị tâm bịnh.  Khi nói đến thuốc người ta không dùng thuốc để trang trí hay dùng thuốc để nói về phương diện mỹ thuật được.  Nói đến thuốc thì người ta phải nói đến công dụng của thuốc là để chữa bịnh và để chữa bịnh thì có nhiều thứ thuốc và nhiều chứng bịnh và nhiều thứ thuốc lạ lùng lắm, nhiều thứ thuốc không phải là phải nói đến cái đẹp, nói đến cái gì mà chúng ta thích hay không thích, mà có nhiều thứ thuốc nó vốn chỉ có công năng để trị được bịnh thôi, ngoài ra về phương diện mỹ thuật hay phương diện khác có giá trị gì hết.

Tôi nhớ một lần ở ngôi chùa tại Thái Lan, có một vị sư người Hoà Lan bị bệnh ngoài da, vì người da trắng sang xứ nhiệt đới họ thỉnh thoảng bị nhiều chứng bịnh ngoài da và một vị bác sĩ tại Bangkok đã chữa bịnh cho ông bằng nước tiểu của mình.  Tức là trong nước tiểu vốn mang những độc tố, những thành tố trong cơ thể của mình thành ra khi mình xử dụng nó thì cũng không hề hấn gì hết, nó không mang lại ảnh hưởng gì hết, nhưng nguợc lại trong nhiều ngày như vậy thì nó có thể giúp được trị bịnh ngoài da.  Khi chúng tôi nghe câu chuyện như vậy, chúng tôi có hỏi vị sư Hoà Lan rằng cách chữa trị này có kết quả không thì vị đó nói rất tốt là đã trị dứt chứng bịnh ngoài da nhưng nó lại rất là khó chịu.  Thì thưa qúi vị chúng tôi kể câu chuyện nhỏ đây để qúi vị thấy rằng nó đã gọi là thuốc thì có nhiều khi nó chỉ có giá trị ở hiệu năng của nó thôi chứ không phải là người ta nhìn bên ngoài mà nói rằng thuốc đó đẹp, xấu, ngon hay dở, đắng hay ngọt, chúng ta không nói như vậy. 

Ông Lâm Ngữ Đường là một người theo đạo Tin Lành viết rất nhiều tác phẩm về văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ.  Ông là một người Tin Lành mà là tín đồ dị giáo, bởi vì ông sang du học bên Hoa kỳ dưới sự bảo trợ của giáo hội Methodist, nhưng ông phải nhận rằng lời dậy của Đức Phật rất xác thực về nhiều điểm, nhưng ông có ghi một câu là "Tôi không thể theo đạo Phật được bởi vì đạo Phật bi thảm quá."  Không phải vì Lâm Ngữ Đường là người ngoại đạo nói như vậy, mà nhiều người Phật tử vẫn nghĩ rằng đạo Phật vẽ ra một hình ảnh rất bi quan về thế giới này.  Trên thực tế những giáo lý về vô thường, khổ, vô ngã, về bất tịnh v.v... phải nhìn như là những phương linh dược thì chúng ta mới thật sự thấy giá trị.  Chúng ta không đem thuốc ra để khen ngon hay dở, hay thuốc này đẹp hay xấu.  Cái ngon, cái dở, cái đẹp, cái xấu của thuốc nó không có giá trị gì để bàn và khi chúng ta bàn đến chuyện đó thì nó không phải là những gì mà đối trị được căn bịnh trầm kha của chính mình.

Ở đây Đức Phật Ngài đã phải xử dụng một liều lượng rất mạnh là dùng thân xác của một kiều nữ đã chết trong nhiều ngày, từ một danh kỷ của kinh thành, một thân xác có thể nói là ngàn vàng.  Có những công tôn vương tử đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc để có thể sống với nàng một ngày một đêm.  Thế mà bây giờ cũng con người ấy, cũng thân xác ấy nằm trên mặt đất đã biến tướng, không còn như ngày xưa nữa.  Thậm chí nhà vua ra lệnh rằng những ai có thể đổi một ngàn đồng vàng để làm chủ thân xác đó, không ai trả lời, 100 đồng cũng không ai trả lời, và một đồng cũng không ai trả lời, thậm chí cho không, cũng không ai trả lời.  Điều đó là một cái gì rất mỉa mai và rất bi đát về kiếp người.  Nhưng thật sự đời sống của con người là như vậy.

Những lần chúng tôi đi tụng kinh cầu siêu, vì chúng tôi xa Việt Nam lâu quá không biết Việt Nam ngày hôm nay ra sao, nhưng tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác thì khi một người mất đi mà quàn ở trong tang nghi quán thì người ta chích thuốc vào trong xác để giữ xác trong nhiều ngày và quan tài vẫn mở ra, (nếu thân xác còn nguyên vẹn không phải chết vì tai nạn) họ mở ra cho người thân đến viếng và nhìn mặt.  Chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp, là bà con, là người yêu và bạn bè những người đó không dám đến gần xác chết của người thân của mình cho dù xác chết đó có trang điểm son phấn và xác chết đó không giống như xác của Sirimà, nhưng nhìn xác chết lại nằm trong quan tài nó cũng đủ tạo sự kinh cảm. 

