Psychotheraphy, Meditation

Kệ Ngôn 146

Lãng Quên Thân Phận


Thap Nhi Nhan Duyen

Chánh Hạnh chuyển biên.

TT Giác Đẳng: Trước khi nói về Phẩm thứ 11 Phẩm già chúng tôi xin được vài lời về chương trình giảng kinh pháp cú, được đề xướng bởi Sư Trưởng. Ngay từ ban đầu chúng tôi nghĩ rằng những phần giảng này sẽ mang tính cách rời rạc bởi vì sinh hoạt bất chừng. Nhưng về sau này chúng ta tìm thấy được sự liên tục và đặc biệt có sự quan tâm của Sư Trưởng, TT Trí Siêu, TT Bửu Chánh, Sư Chánh Định, Sư Lá Bối, Chư Tăng đã mỗi ngày cùng nhau gửi đến quý Phật tử những suy tư từng kệ ngôn Pháp cú. Do vậy hôm nay chúng ta bước sang phẩm thứ 11. Suốt cả quá trình để diễn giảng kinh Pháp cú này chúng ta nói rằng có thể đây là công trình độc đáo duy nhất mà một bộ kinh được giảng giải với nhiều giảng sư khác nhau thay vì một vị. Chúng ta có thể cảm nhận được cái nhìn, sự nhận thức tương đối là phong phú của các vị Pháp sư qua những thể tài đôi khi mang tính cách trùng lập của kinh tạng. Chúng tôi cũng cảm nhận được niềm hoan hỷ lớn của quý Phật tử, càng lúc về sau đã tập trung rất nhiều vào những đề tài được trình bày hơn là những câu hỏi ngoài đề. Mặc dù tất cả những câu hỏi liên quan đến Phật Pháp đều được khuyến khích nhưng chúng ta đã bỏ ra rất nhiều suy tư cho đề tài này, như vậy chúng ta có đủ những lý do cần thiết, nhữnglý do tốt đẹp để tiếp tục chương trình.

Trong Phẩm 11 này chúng ta đặc biệt nói về tuổi già. Tuổi già là một hiện tượng suy thoái và hiện tượng suy thoái này là cơn ám ảnh cho tất cả mọi người. Ở những quốc gia kỹ nghệ người ta nói nhiều đến quỹ hưu vọng, quỹ an sinh xã hội cho tuổi già. Ngày hôm nay dân chúng trên địa cầu tại các quốc gia kỹ nghệ lớn như Đức quốc, Nhật Bản đã bắt đầu lên tiếng báo động dân chúng càng lúc càng già nua. Ngày xưa có thể năm bảy người trẻ tuổi đi làm để đóng thuế, để chu cấp cho một người lớn tuổi, bây giờ chỉ còn một người rưỡi và trong tương lai một người trẻ đi làm có thể phải chu cấp cho ngân quỹ an sinh của hai hoặc ba người già. Tại Đức quốc kể cả Nhật Bản ngày hôm nay đã có tình trạng báo động người phụ nữ không còn muốn sanh con nữa và số người đang sống 50, 60 tuổi thì nhờ vào kỹ thuật y khoa càng lúc càng tiến bộ, người ta càng sống lâu hơn. Vì vậy thành phần chiếm đại đa số trong xã hội là những người lớn tuổi.

Cho dù thích hay không thích đôi lúc mình nghe người khác nói rằng “ bạn đã già đi rồi”, chúng ta nghe không vui, không hài lòng nhưng rồi thưa quý vị, dù có thích hay không thích chúng ta cũng phải đối diện với tuổi già. Chúng tôi nhớ có một bài viết của Dorothy Curtis, bà có đề nghị rằng chúng ta hãy  trưởng thành chứ đừng già nua. Trưởng thành ở đây có nghĩa là thể xác thì già dặn nhưng tâm hồn đừng già nua. Đây là một điều tuy là dễ nói, rất là hay nhưng không phải dễ dàng thực hiện trong đời sống này. Đối với đạo Phật bất cứ vấn đề gì của kiếp nhân sinh cho dù chuyện đó chúng ta có hài lòng hay không hài lòng, hoan hỷ hay không hoan hỷ chúng ta cũng phải đối diện với những thứ này. Trong nền văn hoá cổ truyền Đông phương của chúng ta, tuổi già cũng giống như ở bất cứ nơi nào khác, con người đến thời kỳ suy thoái của thể xác, lưng cong má hóp, răng long tóc bạc lại có thêm một thứ mà ngày hôm nay ở tại các nước phương Tây lại không có được: đó là tuổi già được kính trọng. Niên trưởng của một người cuối cuộc đời thường được kính trọng ít nhất là trong gia đình, và những người ở chung quanh. Đặc biệt trong đạo Phật điều này cũng được nhắc đến.

Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta tự đặt ra là, "Đối diện với sự già nua, khi tóc trên đầu đã điểm sương, chúng ta là những người không thể nào tránh khỏi sự cằn cổi của cuộc sống và trong giai đoạn cuối đời của mình, Phật Pháp soi sáng cho chúng ta những gì và cái gì chúng ta có thể làm được khi chúng ta đến tuổi về già?". Quý vị có thể có một chút thất vọng khi đọc những bài kệ trong chương này. Ngày hôm qua TT Trí Siêu có lưu ý một điểm rằng những bài kệ gom vào trong một thể tài, trong một đề tài của một phẩm không nhất thiết có sự tương đồng về nghĩa lý và đúng như vậy ở đây tuổi già được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Có lúc tuổi già được nhìn thấy như là một hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng đó có mãnh lực tuyệt đối, mãnh lực đó đưa tất cả chúng sanh đến chỗ tử vong. Có một chỗ khác Đức Phật Ngài nhìn tuổi già, như một người lớn tuổi lớn xác mà không lớn trí tuệ, giống như một con trâu già. Có một chỗ khác chúng ta nghe Đức Phật dùng tuổi già để làm một điểm tựa nhắc nhở rằng thời còn trẻ còn khoẻ phải làm những gì nên làm cần làm đừng chờ đến tuổi già. Khi tuổi già đến, sức khoẻ đã cùn kiệt, tay chân không còn làm theo ý của mình nữa, lúc bấy giờ chúng ta mới thấy rằng tuổi trẻ đã bị phung phí quá nhiều, không làm những việc thật sự cần thiết. Bài kệ này nếu chúng ta hiểu Phật Pháp, chúng ta đọc với tinh thần của một người Phật tử hiểu đạo chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng, với một sự việc không phải là điều vui trong cuộc sống, có một sự việc mà con người vốn tránh né nói tới thì đạo Phật lại nói tới một cách thật sảng khoái, hết sức rõ nét. Không phải nói đến như vậy để chúng ta bi quan, buồn bã mà nói đến để đánh động tỉnh thức trong người của chúng ta.

Quả thật đề tài tuổi già là đề tài lớn, lớn lắm trong tứ đế, trong giáo lý thập nhị nhân duyên, ở trong nhiều bài kinh khác nhau ví dụ như bài kinh Thiên Sứ, tuổi già cũng được xem là một vị Thiên Sứ mang thông điệp đến cho trần gian này. Nói chung chúng ta có thể đọc được nhiều giai thoại rất thú vị trong kinh Phật kể cả một giai thoại “Năm đó Đức Thế Tôn đang ở một thị trấn nhỏ tại nước Kosala, vua Ba-Tư-Nặc lúc bấy giờ tự nhiên khao khát mong muốn được gặp Đức Phật. Vua Ba-Tư-nặc đến gặp Đức Thế Tôn, để xe ngựa tận ngoài cửa và đi vào với đôi chân không của mình. Gặp Đức Phật vua quỳ xuống đãnh lễ, lấy trán của mình đụng vào bàn chân của Đức Phật. Đức Phật hỏi vua Ba-Tư-Nặc một câu nghe rất thấm thía, “ Này Đại vương tại sao Đại vương lại đem thân của một vì Quốc vương quỳ trước thân thể già nua này?” Vua Ba-Tư-Nặc đã nói lên những cảm khái của mình, tại sao thương và quý Đức Phật, trong đó có một câu rất thú vị, nhà vua nói rằng, “ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cũng 80 tuổi và con cũng 80 tuổi”. Ở một tuổi nào đó người ta i tìm những con người tri kỷ,  con người đồng điệu. Nhà vua ở ngôi vị Tôn chủ của thế gian, Đức Phật ở ngôi vị Tôn chủ của Chánh Pháp, một vị Pháp vương. Có lẽ nhà vua nghĩ rằng ngoài lòng cung kính còn một thứ giao tình, còn có một cái gì rất gần nhà vua tìm thấy nơi Đức Phật. Dĩ nhiên đây là sự cảm nhận rất phàm phu của một vị vua nhưng cũng là một giai thoại thú vị  về tuổi già.