Đức Phật đôi khi Ngài dạy những lời dậy có thể rằng ngày hôm nay người ta ít có để ý tới kể cả những vị tu sĩ Phật giáo.  Có nhiều khi người ta làm lớn chuyện về xác của con người, nhưng Đức Phật Ngài nói rằng khi tâm thức lià bỏ thì thể xác này như một khúc gỗ mục mà thôi.  Cuộc đời nó là như vậy.  Thân của chúng ta chao chuốt cho nhiều, rồi nghĩ về nó cho thật là nhiều, nhưng rồi cuối cùng khi chúng ta đối diện với nó thì chúng ta thấy rằng nó thay đổi biến dịch theo thời gian.  Thì phải nói rằng hằng bao nhiêu bài học lớn trong cuộc sống mà chúng ta không thể dễ dàng để tiêu hoá.

Trong bài kệ này quả thật thì Đức Phật Ngài đã có những lời nói rất giản dị. 

Trong bài kệ này chữ

Passa cittakata.m =  có nghĩa là đối với thân này

dhuva.m .thiti = nghĩa là sự hiện hữu thường hằng, sự tồn tại lâu dài

thiti. =  là không có. 

 Passa cittakata.m bimba.m = là  đối với thân này thì không có gì là vĩnh hằng, không có gì trường cửu hết.

 Arukaaya.m = là một khối bệnh tật hay là một nhóm bệnh tật hay là một thân chứa đầy bệnh tật. 

Samussita.m = là được kết nối, được gìn giữ, được hình thành bởi những xương kết lại với nhau, có nhiều lúc chúng ta nhìn thân xác của chúng ta đi đứng nằm ngồi linh hoạt v.v... tất cả những thứ đó chỉ là một cấu kết những bộ xương lại với nhau. 

Aatura.m = là bệnh hoạn, bị nhức nhối khổ vì bịnh. 

Bahusa'nkappa.m = có nghĩa là suy nghĩ rất nhiều, tư lương rất nhiều, liệu toan rất nhiều.

 Ngay cả một người ít lo thân mình thì trong bản năng của chúng ta thì chúng ta cũng có bao nhiêu chứ để liệu toan, nào là lo cho cái nóng, cái lạnh, cái ăn, cái uống, làm sao cho sắc vóc được đẹp đẽ, làm sao cho mình được khỏe mạnh.  Tại một số quốc gia thì họ lo sao ăn cho lo cho đủ, một số khác thì làm sao giữ đừng lên cân, đừng bịnh béo phì và những gì liên quan đến thân từ những mỹ phẩm, tắm giặc cho đến quần áo v.v... chúng ta nói đến kỹ nghệ khổng lồ hàng tỷ dollars ở mỗi quốc gia chứ không phải nhỏ, có thể nói rằng chúng ta lo rất nhiều về thân của mình.

Ở trong này có câu đầu passa cittakata.m bimba.m = là nhìn thân này với ý nghĩ tô hồng chuốt lục (passa = nhìn, cittakata.m = thân này, bimba.m = thân này) cái ý nghĩ là thân thể đẹp đẽ mỹ miều thì thưa qúi vị:

Hãy nhìn thân mỹ miều

Chất chứa lắm khổ đau

Nhiều lo toan, bệnh tật,

Có gì bền vững đâu

 Phải nhìn thân với từng chi tiết, với từng ý nghĩa với cảm nghĩ như vậy, thì lúc đó chúng ta mới thấy rằng thân của người và thân của mình giống nhau, và hầu như cái khác biệt nó chỉ là lớp da ở bên ngoài hay là một vài tướng trạng chút đỉnh, còn cái căn bản trong bài kệ này không thể nói áp dụng cho một xác chết, áp dụng cho nguời này hay một người khác mà áp dụng cho tất cả chúng ta.

Hãy nhìn thân mỹ miều

 chất chứa lắm khổ đau,

 nhiều lo toan bệnh tật

 có gì bền vững đâu.  

Có đôi khi chúng ta đọc bài kệ này nó như là một lời thống trách, như là một cái nhìn rất tiêu cực về đời sống, tiêu cực về tự thân, nhưng mà rồi khi chúng ta đặt tâm trạng của mình vào tâm trạng của một vị tỳ kheo bị chứng tâm bịnh hoằng hành như vậy hay ở trong cuộc đời nào, ở trong cuộc đời của chúng ta thỉnh thoảng có những cái vương mang, mà cái vương mang không có cách gì gỡ ra được, thì lúc đó thưa qúi vị, chúng ta mới thấy rằng cái ý nghĩa của bài kệ này không nhỏ và không chừng chúng ta lại cần đến bài kệ này hơn bao giờ hết để chữa trị những phiền não trầm kha đang hoàng hành .  Chúng tôi xin kết thúc bài học hôm nay tại đây.