Có vô số câu chuyện như vậy chúng ta có thể tìm thấy trong kinh và đặc biệt tại đây qua Phẩm Tuổi già chúng ta có một hình ảnh rõ nét về cái nhìn của Đạo Phật với một số hiện tượng thiên nhiên trực tiếp liên quan đến đời sống. Trong 11 bài kệ từ bài kệ 146 cho đến bài kệ 156 trong phẩm này chứa đựng hai bài kệ do chính kim khẩu Đức Phật thốt lên ngay sau khi Ngài thành đạo. Hai bài kệ quan trọng này là một trong nhựng bài kệ tìm thấy trong kho tàng Phật ngôn của Tam tạng Kinh điển Pali.

 

TT Trí Siêu :Câu kệ ngôn số146 trong Phẩm Già ( Jarā Vagga ) này, Đức Phật Ngài dạy một tư tưởng thiền quán hết sức đặc biệt, một sự gợi ý mà Đức Thế Tôn đã vì lợi ích cho chúng sanh, vì lợi lạc cho đời, cho Chư Thiên và nhân loại và cho những ai có tâm muốn tu tập để thoát khỏi trầm luân khổ đau này. Khi đọc bài kệ chúng  ta sẽ cảm nhận được một sự phấn khích, một sự sách tấn vô cùng quan trọng. Ở đây thưa quý vị, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, kẻ phàm phu gọi là Puthujjanā khi chưa giác ngộ được pháp của bậc Thánh, có đôi lúc chúng ta sinh hoạt thật là nông nổi và cái nhìn của Bậc Thánh, nhất là Đức Phật xem đó là một sự dễ duôi, một sự phóng túng. Mặc dù trong bài kệ này không có danh từ nào để chỉ cho sự già. Nhưng ở đây, từ trong ý nghĩa thâm sâu của bài kệ đã có nói lên sự già mà sau đây chúng tôi sẽ tuần tự trình bày.

Duyên khởi của bài kệ như chúng ta được biết. Bài kệ này được Đức Phật thuyết ở Jetavana Vihara, Kỳ Viên tịnh xá đề cập đến những người bạn của bà Visakha. Tương truyền rằng các bà bạn của bà Visakha, mặc dù thường đi chung với bà Visakha thành một nhóm phụ nữ. Những người chồng của họ rất kính nể bà Visakha, do vậy chỉ cho phép những người vợ của mình giao du và tháp tùng vầy đoàn với bà Visakha thôi. Nhưng vì bản chất của các bà này không phải là những người Phật tử thuần thành, không phải những người có ý thức cho nên các bà có sự dễ duôi. Một lần nọ các bà cùng với bà Visakha đi đến chùa để đãnh lễ Đức Phật và nghe Pháp. Những bà bạn của bà Visakha có mang theo một ít rượu, họ nghĩ rằng ở nhà bị những ông chồng rầy la và đánh đập nên họ không dám uống rượu, bây giờ họ được tự do nên họ tìm cách nhấm nháp một chút . Nhưng khi say rượu, họ không còn kềm chế, không còn tự chủ được hành động của mình. Họ đã múa tay múa chân ca hát cười nói huyên thuyên. Lúc đó Ác ma tìm cách nhập vào những người phụ nữ say khướt này, làm cho họ có những cử chỉ không được tốt đẹp trước mặt Đức Thế Tôn hầu để làm nhục Ngài. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét, thấy vậy mới phóng hào quang làm cho thế gian này sáng chói và ánh mặt trời tắt mất, khiến cho những người phụ nữ này cảm thấy hốt hoảng sợ hãi và tỉnh rượu, không còn say sưa nữa. Lúc đó Đức Thế Tôn mới thuyết lên bài kệ để giáo dục các bà. Đức Phật dạy rằng,
Ko nu hāso kimānando,
niccam. pajjalite sati.
andhakārena onaddhā,
padīpam. na gavesatha.

Cười gì hân hoan gì
Khi đời mãi bị thiêu
Bị tối tăm bao trùm
Sao không tìm ngọn đèn

Đối với những ai có tâm hồn viễn ly thoát tục, có chí nguyện tu tập để hướng đến sự thoát ly, hướng đến sự chấm dứt trầm luân sanh tử khổ thì những người đó khi đoc bài kệ này họ sẽ thấy được một ý nghĩa hết sức thâm trầm đặc biệt và chính đó là lời cảnh báo mà Đức Thế Tôn với trí tuệ siêu việt, Ngài đã trình bày để đánh thức chúng sanh. Bài kệ có giá trị là như vậy.

Có những khi chúng ta sống chúng ta gặp những cảnh thuận lòng khả ái khả lạc, chúng ta có được những hạnh phúc, có được những cuộc lễ vui vầy. Lúc bấy giờ những kẻ phàm phu chúng ta vui cười hân hoan, chúng ta không thể tự chủ được không thể kềm chế được. Chúng ta quên đi rằng cụôc đời mãi bị thiêu, bị tối tăm bao trùm, chúng ta quên điều đó. Sự thật đây là một điều mà kẻ phàm phu chúng ta đã dễ duôi, hết sức nguy hiểm. Ngay từ đầu chúng ta nói rằng trong bài kệ này có ý nghĩa liên quan đến sự già là như thế nào?
nicca.m pajjalite sati
Khi đời mãi bị thiêu
Thiêu ở đây là thiêu đốt ( Pajjalita). Sự thiêu đốt này chỉ cho sự thiêu đốt bởi 10 thứ lửa tức là :
-3 loại lửa phiền não là lửa tham lửa sân và lửa si,
-7 loại lửa khác tức là già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
 Trong đời sống của ta có hai sự khổ. Một người bị lửa đốt cháy thì họ bị nóng bức, bị đau khổ như thế nào thì chúng ta biết được cảm giác đó, cảm thọ đó. Nhưng ở đây chúng ta nên nhớ trong cuộc sống, chúng ta thường bị đốt bị thiêu, thường bị đau khổ bởi 10 thứ lửa này mà chúng ta có đôi lúc không hề hay biết. Lửa tham ragāggi, lửa sân dosaggi, lửa si mohaggi ba thứ lửa thuộc về phiền não. Ba thứ lửa này làm cho nội tâm bị nhiệt não và bị thiêu đốt, nó ảnh hưởng đến thân sắc pháp của chúng ta.

Khi còn là phàm phu, chúng ta còn bị tham sân si chi phối. Chúng ta hằng có sự đau khổ. Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta sân chúng ta mới khổ, chúng ta mới nóng nảy ngay cả khi khởi lên sự ái tham quyến luyến cũng hằng có sự khổ, hằng bị nhiệt não. Như chúng ta nghe những câu chuyện xa xưa đã kể lại hoặc những câu chuyện trong Phật giáo, những câu chuyện dân gian kể nhiều trường hợp con người bị lửa tham chi phối phải bị đau khổ gần như chết hoặc chết. Khi chúng ta luyến ái nặng, chính tâm luyến ái này làm cho tâm bị ràng buộc mới gọi là tham ái thân phược, giống như một vị vua tương tư nàng  Ummadantī mà phải sanh bệnh mất ăn mất ngủ. Sau đó có một quan đại thần hiểu được câu chuyện  lập một mưu kế để đánh thức lương tâm của vị vua đó không nên tương tư không chính đáng như vậy bởi vì nàng Ummadantī là vợ vị quan đại thần. Nàng rất đẹp đến độ các vị Bà-la-môn xem tướng, bị sắc đẹp cuốn hút lòng ái tham sanh khởi, họ quên phận sự phải làm và đánh mất tư cách. Họ ăn họ uống mà họ không biết rằng họ đang ăn đang uống. Họ gắp vật thực không để vào miệng mà để trên môi hoặc trên mũi v.v…Họ uống nước sặc sụa. Như vậy chúng ta thấy lòng tham ái đối với chúng sanh không phải là chuyện đơn giản.

Còn những chuyện phiền não khác như là một người bị chi phối bị quyến luyến bởi tài sản, của tiền, ruộng đất hay là con cái quyến thuộc. Chính sự quyến luyến đó làm cho đời sống của họ luôn luôn giống như bị thiêu đốt. Họ lo sợ cái này lo sợ cái kia. Bởi vậy cho nên ở đây lửa tham, lửa sân đều là khổ cả. Lửa si mê vô minh được xem như là ngọn lửa luôn luôn đi song song với lửa tham và lửa sân. Ở đây những ngọn lửa thuộc về danh pháp thuộc về tư tưởng. Còn những ngọn lửa như là sự già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não là những ngọn lửa căn bản trong đời sống hằng ngày của chúng ta . Trong cuộc đời này không bao giờ chúng ta sống được an lạc, hạnh phúc. Cho dù một người có được tài sản có được phước báu tuổi thọ. Họ có đủ sự vinh hoa phú quý, có đủ quyền thế trong cõi đời này, nhưng họ cũng không thoát khỏi ngọn lửa thiêu đốt, tức là tuổi già, sự bệnh hoạn, sự chết chóc. Trong đời sống không tránh khỏi sự sầu muộn, sự ưu bi sự nhiệt não hay là sự áo não.

 Đức Phật Ngài hỏi chúng sanh rằng :
“Cười gì hân hoan gì
Khi đời mãi bị thiêu…”
Bị thiêu ở đây chúng ta phải hiểu là mười ngọn lửa thiêu đốt hay nói một cách khác tự mỗi người chúng ta phải hỏi mình còn khổ, còn bị thiêu đốt bởi tham sân si hay không ? Khi tự hỏi như vậy và tự trắc nghiệm, chúng ta vẫn bị đau khổ bị thiêu đốt bởi tham sân si. Lúc đó chúng ta không thể cười được, không thể hân hoan được. Và nếu như một người nào khác họ tự hỏi chính mình, tự kiểm diểm lại chính đời sống này, mặc dầu mình sung sướng hạnh phúc bên vợ, bên chồng, bên con cái, tài sản nhưng mình có thoát được sự già, sự bệnh, sự chết hay không ? Thoát khỏi sự sầu, bi, khổ, ưu, não trong đời sống hằng ngày hay không?  “ Chưa thoát khỏi”. Khi trả lời được như vậy, chúng ta thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng. Hằng ngày chúng ta tu tập chúng ta phải tự hỏi lại như vậy.
 

Trong bài kệ này gọi là Già yếu trong phẩm Già, chúng ta thấy trong đời sống Đức Phật luôn luôn nhắc nhở ý thức cảnh báo cho chúng ta biết rằng các ngươi vẫn còn bị sự già, sự bệnh, sự chết, sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối và luôn luôn nội tâm của các ngươi còn bi chi phối bởi tham, bởi sân, bởi si. Đó là những ngọn lửa thiêu đốt.
Ở đây Đức Phật nêu ra một vấn đề khác để cảnh báo nhắc nhở đánh thức chúng ta :
Andhakārena onaddhā
padīpa.m na gavessatha

“Bị bao trùm trong bóng tối
Sao không tìm ngọn đèn”
Hai câu này có liên quan đến câu trước. Nó liên quan ở điểm là trong đời sống hằng ngày khi chúng ta ý thức được rằng mình bị tham sân si già chết sầu bi khổ  ưu não thiêu đốt, thì như vậy có gì mà vui có gì mà hân hoan. Khi mình ý thức được như vậy, chúng ta cần phải nhớ một điều mà Đức Thế Tôn đã dạy:
“Bị bóng tối bao trùm
Sao không tìm ngọn đèn”
 Chữ bóng tối ở đây (Andhakārena) là chỉ cho sự vô minh (avijjā). Vô minh có nghĩa là không hiểu biết những pháp đáng hiểu biết. Pháp đáng hiểu biết ở đây như là chúng ta không hiểu biết về chân lý khổ, chân lý nguyên nhân sanh khổ, chân lý diệt khổ và chân lý về con đường đưa đến diệt khổ.  Bất tri khổ, bất tri tập, bất tri diệt, bất tri đạo bất tri tương sinh, như vậy gọi là vô minh. Hay còn định nghĩa nói rằng, "Không hiểu được bốn đế, bốn sự thật như vậy là vô minh". Đời sống của chúng sanh khi bị vô minh bao trùm, thì bấy giờ chúng ta sẽ bị chi phối nhiều sự khổ đau, vô minh là gốc.

Bởi vậy có câu nói rằng:
“Chúng sanh già chết khổ sầu
Bởi nhân tứ lậu khởi đầu vô minh” .
 Tứ lậu ở đây là bốn pháp lậu hoặc dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu và vô minh lậu mà dẫn đầu là vô minh. Hễ khi nào bóng tối vô minh còn bao trùm, lúc bấy giờ chúng sanh không thoát khỏi cảnh luân hồi, không thoát khỏi sự kiềm toả của tham và sân. Ngày nào vô minh diệt thì tham, sân bị tắt mất, bị diệt và nếu như vô minh diệt tham ái không còn sân hận đã dập tắt thì không còn hiện hữu ở cõi đời này tức là không còn bị sự già, sự chết, chi phối, không còn sầu, bi, khổ, ưu, não nữa.

 Khi biết được đời sống của mình bị vô minh chi phối, bị bao trùm trong bóng tối, vô minh dầy đặc, chúng ta không dễ dàng phá vỡ màn  vô minh tăm tối đó . Trên thế gian này chỉ có một hạng người duy nhất có thể tự mình phá vỡ vô minh, đó là Đức Phật. Ngài đã từ bỏ hoàng thành để đi xuất gia, tầm chân lý. Trong sáu năm khổ hạnh Ngài đã đi tìm, thân cận với đạo sĩ này đạo sĩ kia, tìm con đường giải thoát, nhưng tất cả những họ cũng chỉ lập hạnh tu cao lắm là đắc thiền vô sắc giới. Ngài nhận thức được rằng đối với loại thiền này, cảnh giới này chỉ đưa đến cảnh giới Phạm Thiên là cùng. Nếu như vậy vẫn không thoát được cảnh sanh tử luân hồi . Tự Ngài tìm ra con đường trung đạo và khi ánh sáng chân lý đã xuất hiện thì vô minh tăm tối không còn nữa, Ngài trở thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.Vị duy nhất trên thế gian này tự mình phá vỡ màn vô minh đó.

Bây giờ chúng ta biết được Phật Pháp, có thể hiểu đựơc những pháp môn tu trì, chúng ta cần phải nổ lực, cần phải nhiệt tâm, cần cố gắng như Đức Phật Ngài đã dạy,
"akkhātāro Tathāgato tumhehi kiccam ātappam"

“ Các Đấng Như Lai chỉ là vị thuyết minh chỉ dạy. Còn sự nổ lực đòi hỏi ở chính các ngươi”
Ở đây Đức Phật đã gợi ý cho chúng ta, “ Biết bị bao trùm trong bóng tối sao chưa tìm ngọn đèn”. Chữ padīpa hay padīpa.m trong nghĩa ngọn đèn, ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ có thể phá vỡ được màn đêm vô minh, chính là tuệ quán thấu triệt được lý tam tướng vô thường- khổ- vô ngã của danh và sắc, để rồi thành tựu trí đạo( Magga Ñāna) và trí trong quả siêu thế gọi là (Phala Ñāna). Trí đạo là đoạn tuyệt tất cả các lậu hoặc, phiền não và những kiết sử như thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân, ái sắc ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Trí đạo trong bốn đạo tức là Tu-Đà-Hườn đạo, Tư-Đà-Hàm đạo, A-Na-Hàm đạo, A-La-Hán đạo. Trí trong tâm đạo được gọi tức là Khaye Ñāna trí đoạn diệt các phiền não lậu hoặc hay đoạn trừ các kiết sử Sa.myojana. Trí trong tâm quả tức là Anuppāde Ñāna trí vô sanh hay vô sanh trí . Trí tuệ này sanh khởi để làm cho những phiền não nào đã được tâm đạo đoạn trừ, những phiền não đó mất đi chủng tử không còn xuất hiện. không còn sanh khởi trong tương lai nữa. Chỉ có trí tuệ đạo quả mới có thể vẹt màn vô minh tăm tối, tuy nhiên ta cũng nên hiểu rằng nói là nói như thế, nhưng nếu nói rốt ráo phải là trí trong tâm tứ đạo, tứ quả tức là trong A-La-Hán đạo, A-La-Hán quả. Chỉ có trí tuệ đó, trí tuệ Bậc Thánh A-La-Hán mới vẹt được vô minh, phá tan được vô minh.

Mặc dầu nói như vậy không có nghĩa là ở đây Đức Phật Ngài dạy những điều chúng ta không thể thực hành. Không phải. Danh từ ngọn đèn được dùng trong câu này (padīpa.m na gavessatha), Đức Phật Ngài chỉ cho tất cả các loại trí. Trí nào làm cho thiện pháp tăng trưởng và bất thiện pháp bị suy giảm thì trí đó là trí chúng ta cần phải tu tập. Còn trí trong đạo, trong quả chúng tôi vừa trình bày, trí đó là trí thành tựu khi chúng ta tu hành viên mãn và đắc chứng. Trong đời sống hằng ngày, ngọn đèn trí tuệ ở đây là trí tuệ trong tâm đại thiện hay trí tuệ trong tâm thiện dục giới chúng ta cố gắng phát triển. Phát triển cả ba mặt trí văn, trí tư và trí tu.

-Nói trên phương diện trí văn Sutamayapaññā, người Phật tử không hiểu được pháp môn đó, chúng ta có thể học hỏi chư Tăng để nghe giảng và hiểu. Hoặc chúng ta ngồi với tâm an tịnh để thính pháp. Nhờ nghe pháp với sự nhiệt tâm hoan hỷ như vậy chúng ta được sự sáng suốt, hiểu biết thấu đáo. Chúng ta biết rành về những pháp môn tu tập như vậy là trí văn.

-Trí tư là như thế nào? Cintāmayapaññā Trí tư chỉ cho trí tuệ phát sanh do chúng ta suy luận hằng ngày. Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta những pháp môn trong đời sống hằng ngày chúng ta phải tự suy tư. Thí dụ như chúng ta phải suy xét, "ta có sự già không tránh khỏi sự già, ta phải bị bệng không thoát nổi sự bệnh, ta phải chết không thoát khỏi sự chết. ta phải xa lìa nhân vật thương yêu quý mến, ta có nghiệp riêng là của ta v.v…" Chúng ta suy xét những sự đó để phát sanh lên sự nhàm chán. Đây là trí tư. Chẳng hạn như chúng ta áp dụng hai câu trên của bài kệ, hằng ngày khi nhìn thấy những chúng sanh khác họ hoan hỷ họ cười đùa, có những hành vi lố bịch, chúng ta phải tự cảnh tỉnh mình, chúng ta phải tự suy xét khi đời mãi bị thiêu đốt bởi những phiền não và bị thiêu đốt bởi sự già bệnh chết, ,sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy có đáng gì để vui cười với thế gian, có đáng gì để ta hoan hỷ. Khi chúng ta suy xét như vậy, chúng ta phát sanh lên trí tuệ để chúng ta sợ hãi thế gian này. Đây cũng là cách chúng ta tìm ánh sáng với trí tư. Hay chúng ta thắp lên sự chán nản, trí tuệ nhàm chán với thân tứ đại này, thân luân hồi khổ đau này.

-Trên phương diện trí tu Bhāvanāmayapaññā. Nếu nói theo chi pháp một cách chính xác thì trí tu là trí tương ưng tâm thiền định hay tương ưng với tâm đạo tâm quả mới gọi là trí tu . Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được, thêm một điều rằng trí tu cũng có thể luyện tập được bằng cách sau khi chúng ta suy tư về cuộc đời này, thấy rõ bản chất của cuộc đời, chúng ta nhiệt tâm, chánh niệm và tỉnh giác với thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, pháp quán niệm xứ. Chúng ta chánh niệm và tỉnh giác để chúng ta thấy rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của danh và sắc . Trí phát sanh bằng tuệ quán như vậy cũng có thể gọi là trí tu.

Ba loại trí chúng tôi vừa trình bày xem như là ngọn đèn để chúng ta thắp lên mà đi. Mặc dầu trong đêm tối chưa có thể có được ánh mặt trời để xua tan bóng tối nhưng chúng ta có ba ngọn đèn hay ba cây đuốc nho nhỏ này cũng có đủ ánh sáng soi đường đi mà không bị lầm đường lạc lối. Cũng vậy trong đời sống tu tập của chúng ta mặc dầu chúng ta chưa được ánh sáng trí tuệ đạo quả nhưng chúng ta có được ba loại trí văn, trí tư, trí tu. T ương đối trong đời sống hằng ngày chúng ta có thể chánh niệm tỉnh giác có thể tự chủ, vậy thì ta hãy cố gắng tu tập và đi tìm ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự thắp đuốc mà đi, điều đó chúng ta cũng đã biết. Vì đối với Phật giáo sự tu tập không nhờ cậy vào một tha lực khác. Chúng ta không ngồi lại chỉ nguyện suông, mà phải ý thức được bản chất của cuộc đời như thế nào, khổ đau là như thế nào. Khi đã nhàm chán chúng ta bắt đầu tìm ngọn đèn và ngọn đèn trí tuệ đó chỉ có trong nội tâm của chúng ta thôi . Chúng ta hãy cố gắng tu tập như vậy. Chính sự tu tập (sati sampajānna) chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày được xem như là loại trí tuệ đặc biệt, nó sẽ giúp chúng ta có thể có đủ mãnh lực để xua tan bóng tối được.

Tuy nhiên có những người chưa có nhân duyên để thành tựu tuệ quán Vipassana, thì bây giờ chúng ta hãy cố gắng có được trí văn và trí tư. Trí văn là chúng ta hiểu Phật Pháp bằng cách chúng ta nghe pháp, học pháp. Trí tư là hằng ngày chúng ta phải thẩm nghiệm thấy mình đau khổ, bệnh hoạn, có tóc bạc, da nhăn hay có những bệnh như bệnh gan bệnh tim, bệnh phong thấp, bệnh phong hàn v.v Chúng ta phải tự cảnh tỉnh rằng có thân này đây phải chịu sự khổ như thế. Hoặc giả khi chúng ta thấy người khác đau khổ, thấy người khác rơi vào tinh trạng thống thiết chúng ta cũng suy xét bản chất thế gian đau khổ là như vậy, luân hồi sanh tử là như vậy. Đó là những trường hợp chúng ta cần suy xét trong đời sống hằng ngày..
Tóm lại bài kệ pháp cú 146 không phải là bài kệ nói về lý thuyết suông, mà có giá trị trong việc tu tập, là bài kệ được đặt ở đầu phẩm Jarā Vagga,  mang tính cách như là một lời cảnh báo mà Đức Thế Tôn nhắn nhủ, đã gởi đến cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể tự mình tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo trình độ tu tập, cố gắng để vươn lên. Bài kệ này đã được thi hoá như sau:

“Vui cười thích thú lẽ nào
Khi đời mãi bị phủ bao lửa hồng
Trong đêm tối có hay không
Sao chưa tìm ánh sáng hồng thoát ly”

Chúng tôi xin kết thúc bài giảng tại đây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật





Trinh Bay:Minh Hạnh, Thiện Phap,Chanh Hanh

Trở về Trang chinh

Phẩm Song Yếu